Người còn lại đã có thể bước đi

20/11/2021 - 07:24

PNO - Cả nước tiễn vong linh hơn 23.000 người về chốn bình yên, để người còn sống tiếp tục bước đi, mang theo trong tim hình bóng người đã mất.

Một lần nữa, hình ảnh khốc liệt nhất của trận chiến với COVID-19, từng giây từng giây trôi qua nghẹt thở trên màn hình truyền hình lễ tưởng niệm người mất vì COVID-19. Nỗi đau một lần nữa chạy ngang trước mắt hàng triệu người trên cả nước. Hàng chục ngàn người vợ, chồng, con, cháu một lần nữa kiềm tiếng nấc. Rất nhiều người trong đó vẫn chưa ngừng gọi người thân trong từng giấc mơ, vẫn chưa chấp nhận được bữa cơm thiếu người cha già, rất nhiều đứa trẻ vẫn hàng ngày hỏi bố mẹ đang ở đâu… Tất cả nhìn lại, một lần nữa thôi, để có thể đặt nỗi đau xuống.

Trong cuộc chiến tang thương này, TPHCM là địa phương gánh chịu mất mát nhiều hơn cả. 171 ngày, kể từ ngày có người mất vì COVID-19 đầu tiên (bệnh nhân 5.463, chủ quán bánh canh ở quận 3), Thành phố như trải qua một trận bão tan tác, mang đi hơn 17.000 người. Cùng là ngần ấy gia đình hoặc hơn, mang một khoảng trống không thể lấp đầy. Chỉ tại Bệnh viện Hùng Vương, hiện vẫn còn 16 trẻ sơ sinh mồ côi chưa một lần cảm nhận hơi ấm người thân, vì nhiều người mẹ gặp mặt con mình lần đầu cũng là lần cuối, bởi COVID-19.

Tất cả họ, được đưa tiễn bởi những nén hương, từng hồi còi dài kéo lên tại các bến tàu TPHCM, âm thanh hồng chung vang vọng liên hồi khắp nơi, dải hoa đăng trôi dọc dòng nước… Cả nước tiễn vong linh hơn 23 ngàn người về chốn bình yên, cũng là mang sự cởi bỏ đến cho người còn sống. Ngày mai không dễ dàng gì, nhất là những đứa trẻ bỗng phải trưởng thành, thay cha mẹ giữ vai trò trụ cột và gồng gánh, nhưng tất cả đều biết mình cần sống tiếp, cho chính mình và cho giấc mơ của người đã mất.

hoa đăng đầu tiên được thả vào lúc 19g30 ở khu vực chùa Pháp Hoa (quận 3)
Những hoa đăng đầu tiên được thả vào lúc 19g30, ngày 19/11 ở khu vực chùa Pháp Hoa (quận 3)

Như một cuộc xác tín, lễ tưởng niệm khép lại những ngày đầy bóng tối. Từ hôm nay, cả nước thật sự bước vào giai đoạn mới. Nỗi đau sẽ biến thành động lực, phía sau tiếng khóc có sự tự hào, như bà Ngọc Hương, vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM), người chỉ còn gần 4 tháng nữa sẽ về hưu - đã nói. Chồng bà ngày đó cứ bảo không sao đâu, ông sẽ cẩn thận, rồi mãi không về. “Đau đớn lắm, nhưng cũng tự hào lắm về người chồng, người cha mình…”, nước mắt hòa với giọng bà trên màn hình trực tuyến.

Với những người quay về từ cửa tử, sau khi vượt qua ranh giới sinh tồn, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và sẽ biết yêu thương hơn bao giờ hết.

Trong đại dịch, sức mạnh Việt Nam, sự gắn kết mang tên Việt Nam một lần nữa trỗi lên mạnh mẽ, trên toàn cầu. Những trái tim khắp nơi hướng về đất nước, và sự cầu nguyện dành cho người Việt ở muôn phương. Như đêm 19/11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nói: "Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch COVID-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát".

Chúng ta có quyền hy vọng sức mạnh ấy sẽ soi rọi bất cứ bóng tối nào trong tương lai, để chiến thắng trước bất kỳ sát thủ vô hình nào.

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI