Người dân được gì khi TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế?

08/05/2020 - 07:43

PNO - Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM liên quan đến đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhóm chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần có sự hợp lực từ chính sách của Nhà nước và sự tham gia của cả người dân.

 

Muốn trở thành trung tâm tài chính mạnh cần phải áp dụng các công nghệ dùng cho các nền tài chính như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (big data).
Muốn trở thành trung tâm tài chính mạnh cần phải áp dụng các công nghệ dùng cho các nền tài chính như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (big data).


Cơ hội để trải nghiệm tư duy mới, sản phẩm mới 

Phóng viên: Chúng ta thực sự có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm tài chính (TTTC) mạnh như mong muốn không, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy - giảng viên khoa Kinh tế tài chính, Đại học RMIT Việt Nam: Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có tiềm năng, nhưng còn thiếu các chính sách quyết liệt. Nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển TTTC, nhưng chính sách về vấn đề này đang thiếu so với những tiêu chuẩn quốc tế, như hệ thống đào tạo chưa tốt, chính sách lương bổng chưa hợp lý nên chưa thể thu hút được người giỏi. Hiện tại, không có khung pháp lý rõ ràng cho việc thúc đẩy áp dụng các công nghệ dùng cho các nền tài chính như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (big data).

Rõ ràng, ở tầm quốc tế, chúng ta chưa đáp ứng được về mặt nhân lực và chưa đủ số lượng công ty đầu tư vào TPHCM trong lĩnh vực này. Khi muốn niêm yết, liệu một công ty nước ngoài có chọn sàn giao dịch ở Việt Nam không, hay sẽ chọn ở New York, Hồng Kông, Singapore? Câu trả lời là “chưa dám”, khi độ tin cậy và tính minh bạch của ta tương đối thấp.

Tiến sĩ Phan Anh Huy
Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy giảng viên khoa Kinh tế tài chính, Đại học RMIT Việt Nam

Để thực sự trở thành TTTC toàn cầu, ta còn phải nâng tỷ lệ sử dụng ngân hàng trong dân lên. Hiện tại, theo số liệu năm 2019, chỉ 20% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong đó, chỉ 3% có thẻ tín dụng (credit card). Đây là con số rất thấp so với các nước. Ngoài ra, theo tiêu chuẩn chung, hệ thống ngân hàng thế giới đã chuẩn bị đạt chuẩn Basel 4, trong khi các ngân hàng Việt Nam chỉ mới đạt Basel 2 mà thôi. Basel bao gồm nhiều điều kiện gắt gao về vốn, nhân sự, tính minh bạch về thông tin, xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu… 

Có thể hiểu nôm na, TTTC là nơi tập trung nhiều công ty lớn trên thế giới tụ về niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. 

* Ông có thể đưa ra ví dụ rõ hơn về các khó khăn khi áp dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - chuyên gia tài chính: Muốn thành TTTC, cần phải xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó có sự hợp tác của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học và nhà nước để dòng vốn vào, ra Việt Nam đơn giản, dễ dàng cho các công ty nước ngoài.

TTTC giải quyết hai vấn đề: đầu tư và vốn. Người dân đi làm, tích lũy được vốn thì đầu tư vào cái gì? Họ mong muốn những sản phẩm đầu tư mới, ít rủi ro. Người có ý tưởng thì cần vốn để phát triển sản xuất. TTTC đưa ra thêm sản phẩm đầu tư giúp cho cá nhân hay công ty nhỏ và vừa có cách để huy động vốn. Hệ sinh thái như vậy sẽ giúp nền kinh tế phát triển tốt. TTTC dung hòa hai nhu cầu, một bên có nhiều ý tưởng nhưng không có vốn, phía còn lại có nhiều tiền mà không biết đầu tư vào đâu. 

Suy rộng hơn, mọi người không chỉ đầu tư, vay vốn ở trong nước mà còn muốn đầu tư, vay vốn từ các sản phẩm tài chính trên toàn cầu, cứ ở đâu lãi suất thấp nhất thì vay. Do đó, TTTC giúp vòng xoay của đồng tiền chạy nhanh hơn và sinh hiệu quả lớn hơn cho cả người tiêu dùng bình thường lẫn doanh nghiệp. TTTC không chỉ giúp cải thiện việc quản lý, vận hành sản phẩm tài chính, đưa ra các khung pháp lý bảo vệ người đầu tư, người tiêu dùng, kiểm soát nền kinh tế, mà còn thúc đẩy cá nhân, doanh ngiệp áp dụng sản phẩm đó một cách hiệu quả. 

Tiến sĩ Phan Thanh Bình
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình- chuyên gia tài chính

Hiện có nhiều sản phẩm tài chính chưa được ứng dụng ở Việt Nam do khung pháp lý chưa có, chưa rõ ràng hoặc chưa hoàn thiện. Ví dụ như bitcoin là một ứng dụng của blockchain, nhưng sản phẩm sử dụng đồng tiền ảo, tiền mã hóa để thanh toán này đang bị hiểu lầm và ngộ nhận. Trong các năm 2017-2018, đã có khoảng 10 công ty huy động vốn kiểu đó, nhưng do khung pháp lý chưa có nên không ra được sản phẩm cụ thể cũng như không quản lý được những đơn vị lợi dụng sơ hở pháp lý, biến bitcoin thành sản phẩm “lừa đảo”.

Người ta thống kê, các nhà đầu tư Việt Nam mất hơn 600 triệu USD khi tham gia huy động vốn bằng tiền xu mã hóa đó. Chúng ta bị mất một kênh huy động vốn cho người dân cũng như doanh nghiệp. Nhưng một TTTC lớn có thể giải quyết được “mâu thuẫn” này. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ngoài có khung pháp lý để bảo đảm có quyền huy động vốn bằng cách dùng công nghệ blockchain như bán xu kỹ thuật số, tài sản mã hóa. 

Tôi cho rằng, công nghệ đang thay đổi nền tài chính quá nhanh. Vì vậy, Việt Nam không nhất thiết phải đi qua các bước phát triển của các TTTC khác, bởi chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội để nhảy các bước tương đối xa trong quá trình cải cách nền tài chính bằng công nghệ. Đơn cử như khi đưa các dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao vào ngân hàng, tổ chức tài chính đã giúp thay đổi một cách vượt bậc hơn là cứ phải đi qua 150 năm phát triển của các TTTC.

* Xin hỏi, người dân TPHCM sẽ được lợi gì trong định hướng phát triển thành phố thành TTTC toàn cầu?

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy: Về mặt trực tiếp, người dân không được lợi gì. Tuy nhiên, việc trở thành một TTTC mạnh, hấp dẫn các công ty ở Mỹ, châu Âu muốn sang đầu tư, niêm yết có nghĩa là khi đó, uy tín của một quốc gia, một nền kinh tế đã được nâng lên rất cao rồi. Và uy tín đó phụ thuộc lớn vào chính phủ và cả người dân.
Chính phủ có uy tín là chính phủ khi vay nợ nước ngoài, phải trả nợ công đúng hạn. Điều này tăng uy tín để quốc tế xếp hạng chính phủ đó theo hệ thống A, B, C… Một TTTC mạnh thì văn hóa làm việc cũng phải thay đổi.

Thay vì chỉ làm từ 8-17g, các TTTC trên thế giới làm việc nhiều hơn, có khi từ 8-20g hay thậm chí đến 0g.
Trong quá trình đó, người dân phải nâng cao nhận thức về tài chính như sử dụng tài khoản ngân hàng nhiều hơn, hạn chế dùng tiền mặt giúp đồng tiền luân chuyển nhanh hơn. Hệ thống giáo dục chắc chắn cũng phải cải thiện, sinh viên ngành tài chính không chỉ học lý thuyết suông hay chỉ đi thực tập trong nước mà còn phải biết ra nước ngoài nữa. Hiện có bao nhiêu sinh viên ra trường đủ trình độ làm ở công ty tài chính, sàn chứng khoán nước ngoài?

Người dân nhiều nước phát triển cũng gặp khó khăn về thuật ngữ tài chính chứ không riêng gì ở Việt Nam. Do đó, công nghệ đã giúp người dân tiện lợi hơn khi vay tiền. Người ta chỉ cần đánh số tiền, thời gian vay là sẽ biết chính xác phải trả bao nhiêu, trong bao lâu. Người dân còn được biết nên trả theo tháng hay mỗi hai tuần hoặc mỗi ba tháng thì có lợi hơn.

Riêng về việc không dùng tiền mặt, cần giải quyết hai vấn đề. Mua bán trực tuyến phát triển nhưng do chưa tin vào chất lượng sản phẩm nên người dùng thường chỉ muốn trả sau bằng tiền mặt để cầm, sờ được món hàng trước khi thanh toán. Do vậy, cần có chuẩn chung để việc bán hàng trực tuyến ít mang lại rủi ro cho người tiêu dùng, hàng hóa đến nơi đúng chất lượng đã cam kết. Thứ hai, cần làm cho ví điện tử đơn giản và bao phủ hơn. 

Tóm lại, trong quá trình xây dựng thành phố thành TTTC thực sự mạnh của khu vực và thế giới, chính phủ và người dân được “rèn luyện” để dám trải nghiệm những tư duy mới, sản phẩm mới.

 Hiện tại, không có khung pháp lý rõ ràng cho việc thúc đẩy áp dụng các công nghệ dùng cho các nền tài chính như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (big data).
Hiện tại chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng cho việc thúc đẩy áp dụng các công nghệ dùng cho các nền tài chính như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (big data)

Chưa khuyến khích người dân đầu tư

* TPHCM cần cắt đi những yếu kém nào trong vận hành kinh tế với định hướng trở thành TTTC thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hồng Thái - Quyền trưởng khoa Tài chính và Ngân hàng, Đại học RMIT Việt Nam: Để thành TTTC quốc tế, không chỉ cần làm tốt những gì mà các TTTC lớn đã làm, mà còn phải làm luôn những cái họ chưa làm.

TTTC là nơi giải quyết những vấn đề lưu chuyển quỹ đầu tư và tiền tệ. Quỹ thể hiện ở năng lực kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài hoặc vốn nội địa; tiền thể hiện giao dịch. TTTC giúp giải quyết tốt cả hệ thống ngân hàng lẫn tài chính. Hệ thống ngân hàng mạnh phải đóng vai trò bảo lãnh trong các giao dịch tầm quốc tế. Nhiệm vụ chủ yếu của ngân hàng khi đó là xây dựng niềm tin. Việt Nam muốn phát triển thì niềm tin của hệ thống ngân hàng phải có. 

Tiến sĩ Vũ Hồng Thái
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hồng Thái - Quyền trưởng khoa Tài chính và Ngân hàng, Đại học RMIT Việt Nam

Cũng vậy, thị trường chứng khoán là nơi để gọi vốn, vậy thị trường này của ta đủ mạnh chưa? Một bà nội trợ ở Hồng Kông cũng có thể mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư, nhưng ở Việt Nam, chưa có cơ chế để người dân thích đầu tư. Ở đây, vẫn còn thiếu sự minh bạch. Khi làm cho hệ thống ngân hàng, tài chính mạnh lên theo nghĩa minh bạch rồi, niềm tin từ người dân, từ quốc tế có rồi thì phải nghĩ tới năng lực về công nghệ. Lượng giao dịch vào nhiều hơn thì internet đủ mạnh để đáp ứng chưa, an ninh mạng được bảo vệ tốt chưa?

Áp dụng blockchain là cách để thực hiện giao dịch nhanh hơn. FinTech, bitcoin là những công cụ thực hiện giao dịch nhanh hơn, tiện hơn, an toàn hơn, truy xuất nguồn gốc tốt hơn. Một trong những cách làm tốt nữa là phải mã hóa được tài sản. Một doanh nghiệp muốn mang vốn vào đầu tư mua đất sản xuất mà phải qua giai đoạn xác thực lê thê thì quá hạn chế. Mã hóa tài sản giúp việc xác thực nhanh chóng, nhà đầu tư sẵn sàng hơn. Sau đó, ta mới nói đến chuyện “đi tắt đón đầu”.

Bản thân tài chính là thực hiện những giao dịch bề nổi của nền kinh tế, nên phải làm tốt các yếu tố khiến nền kinh tế mạnh lên. 

* Các yếu tố đó là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hồng Thái: Cái gốc của vấn đề là từ đâu có các giao dịch quốc tế, từ đâu người ta đổ vốn vào chúng ta? Làm sao có những hoạt động xuất nhập khẩu? TTTC chỉ xử lý thôi, nên phải đi từ cái gốc của nền kinh tế: nhân lực của ta đủ đáp ứng, thể chế đủ minh bạch, tỷ giá hối đoái có ổn định để dự đoán lợi nhuận hay không? TTTC hoành tráng mà không có nền tảng kinh tế thì cũng như không. Giá trị tạo ra và được đón nhận mới là cốt lõi. Doanh nghiệp cần nhìn lại xem thế mạnh của họ là gì, hàm lượng sáng tạo trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra là bao nhiêu? 

Ngoài TTTC, còn phải có những trung tâm hỗ trợ về công nghệ dành riêng cho các đối tượng cần được ưu tiên, nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. 

* Xin cảm ơn các chuyên gia. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI