Nhà văn Isabelle Muller: Hãy tìm thấy chính mình và luôn tiến lên phía trước

13/03/2022 - 18:08

PNO - Nhà văn Isabelle Muller sinh ngày 25/5/1964 tại Tours (Pháp), là con út trong một gia đình có năm người con.

Mẹ cô là người Việt - bà Đậu Thị Cúc, nhân vật trong tác phẩm Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng (Nhà xuất bản Trẻ, 2018). 

Trải qua tuổi thơ tại một ngôi làng nghèo trên đất Pháp, cuộc sống thiếu thốn và bị phân biệt chủng tộc, thậm chí từng bị chính cha ruột của mình (là người Pháp) xâm hại tình dục suốt thời niên thiếu, Isabelle Muller bất hạnh đã tìm mọi cách vượt thoát khỏi cuộc sống địa ngục ấy bằng con đường học vấn. Cũng như mẹ, cô ý thức được rằng chỉ có nâng cao kiến thức, kiên cường mà sống mới có thể thay đổi đời mình.

Nhà văn Isabelle Müller
Nhà văn Isabelle Müller

Sau khi tốt nghiệp trung học, Isabelle theo học ngôn ngữ (Đức, Anh và Nga) tại Đại học Francois Rabelais và tại Trung tâm d´Etudes Pratiques de Langues Vivantes (Tours, Pháp). Từ năm 1985, cô làm việc tại Đức với tư cách thông dịch viên và phiên dịch. Thập niên 1990, cô và mẹ đã trở về thăm quê hương Hà Tĩnh, Việt Nam. Isabelle Muller được nhiều người biết đến với vai trò nhà văn từ khi cô xuất bản cuốn sách Loan - Từ cuộc đời của một con phượng hoàng, tác phẩm từng được bình chọn vào top 5 giải thưởng Người kể chuyện Kindle 2015.

Năm 2009, cô ra mắt cuốn sách thứ hai, hồi ký đời mình: Phonix Tochter-Die Hoffnung war mein Weg tại Đức. Suốt hơn ba năm sau đó, Isabelle Muller đã chia sẻ câu chuyện của mình ở tám tiểu bang và liên bang, là khách mời trên đài phát thanh, truyền hình để nói về vấn đề lạm dụng tình dục, khuyến khích các nạn nhân lên tiếng bảo vệ bản thân. Tác phẩm này được nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM chuyển ngữ và phát hành với tựa tiếng Việt: Con gái của chim phượng hoàng, dự kiến ra mắt bạn đọc vào ngày 19/3.

Tác phẩm Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng viết về cuộc đời bà Đậu Thị Cúc, đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2018
Tác phẩm Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng viết về cuộc đời bà Đậu Thị Cúc, đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2018

Hãy luôn mạnh mẽ và chọn cách tha thứ cho tất cả”
Phóng viên: Xin chào Isabelle, chúc mừng tác phẩm mới của chị sắp ra mắt tại Việt Nam và tôi cũng biết chị sẽ trở về nhân dịp ra mắt sách. Chị chuẩn bị gì cho chuyến trở về lần này?

Nhà văn Isabelle Muller: Từ khi thành lập Quỹ Loan vào năm 2016, tôi rất thường xuyên trở về Việt Nam, khoảng ba - bốn lần mỗi năm. Nhưng hơn hai năm qua, vì dịch bệnh, tôi đã không thể về. Mong ước lớn nhất trong năm 2022 của tôi chính là được một lần nữa về lại quê hương. Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ về Việt Nam trong tháng Ba. Kế hoạch trước nhất sẽ là gặp gỡ bạn bè, những người đồng hành và các đối tác, ra mắt tác phẩm mới. Tất nhiên tôi cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động của Quỹ Loan tại Việt Nam. COVID-19 không dừng lại ở sự nghèo đói, nhiều tỉnh, thành Việt Nam thật sự rất cần hỗ trợ để có thể đạt mức giáo dục tốt hơn. Tôi sẽ không chuẩn bị gì mà chỉ “mang” mình trở về (cười).

Tác phẩm Con gái của chim phượng hoàng -  Hy vọng là con đường của tôi sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam trong tháng 3/2022
Tác phẩm Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam trong tháng 3/2022

* Chị mất bao lâu để hoàn thành tác phẩm Phonix Tochter-Die Hoffnung war mein Weg? Có khó khăn không khi viết về cuộc đời mình với rất nhiều nỗi buồn, cả những bất hạnh...?

- Tôi mất hai năm để viết cuốn sách này. Tôi có thể viết nhanh hơn nhưng vào thời điểm viết sách (2007), tôi phải điều hành công ty của mình và chăm sóc hai con nhỏ. Tôi chỉ viết được mỗi ngày vài tiếng đồng hồ vào buổi tối.

Việc viết sách không làm tôi đau đớn. Tôi cũng thường được hỏi viết cuốn sách này có phải là một liệu pháp để đối mặt với những tổn thương trong quá khứ hay không. Câu trả lời của tôi: chắc chắn là không. Tôi vốn là người rất tích cực, tôi đã tha thứ cho những ai từng làm tổn thương mình hoặc muốn làm trái tim tôi tan vỡ. Một cách chân thật, tôi làm điều này từ sâu thẳm trái tim mình, thế nên tôi không cảm thấy bất kỳ sự phẫn uất hay nỗi buồn nào khi viết ra và cũng vì cốt lõi của cuốn sách này không phải là những đau khổ tôi đã trải qua mà là những đau khổ đã tạo nên tôi: một phụ nữ hạnh phúc và mạnh mẽ.

Tôi muốn chia sẻ sự chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc đến bạn đọc. Vì vậy, tôi không có lý do gì để khóc trước những kỷ niệm của mình. Tôi đã không khóc trước câu chuyện của mình, không giống như khi viết hồi ký về cuộc đời của mẹ - tôi đã khóc rất nhiều.

* Nhiều người thường nói, viết ra cũng là một cách có thể giúp ta dần quên đi nỗi đau trong đời mình. Chị có nghĩ như vậy?

- Tôi không chọn quên những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nếu bạn quên đi quá khứ, bạn không thể học và ghi nhớ những bài học quý giá trong cuộc đời. Có nghĩa là bạn sẽ có thể lặp lại những sai lầm. Những gì tôi muốn làm là tha thứ. Tha thứ chắc chắn đã giúp tôi hạnh phúc hơn. Giờ đây, tôi không còn nghĩ nhiều về những cảm xúc của mình. Nó chỉ là câu chuyện cuộc đời tôi.

Nhiều người có một cuộc sống đơn giản và yên bình. Những người khác có nhiều hành động, nhiệm vụ và bài học hơn để học. Khi tôi viết xong, một lần nữa tôi nhận ra cuộc sống có thể phi thường như thế nào, cuộc sống của tôi đã và đang vẫn còn phi thường như thế nào. Tôi rất biết ơn vì có thể trải nghiệm tất cả những điều đó, bởi tôi có thể hiểu hơn về những người khác, đồng cảm với họ và giúp đỡ họ đấu tranh.

Nhà văn Isabelle Müller với trẻ em miền cao phía Bắc
Nhà văn Isabelle Müller với trẻ em miền cao phía Bắc

* Chị có thể chia sẻ trước với độc giả Việt Nam về những điều chị muốn gửi gắm từ tác phẩm?

- Câu chuyện của tôi không phải là về việc tìm kiếm hạnh phúc mà là con đường để tìm thấy nó, về việc chuyển hóa bất hạnh thành hạnh phúc. Đó là học cách biến những tiêu cực thành suy nghĩ tích cực. Tất cả những trải nghiệm đều hình thành nên triết lý sống của tôi. Triết lý đó là bản chất của một cuộc sống hạnh phúc. Tôi đã trải qua những điều tồi tệ, bao gồm lạm dụng tình dục, khủng bố tâm lý, kiệt sức, bị loại trừ, phân biệt đối xử, nghèo đói, phản bội. Vậy thì sao? Đổi lại, tôi ý thức rằng: tôi cũng đã trải qua tình yêu đích thực, sự ấm áp, tình cảm, sự động viên, sẵn sàng giúp đỡ, sự đồng cảm, tình bạn, may mắn và hạnh phúc. Tôi được phép sống vui khỏe ở đây, trên trái đất và giúp định hình cuộc sống này.

Hy vọng câu chuyện về cuộc đời tôi sẽ mang đến cho bạn đọc thêm sức mạnh, hy vọng, nghị lực và dũng khí để chinh phục nỗi sợ hãi, tin vào những giấc mơ của bản thân và tự tin vào bản thân. Bằng cách thường xuyên đặt câu hỏi, bạn có thể xác định rằng liệu mọi thứ có ổn với cuộc sống của bạn hay không và bạn có đang hạnh phúc hay cần phải làm điều gì đó cho mình để thay đổi, tạo ra những khác biệt. Hãy tìm thấy chính mình và sống cuộc đời của chính mình. Đừng lặp lại những sai lầm và hãy luôn tiến về phía trước. 

 

 

Bản tiếng Đức của cuốn sách Phonix Tochter-Die Hoffnung war mein Weg
Bản tiếng Đức của cuốn sách Phonix Tochter-Die Hoffnung war mein Weg

Muốn trẻ em nghèo có cơ hội học tập tốt hơn

* Cho đến bây giờ, chị nhớ sâu sắc điều gì nhất về quê hương, kể từ khi trở về Việt Nam lần đầu vào những năm thập niên 1990?

- Ở bất cứ nơi nào, dù thành phố hay vùng quê, trong suốt những năm tháng trở về, tôi đều nhận ra tâm hồn Việt Nam thật sự tuyệt vời trong sự thân thiện và lòng mến khách nơi mọi người, mọi nhà. Còn nhớ lần đầu được về Việt Nam, thực hiện được ước muốn sâu thẳm của mẹ, mẹ và tôi đã vui mừng như thế nào. Trong suốt cuộc đời mẹ, tôi hiếm khi thấy bà hạnh phúc đến như vậy. Chúng tôi đã nắm chặt tay nhau và mẹ tôi vô cùng phấn chấn khi máy bay sắp hạ cánh. Vào thời điểm đó, tôi chỉ muốn biết một điều rằng: liệu tất cả người Việt Nam có giống mẹ tôi hay không.

Thật lạ lùng, khi đặt chân xuống đất quê hương, tôi không cảm thấy xa lạ một chút nào. Mọi thứ dường như rất quen thuộc, bao gồm cả ngôn ngữ dù tôi không nói được tiếng Việt. Tôi cảm thấy mình như một con cá được trở về với làn nước trong suốt của đại dương sau một thời gian dài bị giam cầm. Tôi cảm thấy cuối cùng tôi đã tìm thấy ngôi nhà thực sự của mình.

Những chuyến trở về sau này, tôi nhìn thấy các thành phố đang dần hiện đại hóa, đồng thời thấy được sự phát triển vượt bậc của kinh tế và công nghệ, đặc biệt là ở giới trẻ. Tôi vui mừng về sự phát triển tích cực của đất nước mình nhưng cũng có điều khiến tôi lo lắng là tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường. Mỗi lần lái xe trên khắp đất nước, tôi thấy rất nhiều rác thải nhựa trên những dòng sông. Thức ăn nhanh ra đời ở cả vùng sâu và vùng xa. Sự phát triển của thế giới luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Nhà văn Isabelle Müller ở Hà Giang
Nhà văn Isabelle Müller ở Hà Giang

* Còn với Hà Giang thì sao? Vì sao Quỹ Loan chọn bảo trợ thanh thiếu niên ở các tỉnh phía Bắc?

- Chuyến đi đầu tiên đến Hà Giang thật sự chạm đến trái tim tôi, với những khó khăn và kỷ niệm không thể quên. Chúng tôi ngủ trong những khách sạn với giường ngủ là các tấm gỗ cứng và những tấm chăn mỏng. Không có lò sưởi, cũng không có nước nóng dù đang là mùa đông. Tôi lạnh cóng vào buổi tối và đi ngủ với hai chiếc áo khoác dày. Người Hà Giang nhân hậu, thân tình nhưng họ cũng nhìn đoàn chúng tôi một cách hiếu kỳ pha lẫn hoang mang. Tôi không nghĩ bất cứ ai khi ấy có thể tin rằng một phụ nữ nước ngoài một mình du lịch đến nơi xa xôi như vậy và làm những điều tốt cho người dân nơi này mà không muốn nhận lại gì. Nhưng từ chuyến đi ấy, tôi đã nhìn thấy rất nhiều nơi mà người dân đã sống qua giá rét, trong sự thiếu thốn cùng cực. Tôi đã nhìn thấy đó là những vùng nghèo nhất của đất nước mình và tôi thực sự muốn giúp trẻ em nơi này có cơ hội học tập tốt hơn.

Quỹ từ thiện Loan Stiftung (Foundation) được nhà văn Isabelle Muller thành lập vào ngày 9/5/2016 với mục đích hỗ trợ thanh thiếu niên Việt Nam phát triển giáo dục, khuyến khích phát triển niềm tin cơ bản về quốc tế và sự thấu hiểu giữa các dân tộc. Quỹ đặt trụ sở tại Unterreichenbach, Cộng hòa Liên bang Đức.

Trong gần sáu năm hoạt động, Loan Stiftung đã thực hiện tổng cộng 35 dự án, với số tiền đóng góp lên đến 1 triệu euro. Bên cạnh việc hỗ trợ các tỉnh nghèo ở phía Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Loan Stiftung còn giúp trẻ em gặp khó khăn trong đợt lũ lịch sử vào tháng 10/2020 ở Hà Tĩnh - quê hương bà Đậu Thị Cúc.

* Isabelle Müller cũng từng là một đứa trẻ nghèo, từ khốn khó mà lớn lên. Những điều tốt đẹp nhất chị đang làm cho trẻ em vùng cao có bắt đầu từ chính những ước muốn nào đó của chị từ khi còn bé?

- Khi tôi còn là một đứa trẻ, gia đình tôi sống ở Tours - một ngôi làng nhỏ cách Paris 230km. Người Việt ở đó sống trong những định kiến, bị phân biệt đối xử, bị từ chối. Tôi không dễ kết bạn và khẳng định bản thân trong sự bình đẳng. Sống trong môi trường như vậy, bạn không có cách nào khác ngoài việc phải mạnh mẽ, tài giỏi và đạt được nhiều thành tựu để thật sự được chú ý. Mong muốn lớn nhất cả đời mẹ tôi là các con đều được học hành đến nơi đến chốn. Mẹ luôn so sánh con mình với những chú chim sải đôi cánh rộng để bay đi và khám phá thế giới rộng lớn này.

Giáo dục phải là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai và cho mỗi người quyền tự quyết về những sự lựa chọn trong cuộc đời mình. Tôi mong mọi đứa trẻ đều có cơ hội học tập tốt, trưởng thành và trở thành người như chúng mong muốn. 

Hành trình trở về Việt Nam, hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao cũng như cố gắng giúp đỡ đồng bào khó khăn cũng là cách để tôi đưa mẹ cùng trở về Tổ quốc. Lúc còn sống, mẹ luôn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về Việt Nam, nấu món ăn Việt và nghe nhạc Việt. Bà kể mọi thứ sống động đến nỗi tôi có thể hình dung về chúng như những bức tranh đầy màu sắc. Mẹ khiến tôi mong ước có một ngày sẽ được đặt chân lên mảnh đất quê nhà, tìm về nguồn cội. Nơi ấy có mùi của bà ngoại, mùi của đất, mùi của những người quê tốt bụng luôn ở lại trong nỗi nhớ sâu thẳm của mẹ.

* Với những đứa trẻ của mình, chị có như mẹ chị ngày xưa - tiếp tục kể với các con về Việt Nam? Hai cô con gái có đọc những cuốn sách chị đã viết?

- Hai con gái tôi - Rebecca và Meliha - sinh tại Đức. Khi hai con còn nhỏ, tôi vẫn thường trò chuyện với con về cả Việt Nam và Pháp. Tôi nấu cho con món ăn Pháp và cả món ăn Việt Nam, đưa chúng đến gần hơn với văn hóa Pháp, bao gồm cả ẩm thực và âm nhạc. Các con tôi cũng được ăn những món ăn Việt từ khi còn bé. Khi mẹ tôi còn sống, bà thường sang thăm các cháu. Bọn nhỏ quan tâm cả Pháp và Việt Nam, sự quan tâm của chúng đối với Việt Nam tăng lên kể từ khi tôi lập quỹ Loan.

Cả hai cô con gái của tôi hiện đang là tình nguyện viên của quỹ. Tôi không đề nghị, đó là quyết định của hai con. Tôi làm gương cho các con về việc biết điều gì là quan trọng đối với cuộc sống, nhưng muốn lựa chọn làm gì, con phải tự quyết định.

Hai con đều đã đọc hồi ký của mẹ khi còn ở tuổi vị thành niên. Tôi có thể nói rằng cả hai rất cảm động. Rebecca nói: “Mẹ, con tự hào về mẹ!” còn Meliha thì bảo: “Con không bao giờ có thể tưởng tượng những gì mà con người ta có thể làm trong cuộc sống. Con yêu mẹ!”.  Hai đứa cảm nhận và thấu hiểu được cuộc đời của mẹ. Bây giờ, mỗi giây tôi sống và với từng hơi thở, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi biết ơn cả những món quà tôi đã nhận được và cuộc sống phi thường này.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI