Người thất nghiệp đông, người tìm việc vắng

02/11/2020 - 06:23

PNO - Sau khi thôi việc, lãnh tiền trợ cấp, công nhân có tâm lý nghỉ xả hơi, chờ hết dịch mới kiếm việc.

Tại các văn phòng, trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM, hiện người tìm việc rất thưa vắng. “Trước đây, để có việc làm, người lao động phải chấp nhận mức phí môi giới từ 150.000-300.000 đồng nhưng hiện nay, không rõ người lao động đi đâu mất. Suốt cả tháng trời, chỉ có hai người đến đây hỏi nhưng cũng không đăng ký xin việc” - chị Thu, quản lý một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Tái Thiết, P.11, Q.Tân Bình, nói. 

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết tính đến đầu tháng 9/2020, TPHCM có hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 người bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên. Có 118.000 người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sở đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ người lao động thất nghiệp sớm tìm được việc. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 172.561 lượt người và tạo ra 78.651 chỗ làm mới. 

Người lao động kê khai lãnh trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM
Người lao động kê khai lãnh trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Lực lượng lao động đã tăng trở lại sau khi giảm sâu vào quý II/2020 nhưng vẫn chưa thể bằng con số cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong quý III/2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người nhưng vẫn giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Lê Thị Kiều Phượng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết khi các công ty Huê Phong, Pouyuen sa thải hàng ngàn công nhân, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho người có nhu cầu nhưng không kết nối được bao nhiêu. Nguyên nhân là khi bị sa thải, công nhân được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc nên có tâm lý nghỉ xả hơi vài tháng, chờ hết dịch mới xin việc. 

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc kiểm soát tốt dịch bệnh khiến tình hình kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020. Nhưng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng. 

Theo ông Huỳnh Quang Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - trở ngại chung của các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay là thiếu lao động. Công ty ông đang cần hơn 100 lao động phổ thông nhưng tuyển mãi vẫn không có. Ông Thanh nói: “Hiện đang có tình trạng công nhân xin nghỉ việc rồi đi đăng ký thất nghiệp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó tới chỗ khác, lập hồ sơ mới để xin việc”. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (Q.7, TPHCM) - cho biết tỷ lệ lao động thất nghiệp hiện nay chưa đáng tin cậy. Luật Lao động không phân biệt thất nghiệp do bị sa thải hay thất nghiệp do tự ý nghỉ việc. Rất đông người lao động tự xin nghỉ việc nhưng vẫn được gọi là thất nghiệp và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, y tế như nhau. Trong khi lẽ ra, thất nghiệp là bị cho nghỉ việc nhưng không xin được việc làm. Còn người đang có việc làm nhưng xin nghỉ hoặc quậy phá nơi làm việc, bị đuổi mà gọi thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp là vô lý. Có tình trạng người lao động tự ý nghỉ việc để rút tiền bảo hiểm xã hội ra tiêu xài rồi tính tiếp. 

Theo ông Trí, số trường hợp xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp khá nhiều, không chỉ xuất hiện trong đợt dịch COVID-19. Để tránh tình trạng này, cần xem lại việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp nếu người lao động tự ý xin nghỉ việc. 

Hiện các doanh nghiệp ngành dệt, may, da, giày đang cố gắng giữ đội ngũ lao động bằng cách tìm thêm đơn hàng mới, như may khẩu trang, đồ y tế, bảo hộ lao động. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May  - Thêu - Đan TPHCM - cho biết chỉ các doanh nghiệp có số lao động lớn nhưng thiếu đơn hàng mới cho công nhân nghỉ bớt, các doanh nghiệp còn lại, một số người lao động chủ động nghỉ do ít việc, giảm thu nhập. 

Cuối năm, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Không ít doanh nghiệp dệt may đã có kế hoạch sản xuất hàng tết, có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động nhưng rất khó tuyển được người, buộc phải cho công nhân làm thêm giờ, tăng ca để bù lượng lao động thiếu hụt. 

Theo ông Lê Minh Tấn, hiện các doanh nghiệp đang vào giai đoạn phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhu cầu rất lớn về nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Trong quý IV/2020, TP.HCM cần tuyển khoảng 62.000-65.000 người, tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại, dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng, chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ phục vụ, tư vấn, chăm sóc khách hàng, tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông. 

Thanh Hoa - Ngọc Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI