Nhạc jazz thanh xuân: Cánh cung tuổi trẻ

26/02/2021 - 08:44

PNO - Có vẻ khá mạo hiểm khi các dự án lấy jazz làm chất liệu chính, nhưng mọi sự mạo hiểm đều có cái giá của nó, bằng chứng là sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt từ phía khán giả.

Những năm gần đây, âm nhạc Việt Nam dường như trở lại với những giá trị xưa cũ. Nếu 2019 là cú bom tấn của Hoàng Thùy Linh với chất liệu văn học dân gian, world music cùng pop hiện đại; thì 2020 có thể nói là năm của hiphop - rap, của nhạc Trịnh và EDM trong dự án của Hà Lê, của metal rock và dân ca truyền thống trong Dzanca của Dzung. Len lỏi giữa những lần trở lại ấy, blue/jazz vẫn là dòng chảy âm ỉ, nhưng luôn có một chỗ đứng vô cùng quan trọng.

Từ những album đậm đặc lấy jazz làm chất liệu chủ đạo của các tên tuổi gạo cội như Bóng tối Jazz của Giáng Son, Tùng Dương, Hà Trần; đến cú bắt tay đầy độc đáo của Võ Thiện Thanh với Hồ Trung Dũng hay Sóng hấp dẫn của Hoàng Quyên; làn sóng này dần dần lan ra thế hệ các nghệ sĩ trẻ - những người được coi như đại diện độc lập của dòng indie. Nhạc jazz của thế hệ mới đầy biến chuyển so với thế hệ trước, bởi sự gần gũi và hoang dại hơn. Có thể nói, cụm từ “nhạc jazz thanh xuân” như một mô tả đầy đủ ý nghĩa cho luồng gió ấy, với sự mới mẻ mà đầy mê hoặc.

Nhiều ca sĩ tên tuổi đang lấy jazz làm chất liệu chính cho album của mình
Nhiều ca sĩ tên tuổi đang lấy jazz làm chất liệu chính cho album của mình

“Nhạc jazz thanh xuân” có thể được hiểu về mặt ý nghĩa bao gồm hai phần: âm nhạc là jazz, trong khi nội dung cũng như đối tượng hướng tới của mình là những người trẻ. Đặc điểm của trào lưu này là các bài hát không được sáng tác theo chủ ý hướng đến dòng jazz, mà đó có thể là những bài pop được phối khí lại và cân chỉnh mang tinh thần jazz, có yếu tố jazz. Lời nhạc trong dòng chảy này cũng không ước lệ nặng tính hình tượng, mà thiên về đời sống của những người trẻ - những kẻ mộng mơ với những viễn kiến hoang dại.

Kế hoạch làm bạn của Đỗ Bảo trong đĩa Cánh cung 3 có thể được xem như viên gạch đầu tiên làm nên trào lưu này. Trước đây, người nghe Đỗ Bảo vẫn thường quen thuộc với những bài hát đa tầng nghĩa cùng những ẩn dụ đắt giá của anh, thì bài ca trên người ta lại nhìn chuyện tình theo một cách khác, phiêu du, thực tế và trẻ trung hơn. Sau khi Cánh cung 3 ra mắt, đây là bài hát duy nhất được tách riêng và xuất hiện rất nhiều thông qua YouTube dưới dạng lyric video như một bảo chứng cho sự yêu thích.

Từ đó, nhạc jazz của thế hệ mới vẫn mang trong mình một sự vận động sôi nổi. Đó là jazz của thế hệ Y - thế hệ Millennials đầy lo âu trước đời sống của những phương tiện truyền thông xã hội, và dĩ nhiên, như một tác động ngược lại, những nghệ sĩ trẻ khai thác dòng nhạc “bình cũ rượu mới” này cũng từ những kênh như thế bắt đầu xuất hiện. Họ là những cây viết trẻ, hãy còn vụng về, nhưng câu chuyện lại luôn gần gũi và đầy chân thành.

Sự xuất hiện của trào lưu này dễ dàng thấy được trong những dự án của nghệ sĩ mới. Chưa nói tới các album lấy jazz làm chất liệu chính, cứ trong một album đa dạng thể loại nhằm giới thiệu tên tuổi mình ra với công chúng, thì sẽ có ít nhất một bài thuộc thể loại này. Đó là Chia tay của Hoàng Dũng trong 25, là Ví dụ hay Anh thích em thích của Nguyên Hà, là Thành phố đung đưa của Meow Lạc hay Một giấc mơ của Mademoiselle…

Thành phố đung đưa - Meow Lạc:

 

 

 

Nội dung những bài hát này đều hướng về giới trẻ, với những giấc mơ ban sơ và hoang dại nhất. Dễ thấy một sự tương đồng với thời kỳ jazz vàng son trong văn học cận đại Mỹ, với Kerouac hay Fitzgerald. Việc làm sống dậy một tinh thần trẻ, một tinh thần jazz đúng như giá trị mà người chơi jazz vẫn hằng mong muốn đã cho thấy rõ sức sống cùng với lý do vì sao trào lưu này ngày càng nở rộ.

Tinh thần jazz còn được nối dài qua những video ca nhạc như là biểu hiện của một thế hệ mạng thông tin. Có thể thấy phản hồi tích cực của người nghe đối với Một giấc mơ của Mademoiselle bằng video dạy nhau khiêu vũ nơi sân vận động của hai người trẻ; hay việc tái hiện lại sàn disco và những bữa tiệc trong Thành phố đung đưa. Những video này cũng như các sáng tác trên, đều được làm nên bởi những người trẻ với kinh phí thấp. MV của họ không quá đặt nặng về kịch bản, họ làm tất cả bằng sự phóng khoáng của niềm tự do, ham sống hết mình và cũng “indie” hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, “nhạc jazz thanh xuân” cũng khai thác những mặt tối hơn của những mối quan hệ trong thời đoạn này. Đó có thể là sự nhắn nhủ đầy vẻ tinh nghịch của điệu funk trong Miệng nam mô bụng một bồ dao găm của Thái Đinh hay lời rap hướng về nội tâm của Suboi trong EP 2.7. Jazz thanh xuân không chỉ là những ước muốn đầy vẻ tươi hồng, mà nó còn là góc tối chứa nhiều trăn trở của một thế hệ nhiều lo âu.

Có vẻ khá mạo hiểm khi các dự án lấy jazz làm chất liệu chính, nhưng mọi sự mạo hiểm đều có cái giá của nó, bằng chứng là sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt từ phía khán giả. Những dự án đầy chất lượng có thể kể đến như EP 2.7 của Suboi với sự kết hợp cùng ban nhạc jazz đến từ Na Uy - Mino & The Band, là Hương - album mới nhất của Văn Mai Hương, khi cô cùng các cộng sự biến những bản ballad dễ cảm dễ nghe thành mới mẻ và đầy mê hoặc bằng việc khoác lên lớp áo blue/jazz, pop soul…

Một giấc mơ - Mademoiselle:

 

 

 Tuy vậy, việc dùng jazz chỉ như lớp áo cho một bài hát mà không có được định hướng ngay từ ban đầu cũng dần lộ ra những điểm thiếu sót đáng tiếc. Về mặt hòa âm, những nhà sản xuất thế hệ mới vô cùng chỉn chu với các tác phẩm của mình. Họ phối những bài ca này hầu như trên ngưỡng: ra được chất jazz với những nhạc cụ như trumpet hay saxophone nhằm tạo điểm nhấn trên nền trống jazz, ngẫu hứng cùng guitar hay piano. Thế nhưng, với một cách hát nặng nề chất pop, thiếu tính mềm mại, phần nào trở thành thiếu sót vô cùng đáng tiếc, mà ta có thể thấy trong trường hợp Nguyên Hà hay Thái Đinh: dài dòng, lê thê, thiếu đi khoảng nảy, ngẫu hứng, buông lơi, thả mình đùa chơi cùng với âm nhạc.

Thế nhưng nhìn nhận ở khía cạnh nào đó, “nhạc jazz thanh xuân” vẫn đang và sẽ luôn chiếm một vị thế vô cùng quan trọng những năm sắp tới trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Việc thể hiện bản thân, thấu hiểu người trẻ và thỏa mãn cái tôi khát khao bùng cháy hết mình là thứ làm nên thành công của trào lưu này. Jazz vẫn thế, vẫn luôn len lỏi trong đời sống hằng ngày. Ai nói jazz khó nghe, hãy thử một lần trải nghiệm “nhạc jazz thanh xuân” của những người trẻ, để thêm lần nữa được trở lại với ký ức. 

Thuận Phát

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI