Người bảo tồn, phục dựng chuỗi di tích biệt động Sài Gòn Trần Vũ Bình: "Câu chuyện lịch sử này nếu để vuột mất, sẽ đau lắm!"

28/04/2024 - 10:33

PNO - Tìm mua bằng được những di tích lịch sử biệt động Sài Gòn hơn 30 năm qua là cách ông Trần Vũ Bình (Trần Kiến Xương) nâng niu quá khứ hào hùng của cha ông...

Lần giở quá khứ, tìm mua bằng được những di tích lịch sử biệt động Sài Gòn hơn 30 năm qua là cách ông Trần Vũ Bình (Trần Kiến Xương) nâng niu quá khứ hào hùng của cha ông nói chung, đại gia đình biệt động Sài Gòn nói riêng và đặc biệt là ba mẹ, má lớn của mình.

Sự nâng niu, nương nhẹ vẫn là như thế dù với một chiếc xe, thẻ căn cước, chiếc máy đánh chữ, một bộ đo ni nhẫn của tiệm vàng, chiếc phản gỗ ngụy trang cất giấu vũ khí hay một căn nhà, căn hầm nuôi giấu cán bộ… Tất cả đâu đã vô tri giác. Tất cả đều rì rầm liên hồi trong lòng nó những câu chuyện với một tần số mà hễ ai quay lưng với lịch sử, ai vô tâm, vô tình đều không thể nào nghe được. Ông Trần Vũ Bình nghe được, hiểu thấu và thiết tha kể lại theo cách riêng.

Đến thăm các di tích bảo tàng biệt động Sài Gòn năm 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu lại bút ký trong niềm xúc động, cảm kích và tự hào (bên cạnh là ông Trần Vũ Bình)
Đến thăm các di tích bảo tàng biệt động Sài Gòn năm 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu lại bút ký trong niềm xúc động, cảm kích và tự hào (bên cạnh là ông Trần Vũ Bình)

Làm tất cả, trả bằng tất cả

Phóng viên: Ngoài “thủ tục đầu tiên - tiền đâu?”, ông có những bí kíp gì để mua những món đồ hay nhà cửa mà chủ của chúng không hề rao bán?

Ông Trần Vũ Bình: Ngay cả nếu tôi có sẵn tiền, việc tự tiện xộc đến hỏi mua này kia đã là khó, nói chi đến việc tôi chẳng có bao nhiêu tiền. Trong mấy chục căn nhà, cơ sở tôi mua làm di tích - bảo tàng ở TPHCM, Quảng Ngãi, Hà Nội, Thái Bình…, nhiều lần tôi bị chủ nhà đuổi thẳng khi lò dò đến đặt vấn đề. Nhưng tôi không ngại… “chai mặt”.

Ông Trần Vũ Bình (bìa phải) cùng gia đình chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Tình báo Biệt động Sài Gòn (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, TPHCM)
Ông Trần Vũ Bình (bìa phải) cùng gia đình chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Tình báo Biệt động Sài Gòn (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, TPHCM)

Xác định mua, tôi quyết tâm đeo bám, tiếp cận gan lì, thuyết phục kiên trì. Cuối cùng, chủ nhà cũng phải xiêu lòng, chịu ngồi xuống đàm phán về giá cả. Đến bước này, tôi lại vò đầu bứt tóc suy nghĩ cách để chồng đủ tiền.

Nếu chậm trễ sợ chủ nhà đổi ý, tôi đã liều lĩnh lấy nhà đang ở thế chấp vay ngân hàng. Áp lực trả lãi hằng tháng buộc tôi bên cạnh bảo tồn, phục dựng di tích, phải làm cho di tích mau mau sống dậy và đưa vào khai thác hiệu quả. Lợi nhuận từ kinh doanh nước giải khát, cơm tấm… bù phần nào lãi suất vay.

Nợ cũ chưa vơi, tôi lại lân la đi tìm những di tích mới và tiếp tục xây nhà cho thuê, lấy nhà trước thế chấp để vay tiền mua nhà sau. Tuy “chị em” di tích nuôi nhau nhưng ông bà chủ của chúng chưa bao giờ dứt nợ nần và lại tiếp tục “có em”.

* Ngay từ khi khởi động, ông có tin hành trình của mình dài hơi đến vậy?

- “Điểm kết thúc lại là điểm bắt đầu” nên tôi không thể dừng mà phải chạy đua với thời gian. Câu chuyện lịch sử này nếu để vuột mất đi, sẽ đau lắm! Tôi phải làm để trả lại những gì đã đi qua, cho những người đã khuất. Làm tất cả, trả bằng tất cả.

Đau xót khi biết di tích ở quận Phú Nhuận, TPHCM bị đập bỏ, ông Trần Vũ Bình tìm đến mua và phục dựng
Đau xót khi biết di tích ở quận Phú Nhuận, TPHCM bị đập bỏ, ông Trần Vũ Bình tìm đến mua và phục dựng

Ba tôi là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai (C trưởng biệt động, thuộc đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong vỏ bọc của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế). Nhiều năm tháng cuối đời, ông phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng, có thể là hậu quả bị địch tra khảo ác nghiệt bằng dội nước vôi, xà phòng.

Đám cưới của tôi tổ chức vào năm 2000, ba vẫn nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ba chỉ gửi đoạn băng cát-xét với đôi lời chúc phúc cho 2 con và cảm ơn quan viên 2 họ đã đến dự. Má lớn của tôi - bà Phạm Thị Chinh (Phạm Thị Phan Chính) - đã giã từ cuộc sống ở tuổi 34 vào năm 1964, dưới đòn thù của địch.

Những tháng năm chiến tranh vẫn còn đây trong giấc mơ của má tôi (bà Đặng Thị Thiệp - Đặng Thị Tuyết Mai). Má nằm mơ thấy mình bị địch bắt, sực tỉnh giấc, sờ soạng tay chân thấy mình đâu bị gông cùm nên má mừng, má khóc. Vì thức đào hầm, canh hầm vũ khí từ những năm 1960 nên mãi về sau, má bị chứng mất ngủ kinh niên, phải dùng thuốc.

Những ám ảnh quá khứ như thế cứ thúc giục tôi.

* “Lưu giữ, bảo tồn những giá trị lịch sử là việc chung và lâu dài, sao cứ phải là tôi, sao cứ phải là ngay bây giờ?”. Có bao giờ ông bị suy nghĩ ấy cản bước? Có bao giờ ông tiếc vì đã dành quá nhiều tâm sức cho hành trình này?

- Tôi chưa hề tiếc vì mình đã “đắm đuối” với di tích, “đắm đuối” với công việc “chắt ngọc quá khứ” mà bỏ lỡ tuổi thanh xuân đáng lẽ để làm giàu hay trải nghiệm những hoạt động vui chơi, du lịch vòng quanh thế giới…
Có tiếc chăng là tiếc sao các nhân chứng lịch sử ra đi nhanh quá, mình chưa kịp ghi nhận lại tất cả chiến công và những mất mát, hy sinh. Tiếc cho những di tích bị phá bỏ trong vô tình, những ngôi nhà bị tân trang để bán cho có giá, những nền gạch cũ bị cạy, những bức tường đổi màu sơn, những vật dụng bị thất lạc trăm nẻo mà không ai hiểu giá trị tiềm ẩn của nó…

Ông Trần Vũ Bình (thứ hai từ trái sang) cùng gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai nhận quyết định công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia 1988 cho công trình phục dựng “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968” tại dinh Thống Nhất
Ông Trần Vũ Bình (thứ hai từ trái sang) cùng gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai nhận quyết định công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia 1988 cho công trình phục dựng “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968” tại dinh Thống Nhất

Tôi tiếc chưa trả hiếu cho ba má được nhiều như mong muốn. Đã biết bao lần trong tuổi thơ ngây ngô, tôi có ý trách hờn ba vì ba không nhận các anh chị em tôi là con, ba cứ xưng bằng “bác”. Ngay cả khi hòa bình lập lại rồi, ba cũng hạn chế đi chung với cả nhà, lạnh lùng xa cách. Ngày càng lớn, hiểu về chiến tranh và sự tàn khốc của nó, tôi mới thấm dần tình thương của ba. Ba cố tình đặt rào chắn để không liên lụy đến vợ con trong trường hợp không may ba bị phát giác hay trả thù. Các anh em tôi có chung ngày sinh trên giấy tờ là 7/5 vì điều kiện chiến đấu của ba má không cho phép khai sinh đúng ngày. Khi chưa hiểu đủ, tôi từng tủi vì điều này.

* Là người kinh doanh tiên phong ở lĩnh vực di sản, “khai thác hiệu quả” mà ông đề cập đã thể hiện bằng lợi nhuận chưa, thưa ông?

- Một tin vui mà chúng tôi muốn chia sẻ là sau những nỗ lực suốt hơn 30 năm qua, chúng tôi bắt đầu có những đồng lời đầu tiên. Để có được thành quả về tài chính này, chúng tôi đã tiết kiệm tối đa chi phí, người nhà tự thiết kế, phục dựng di tích. Dù lợi nhuận chưa nhiều nhưng con số ấy khiến tôi trào nước mắt bởi sự vô giá của nó. Đúng là chúng tôi đang kinh doanh nhưng là kinh doanh ngay cái nghề của ba má mình, ngay trên thớ đất thấm dấu chân thầm lặng của ba má mình, ngay chiếc hầm bí mật nắm giữ an nguy của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

Ông Trần Vũ Bình (bìa phải) cùng ba - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai - và các anh em sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng
Ông Trần Vũ Bình (bìa phải) cùng ba - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai - và các anh em sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng

Người ta tự hào sở hữu chuỗi bất động sản với những lâu đài, dinh thự nguy nga, chúng tôi tự hào có chuỗi di sản. Hay chính xác hơn, chúng tôi đã biến tư sản của mình thành di sản: những căn nhà in dấu thời gian, những bộ sưu tập hầm nổi, hầm trong lòng đất, những bộ sưu tập xe cổ gắn với tên đất tên người, cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn…

Khách tham quan đến đây để thấy Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn có những góc phố diệu kỳ, có những con người đẹp đến nao lòng. Dù họ còn sống hay đã khuất vẫn hiện diện trong lòng Sài Gòn hôm nay. Đó là những con người “xuất quỷ nhập thần”, “thoắt ẩn thoát hiện” để ngụy trang và chuyên chở vũ khí, vật phẩm… qua bao trạm kiểm soát của địch để đưa về nội đô Sài Gòn phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

* Ông có nghĩ rằng mình thừa hưởng máu kinh doanh từ ba - nhà thầu khoán, tỉ phú Mai Hồng Quế?

- Tôi chưa rõ điều này, vì hành trình còn dài để nhìn thấy hiệu quả. Nhưng điều mà tôi dễ nhận thấy là được thừa hưởng ở cả ba và má lòng tri ân. Tôi đã tận dụng nguồn nhân lực là con cháu của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Ban đầu, mọi thứ xuất phát từ lòng biết ơn của tôi và cũng không ngờ sự “cộng sinh” đã đơm hoa kết trái.

Ông Trần Vũ Bình cùng má Đặng Thị Thiệp bồi hồi bên những kỷ vật của gia đình - Ảnh: TDH
Ông Trần Vũ Bình cùng má Đặng Thị Thiệp bồi hồi bên những kỷ vật của gia đình - Ảnh: TDH

Vì là người nhà, vì đang viết lại trang sử của ông mình, cha mẹ mình, đội ngũ nhân viên đã làm bằng cả nhiệt tâm. Các em, cháu sẵn sàng làm “1 lương 3 việc”: phục vụ di tích, giữ gìn di tích, thuyết minh di tích - làm tất cả để di tích được sống và lan tỏa giá trị. Nếu không, chúng tôi khó đứng vững trước thách thức của bài toán thu - chi. Tôi thực sự biết ơn các em, cháu đã tin và sát cánh bên tôi.

Cuộc đời tình báo của ba má tôi không thể thiếu sự chở che của người dân, của đồng đội. Ba luôn dạy tôi: “Muốn thành công luôn phải dựa vào dân. Người ta giúp mình đâu phải đợi đến cầm súng “chung lưng đấu cật” mà im lặng cho mình hoạt động, cũng đã là cái ơn rồi”. Nhớ lời ba dạy, tôi thường lui tới viếng thăm những gia đình thân hữu của ba má, giúp được gì thì giúp trong khả năng. Tôi rước các cô chú từng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn khó khăn, neo đơn về nhà phụng dưỡng. Mỗi khi đi công tác xa nhà, hình dung về đại gia đình biệt động với má tôi và các cô chú đang ngồi ôn lại chuyện xưa, tôi thấy ấm lòng.

Quan điểm của tôi dù trong kinh doanh hay đời sống đều rất thực tế, rất cụ thể, tại nơi đây, bên những người thân này.

* Ông đã nhắn gửi điều gì với người trẻ và các em nhỏ đến tham quan?

- Bằng những hiện vật cụ thể, sinh động và những câu chuyện có thật, tôi muốn lan tỏa thông điệp đến người trẻ “hãy quý yêu hòa bình, độc lập mà lớp người đi trước đã đổi máu xương để giành lấy”. Tôi hụt hẫng khi nhiều con em gia đình có truyền thống cách mạng, ở vùng đất cách mạng mà không biết chiến công của cha mẹ, ông bà mình là gì. Khi cha mẹ, ông bà qua đời, các em, cháu không có thông tin gì để bổ sung vào điếu văn, bia mộ; cứ ghi đại, sơ sơ.

Ông Trần Vũ Bình giới thiệu các hiện vật, vũ khí dưới căn hầm bí mật (tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TPHCM)
Ông Trần Vũ Bình giới thiệu các hiện vật, vũ khí dưới căn hầm bí mật (tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TPHCM)

Không ít người nuôi cha mẹ, ông bà cho ăn mặc, đáp ứng xe cộ, tiện nghi đầy đủ, thuê người giúp việc kề cận… nhưng không hiểu cha mẹ, ông bà mình có suy nghĩ gì, có hoài bão gì, đang bận tâm, trăn trở gì, có mong muốn làm điều gì cho những đồng đội đã vào sinh ra tử với mình hoặc đời họ đã có những đóng góp gì cho nghề, cho xã hội. Như thế chỉ mới “thảo” chứ chưa được gọi là “hiếu”.

Nhung lụa không làm nên thành công

* Là “con chung” của cả mạng lưới biệt động Sài Gòn, ông có khiến bà xã chạnh lòng vì “thân chồng cứ phải xẻ làm đôi, làm ba…”?

- Bảo rằng biết ơn vợ thì có khách sáo quá không? Tôi thực sự may mắn có Đoàn Dương Thái Anh là bạn đời, xứng đáng là “con dâu” của đại gia đình biệt động. Mà thật ra, vợ tôi cũng có dòng máu biệt động. Ông ngoại vợ tôi là ông Dương Văn Đức, chủ garage Tự Lực, nơi thiết kế, bảo trì xe hơi 2 đáy để chở tài liệu, vũ khí… cho cách mạng. Thấy “chú Bình” làm việc siêng năng, có chí lớn, được ông ngoại tin tưởng giao cho nhiều việc quan trọng tại garage, “cháu Anh” đem lòng yêu mến. Có dịp nhờ “chú Bình” chở đi mượn tập bạn, mối tình “chú cháu” nhen nhóm từ đó khiến cả 2 gia đình bật ngửa.

Ông Trần Vũ Bình tiếp đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - trong chuyến thăm các di tích bảo tàng biệt động Sài Gòn cuối năm 2022
Ông Trần Vũ Bình tiếp đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - trong chuyến thăm các di tích bảo tàng biệt động Sài Gòn cuối năm 2022

Là người sinh ra sau chiến tranh nhưng vợ tôi cũng cùng chí hướng lưu giữ những giá trị lịch sử. Tuy nhiên, vợ tôi là người “đạp thắng” giùm tôi nhiều nhất vì bất an trước món nợ khủng luôn treo trên đầu. Việc đầu tư phục dựng phải duy trì rất tốn kém, nguồn thu lại nhỏ giọt, xa vời.

Công tác trong ngành kiểm sát, hiện là Phó chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Trưởng đại diện văn phòng tại TPHCM, tôi lu bù với công việc. Tan sở, tôi lại lao ra đường truy vết di tích để mua về, rồi đi đền ơn đáp nghĩa những gia đình trong mạng lưới. Tôi làm quá sức, đêm ngủ chỉ 2-3 tiếng, mắt quầng thâm. Có dạo một bên mắt mờ vì căng thẳng thần kinh.

Để “đối phó” với vợ và má, tôi muốn mua nhà (di tích) thì đặt cọc thật cao, có khi đến 30 - 50% giá trị tài sản. Mục đích là để vợ xót tiền cọc, buộc phải mua, không ngăn cản và cũng để vợ thấy sự quyết liệt của mình. Đã hơn 1 lần vợ tôi đòi chia tay và nộp đơn hẳn hoi, không hiểu vì chán chồng thật hay chỉ dọa để tôi bớt lao theo niềm đam mê di tích. “Vợ chồng mình cân được. Sẽ không có mất nhà đâu mà sợ!” - tôi trấn an vợ. Nhưng đã có thời điểm tôi lâm vào tình thế mắc cạn và vượt qua được là nhờ may mắn. Tôi tin rằng ở nơi xa, ba tôi, má lớn của tôi cùng các cô chú luôn dõi theo, phù hộ.

Với vợ con, tôi vẫn dành một tình cảm “kiêng đường”. Vợ nhắc tặng hoa, tặng quà, tôi trả lời “đã tặng cả cuộc đời rồi mà”. Có khi bà xã ca thán: “Kiếp sau có trồi lên, tui nhất định không làm vợ ông mà chỉ làm người thân thôi!”. Đấy, ngay khi giận, bà xã cũng vẫn yêu thương, bao dung và chưa muốn rời xa tôi. Không nhắc nhưng tôi vẫn nhớ những ngày mới cưới, vợ chồng không đi hưởng tuần trăng mật mà vào bệnh viện nuôi ba, lót chiếu nằm dưới gầm giường bệnh.

Với các con Trần Trọng Nghĩa, Trần Trọng Nhân, tôi không chiều chuộng, không quá gần gũi. Tôi cho con sớm ở riêng, cho con học trường làng, tránh để con ỷ lại, dựa dẫm. Trải qua cảnh khổ từ khi ba tôi hiến tặng hầu hết tài sản cho Nhà nước, tôi hiểu nhung lụa không làm nên thành công mà chính là ở sự tự lập của mình. Khi lớn tuổi hơn, tôi tập thay đổi theo hướng bộc lộ tình cảm, không giấu kín trong lòng như trước. Thú thật, có lúc vì mệt nhoài căng thẳng, tôi phải giả bộ, dùng kỹ xảo vì “nghe đồn” phụ nữ luôn thích được chiều chuộng, quan tâm (cười - PV).

* “Kiểm sát” và “di tích”, 2 sự nghiệp này bổ sung cho nhau như thế nào, thưa ông?

- Ngành kiểm sát với những kiến thức pháp luật giúp tôi thuận lợi trong việc tìm tòi, tìm hiểu, hoàn thiện thủ tục giao dịch mua bán nhà cửa, vật dụng vốn là những di tích; cho tôi mối quan hệ để lần dấu di sản và khả năng thuyết phục để mua được tài sản.

Cũng có người ngờ vực, cho rằng tôi bảo tồn di sản chỉ để đánh bóng tên tuổi, để dễ bề thăng tiến. Thực tế trái ngược, tôi vì nặng nợ với bảo tồn, dành quá nhiều thời gian, tâm sức mà phải hy sinh bớt cơ hội tiến thân. Tôi sẵn sàng đón nhận khoảng cách ấy với niềm hãnh diện.

* Giây phút hiếm hoi được thảnh thơi, ông tận hưởng điều gì?

- Những buổi trưa vắng vẻ ở gần chợ Tân Định (quận 1, TPHCM), tôi cảm thấy thật yên bình. Tôi trở lại là đứa trẻ của mấy mươi năm về trước.

* Vào những ngày này, TPHCM rợp cờ hoa khơi lại trong ông ký ức gì của 30/4 lịch sử?

- Đó là những dòng ký ức nhòa lệ nhưng không bao giờ phai mờ trong tôi. Má tôi mở toang cánh cửa, nói to: “Tôi không phải là vợ bé. Chồng tôi đánh dinh Độc Lập…”. Từ lâu, chất chứa trong lòng má nỗi oan khiên là vợ bé giật chồng người. Vì trọng trách đào hầm, giữ hầm bí mật, má phải cắn răng chịu nhục. Tôi chạy theo má, chạy về hướng cửa mở, ngẩn người đón lấy ánh sáng ùa vào nhà. Những luồng sáng đan chéo nhau như tỏa hào quang. Những luồng sáng thật hiếm hoi vì bao nhiêu năm ròng, anh em tôi bị nhốt trong nhà để tránh tai mắt địch.

Vào đại thắng mùa xuân lịch sử, tôi khoảng 6-7 tuổi, được ba đưa lên xe GMC, ba ẵm lên ở bệ cửa cho tôi tận mắt nhìn dòng người hò reo dưới cờ hoa rực rỡ khi xe lướt qua các tuyến đường ở Sài Gòn. Vang vọng tiếng nhạc giòn giã bài Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc: “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng...”. Cha con, các chú bác… đã hòa ca với biển người…

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI