Người nữ cựu chiến binh và những bước chân không mỏi

05/07/2023 - 10:01

PNO - Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc khi chưa tròn 20 tuổi, đến nay tinh thần cống hiến vẫn nằm sâu nơi người nữ cựu chiến binh ấy. Bà là Đinh Thị Ngọc - 64 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Bí thư chi bộ khu phố 1, phường 8, quận 10.

Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn 

5g sáng, bà Ngọc đã có mặt tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10). Dạo một vòng quanh chợ, bà mua 40kg bún, 25kg thịt, 5kg củ sắn, 5kg hành lá… vừa đủ nấu 200 suất bún thịt xào. Về nhà, bà cùng mấy chị em, người lặt rau, người bào củ sắn, cắt bún, xào thịt. 6g30 sáng, những hộp bún thịt xào đầy ắp rau, thịt, đậu phộng rang lần lượt được cho vào bịch, chờ đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi quan niệm của cho không bằng cách cho, gia đình mình ăn được thì người ta mới ăn được, phải nấu đầy đủ và ngon” - bà bộc bạch. 

Bà Ngọc thăm các em thiếu nhi tại Trung tâm Bảo trợ mái ấm Làng Tre (Đồng Nai)
Bà Ngọc thăm các em thiếu nhi tại Trung tâm Bảo trợ mái ấm Làng Tre (Đồng Nai)

Vừa phát bún, bà Ngọc vừa quan sát những người qua đường, thấy ai có ý muốn nhưng còn ái ngại là bà chạy đến trao tận tay. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những suất ăn của cô Ngọc giúp chúng tôi đỡ một bữa ăn, thật sự rất tốt” - bà Trần Thị Mai Lan - người nhận suất ăn - chia sẻ. Gần 9g, các suất ăn đã hết nhưng thấy còn nhiều người ghé lại, bà Ngọc lại chạy ra chợ mua nguyên liệu để nấu thêm 200 suất nữa. Mãi đến 12g trưa, bà và mấy chị em mới hoàn tất một buổi sáng thiện nguyện. 

Không dám nhận là “bếp ăn yêu thương” nhưng việc phát thức ăn vào mỗi cuối tuần đã được bà Ngọc duy trì suốt 15 năm qua. Mỗi lần, bà phát hơn 300 phần với nhiều món khác nhau như bánh canh gà, bún thịt xào, bún gạo giò heo, cháo huyết… Trong 4 tháng cao điểm của đại dịch COVID-19, mỗi ngày 3 buổi, gia đình bà Ngọc nấu và phát khoảng 400 suất ăn cho những ai cần. Hỏi về chuyện kinh phí, bà lắc đầu nói: “Làm sao mà nhớ hết được đây! Cứ hết là nấu thôi”. 

Được sống qua nhiều thời kỳ, đi nhiều nơi và chứng kiến nhiều hoàn cảnh khác nhau, bà hiểu với không ít người, việc kiếm vài chục ngàn đồng không dễ, nhất là tại nơi đông dân nhập cư như TPHCM. “Một suất ăn nhỏ thôi, nhưng người ta no được một bữa, người ta khen ngon thì mình lại càng hạnh phúc” - bà chia sẻ, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt. 

Không chỉ trên địa bàn thành phố, bà Ngọc và bạn bè còn thường xuyên nấu ăn, phát quà cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, bà con khó khăn tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Bà kể rằng từ năm 1999, khi còn là phó chi cục thuế quận 10, bà đã kết hợp làm từ thiện trong những lần đi du lịch cùng cơ quan, bạn bè. Sau đó là những chuyến thiện nguyện độc lập của gia đình. Bà vẫn nhớ như in hình ảnh những người mắc bệnh phong ở Gia Lai cụt tay, cụt chân, mất đi nửa gương mặt… Không có lời cảm ơn nào, nhưng ánh mắt cùng với 2 cánh tay đưa ra nhận quà làm lòng bà nghẹn đắng. “Người ta cần những món quà, nhưng cần hơn là tình cảm của mình để cảm thấy không bị bỏ rơi” - bà nói khi nước mắt chực chờ rơi xuống. 

Giúp đỡ hết sức mình

16g, tôi đón bà Ngọc trước cổng UBND phường 8 để đến thăm một gia đình tại hẻm 205 Nguyễn Tiểu La. Thấy bà, ông Lưu Văn Ngọc - 79 tuổi - vội đứng dậy chào: “Cô Ngọc đến chơi hả cô Ngọc”. Trong nhà, anh con trai đang lau mặt cho người mẹ bị tai biến cũng chào với ra. 

Bà Ngọc tặng quà cho những người bệnh phong thuộc làng Lân (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)
Bà Ngọc tặng quà cho những người bệnh phong thuộc làng Lân (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)

Cách đây 4 năm, trong một lần khảo sát để sửa chữa - mở rộng những con hẻm trên địa bàn, bà phát hiện gia đình ông Ngọc đang lấn chiếm hơn 10m2 hẻm để làm nhà vệ sinh. Tìm hiểu, bà biết gia đình ông có đến 8 người sống trong căn nhà vỏn vẹn 8m2. Gia đình họ đã tận dụng tường nhà 2 bên rồi chống vài cây cột để dựng gác xép, lợp mái tôn ở tạm. Cả gia đình chỉ có một người chị là Lưu Mỹ Hạnh - 46 tuổi, đi làm tạp vụ nhà trẻ. Trước tình cảnh đó, bà Ngọc đã đề xuất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 8 xây dựng cho gia đình ông Ngọc căn nhà tình thương, nhưng ông phải đồng ý trả lại phần đất đang lấn chiếm.

“Ban đầu, nghe phải góp 20 triệu để xây nhà thì tôi muốn từ chối vì đâu có tiền. Nhưng vì cô Ngọc hứa sẽ hỗ trợ thêm nên tôi cũng xuôi lòng, bảo con gái đi vay tiền để góp vào làm với địa phương” - ông Ngọc kể. Dưới sự giúp đỡ của bà Ngọc, căn nhà trị giá 147 triệu đồng (87 triệu là tiền bà vận động) được hoàn thành vào cuối năm 2019. Cùng với căn nhà mới của gia đình ông Ngọc, con hẻm mới rộng rãi, khang trang cũng được khánh thành, đưa vào sử dụng. 

Đầu năm 2021, bà Ngọc cũng hoàn tất việc vận động mở rộng hẻm 300 Nhật Tảo, và sắp tới là hẻm 246 Ngô Quyền, hẻm 232 Nguyễn Tiểu La. Có không gian thông thoáng, bà bố trí thêm nhiều thùng rác công cộng, người dân cũng chủ động trồng cây xanh để bảo vệ môi trường. “Tôi đã 65 tuổi rồi, chỉ mong đóng góp được gì thì đóng góp, bằng sức lực và kinh tế của gia đình” - bà Ngọc khẳng khái. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI