Nhấn nút, hứng gạo giữa mùa dịch COVID-19

07/04/2020 - 16:16

PNO - Thùng 'ATM gạo' được triển khai như một dự án nhân ái nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong mùa dịch COVID-19.

Hai hôm nay, khi lưu thông trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú nhiều người không khỏi ngạc nhiên với một thùng ATM khá lạ - ATM gạo. Nguyên tắc hoạt động của thùng ATM là khi khách 'giao dịch', thay vì ra tiền thì gạo sẽ chảy xuống bao ni lông (được để sẵn). Mỗi lần như thế, lượng gạo chảy ra khoảng 1,5-2 kg. Thùng tự vận hành và cung cấp gạo miễn phí cho mọi người.

Thùng ATM gạo tại đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TPHCM.
Thùng ATM gạo tại đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TPHCM.
dsfdtwe
Để tránh lây nhiễm cộng đồng, các vạch đứng chờ được vẽ khá xa nhau. Mỗi lần, chỉ một người được phép 'giao dịch'.
Khách 'giao dịch' bằng cách nhấn nút, gạo sẽ chảy vào túi ni lông ở cuối ống.
Khách 'giao dịch' bằng cách nhấn nút, gạo sẽ chảy vào túi ni lông ở cuối ống.
Những hạt gạo nhân ái làm ấm lòng những người gặp khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Những hạt gạo nhân ái làm ấm lòng mọi người trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Sau khi 'nhận' phần gạo của mình, ông Ba Nhẫn, 65 tuổi, nhà ở quận Tân Bình bộc bạch: 'Sáng nay, tôi nghe một người cùng xóm trọ nhắc về thùng gạo kỳ lạ ở đây. Tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì có thể ra xin gạo về nấu cơm, lo là nghe mình phải bấm nút, gạo mới chảy ra. Tôi lớn tuổi, nghe đến máy móc vừa sợ vừa ngại, lỡ mình bấm lung tung, hư máy thì gây khó cho người phát gạo lẫn người muốn nhận gạo. Không ngờ thao tác đơn giản, gạo trắng tinh'.

Thùng ATM gạo gồm một bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà và hệ thống ống dẫn. "Trụ máy" đặt trên vỉa hè kết nối với một nút ấn thông minh, khi người dân ấn vào gạo sẽ chảy ra. Lượng gạo "rút" ra mỗi lần khoảng 1,5-2kg. Quy chế phát gạo được vận hành bằng một phần mềm có gắn camera, nhân viên ngồi trong phòng sẽ nhấn 'có' hay 'không' cho gạo chảy ra khi có người nhấn nút. Mỗi người chỉ được nhận một lần gạo một ngày và gạo chỉ dành cho những người khó khăn. Những người khá giả dù có tiến đến thùng để 'giao dịch' thường phải ra về tay không (vì nhân viên vận hành sẽ không cho phép).

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hầu hết người đến nhận gạo đều là công nhân, bảo vệ hay bán vé số... Mỗi người im lặng đứng ở vạch chờ đến lượt, nhận gạo rồi ra về, không có người quay ngược lại, xếp hàng nhận gạo lần thứ 2, thứ 3. Như ông Ba Nhẫn, khi được hỏi ngày mai có trở lại 'xin' gạo nữa không? Ông từ tốn: 'tôi một thân một mình, tầm này gạo, ăn mấy ngày mới hết. Khi đó lại ra 'xin' thêm. Dành phần cho người khác'.

Clip quy trình xếp hàng và 'giao dịch' tại thùng ATM gạo: 

Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty Vũ Trụ Xanh, người phát triển ý tưởng thùng ATM gạo chia sẻ, trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, có rất nhiều người, nhiều đơn vị thực hiện công tác hỗ trợ người gặp khó khăn, anh cũng muốn góp một tay nhưng e ngại việc tập trung đông người hay đến từng nhà sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng nên đã phát triển ra thùng gạo này.

Theo anh, mỗi bồn gạo chứa khoảng 500 kg. Máy phát gạo hoạt động 24/24. Khi nào hết gạo trong thùng, sẽ có người mang gạo đến châm thêm.  

Anh cho biết với mong muốn có đủ tài lực, gạo để có thể lắp đặt thật nhiều điểm phát gạo như thế này, hỗ trợ thật nhiều trường hợp khó khăn trong thời điểm bệnh COVID-19 đang hoành hành. Đáp lại sự kêu gọi của anh có rất nhiều doanh nghiệp, bạn bè anh đã gửi gạo, vật dụng như ống dẫn, thùng (bồn) để đựng gạo. 'Mục tiêu là 30 điểm phát và khoảng 100.000 kg gạo'.

Huỳnh Hằng

Ảnh+ Video: Tuấn Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI