Nhật ký cuộc chiến cuối cùng: Lương tri cất tiếng

17/03/2021 - 22:52

PNO - Đêm hôm đó, tôi nhớ đến câu ca dao: "Nực cười châu chấu đá xe/ Ngỡ rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng".

"Tôi tạm chia cuộc đấu tranh của mình làm hai giai đoạn trước và sau 25/1/2021".

Trước 25/1/2021

Chúng tôi, Trần Tố Nga, luật sư William Bourdon, nhà văn Andre Bouny bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến này đã hơn 10 năm, từ 2009 khi lần đầu gặp nhau tại Tòa án Lương tâm Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, lúc tôi làm chứng với tư cách là nạn nhân da cam. Thực chất lúc ấy, tôi đơn giản chỉ muốn tận dụng việc có mặt tại Paris để nói thay cho những người đã hy sinh và những nạn nhân không thể đến Pháp tham dự phiên tòa, không nghĩ rằng đó là bắt đầu cho cuộc chiến đấu cuối cùng của cuộc đời mình.

Tại đây, tôi gặp Andre Bouny và luật sư William Bourdon và hai người hỏi tôi có muốn kiện các công ty sản xuất chất độc da cam Mỹ hay không. Câu trả lời đầu tiên của tôi đương nhiên là “không” vì đã từng này tuổi rồi, tôi còn gì tiếc với đời mà kiện với tụng, nhất là khi với những khả năng nhỏ nhoi của mình, mấy mươi năm qua tôi vẫn âm thầm làm những việc có ích với đời và với người khổ hơn mình.

Sau nhiều trao đổi, giải thích của hai người kể trên và bác luật sư Lê Văn Đạt của VAVA, tôi đồng ý đứng đơn kiện vì hiểu rằng tôi là người duy nhất hội đủ điều kiện để kiện các công ty hóa chất Mỹ đã từng sản xuất chất khai quang cho quân đội Mỹ rải xuống lãnh thổ Việt Nam, tạo nên thảm cảnh cho môi trường, con người và đời sống của nhân dân Việt Nam cho dù hơn 50 năm đã qua sau chiến tranh. Không kiện, thảm họa da cam có thể sẽ bị vùi trong im lặng lâu hơn nữa.

Suy nghĩ của tôi rất đơn giản: nếu vì 4 triệu nạn nhân, thì tôi kiện. Chúng tôi từ chối khả năng của một cuộc thương lượng ngoài tòa, vì mục đích chính không phải là tiền đền bù. Luật sư William Bourdon có cảnh báo rằng sẽ lâu và khó, nhưng lâu như thế nào, khó ra sao thì tôi không hình dung được.

Bà Trần Tố Nga. Ảnh: AP
Bà Trần Tố Nga - Ảnh: AP

Ngỡ rằng tôi sẽ được sự đồng tình trước tiên là từ trong nước, nhưng không ngờ, tôi vấp trước tiên với những suy nghĩ không biết nên vui hay buồn. Người thương thì khuyên tôi đừng kiện vì tôi cô đơn quá nơi xứ người, người ghét thì cho là tôi ham tiền, muốn làm nổi mình, ác hơn thì cho là tôi đã phản bội đất nước khi nhận một quốc tịch khác, người bên này thì đặt câu hỏi phải chăng tôi chỉ là “Việt cộng” trá hình. Khốn một nỗi, không có cái quốc tịch khác ấy thì làm sao mà kiện được. Hóa ra, muốn sống tốt cũng không dễ chút nào, dù cả đời tôi đã chịu không ít thị phi và oan khiên.

Hai năm trôi qua, những hiểu lầm cũng theo thời gian mà vơi đi.

Năm 2011, tôi được VAVA giới thiệu với phòng thí nghiệm EUROFINS ở Đức để truy tầm dioxine. Một hũ máu được gửi đi, gần ba tháng sau, kết quả được gửi về, nồng độ dioxine trong máu của tôi cao hơn so với các chuẩn của người châu Âu, càng cao hơn so với chuẩn châu Á .Tôi vui mừng vì vụ kiện có thể bắt đầu.

Nhưng rồi cũng không dễ như tôi tưởng tượng. Sau khi có các phân tích của các giáo sư chuyên ngành về chất độc, về huyết học và các nghiên cứu về di chứng của chất độc da cam lên người thì tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy gửi điều khoản trong bộ luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế. Phải đến ba năm sau, khi François Hollande làm tổng thống, dự luật ấy mới lại được thượng nghị viện thông qua, mở đường cho vụ kiện và các luật sư thảo đơn kiện.

Năm 2014, khi luật pháp cho phép rồi thì chúng tôi không có tiền cho chi phí, bởi hồ sơ phải dịch qua tiếng Anh do một phiên dịch quốc tế hữu thệ, mà chi phí dịch phải tính theo từng chữ. Đơn kiện của tôi gồm 30 trang, cần có ít nhất 36.000 euros (khoảng 972.000.000 VND), mà lúc ấy chúng tôi không có một đồng nào. Trong một buổi chiếu phim tài liệu về chất độc da cam, chúng tôi công bố chính thức trước hơn 20 người về vụ kiện mang tên Trần Tố Nga dù không ai biết tôi là ai. Một tuần lễ sau, các bạn đã gởi giúp 16.000 euros - một số tiền không hề nhỏ mà quí giá biết bao khi mỗi người góp từng đồng của mình cho một công trình chưa biết kết quả ra sao, ủng hộ một người mà họ không hề quen biết. Số tiền còn lại do Việt Nam ủng hộ thông qua VAVA - Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Lần đầu tiên, tôi nhận ra tính nhân văn, lòng yêu công lý và tình yêu của mọi người đối với Việt Nam. Cũng lần đầu tiên tôi vui khi thấy một số người lúc ban đầu có phản ứng rất mạnh vì nghĩ tôi là “tay sai” của chính phủ Việt Nam đã hòa vào với cuộc đấu tranh này và luôn sát cánh bên tôi từ hơn 6 năm nay, cho tôi hiểu rằng dân tộc có thể hòa hợp khi cùng chung mục đích vì con người.

Ngày 14 tháng 5 năm 2015, trước đúng một ngày hết thời hiệu để kiện, Tòa Đại hình Evry vùng Essonne chấp nhận đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã từng cung cấp chất khai hoang cho chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đơn kiện được gửi đi và tôi lại mỏi mòn chờ đợi.

Gần một năm sau, tháng 4/2016, tòa triệu tập phiên thủ tục đầu tiên, cũng là lần đầu tôi biết được là có 19 công ty trình tòa trong số 26 công ty tôi gửi đơn kiện, đứng đầu danh sách là Monsanto và Dow Chemical - hai tập đoàn được gọi là hai tên khổng lồ trong ngành hóa chất thế giới. Đêm đó, tôi không ngủ được, hình dung rõ hơn bộ mặt của kẻ đối đầu, hiểu rõ hơn bản chất của việc mình làm là mở một cuộc chiến chống Mỹ thông qua một hình thức khác không kém phức tạp và gian nan - cuộc đấu tranh chính trị và pháp lý trong điều kiện hòa bình để vạch trần một tội ác không dễ gì vạch trần khi nghĩ đến tương quan lực lượng. Đêm hôm đó, tôi nhớ đến câu ca dao: "Nực cười châu chấu đá xe/ Ngỡ rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng". Ở bên Pháp, các bạn hay ví đây là cuộc chiến đấu của người tí hon David với tên khổng lồ Goliath!

Tôi chỉ có một mình, ngơ ngác trước những diễn tiến pháp lý, trước những phiên tòa thủ tục luôn bị đối phương tạo những biến cố để kéo dài thời gian, có lẽ hy vọng tôi chết trước khi vụ kiện kết thúc, với tất cả những chứng bệnh tôi đang mang, với tuổi đời chồng chất theo năm tháng. Tuy nhiên, với thời gian, dù vẫn không hình dung được điểm kết thúc, tôi ngày càng được bạn bè, công chúng và các tổ chức phi chính phủ ủng hộ, trợ giúp và tôi cũng nhận chân ra rằng nhiệm vụ của tôi, với sự giúp đỡ của các tổ chức, nhất là Hội hữu nghị Pháp - Việt, là làm sống lại thảm họa da cam và nói cho cả thế giới biết về nỗi thống khổ của nạn nhân da cam - “những người khổ nhất trong những người khổ".

Nếu nghĩ rằng thắng lợi của vụ kiện là tôi được bồi thường một số tiền thì hẵn tôi không đủ nghị lực và đủ gan đi tới bởi tôi càng ngày càng hiểu rằng tôi thực sự đang ở trong một trận chiến không cân sức về mọi mặt. Từ một số bạn yêu công lý ủng hộ, một ủy ban ủng hộ vụ kiện của TTN được thành lập, đến nay đã tập hợp gần 20 hội đoàn luôn sát cánh với tôi trong mọi lúc, mọi diễn biến của từng phiên tòa.

Và trong 6 năm qua, với sứ mạng làm cái gạch nối, tôi đã đi gần hết nước Pháp, đi Đức, Canada, Thụy Sĩ, Bỉ, Luxembourg, tùy từng hoàn cảnh mà nói về tội ác chiến tranh hóa học, về thảm họa da cam, về những gì dân tộc Việt Nam đã gánh chịu trong các cuộc chiến. Có khi đi cả ngàn kilomet chỉ để gặp 20 người, tôi vẫn vui, vẫn nói say sưa khi nhìn những giọt nước mắt xúc động của những người có mặt. Rất nhiều người khi đến họp chưa hề nghe nói đến chất độc da cam.

Đến hôm nay, khi các bạn trẻ nhập vào cuộc chiến đấu, mang đến không chỉ nhiệt tình tuổi trẻ mà cả những hiểu biết về kỹ năng và kỹ thuật truyền thông mới thì vụ kiện của TTN đã vượt rất xa lãnh thổ nước Pháp với những cuộc hội thảo có cả chục ngàn người tham gia và theo dõi, với những chương trình truyền thông liên tục trong tám giờ, trong 36 giờ ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam dù COVID-19 đang làm mưa làm gió khắp nơi.

Trong sáu năm, cuộc chiến của một người đã trở thành của tất cả, của xã hội. Trong sáu năm, từ chỗ không ai biết chất dộc da cam là gì, hôm nay cả thế giới lên án tội ác chiến tranh hóa học lớn nhất do Mỹ gây ra ở Việt Nam và hiện nay đang tiếp tục gây thương tâm, chết chóc trên khắp thế giới với những chất độc mà chất độc da cam là nguồn gốc đầu tiên.

Trong sáu năm, chúng ta đã đi một bước rất dài để cho hôm nay, tôi có thể vui sướng mà nói rằng TTN không đơn độc, để có thể đón nhận hạnh phúc lớn lao khi trong phiên tòa tranh tụng, tôi được tình thương bao bọc bởi những người yêu công lý và yêu Việt Nam.

Sau 25/1/2021

Sau phiên tòa tranh tụng, cuộc chiến đã rõ, lần đầu tiên các đối phương biết mặt nhau.

Bắt đầu từ đây, tiếng nói của cộng đồng, của xã hội sẽ có sức mạnh lan tỏa, ủng hộ và thúc đẩy kết luận cuối cùng. Dù sẽ còn kéo dài trong mấy năm nữa do sẽ có kháng án từ bên này hay bên kia, nhưng nếu ngày 10 tháng 5, phán quyết thuận lợi thì xem như công lý và chính nghĩa đã thắng hung tàn.

Vì lẽ đó, xin mọi người hãy lên tiếng!

Ngày 8 tháng 3 năm 2021

Trần Tố Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI