Người đàn bà mê đắm lụa

29/08/2021 - 19:37

PNO - Vũ Phương Thủy mê đắm lụa theo một cách khác hơn, nhọc nhằn hơn và cũng lạ lùng hơn.

Đã có bao nhiêu phụ nữ sinh ra ở xứ Việt mê đắm lụa - thứ vải mặc lên da vừa rũ mềm vừa mướt rượt? Và cũng đã có bao nhiêu người làm thời trang mang lụa vào thiết kế, chăm bẵm từng li từng tí, biến ảo muôn hình vạn trạng hòng đưa lụa Việt hòa nhịp vào dòng chảy của thời trang thế giới?

Lụa, tranh dân gian và Thủy Pháp

Vũ Phương Thủy không phải là nhà thiết kế, cũng không phải người làm văn hóa. Chị đơn giản là một kẻ hành hương mê đắm, mải miết đi không thiết lối về. Trong giới thời trang và làm đẹp, Vũ Phương Thủy được biết đến như một kẻ sành điệu với nick name “Thủy Pháp” nhờ gu ăn mặc tinh tế, phóng khoáng và hợp thời trang. Chị là tác giả của cuốn sách bán khá chạy mang tên Đẹp có phong cách, được cộng đồng thời trang vô cùng yêu mến.

Vũ Phương Thủy tin rằng những giá trị đẹp, ý nghĩa luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu nó
Vũ Phương Thủy tin rằng những giá trị đẹp, ý nghĩa luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu nó

Chị có thể dành cả ngày nói về lụa, từ những làng lụa chị từng rong ruổi trên khắp Việt Nam cho đến cách dệt ra một tấm lụa. Làm thế nào để vải không bị xước; nhuộm ra sao để vải không bị co rút, lem màu; vẽ rồi in hoa văn ra sao để vải có thể giữ nguyên trạng thái… thành thạo chẳng kém gì một tay lão luyện trong nghề.

Tất nhiên, là tay ngang bất thình lình bén duyên với lụa, để có thể rành rẽ từng ấy công đoạn, chị đã trả giá không ít, cả thời gian, tâm sức và tiền bạc. Những ngày đầu khởi dựng, nghe ở đâu có làng lụa truyền thống, chị đều không quản xa xôi tìm đến, xem nghệ nhân dệt, trò chuyện cùng họ và tìm hiểu, nhằm tìm cho kỳ được loại lụa chị hình dung.

Qua sản phẩm khăn lụa mang họa tiết tranh dân gian Việt Nam, Vũ Phương Thủy muốn tạo nên “mối lương duyên” giữa giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại
Qua sản phẩm khăn lụa mang họa tiết tranh dân gian Việt Nam, Vũ Phương Thủy muốn tạo nên “mối lương duyên” giữa giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại

 

Một trong những nét hay của làng nghề truyền thống là tính bảo lưu ký ức và kỹ thuật của nó. Song, đó cũng chính là nhược điểm khi làng chậm thích ứng và tiếp thu yếu tố mới để thích nghi với yêu cầu thời đại. Đó là lý do vì sao, các làng nghề dần mai một. Chính chị Thủy cũng thừa nhận: “Khó nhất là khâu làm việc với các nghệ nhân, thuyết phục họ làm theo ý mình để cho ra một thước lụa đúng chất lượng”.

An tâm được khâu vải thì đến công đoạn vẽ và in họa tiết cho lụa. Thay vì chọn hoa lá, cỏ cây đưa lên từng thớ lụa, chị Thủy muốn gửi gắm vào đó những nét vẽ cách điệu từ văn hóa truyền thống. Từ những ngày còn là đạo diễn, biên tập viên truyền hình xông xáo tại Hà Nội, chị Thủy đã trót xao xuyến trước vẻ đẹp vừa giản dị vừa vui tươi của tranh dân gian. Để rồi khi theo chồng vào Nam vun vén cho gia đình, những tưởng đã gác lại những tháng ngày tuổi trẻ thì những chuyến đi thực tế ấy lại ngọ nguậy, thôi thúc chị phải làm một điều gì đó.

Nhiều đêm thao thức, Thủy đã giải được bài toán khó tự đặt ra cho bản thân. Văn hóa truyền thống muốn bảo lưu được thì trước hết phải hòa nhịp vào đời sống đương đại. Làng nghề muốn tồn tại thì người làm nghề phải sống được bằng nghề. Và Thủy quyết tâm, dù chỉ là chút sức nhỏ nhưng chị tin chính nhiều chút nhỏ ấy sẽ tạo nên sự cộng hưởng lớn, góp phần đưa văn hóa truyền thống trở lại đời sống hiện đại.

Muốn chắt lọc họa tiết, trước hết phải hiểu rõ tranh; từ chất liệu, màu sắc cho đến ý nghĩa từng họa tiết. Thủy tìm gặp các nghệ nhân bóc tách những tầng lớp trong tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng... Từ sự am tường đó, chị làm việc với đội ngũ họa sĩ để biến tấu những nét vẽ, họa tiết trên tranh dân gian thành những họa tiết đương đại, vui tươi, sinh động mà vẫn không làm mất đi chất vốn có của tranh. Có thể thấy nét phá cách này trong nhiều mẫu khăn chị đã tạo nên.

Chẳng hạn như mẫu lấy cảm hứng từ bức Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) của dòng tranh Hàng Trống. Hình ảnh cá chép trong tranh dân gian Việt Nam tượng trưng cho sức mạnh thể chất phi thường, ý chí mãnh liệt vươn lên trong cuộc sống. Mặt trăng mang hình tròn, là biểu tượng của sự hoàn thiện, viên mãn mà ai cũng mong muốn.

Khăn Cá chép trông trăng được thiết kế theo bố cục song ngư - một sáng tác đầy phá cách khi kết hợp vẻ đẹp của tranh dân gian Việt với biểu tượng của chiêm tinh học. Hình ảnh hai con cá cách điệu của chòm sao song ngư ung dung chơi đùa toát lên sự an bình tự tại - hoàn toàn tương xứng với ý nghĩa của bức tranh gốc.

“Duyên” và ấp ủ với thủ công Việt

Khi tôi hỏi Thủy tại sao không chọn điểm dừng ở quần áo, trang sức mà lại chọn phụ kiện là những chiếc khăn khi thói quen dùng khăn của người Việt vẫn chưa phổ biến, chị bày tỏ niềm khao khát, mỗi khi thấy một người sành thời trang tự hào quấn một chiếc khăn Hermès trang trí cho túi xách hay choàng cổ, cài đầu, lòng chị bỗng dâng lên một ao ước lẫn hy vọng. “Tôi muốn cho người Việt thêm một sự lựa chọn với khăn lụa họa tiết tranh dân gian, bên cạnh lựa chọn từ các hãng thời trang danh tiếng”, Thủy bộc bạch.

Thời trang Việt nhiều năm qua đang có sự dịch chuyển, khăn dần trở thành món phụ kiện ưu nhã hơn cho người dùng. “Tôi chọn Duyên, một cái tên hoàn toàn thuần Việt, với mong muốn đây là nơi thỏa mãn niềm đam mê về một vẻ đẹp tràn đầy sự duyên dáng chỉ có được khi biết chắt lọc những tinh hoa từ nguồn cội và khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi người - nguyên sơ và thanh khiết qua thời gian” - Thủy chia sẻ.

“Duyên trong tiếng Việt vừa có nghĩa là “mối lương duyên”, vừa mang ý nghĩa của “sự duyên dáng”. Chúng tôi - bằng đam mê của mình - tạo nên “mối lương duyên” giữa giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại” - chị nói thêm.
Một trong những điểm đặc biệt của chiếc khăn Duyên là đường viền được các nghệ nhân khâu hoàn toàn bằng tay, cho thấy sự chăm chút tỉ mỉ của Thủy dành cho chiếc khăn tưởng chừng nhỏ bé.

Duyên hiện tại có ba dòng khăn: khăn vuông khổ nhỏ, khăn vuông khổ lớn và khăn dây trang trí. Trong tương lai, Thủy đang ấp ủ mộng ước Duyên có thể cho ra nhiều sản phẩm trang trí bằng nghệ thuật sơn mài từ sơn ta. Thủy nói không biết có đủ sức để biến mộng ước thành hiện thực nhưng chị vẫn đang miệt mài đi con đường đó bằng niềm hứng khởi lẫn tự hào.

Bằng chứng ư? Bằng chứng là chị chọn ra mắt cửa hàng giữa thời điểm hàng loạt thương hiệu thời trang rơi vào cảnh thắt lưng buộc bụng. “Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn. Hãy đi con đường cần phải đi. Tôi luôn tin rằng những giá trị đẹp, ý nghĩa luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu nó”, Thủy khẳng định.

Hoàng Linh Lan - Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI