Nhạc phim Việt: Không còn là “vai phụ”

15/11/2020 - 06:52

PNO - “Trái tim quái vật” có phần kết phim tròn trịa hơn nhờ vào ca khúc “Nếu được gặp lại nhau” do ca sĩ Lân Nhã thể hiện. Thành công này tiếp tục minh chứng cho hiệu quả từ việc đầu tư mạnh cho nhạc phim của các nhà sản xuất.

Khi vụ án mạng bí ẩn trong chung cư lộ diện kẻ sát nhân, đúng lúc cảm xúc của người xem vẫn còn lơ lửng, ca khúc Nếu được gặp lại nhau (sáng tác: Kai Đinh) qua giọng ca của Lân Nhã vang lên, đưa phim Trái tim quái vật về một kết cục tương đối ổn. Ca khúc nhạc phim này trở thành một điểm sáng trong tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp.

Chất lượng của phim Trái tim quái vật hẳn vẫn còn nhiều điều đáng bàn, đặc biệt về yếu tố trinh sát, điều tra vụ án. Tuy nhiên, về phần nhạc phim, bao gồm nhạc nền và ca khúc chủ đề, đã được làm khá tốt.   

Trailer phim Trái tim quái vật:

 

“Bản thân tôi và ê-kíp cũng rất vui và bất ngờ vì nhận được những phản hồi tích cực của khán giả về ca khúc này. Có người nói sắc giọng trầm, nam tính và cách hát thong thả của Lân Nhã đã giúp tăng độ ma mị và xúc động vào cuối phim. Những nhận xét đó chứng minh giá trị lao động của chúng tôi trong những ngày thức đêm thức hôm làm nhạc được nhìn nhận”, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ.

Nếu các phim điều tra, trinh thám có yếu tố giật gân, kinh dị thường lạm dụng âm nhạc để tăng sự sợ hãi thì trong Trái phim quái vật, ê-kíp sử dụng nhạc nền vừa phải. Nhạc xuất hiện đúng thời điểm với từng hình ảnh, khoảnh khắc, giúp tăng cảm xúc người xem.

Trong phim, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp dành lời khen ngợi cho đóng góp của Hoàng Thùy Linh (vai Khánh) khi cô góp ý rằng nên có thêm những đoạn hát ru và chính hai đoạn hát ru của nhân vật Khánh (sau khi được chỉnh âm) phủ lên phim một luồng không khí nặng nề, ám ảnh hơn. Phần âm nhạc trong Trái tim quái vật do Nguyễn Hoàng Anh, từng thực hiện nhạc phim Hai Phượng đảm nhận.

Thời gian gần đây, ngoài Trái tim quái vật, nhiều phim Việt khác cũng có phần nhạc phim khá ấn tượng. Trong đó, ca khúc Chạy trong phim Ròm do rapper Wowy thể hiện được khán giả trẻ yêu thích, đặc biệt trong thời điểm nhạc rap đang lên ngôi.

Ca khúc Chạy trong phim Ròm:

 

Cùng với Ròm, phim Tiệc trăng máu cũng có phần âm nhạc được đầu tư chỉn chu, do nhà soạn nhạc trẻ Trần Hữu Tuấn Bách thực hiện. Tuấn Bách từng đảm nhận sản xuất âm nhạc cho nhiều phim Việt như Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Anh trai yêu quái, Bằng chứng vô hình, và sắp đến là Em và Trịnh

Trong Tiệc trăng máu, toàn bộ phần nhạc nền trong phim xuất hiện đúng lúc, giúp đẩy được cao trào, khéo léo kết nối các tình tiết. Sau khi xem phim, nhiều khán giả ấn tượng với phân cảnh nhân vật Kathy (Kaity Nguyễn đảm vai) bước từ bên trong phòng ngủ ra bàn ăn, quyết định tháo nhẫn để trả lại cho Linh (Kiều Minh Tuấn), người đàn ông bội bạc. Trong phân cảnh này, phần nhạc nền tỏ rõ hiệu quả khi được kết hợp cùng với hành động bước đi dứt khoát, mạnh mẽ của Kaity. Giai điệu dồn dập, tiết tấu nhanh cộng với cường độ âm thanh được đẩy lên cao như một "cú hích" cuối cùng trước khi chuyện phim hạ màn.  

Sắp tới, trọn bộ nhạc phim chính thức của Tiệc trăng máu, bao gồm ca khúc chủ đề - Sự thật vỡ đôi, sẽ được phát hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Apple Music, Spotify, Nhaccuatui... để tiếp cận với số đông khán giả. Cách làm của nhà sản xuất Tiệc trăng máu giống như nhiều ê-kíp khác với mục đích giúp những sản phẩm nhạc phim có đời sống riêng.

Đoạn clip nhân vật Kathy (Kaity Nguyễn) trả lại nhẫn cho Linh (Kiều Minh Tuấn):

 

Nhạc phim trong các phim điện ảnh Việt ngày càng chất lượng không còn là câu chuyện quá mới mẻ. Nhiều ca khúc nhạc phim có đời sống độc lập sau khi phim ra rạp, cũng trở thành hit trên các bảng xếp hạng. Gần nhất, dự án Mắt biếc với loạt ca khúc của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh là một trong những phim, âm nhạc góp phần lớn vào thành công trong việc quảng bá phim.

Việc các nhà sản xuất tiếp tục đầu tư cho âm nhạc phim là rất đáng hoan nghênh, cổ vũ để nâng tổng thể chất lượng tác phẩm. Sắp tới, Em và Trịnh là dự án điện ảnh đồ sộ tiếp theo có phần đầu tư "khủng" cho âm nhạc, với hơn 50 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hòa âm, phối khí lại để sử dụng trong phim. Nhà sản xuất không tiết lộ kinh phí cho phần âm nhạc nhưng khẳng định, đó là con số lớn trong tổng chi phí hơn 44 tỷ đồng đầu tư.

Chủ động đặt hàng ca khúc, sáng tác phần nhạc phim mới là hướng đi tránh được chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc, điều mà một số phim điện ảnh đã phạm phải. “Tôi rất vui khi thấy các đạo diễn đã ý thức hơn tầm quan trọng của nhạc phim và cất công đi tìm các nhạc sĩ để viết thay vì sử dụng các bản nhạc của nước ngoài bỏ vào - điều rất nhạy cảm trong bản quyền âm nhạc. Tôi hy vọng ngành làm nhạc phim tại Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, dù chậm nhưng chắc cùng với tác phẩm chất lượng hơn là số lượng”, nhà soạn nhạc Trần Hữu Tuấn Bách chia sẻ. 

Điện ảnh Việt đang có một bộ phận những nhà làm nhạc phim chuyên nghiệp như Trần Hữu Tuấn Bách, Nguyễn Hoàng Anh, Tôn Thất An (Ròm, Song Lang…), Nguyễn Mạnh Duy Linh (Đảo của dân ngụ cư)… Những đóng góp của họ dù thầm lặng nhưng đóng góp phần lớn vào thành công chung của phim.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI