Người mua hàng vẫn còn thói quen trả tiền mặt

17/05/2022 - 06:30

PNO - Sau khi chốt giá 4kg khô mực tẩm với sạp Trúc Phương trong chợ An Đông (Q.5, TPHCM), chị Minh rút ví lấy 4,8 triệu đồng ra trả. Nhân viên hỏi có muốn quẹt thẻ không, chị lắc đầu.

Trả tiền mặt nếu mua trực tiếp 

Chị Trúc Phương - chủ sạp Trúc Phương - cho biết, chị đăng ký máy mPOS của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ hai năm qua nhưng lượng khách quẹt thẻ rất ít nên máy thường nằm trong tủ. Mười khách mua hết chín người trả tiền mặt hoặc chuyển khoản, chỉ một người quẹt thẻ. 

“Khách sỉ ở tỉnh thanh toán đơn hàng bằng cách chuyển khoản, còn khách lẻ mua trực tiếp chỉ trả tiền mặt. Ít ai đi chợ mà không mang theo tiền mặt. Nhưng so với vài năm trước, lượng khách chuyển khoản đã tăng lên do thao tác tiện lợi, nhanh chóng, không tốn phí” - chị Trúc Phương nói.

Khách quẹt thẻ để trả tiền mua hàng tại chợ An Đông - ẢNH: THANH HOA
Khách quẹt thẻ để trả tiền mua hàng tại chợ An Đông - Ảnh: Thanh Hoa

Tại sạp Vinh Mai, chợ An Đông, sau khi mua trà, cà phê, bánh mứt, chúng tôi đề nghị thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ, nhân viên đề nghị chuyển khoản vì sạp không có máy quẹt hay mã QR. “Khách tới đây mua đều trả bằng tiền mặt, còn khách ở xa thì chuyển khoản, hầu như không ai quẹt thẻ” - một nhân viên của sạp này nói. 

16g chiều, tại sạp N.M. trong chợ Bến Thành (Q.1, TPHCM), hai vị khách nước ngoài đứng lựa một số đồ mỹ nghệ và nhang trầm. Chốt đơn mua hộp đốt nhang bằng gỗ với giá 350.000 đồng, vị khách nước ngoài móc tiền mặt ra trả. Chủ sạp phân bua, sạp không trang bị máy POS do hầu hết khách đến chợ - kể cả người nước ngoài - đều trả bằng tiền mặt, chỉ khi không đủ tiền mặt mới chuyển khoản hoặc quẹt thẻ. Trước đây, nhiều tiểu thương đăng ký máy POS/mPOS nhưng do phải đóng cửa phòng dịch trong thời gian dài, khách quẹt không đủ doanh số nên họ đã trả máy. 

Được biết, nhằm khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định không thu phí khi thanh toán qua POS/mPOS. Mức phí này là thu từ chủ điểm chấp nhận thẻ chứ không thu của khách hàng. Tuy nhiên, không ít sạp thu phí đối với khách khi họ muốn thanh toán bằng thẻ.

“Khi có khách muốn quẹt thẻ, các sạp đều nhờ sạp T.T. quẹt giúp nhưng khách phải mất phí quẹt thẻ là 4%/giao dịch, áp dụng cho cả thẻ ATM và thẻ visa. Có thể do bị mất phí nên khách ngại quẹt” - chủ sạp N.M. (chợ Bến Thành) nói. 

Chúng tôi mua vài sản phẩm mỹ nghệ ở sạp T.T. trong chợ Bến Thành với giá 740.000 đồng và quẹt thẻ thì bị thu phí bằng 3% trị giá giao dịch, tức khoảng 25.000 đồng. Chủ sạp này cho rằng, mức phí 3% này là do ngân hàng quy định thu trên mỗi giao dịch nên sạp phải thu của khách (?). Khi các sạp khác mượn máy quẹt thẻ thì sạp sẽ thu 4%, hưởng chênh lệch 1%. 

Khi mua mỹ phẩm ở sạp H.S. trong chợ Bàn Cờ (Q.3, TPHCM), chúng tôi cũng bị thu phí quẹt thẻ bằng 2% trị giá giao dịch. 

Nên có chính sách khuyến khích 

Đại diện ban quản lý các chợ ở TP HCM cho biết, chưa triển khai máy POS/mPOS, QR, Mobile Money do khách đến chợ đều trả bằng tiền mặt, còn khách ở xa thì chuyển khoản. 

Chị Thu Hiền - chủ sạp bánh mứt Thu Hiền trong chợ Tân Định (Q.1) - cho biết, nhân viên một số ngân hàng có đến mời đăng ký máy POS/mPOS nhưng chị và các tiểu thương khác không đăng ký bởi không rành về công nghệ và ngại việc phải chịu phí 1,8 - 3% trị giá mỗi giao dịch. “Lượng khách quẹt thẻ ít sẽ không đủ doanh số. Nếu thu phí của khách hàng thì khách ngại quẹt và tiểu thương cũng làm trái quy định, còn nếu tiểu thương phải chịu phí thì sẽ không có lãi” - chị Thu Hiền nói. 

Lượng người thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại các chợ truyền hiện hiện vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ
Lượng người thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại các chợ truyền hiện hiện vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ

Về những khó khăn khi muốn thanh toán bằng Mobile Money, chủ sạp Thiên Thiên trong chợ An Đông cho hay, khách đang dùng điện thoại không kết nối internet được thì phải đến các đại lý của nhà mạng đăng ký, cú pháp thanh toán khá rườm rà, ít khách nhớ. Khách đang dùng điện thoại thông minh (smartphone) thì phải tải thêm các ứng dụng của các nhà mạng, mỗi nhà mạng có ứng dụng riêng. Việc chuyển tiền cũng chỉ áp dụng được trong cùng nhà mạng. Do đó, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng vẫn tiện lợi hơn. “Tôi hỏi thử khách mua hàng thì ít người biết về phương thức này nên tôi không đăng ký” - chủ sạp này nói. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban quản lý chợ An Đông - trong năm 2020 và 2021, ban quản lý chợ có phối hợp với Sacombank tuyên truyền để tiểu thương hiểu hơn về thanh toán không dùng tiền mặt. Lúc đó, có khoảng 25 sạp đăng ký nhận máy mPOS nhưng do chợ phải đóng cửa trong thời gian dài để chống dịch COVID-19 và do phần đông khách hàng vẫn trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nên mPOS đành bỏ không. Vừa rồi, phòng kinh tế quận phối hợp với Ngân hàng Quân Đội (MB) trao tặng máy POS cho tiểu thương và có khoảng bốn sạp đăng ký nhận máy. Cách đây một tháng, Công ty Viễn thông Quân Đội (Viettel) cử nhân viên đến vận động tiểu thương áp dụng phương thức thanh toán bằng Mobile Money nhưng tiểu thương không tham gia. “Các ngân hàng cấp máy POS miễn phí nhưng lại áp doanh số, không đạt doanh số trong ba tháng thì bị thu hồi máy nên tiểu thương cũng lo ngại” - bà Ngọc Hà nói.

Để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, cần có nhiều chính sách để kích cầu với nhiều đối tượng. Ví dụ, có thể khuyến mãi hàng hóa khi quẹt thẻ hoặc giảm thuế VAT cho người thanh toán. Để khuyến khích cửa hàng, doanh nghiệp áp dụng cách thanh toán này, có thể giảm phí giao dịch hoặc giảm thuế cho phần doanh thu được thanh toán bằng quẹt thẻ, thanh toán qua kênh điện tử. 

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, với sự gia tăng của tội phạm mạng, cần đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán để người dân tin tưởng. “Bên cạnh đó, cần xây dựng một chương trình quốc gia để tuyên truyền cho cộng đồng về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt” - ông nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI