Diễn đàn 'Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo': Thật tiếc khi TP.HCM chưa khai thác được tiềm năng du lịch di sản

28/11/2019 - 08:53

PNO - "Về du lịch văn hóa di sản, chúng ta chỉ mới dừng lại ở kiến trúc, chưa tái hiện được lịch sử và khai thác các di sản phi vật thể khác..."

Di sản và phát triển du lịch di sản là mối quan tâm lớn của thạc sĩ Phan Minh Châu - Khoa Quản trị du lịch nhà hàng khách sạn, Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - khi đến với diễn đàn “Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo” do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức. Ông nói: Di sản của TP.HCM hiện rất nhiều, trong đó, phải kể đến di sản về kiến trúc. Sài Gòn có nhiều công trình mang kiến trúc của người Pháp, Hoa kiều, các công trình nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, miếu đình đẹp. Ngoài giá trị văn hóa, đây còn là tài nguyên du lịch để TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, đến nay, số lượng di sản được khai thác để làm du lịch không nhiều. Hiện chỉ có chương trình tham quan Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập hay miếu Thiên Hậu.

Dien dan 'Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao': That tiec khi TP.HCM chua khai thac duoc tiem nang du lich di san
Các di tích được xếp hạng của TP.HCM lặng lẽ, vắng vẻ trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) - Ảnh: Quốc Ngọc

Không có sản phẩm du lịch di sản rõ ràng

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng,TP.HCM chưa khai thác hết tiềm năng các sản phẩm du lịch di sản rõ ràng mà dường như chỉ dừng lại ở kiến trúc thôi, thưa ông?

Thạc sĩ Phan Minh Châu: Đa phần cũng chỉ đến để chụp hình. Ngay như Bưu điện TP.HCM, du khách đến, nghe giới thiệu loáng thoáng rồi chụp hình thôi, còn để tham gia các giá trị sâu bên trong thì chưa. Chẳng hạn như một số nhà thờ có nhiều hiện vật giá trị nhưng ít được biết đến. Những ngôi chùa ở Chợ Lớn cũng vậy, khách được dẫn đến để nghe giới thiệu về kiến trúc, ít ai được tạo điều kiện về thời gian để tìm hiểu về ẩm thực, tập tục của người Hoa đi kèm những công trình đó. Hiện chỉ có Dinh Độc Lập là cho du khách nghe tương đối nhiều nội dung lịch sử. Như vậy, về du lịch văn hóa di sản, chúng ta chỉ mới dừng lại ở kiến trúc, chưa tái hiện được lịch sử và khai thác các di sản phi vật thể khác.

Dien dan 'Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao': That tiec khi TP.HCM chua khai thac duoc tiem nang du lich di san

* Ông vừa nhắc đến “tái hiện”, vậy ông có đề xuất nào cụ thể cho du lịch di sản của TP.HCM?

- Ở các nước, ngoài tham quan một địa điểm, công trình, du khách còn được xem chương trình biểu diễn (show) tái hiện những gì liên quan đến nó. Tôi đến Trung Quốc, thấy mỗi tỉnh có ít nhất một show đặc trưng cho từng tỉnh, vùng, như Tống Thành show, Nga My show, Tây Tạng show… Mình không những nghèo nàn về sản phẩm du lịch di sản mà còn chưa làm được những cái tối thiểu mà nước khác đã làm từ lâu.

Trong khi đó, TP.HCM dư sức tổ chức các show tái hiện lịch sử hình thành nhạc cụ truyền thống, đờn ca tài tử Nam bộ ngay tại điểm tham quan tương ứng nhằm tăng giá trị di sản, hoặc show biểu diễn những điệu múa truyền thống kèm văn hóa ẩm thực cho du khách thưởng lãm.

* Nếu thực hiện một show đặc sắc về di sản cho thành phố này, ông nghĩ đến loại hình nào?

- Tôi nghĩ nên đưa cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ ra phục vụ du khách, làm những show đặc sắc cho du khách xem vào ban đêm. Ngoài những trích đoạn kinh điển, có thể kết hợp hiệu ứng sân khấu, nhạc nước… Ở các chùa của người Hoa cũng vậy, chúng ta có thể tái hiện lại hí kịch, kinh kịch, côn khúc, múa lân mai hoa thung… Bình thường, các sinh hoạt này chỉ diễn ra một lần vào ngày vía Bà Thiên Hậu (23/3) ở các hội quán, đình chùa của người Hoa. Tại sao mình không biến cái đó thành hoạt động thường xuyên, phục vụ du lịch?

* Còn nhớ năm 1998, khi kỷ niệm Sài Gòn - TP.HCM 300 năm, trong đêm gala chính, có một show rất thành công mang tên Đất lành chim đậu. Theo ông, chúng ta có thể phát triển nó thành show đặc trưng riêng cho TP.HCM không?

- Tôi cũng đang muốn nói đến điều đó. Tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM như show trên là hết sức khó, do chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực và địa điểm. Có thể chuyển thể show Đất lành chim đậu trước đây qua nghệ thuật rối nước, sẽ dễ tổ chức, quảng bá hơn, đồng thời sẽ giúp nghệ thuật rối nước không còn đơn điệu với những chuyện kể quanh đi quẩn lại.

Theo tôi, sân khấu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng nên trở thành nơi sáng đèn hằng đêm dành cho du khách có thể trở về thuở phương Nam mở cõi với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Đó là chưa kể di sản đồ sộ của nền tân nhạc, ví dụ như nhạc Trịnh. Tôi muốn TP.HCM có một tour kết hợp tham quan các địa điểm đặc trưng và kết thúc bằng một show mang tính giải trí cao cho du khách.

Trong show, chúng ta nên lồng ghép một tổ hợp tạp kỹ đờn ca tài tử, cải lương, kinh kịch, hí kịch, nhạc Trịnh… đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách thưởng lãm. Nên có thuyết minh bằng phụ đề tiếng Anh cho các loại hình nghệ thuật đó, tăng sự tương tác bằng hình thức cho khách giao lưu. Ví dụ, mời họ lên sân khấu, hướng dẫn nhanh cách sử dụng một nhạc cụ dân tộc, hoặc chỉ cần cho khách sờ vào cái phách, đánh một tiếng trống, cũng đủ gây ấn tượng mạnh với du khách. 

* Chúng ta đang hướng đến thành phố thông minh, sáng tạo nhưng tôi thấy các điểm tham quan của mình còn thua Phnom Penh (Campuchia) với hệ thống bảo tàng được trang bị headphone khá tốt thay vì sử dụng hướng dẫn viên để thuyết minh…

- Việt Nam có công nghệ này ở Bảo tàng Chămpa Đà Nẵng. TP.HCM chưa ứng dụng nhưng trước sau cũng phải làm thôi. Điều đáng tiếc hơn cả là sự thiếu quy hoạch kết nối “quần thể di sản” của thành phố. Chúng ta có lợi thế là các tài sản văn hóa tọa lạc ở Q.1, Q.5, rất gần nhau và dễ dàng kết nối, nhưng vẫn không làm được.

Một cái cũng đang cho thấy thiếu thông minh, sáng tạo là chỉ mới khai thác những điểm nổi bật phổ biến, quen thuộc, còn rất nhiều tòa nhà, công trình khác hấp dẫn nhưng chưa được khai thác. Do năng lực quảng bá kém, nên hàng chục chùa, bảo tàng, nhà thờ nổi tiếng chứa nhiều di vật bí ẩn, rồi xác ướp Xóm Cải… gần như bị quên lãng và không kết nối được với nhau.

Dien dan 'Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao': That tiec khi TP.HCM chua khai thac duoc tiem nang du lich di san
Các công trình cổ do tư nhân sở hữu, quản lý đang chỏng chơ giữa những tòa nhà đúc bê tông cao lênh khênh dọc tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc


Du lịch di sản phát triển kéo theo bảo tồn tốt và ngược lại

* Với những điều đơn giản nhưng vẫn chưa thành hiện thực thì trách nhiệm như thế nào, thưa ông?

- Quản lý hiện rất chồng chéo, vừa quận, vừa sở hay cục di tích thuộc bộ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo tồn, từ đó kéo theo du lịch di sản nghèo nàn. Thật ra, chỉ riêng di tích được UNESCO công nhận, chúng ta còn chưa “hiểu” được ai quản lý. Các công trình này dù thuộc UBND tỉnh nhưng muốn động đến, phải qua UNESCO. Ví dụ như hư cục gạch, mảng tường, trần nhà, phải trình về trung tâm bảo tồn để gửi lên tỉnh, rồi trung ương và qua UNESCO. Khi tiếp nhận các vấn đề cần sửa chữa, trùng tu, UNESCO sẽ hỗ trợ kỹ thuật, vốn. Hiện TP.HCM chưa có di sản vật thể nào được UNESCO công nhận, nhưng vẫn có thể áp dụng cách quản lý di tích, di sản toàn cầu của họ. 

Chính tôi hiện nay cũng không biết một số di sản do ai quản lý. Trách nhiệm chồng chéo, mới dẫn tới những chuyện như màu sơn của Bưu điện TP.HCM phải tuân thủ theo quy tắc nào, kiến trúc ban đầu ra sao để giữ gìn. Hoặc chuyện mất trộm các họa tiết trên mái nhà của miếu Bà Thiên Hậu thì trách nhiệm của ai? Ý tôi muốn nói, chúng ta không có trung tâm đầu mối, dù vẫn có nhiều sở, trung tâm xúc tiến, quảng bá nghe có vẻ “liên quan”.

Tôi lấy ví dụ, Campuchia có hẳn cơ quan duy nhất là Trung tâm Apsara quản lý mọi vấn đề về đền đài, di tích trên toàn quốc. Đụng đến cái gì là có trung tâm này lôi ra xử. Hoặc gần hơn, Huế cũng có Trung tâm Bảo tồn di tích Huế làm khá tốt. Vậy tại sao TP.HCM không có một đầu mối tập trung như cách quản lý của UNESCO trong điều phối, giám sát, bảo toàn tính xác thực, tuân thủ quy tắc bảo tồn, trùng tu, phát triển và đóng luôn vai trò kết nối sản phẩm du lịch?

* Hẳn ông còn nhiều trăn trở cho du lịch di sản của TP.HCM?

- Nhiều lắm. Nhiều phố cổ đẹp ở khu Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), Bến Hàm Tử (Q.1 và Q.5)… lại bị đập đi, quá uổng cho một sản phẩm du lịch di sản ban đêm của Sài Gòn - Chợ Lớn nếu được biến thành đường đi bộ ven sông và các chương trình như treo lồng đèn, phố ẩm thực… Sản phẩm du lịch về đêm của mình hiện khá nhàm chán, đơn điệu, show không có, chợ đêm cũng lèo tèo… Vậy người ta đến Sài Gòn - TP.HCM ban đêm chỉ để ngủ à? Thượng Hải, Hồng Kông là những “thành phố không ngủ” vì du khách có quá nhiều sản phẩm du lịch về đêm để chọn lựa như coi show, khu phố ẩm thực tập trung, shopping buổi tối…

* Làm sao để phát triển du lịch di sản khi nó còn liên quan đến cộng đồng địa phương? Ông có giải pháp nào?

- Phải thực hiện cho được mối liên kết giữa ba bên. Đó là, vừa tạo ra giá trị cho người địa phương; UBND quận, huyện phải cho người dân sở hữu di sản biết được giá trị khu vực của mình, trích lợi nhuận cho họ, chính quyền thành phố nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp hợp tác quảng bá, đồng thời trích lợi nhuận từ giá tour trở lại cho địa phương thực hiện nghĩa vụ với dân cư và phục vụ bảo tồn.

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

Tiến sĩ Đặng Hoàng Lan - Khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Nên phát hành thẻ du lịch và mua sắm

Bên cạnh việc từng bước áp dụng mã vạch QR cho phép du khách dùng thiết bị di động xem và tìm hiểu về hiện vật tại bảo tàng, điểm tham quan, chúng ta cũng có thể xây dựng được một sản phẩm thông minh cho du khách giống như Hàn Quốc đã làm ở Seoul, với điều kiện chính quyền thành phố phải làm tốt công tác kết nối du lịch. Khi đó, chúng ta dễ dàng phát hành một loại thẻ du lịch điện tử. Chẳng hạn đó có thể là thẻ cho một tour di sản kiến trúc TP.HCM với các mệnh giá 100.000-500.000 đồng, không phân biệt người nước ngoài hay Việt Nam. Du khách có thể mua thẻ này ở bất kỳ đâu. Đến địa điểm tham quan nằm trong chương trình, khách chỉ cần quét thẻ vào máy, hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản thẻ. 

Dien dan 'Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao': That tiec khi TP.HCM chua khai thac duoc tiem nang du lich di san

Cách này vừa tiện lợi, vừa kích cầu bằng cách xây dựng chính sách thẻ, có nhiều khuyến mãi, chiết khấu, giảm trừ tiền cao hơn so với mua tour ngoài. Thẻ đó cũng có thể dùng để mua sắm. Nếu có việc đột xuất phải rời thành phố, khách vẫn được hoàn tiền thừa nếu chưa sử dụng hết.

 Luật sư Mai Thanh Hà - Đoàn Luật sư TP.HCM: Áp dụng nền tảng internet of things 

Tôi đề xuất thực hiện đề án “Hành trình khám phá những điều thú vị TP.HCM, Việt Nam, ASEAN 2020-2030”. Trên nền tảng internet of things (IoT), du khách tham gia sẽ phản ánh các trải nghiệm và tương tác đa chiều của mình, khám phá những điều thú vị về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, những điều đặc sắc của các khu phố văn hóa, cộng đồng dân cư TP.HCM và Việt Nam vào công cụ tương tác được xây dựng riêng cho đề án hệt như một mạng xã hội.

Mục tiêu của đề án là giúp các cộng đồng dân cư sở tại hoàn thiện và nâng cao tính chân, thiện, mỹ vì chính quyền lợi và sự giàu có của từng cá nhân. Cán bộ công chức Việt Nam sẽ được đào tạo, có kinh nghiệm thực tế. Muốn vậy, các trang thông tin điện tử của các tổ chức nhà nước sẽ tham gia tương tác đa chiều  với người dân để các cơ sở dữ liệu hữu ích luôn được xã hội sử dụng, góp ý, cập nhật.

Dien dan 'Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao': That tiec khi TP.HCM chua khai thac duoc tiem nang du lich di san

Ngoài công cụ tương tác chính của đề án, hệ thống truyền thông đại chúng có thể kết nối đa chiều với các thiết bị IoT của du khách giúp củng cố niềm tin của cộng đồng các nhà đầu tư, du khách đến vì vẻ đẹp, thân thiện của con người, danh thắng, giúp lấp đầy sự trống vắng của cơ sở vật chất du lịch, thương mại của thành phố và Việt Nam. Đến năm 2030, hàng loạt sự kiện tương tác đa chiều trong 10 năm của đề án sẽ là một kênh thông tin hiệu quả giúp phát triển, nhận diện thương hiệu TP.HCM, Việt Nam trên toàn cầu, chứng minh hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển di sản, ngăn chặn hàng loạt biệt thự cổ bị biến mất…

Với các hoạt động kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và du khách, “Hành trình khám phá những điều thú vị TP.HCM, Việt Nam, ASEAN 2020-2030” từ một đề án sẽ biến thành cơ hội giúp các tổ chức sản xuất, kinh doanh thương mại của các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan hình thành các liên kết một cách tự nguyện để tận dụng các lợi thế so sánh và tạo ra lợi nhuận, thúc đẩy các cơ quan hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách nhạy bén hơn với thực tế cuộc sống, giúp người dân, doanh nhân được hưởng thụ chính sách, giải phóng nhanh các nguồn lực để làm ra nhiều của cải hơn cho xã hội.

Quốc Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI