Người làm báo mảng văn hóa nghệ thuật và cuộc “dấn thân” với chữ

21/06/2021 - 08:12

PNO - Sau tất cả những vất vả, niềm vui của người làm báo chính là được nhìn thấy những bài viết của mình được đăng tải trên mặt báo, tạo hiệu ứng tích cực.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng, phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật thật “sướng”, ngày ngày xem phim nghe nhạc đọc sách, gặp gỡ phỏng vấn văn nghệ sĩ và viết. Đâu dãi dầu nắng mưa ở hiện trường, đâu tham gia vào những cuộc điều tra nguy hiểm, gai góc… Nhưng chúng tôi, những người phụ trách các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - giải trí, lại có một cuộc dấn thân khác với chữ nghĩa, mà có làm nghề, có trải nghiệm, thấu hiểu và chia sẻ mới có thể nhận diện đủ chiều sâu…

Lan tỏa, gìn giữ những điều tốt đẹp 

Đằng sau mỗi bài viết được đăng tải, đến với bạn đọc, là quá trình làm việc cần mẫn và âm thầm của phóng viên (PV). Một bài báo chỉ vài trăm đến hơn một ngàn chữ thôi, nhưng đôi khi lao động của người PV phải mất đến vài ngày, thậm chí là cần vốn “lao động quá khứ” đến vài năm. 
 

Nhà báo Diễm Mi đang tác nghiệp
Nhà báo Diễm Mi đang tác nghiệp

“Nhiều người ngoài cuộc, nhìn vào thích thú vì công việc tôi đang làm tự do và luôn có được một số đặc quyền: được ưu ái ở những đêm nhạc lớn, được xem trước những bộ phim hay, nghe những đĩa nhạc chưa ra mắt, hay đọc những cuốn sách còn nóng hổi. Nhưng cũng từ những đặc quyền đó, chúng tôi chạy đua với các báo để đưa thông tin sớm/mới nhất và phải sắc sảo nhất đến bạn đọc. Thưởng thức nghệ thuật nhưng không quên nhiệm vụ với chiếc máy ảnh, máy tính, dụng cụ ghi âm…” - nhà báo Diễm Mi chia sẻ.

Diễm Mi là cây bút quen thuộc của trang Văn hóa Văn nghệ, Báo Phụ Nữ TP.HCM với nhiều bài viết nhanh, nhạy về các vấn đề thời sự của chuyên mục. Đối với PV văn hóa, việc đi làm vào buổi tối là chuyện rất thường xuyên, có khi kết thúc các sự kiện về đến nhà đã gần nửa đêm.

Không ít lần PV ngồi viết bài ngay sau khi bộ phim được ra mắt, hay sau một đêm diễn để kịp in vào số báo sáng hôm sau. Hoặc ngồi bên dưới sân khấu vừa xem chương trình vừa làm tường thuật trực tuyến những sự kiện quan trọng. Khi khán giả đã về hết, PV có thể vẫn còn ngồi lại để phỏng vấn các nghệ sĩ…

Từng thực hiện nhiều bài viết gây chú ý về lĩnh vực di sản văn hóa, nhà báo Đậu Dung nói vui rằng “lắm phen phải bám càng mệt nghỉ, trái tim cũng đập loạn xạ theo diễn biến sự kiện”. Một căn biệt thự cổ mục ruỗng ngay trong lòng đô thị hiện đại, một địa điểm di sản, một công trình lịch sử, kiến trúc có giá trị đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, nhường chỗ cho các dự án mới; hay một di tích xếp hạng quốc gia bị bỏ hoang, xâm phạm… người làm báo đều phải vào cuộc.

Nhà báo Bùi Tiểu Quyên
Nhà báo Bùi Tiểu Quyên

Nhưng sau tất cả những vất vả mang tính “hậu trường” ấy, niềm vui của người làm nghề chính là được nhìn thấy những bài viết của mình được đăng tải trên mặt báo, tạo hiệu ứng tích cực.

Nhà báo Diễm Mi nhớ lại: “Còn nhớ lần đến nhà cố NSND Huỳnh Nga, gặp bà Đỗ Thị Minh Nguyệt - vợ nam nghệ sĩ - trong ngày bà nhận được giấy tờ sở hữu căn hộ do Thành ủy TP.HCM trao tặng, sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, bà rưng rưng nước mắt, cảm ơn vì nhờ báo chí quan tâm, sự việc được đi đến hồi kết nhanh hơn. Bà Minh Nguyệt mừng mừng, tủi tủi, còn tôi thầm cảm ơn công việc, đồng nghiệp của mình, mừng vì chúng tôi vẫn đang làm tròn bổn phận của những nhà báo chân chính, nói lên tiếng nói của lẽ phải và bảo vệ, lan tỏa điều tốt đẹp”.

19 năm làm PV chuyên trách theo dõi mảng điện ảnh, nhà báo Hương Nhu bộc bạch rằng, niềm vui lớn nhất chính là đã tích lũy được vốn hiểu biết kha khá về nghệ thuật thứ bảy, và có cơ hội trò chuyện với nhiều văn nghệ sĩ để hiểu hơn về các nhân vật từ phim đến cuộc đời. Chị thường nói vui “mình là đứa dành cả thanh xuân để xem phim”, vì lịch làm việc thường trực chính là xem phim điện ảnh, truyền hình, web drama, YouTube… mỗi ngày. Cũng vì xem nhiều như vậy mà Hương Nhu tư duy được nhiều đề tài hay, những bài viết gửi đến bạn đọc, nhưng cũng có khi là tiếng nói góp ý, phê bình, định hướng cần thiết cho giới làm phim.

Những giá trị đẹp đôi khi được lan tỏa từ những câu chuyện đời, chuyện nghề của văn nghệ sĩ. Nhà báo Bùi Tiểu Quyên chia sẻ rằng, khi thực hiện loạt bài về các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu - cải lương một thời, giá trị để lại cho tác giả lẫn bạn đọc ngoài dấu ấn văn hóa của từng giai đoạn, còn có những triết lý, nhân cách sống của mỗi nhân vật. Lĩnh vực văn hóa không chỉ có sự kiện, vấn đề thời sự, mà đôi khi là độ lùi về hàng chục năm, hàng trăm năm để tìm thấy những vẻ đẹp vĩnh cửu, những giá trị trầm tích, bền vững. 

Cất lên tiếng nói với những niềm hy vọng

Văn hóa luôn là những giá trị đẹp. Nhưng vấn đề của báo chí trong lĩnh vực văn hóa thì khác. Sẽ luôn có những sự vụ bất ngờ, ầm ĩ, tiêu cực, liên tục phát sinh theo dòng chảy thời sự mỗi ngày. Người làm báo ở lĩnh vực này đòi hỏi tư duy nhạy bén để có thể nhìn nhận nhanh chóng những vấn đề cần phải cất tiếng nói, thể hiện góc nhìn, phân tích thấu đáo, thuyết phục. 
 

Nhà báo Nguyễn Thành Lâm (trái) trong buổi phỏng vấn nghệ sĩ Mạc Văn Khoa
Nhà báo Nguyễn Thành Lâm (trái) trong buổi phỏng vấn nghệ sĩ Mạc Văn Khoa

“Trong mỗi lần gặp, NSND Kim Cương đều bảo với tôi rằng nghề báo cũng có sự tương đồng với làm nghệ sĩ, rất khó, bởi cả hai đều tác động trực tiếp lên công chúng, dư luận. Nếu nghệ sĩ diễn sai, nói tục làm hư khán giả, thì nghề báo chỉ cần một dấu chấm, dấu phẩy, một chữ đặt không đúng chỗ cũng có thể làm ảnh hưởng lớn đến một người, một cộng đồng. Phép so sánh giản dị ấy lại khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều. Chặng đường với nghề càng dài, nhiều câu hỏi lại được đặt ra khiến chúng tôi luôn phải suy nghĩ thật thấu đáo mỗi khi bắt đầu: Viết hay không? Nếu có, sẽ làm đến đâu?…” - nhà báo Nguyễn Thành Lâm bày tỏ. Nguyễn Thành Lâm (còn có bút danh Trung Sơn) là cây bút năng nổ của ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Phụ Nữ TP.HCM. Anh luôn có những góc nhìn xác đáng về các vấn đề nổi cộm của showbiz, viết vì “mong muốn đóng góp, chấn chỉnh những điều chưa tốt đẹp”.

Cùng quan điểm với Nguyễn Thành Lâm, nhà báo Diễm Mi gửi gắm tâm tình: “Nhiều nghệ sĩ thương và đồng cảm cho công việc của người làm báo, nhưng một số lại e ngại báo chí. Với nghề nghiệp, chúng tôi có nhiều lựa chọn, chọn đứng về phía nghệ sĩ, phía bạn đọc, hay nói đúng theo lương tâm của mình? Nhưng ở lựa chọn nào, chúng tôi cũng phải nói lên sự thật”.

"Gần đây nhất, làng nhạc lẫn phim ảnh chiếu mạng liên tục xuất hiện những sự việc, nhân vật không hay khiến dư luận xáo động. Chúng tôi đã viết rất nhiều, góp ý rất nhiều nhưng thực trạng này vẫn tái diễn. Tuy nhiên, chúng tôi không bỏ cuộc. Nhà quản lý trong những năm qua cũng đã lắng nghe, và nỗ lực, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Nếu không có sự thay đổi tích cực hơn, e rằng những gam màu xám sẽ tiếp tục bao trùm lên đời sống văn hóa giải trí nước nhà, và ảnh hưởng đến cả tương lai. Để tạo nên sự thay đổi đó, chúng tôi sẽ luôn cất cao tiếng nói với một niềm hy vọng đủ lớn. Tương lai luôn phụ thuộc vào nỗ lực của hiện tại” - nhà báo Nguyễn Thành Lâm nói thêm.

Còn nhà báo Đậu Dung tâm tình: “Chúng tôi gọi việc cố gắng giữ lại một công trình, một địa điểm, một vết tích chứa đựng lịch sử cũng như đời sống tinh thần của đất nước này là một “cuộc chiến”. Một “cuộc chiến” không “nồi da xáo thịt”, nhưng cũng đầy những cảm trạng có một không hai về mặt nhân văn. Và những chuyên gia trong lĩnh vực di sản như phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu… và rất nhiều chuyên gia tuổi đã cao hay còn trẻ tuổi, họ vẫn đang tiếp nối nhau gìn giữ tài sản văn hóa - tinh thần dân tộc”.

Có rất nhiều bài báo, chuyên đề, loạt bài dài kỳ sau khi đăng tải trên báo đã góp phần gìn giữ di sản, cất tiếng nói về giá trị thật, bảo vệ lẽ phải, làm thay đổi nhận thức cộng đồng…

“Viết cái gì? Viết cho ai? Và viết như thế nào?” - câu hỏi mà cũng như là lời nhắc nhở về nghề báo luôn được nhà báo Hương Nhu ghi nhớ. Có những lúc người cầm bút cũng phải đấu tranh với những tư liệu, những câu chuyện hậu trường mà họ biết. Dẫu biết đó có thể là những tin tức “câu view”, nhưng có viết ra hay không lại là lựa chọn đạo đức của nghề.

PV mảng văn hóa văn nghệ dành tâm tư cho những bài phản biện, thể hiện quan điểm tòa soạn, cũng chính là mong muốn có thể cùng góp một tiếng nói vì những giá trị tốt đẹp và tích cực.

Nhóm phóng viên Ban Văn hoá Văn nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI