Tấm lòng của những người lính mang quân hàm xanh - Bài 1

Nhận nuôi 9 đứa con của người giữ mốc chủ quyền

31/10/2022 - 06:29

PNO - Khi triển khai chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” để giúp đỡ trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đề ra chỉ tiêu mỗi đơn vị nhận nuôi 2-3 cháu tại đồn. Thế nhưng, đồn biên phòng A Vao (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã cùng lúc nhận nuôi 9 đứa trẻ từ khi chương trình chưa phát động.

Sau 6 năm kể từ khi Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động chương trình “Nâng bước em đến trường”, đã có hơn 5.000 học sinh được bộ đội biên phòng chăm lo việc học. Bên cạnh đó, sau 3 năm thực hiện chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, các đồn đã nhận nuôi, dạy hơn 270 cháu.

Bù đắp cho gia đình giữ cột mốc quốc gia

Ông Kôn Nức - Trưởng bản Kỳ Nơi của xã biên giới A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - nói, gia đình Kôn Nô là trường hợp đặc biệt vì có tới mười mấy đứa con, sống tách biệt hẳn với các bản biên giới Kỳ Nơi, Pa Ling, A Sau. 

Kôn Nô (sinh năm 1974) có tên khai sinh là Hồ Văn Súc, là con của ông Vỗ Nô. Nhà Kôn Nô ở xa các hộ trong bản nhưng lại rất gần 3 cột mốc biên giới 624, 625, 626 trên tuyến biên giới Việt - Lào. Khi ông Vỗ Nô qua đời, Kôn Nô đã tự nguyện thay cha bảo vệ cột mốc biên cương.

Đàn con của Kôn Nô nhận quần áo, cặp mới từ các cha nuôi là cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng
Đàn con của Kôn Nô nhận quần áo, cặp mới từ các cha nuôi là cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng

Trước đây, gần nhà Kôn Nô cũng có nhiều hộ người dân tộc Pa Kô, nhưng đường sá hiểm trở nên bà con chuyển dần xuống thung lũng Pa Ling, chỉ gia đình ông Vỗ Nô, Kôn Nô ở lại. Ông Kôn Nức nói tiếng phổ thông chầm chậm khiến hồi ức về cha con ông Kôn Nô thêm dài, như chặng đường từ trung tâm A Vao lên cột mốc. 

Ông kể: “Cha con hắn tự nguyện tới lui trông nom, bảo vệ 3 cột mốc. Hồi xưa, ông Vỗ Nô được bộ đội biên phòng tặng kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” mà. Bốn năm trước, ông Vỗ Nô qua đời, Kôn Nô thay cha coi cột mốc. Bữa mô đi mần về, vợ chồng hắn cũng ghé qua cột mốc. Cỏ mọc cao cao chút là hắn đem dao phát cho sạch sẽ”.

Kôn Nô chưa bao giờ quên lời cha dặn trước lúc qua đời: “Con thấy bộ đội thương nhà mình, thương người Pa Kô mình thế nào phải không? Cha chết đi, con phải thay cha trả ơn bộ đội. Mình nghèo không có chi thì mình bảo vệ thật tốt cột mốc biên cương”. 

Năm 2018, Ngô Đức Tuyến - khi đó là thượng tá, Đồn trưởng đồn biên phòng A Vao - đi tuần tra biên giới theo lịch mỗi tháng một lần. Mỗi khi đi tuần, tổ tuần tra thường nghỉ chân ở nhà ông Vỗ Nô. Hôm đó, vợ chồng Kôn Nô đi rừng, ở nhà chỉ có đàn con lít nhít. Các anh mang gạo, mì tôm tặng gia đình và mượn xoong nồi để nấu bữa trưa như thường lệ. Nồi mì tôm vừa rời bếp, cả chục đứa trẻ đã vây quanh. Bọn trẻ không nói được tiếng Việt phổ thông. Những gương mặt lấm lem, những đôi mắt to tròn lom lom về phía nồi mì nghi ngút khói. Nhìn cảnh ấy, các anh đành nhường bữa trưa cho bọn trẻ.

Thương những đứa trẻ lớn lên như khoai sắn, cảm tấm lòng trong như nước suối, đơn sơ như cây rừng của cha con Kôn Nô (con trai Kôn Nô mới hơn 10 tuổi, đã biết dẫn đường cho bộ đội đi tuần) dành cho cương thổ quốc gia, cán bộ đồn biên phòng A Vao đã mở cuộc họp đặc biệt để bàn việc đưa đàn con của Kôn Nô về sống với cộng đồng, đến trường học chữ. 

Khi đó, A Vao là đồn biên phòng nghèo nhất tỉnh, nhưng thượng tá Ngô Đức Tuyến dứt khoát: “Đó là thân phận của cả chục con người. Là đồn trưởng, tôi xin chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Nhưng nếu không có được sự nhất trí, đồng lòng của tất cả anh em thì không thể làm được”.

Dạy từng câu, từng lời

Anh Ngô Đức Tuyến - nay đã lên hàm đại tá - vẫn nhớ rõ, khi đó, anh vừa làm báo cáo xin ý kiến cấp trên, vừa vào gặp Bí thư Đảng ủy xã A Vao, gặp thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS A Vao đề xuất cùng hỗ trợ các con nhà Kôn Nô. 

Đề xuất này được cấp trên, chính quyền xã và nhà trường ủng hộ ngay. Thế là đồn rộn ràng đóng giường, sắm sửa chăn màn, đồ dùng cá nhân cho “các con”. Ở sát trạm quân dân y xã, có một ngôi nhà gỗ từng là lớp học của Trường tiểu học A Vao. Đồn liền xin sửa ngôi nhà này lại để làm nơi ăn, chốn ở cho đám trẻ.

Sắp xếp xong, 6 chiến sĩ của đồn vượt đường rừng, đến nhà Kôn Nô nói chuyện. Kôn Nô gãi đầu gãi tai, bảo hỏi bọn trẻ. Cả đàn con không biết tiếng Việt, nghe các chú bộ đội nói tiếng Pa Kô, liền tranh nhau theo các chú về đồn. Trong đám trẻ nhà Kôn Nô, có 8 đứa trong lứa tuổi từ mẫu giáo đến THCS. Cô chị cả Hồ Thị Niêu năm đó 16 tuổi, xin đi theo để phụ các chú chăm đàn em lít nhít. Sáu đứa bé nhong nhong trên lưng các chú bộ đội biên phòng, 3 đứa lớn hơn thoăn thoắt đi theo.

Chín đứa trẻ chưa từng tiếp xúc với ai ngoài cha mẹ mình và các chú bộ đội biên phòng. Chúng lớn lên như khoai sắn trên nương. Mâm cơm vừa dọn lên, các cha nuôi chưa kịp lấy chén đũa, quay vào đã thấy 9 đứa bốc ăn. Các chiến sĩ phải xếp chỗ cho 9 đứa ngồi ngay ngắn quanh mâm cơm, hướng dẫn cách dùng đũa, muỗng. Tối tối, các “bố” giới thiệu bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, dép. Mất cả tháng hướng dẫn, chúng mới tự vệ sinh cá nhân đúng nơi, đúng chốn. 

Nửa đêm kiểm tra, thấy có giường trống, các “bố” tìm quanh nhà không thấy người đâu, rọi đèn pin xuống gầm giường thì thấy bọn trẻ quấn chăn, đứa nọ rúc nách đứa kia ngủ ngon lành như ổ chó con. Hỏi sao lại chui xuống đây ngủ, chúng bảo chưa bao giờ nằm giường nên không quen. Nhìn vậy, nghe vậy, các “bố” phì cười, lại càng thương.

Về huyện học nội trú, khóc nhớ các cha nuôi

Đồn A Vao có thượng úy Hồ Văn Hùng là người Vân Kiều, thông thạo tiếng Pa Kô, là thành viên của đội vận động quần chúng. Thượng úy Hùng được cắt cử chăm sóc bọn trẻ, lo từ cơm nước đến chuyện học hành. Ngôi nhà gỗ nằm trong khuôn viên trạm quân dân y xã nên lúc nào thượng úy Hùng cũng có 2 đồng đội sẵn sàng trợ giúp. 

Các con của Kôn Nô trong những ngày đầu về làm con nuôi đồn biên phòng. Bọn trẻ gọi thượng úy Hồ Văn Hùng là “bố Hùng”
Các con của Kôn Nô trong những ngày đầu về làm con nuôi đồn biên phòng. Bọn trẻ gọi thượng úy Hồ Văn Hùng là “bố Hùng”

Anh Hùng kể: “Lúc mới xuống đây, các cháu lạ chỗ, nhớ nhà nên hay khóc đòi về. Anh em vừa thay nhau dỗ dành, vừa hướng dẫn bọn trẻ cuốc đất trồng rau. Dần dần, các cháu nguôi nhớ nhà, quấn đồn lắm. Chín đứa sinh hoạt theo giờ giấc của đồn, nội quy, kỷ luật rõ ràng. Đứa nào vi phạm, mức phạt nặng nhất là rời đồn, về nhà. Các chú nghiêm khắc, đưa về thật. Nhưng được nửa đường, đứa nào đứa nấy khóc mếu xin lỗi, hứa sẽ chăm ngoan, vâng lời”.

Đàn con nuôi của đồn A Vao lớn dần bên sự sát sao của những người cha đặc biệt. Chị cả Hồ Thị Niêu đã xây dựng gia đình. Các em đều tự lập, tự bảo ban nhau. Cứ 11g trưa là bọn trẻ ùa về căn nhà gỗ, nhanh nhẹn treo cặp xách lên vách tường, rửa chân tay rồi ngồi gọn gàng quanh chiếc bàn tròn. Đại úy Nguyễn Văn Chinh nhấc nồi cơm chín tới, đơm từng bát cho bọn trẻ. Chúng đồng thanh: “Con mời các chú ăn cơm”. Anh Chinh lặng lẽ đứng phía sau, thỉnh thoảng nhắc: “Lương xúc cơm gọn gàng vào”, “Noan ăn cả cơm với thức ăn nhé”.

Năm nay, Hồ Thị Nứt, Hồ Thị Nấp không ở đồn cùng các anh chị em nữa. Hai thiếu nữ 15, 16 tuổi này được lên lớp Sáu nên chuyển về học bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Vao, cách đồn 20km. Trước khai giảng, đại úy Nguyễn Văn Chinh dẫn bọn trẻ xuống chợ mua sắm quần áo, giày dép, cặp mới. Các anh đã tổ chức một bữa thịnh soạn vừa mừng lễ Quốc khánh, vừa liên hoan cho Nứt, Nấp. Hôm đưa hai chị em xuống trường, lúc thiếu tá, đồn trưởng Trần Thái Sơn vừa quay đi, Nứt và Nấp đã túm áo anh nức nở. Anh Sơn hẹn: “Ngày khai giảng, chú Chinh sẽ ra thăm. Hai đứa ở lại học tốt, cuối tuần là các chú ra đón về mà”.

Lần đầu tiên có con học tới lớp Sáu, Kôn Nô mừng lắm: “Nứt, Nấp mà không được về làm con nuôi các chú, có khi bây giờ mình đã cho đi lấy chồng rồi. Lần nào xuống thăm con, mình cũng dặn các con phải cố gắng học để không phụ công lao chăm sóc, dạy dỗ của chú Hùng, chú Chinh, chú Tuyến, chú Sơn… Các con học tốt cũng là cách để nhà mình trả ơn các chú bộ đội biên phòng”. 

Bích Ngọc - Vi Văn

 

Kỳ tới: Đường vào đại học của nữ sinh người Rục 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI