NGND - họa sĩ Uyên Huy: 'Tôi đi tìm tôi trong nghệ thuật'

01/03/2015 - 11:02

PNO - PN - NGƯT - thạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Xuân Đông đã nhận định: “Họa sĩ Uyên Huy là nhà sư phạm, nhà sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp tiêu biểu, toàn diện. Tiềm năng và trí tuệ sáng tạo của anh trải rộng trên nhiều lĩnh vực như...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhà báo Như Đồng cũng đã viết: “Không gian hội họa của Uyên Huy là sự hội tụ của quá khứ, hiện tại, tương lai, nó lúc ẩn, lúc hiện sự hoàn hảo và đổ vỡ, là sự hòa trộn của tình yêu, khát vọng. Nó mang trách nhiệm với hiện tại; nó vọng lên tiếng nấc mai một của dĩ vãng; nó dội về những âm thanh trầm buồn, lo lắng ở tương lai và ở đó có cả cái mênh mang, hư không của thiền… Uyên Huy là người biết giữ gìn cái đẹp vốn có của hình tượng và sự hài hòa của màu sắc mà vẫn chứa được cái thâm trầm của tư tưởng”…

CÁI TÔI TUYỆT VỜI “CHẤP” CÁI TÔI RỐI BỜI HƯ HAO

NGND - hoa si Uyen Huy: 'Toi di tim toi trong nghe thuat'

* 50 năm vẽ cũng là 50 năm đi tìm chính mình trong nghệ thuật, anh đã tìm thấy “cái tôi” như thế nào?

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy: Tôi “lang thang” đi tìm cái Đẹp của sự sáng tạo, đi tìm chính tôi trong nghệ thuật. Tôi tìm tôi trong sâu thẳm của chính tôi. Tôi đã tìm thấy “cái tôi” có lúc tuyệt vời, cũng có lúc rối bời hư hao. “Cái tôi” tuyệt vời “chấp” “cái tôi” rối bời hư hao.

Với tôi, nghệ thuật là sáng tạo, mà sáng tạo không phải là trò chơi - không có “sân chơi” nào trong sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc. Nó là quá trình khẳng định cái riêng của mỗi nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thể hiện cách nhìn, thái độ, cảm xúc, tình cảm của nghệ sĩ trong một thời điểm hay khoảnh khắc nào đó. Tranh của tôi là tiếng hát của lòng mình: tôi hát bằng hình tượng, giai điệu và cả chất giọng chân thành của trái tim. Tôi không có khả năng tạo nên sự to tát. Tôi không hát bằng sự lên gân. Tôi để cho tình yêu chảy tràn trên khung bố đời mình và tôi mong tìm được sự đồng điệu trong dòng chảy này. Tôi muốn cái đẹp, cái thực và chất thơ được kết hợp hòa quyện để tạo nên chất lãng mạn cho tranh.

* Kể từ Nhạc chiều - tác phẩm đầu tiên của anh về vĩ cầm (đoạt giải thưởng Esso năm 1973) đến nay, anh đã vẽ rất nhiều về chủ đề vĩ cầm. Lý do gì khiến anh luôn bị cuốn hút bởi hình ảnh vĩ cầm?

- Từ thời còn là sinh viên, tôi đã rất thích bài thơ Chanson d’automne (Khúc hát mùa thu) của nhà thơ Pháp Paul Verlain. Bài thơ mở đầu với tiếng buồn thê thiết của vĩ cầm gắn với hình ảnh mùa thu... Tôi cũng ngưỡng mộ những danh cầm về vĩ cầm của thế giới, đặc biệt là nhà soạn nhạc, danh cầm người Ý Niccolò Paganini (1782-1840).

Một người thầy mà tôi luôn yêu quý - họa sĩ Dương Văn Đen thường chơi vĩ cầm. Cây vĩ cầm của thầy rất đặc biệt: một cây đàn cưa tự chế với tiếng đàn nghe rất ma quái. Thân đàn là lưỡi cưa lá, cây kéo đàn còn được gọi là vĩ (archet). Với cây đàn bằng lưỡi cưa, người đàn chỉ kéo (arco) chứ không thể gảy (pizzicato). Tôi yêu thích dáng dấp cây vĩ cầm có sự cân đối, đường nét uốn lượn vô cùng thanh lịch tuyệt vời. Mỗi chiều thứ Bảy, sau khi thầy trò cùng đi vẽ phong cảnh dã ngoại về rồi cùng lai rai mấy xị rượu đế với nghêu luộc. Cả nhóm vào nhà thầy ở đường Hòa Hảo, lúc ngà ngà say, thầy thường kéo đàn cho đám học trò chúng tôi nghe… Đó là những lý do khiến tôi bị ám ảnh, cuốn hút vào vĩ cầm.

* Ngoài vĩ cầm, biển cũng là một chủ đề thường thấy ở tranh anh…

- Tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của biển. Tôi muốn đưa vẻ đẹp đó vào tranh của mình một cách thi vị và lãng mạn. Biển ở tranh của tôi không đơn thuần là biển mà hiện ra trong mối tương quan với con người.

NGND - hoa si Uyen Huy: 'Toi di tim toi trong nghe thuat'

* Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, anh đã liên tục sáng tác với chủ đề bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo. Hình ảnh biển trong những tác phẩm này không còn thi vị, lãng mạn mà sục sôi tinh thần chiến đấu. Anh đã vẽ với ý thức công dân?

- Không phải đến lúc ấy mà tôi đã vẽ trước đó nhiều năm, từ khi biết tin quân dân ta đã dũng cảm chiến đấu ở biên giới phía Bắc năm 1979. Kế đó là năm 1988, 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh, tôi đã vẽ tranh về Gạc Ma và sau đó là hàng loạt tranh sáng tác về đề tài người lính giữ biển.

Tôi đã vẽ tranh chủ đề này với ý thức công dân của người nghệ sĩ Việt Nam. Nghệ sĩ là chứng nhân thời đại và cũng là chiến sĩ dùng tác phẩm của mình để đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái đẹp, bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú thêm bản sắc nghệ thuật dân tộc. Người nghệ sĩ không chỉ sống cho nghệ thuật mà còn phải sống cho quê hương.

* Trong hoạt động mỹ thuật, có hay không sự đối kháng giữa thế hệ họa sĩ đi trước và thế hệ họa sĩ trẻ, có hay không hiện tượng lớp họa sĩ trẻ phủ định thế hệ họa sĩ đi trước?

- Cũng có hiện tượng như vậy nhưng nhìn chung là ít. Đa số những họa sĩ đi trước đều hiểu và công nhận lớp họa sĩ trẻ, chỉ một số ít bảo thủ muốn lớp trẻ phải giống mình trong tư duy và sáng tạo… Ở chiều ngược lại, một số ít họa sĩ trẻ muốn phủ định thế hệ họa sĩ đi trước. Sự phủ định này là cực đoan, nhất thời, không có cơ sở, thiếu chín chắn và không nắm bắt được quy luật lịch sử, xã hội. Cần phủ định sự cổ hủ, lỗi thời, bảo thủ, những gì cản trở sáng tạo. Không có quyền phủ định người khác chỉ vì người ta không giống mình.

* Trên đà phát triển của hoạt động mỹ thuật, đã xuất hiện nhiều loại hình mới như: nghệ thuật sắp đặt (installation art), nghệ thuật trình diễn (performance art), video art, nghệ thuật thân thể (body art)… Trong tương lai, liệu có một ngày nào đó hội họa truyền thống sẽ biến mất để nhường chỗ cho các loại hình mới?

- Chúng ta không cần lo lắng về điều đó. Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, body art… là những loại hình theo khuynh hướng hậu hiện đại, sử dụng ngôn ngữ tương tác được cảm thụ bởi nhiều quan năng. Thế giới nghệ thuật vốn phong phú, đa dạng. Mỗi khuynh hướng, mỗi loại hình đều có thế mạnh riêng. Các khuynh hướng cổ điển, hiện đại, hậu hiện đại sẽ tồn tại song song để làm nên diện mạo của nền nghệ thuật đương đại.

NGND - hoa si Uyen Huy: 'Toi di tim toi trong nghe thuat'

* Theo đánh giá của anh, mỹ thuật Việt Nam đang đứng ở vị trí nào so với mỹ thuật của các nước trong khu vực?

- Xét về tài năng và con người thì mỹ thuật Việt Nam không thua bất kỳ nước nào trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, xét về điều kiện để phát triển như: cơ sở vật chất, nhà trường, nội dung giảng dạy, phương tiện truyền thông, sách vở, hệ thống bảo tàng, hệ thống gallery… thì chúng ta quá kém. Một số nhà sưu tập tranh thế giới đã nói rằng: “Ở Việt Nam chưa có hệ thống gallery đúng nghĩa. Họ chỉ có các cửa hàng bán tranh mà thôi!”.

Hơn bao giờ hết, chúng ta từ sau năm 1954 đến nay, trong các trường mỹ thuật Việt Nam đã không hề dạy lịch sử các trường phái nghệ thuật từ sau hậu ấn tượng cho đến ngày nay. Đây là lỗ hổng vô cùng lớn về lý luận lịch sử mỹ thuật và là sự thiệt thòi rất lớn cho giới mỹ thuật. Chính vì thế mà Việt Nam thua kém các nước. Cũng chính điều này làm cho hoạt động mỹ thuật Việt Nam phát triển chậm...

Có thể nói từ nay đến năm 2020, thậm chí 2030 chúng ta chắc khó có được một nền mỹ thuật mạnh và một nền thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Một điều nữa cũng cần phải đề cập: sự thiếu trung thực của một số họa sĩ Việt Nam (hiện tượng tranh giả, tranh nhái) khi tiếp cận với thị trường nghệ thuật thế giới đã làm giảm sút niềm tin của giới sưu tập mỹ thuật nước ngoài… Chúng ta chưa có được tầng lớp doanh nhân hiểu biết, yêu thích sưu tầm tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Nói chung, chúng ta mới chỉ có mỹ thuật phong trào và hơn một tí… chứ chưa thể gọi là chuyên nghiệp đúng nghĩa.

“TÔI HẠNH PHÚC KHI THẤY HỌC TRÒ VƯỢT THẦY…”

* 40 năm giảng dạy mỹ thuật, điều quan trọng nhất anh dạy các học trò của mình là gì?

- Tôi dạy học trò của mình tình yêu nghệ thuật, sự nỗ lực học hỏi và làm việc, tinh thần cầu tiến, sự tôn trọng đồng nghiệp, đừng bao giờ tự kiêu, tự mãn.

* Trong số các học trò của anh đã có ai vượt được thầy? Nếu có, điều đó có khiến anh vui?

- Có học trò đã vượt tôi về chuyên môn. Tuy nhiên, chưa có học trò nào vượt tôi về nghiên cứu lý luận sư phạm mỹ thuật. Tôi rất vui và hạnh phúc khi thấy học trò hơn mình. Tôi thường nói: “Các em học ở thầy một cách chính thức. Đôi khi thầy học ở các em một cách kín đáo”. Thật vậy, tôi học ở lớp trẻ tính đột phá, tinh thần dám nghĩ, dám làm…

NGND - hoa si Uyen Huy: 'Toi di tim toi trong nghe thuat'

* 40 năm giảng dạy mỹ thuật, 50 năm vẽ, anh thấy mình được và mất những gì?

- Tôi không mất gì cả mà trái lại, tôi được rất nhiều. Tôi có được niềm hạnh phúc tuyệt vời khi sáng tạo nghệ thuật và góp phần đào tạo thế hệ trẻ. Càng hạnh phúc khi tôi vẫn đeo đuổi và sống với nghề cho đến tận giờ phút này. Tôi chỉ tiếc là mình không được đi thăm nhiều các bảo tàng trên thế giới để xem tận mắt tác phẩm của các danh họa mà mình yêu mến. Bản thân mình chỉ là hạt cát, những gì mình làm được so với những người đi trước thật nhỏ nhoi.

* Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900-1975 là cuốn sách dày gần 700 trang, tổng hợp nhiều nguồn tư liệu quý giá, phác họa khái quát diện mạo của mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định trong thời gian từ năm 1900 đến năm 1975… Điều gì thúc đẩy anh thực hiện cuốn sách này?

- Sau năm 1975, nhiều người không hiểu rõ về mỹ thuật của vùng đất Sài Gòn - Gia Định thời kỳ từ năm 1900 đến năm 1975, thậm chí còn hiểu lầm và phủ định nhiều giá trị của nền mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn đó. Tôi thực hiện cuốn sách này để giải tỏa và làm sáng tỏ những nghi ngờ và hiểu lầm về vai trò của mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định. Tôi mong muốn thế hệ sau hiểu nhiều hơn và có cái nhìn đúng đắn, chính xác hơn về những đóng góp của mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định trong dòng chảy chung của nền mỹ thuật Việt Nam.

“TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI SÀI GÒN - GIA ĐỊNH…”

* Anh sinh ra, lớn lên, hoạt động nghệ thuật, nghiên cứu và giảng dạy mỹ thuật tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định. 64 năm gắn bó với Sài Gòn - Gia Định, anh nghĩ gì về vùng đất này?

- Tôi là người Nam bộ, đặc biệt là người Gia Định. Tôi tự hào về vùng đất này. Tôi tự hào về Trường Vẽ Gia Định và biết ơn tất cả những người thầy đã dạy tôi. Tôi biết ơn tất cả những nghệ sĩ của vùng đất Gia Định đã làm nên một nền văn học nghệ thuật tuyệt vời cho địa phương này.

NGND - hoa si Uyen Huy: 'Toi di tim toi trong nghe thuat'

* Anh nhận thấy người Sài Gòn có đặc điểm gì so với người ở các địa phương khác?

- Sài Gòn là vùng “đất lành chim đậu” là “hòn ngọc Viễn Đông”… Nền giáo dục nơi này theo quan điểm luôn đổi mới, khai phóng và nhân bản. Người Sài Gòn làm hết mình, chơi cũng hết mình, đôi khi quậy tới bến, trung thực, không biết nói dối, ghét xu nịnh, hào hiệp, nghĩa khí, hòa đồng, nói ít làm nhiều, thích làm hơn nói, luôn giữ nét thanh lịch, tôn trọng những điểm khác biệt của người khác, có tinh thần chấp hành luật pháp tốt, luôn cố giữ và nuôi dưỡng tự trọng cho giới trẻ… - đó là những đặc điểm của người Sài Gòn.

Có người bảo với thời cuộc như thế thì khó mà giữ được những đức tính này. Nhưng sự thật dân Nam bộ là vậy, họ giữ được những đức tính tuyệt vời nhưng bình dị ấy với ý chí bất khuất, luôn giữ hào khí Nam bộ và luôn nằm lòng câu “Giấy rách phải giữ lấy lề” nhưng không khư khư giữ lấy quan niệm bất di bất dịch “Ta về ta tắm ao ta”…

Tuy nhiên, cũng có một vài điểm tôi không thích: dân Sài Gòn nhậu nhiều quá; người Sài Gòn đôi khi nhẹ dạ, dễ bị gài bẫy để sau đó chỉ biết chửi đổng và buông xuôi…

* Mỹ thuật Sài Gòn có gì đặc thù so với mỹ thuật các vùng miền khác của Việt Nam?

- Nét đặc thù nổi bật của mỹ thuật Sài Gòn chính là sự phát triển mạnh của mỹ thuật ứng dụng, nền nghệ thuật luôn mở thoáng, rất đa dạng, chấp nhận tất cả các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại, không bảo thủ, độc tôn, thích ứng rất nhanh với sự đổi mới. Cái lõi của nghệ thuật là mỗi nghệ sĩ đều tạo cho mình cái riêng và luôn cố nuôi và diễn tả cho được sự rung động chân thành trong tác phẩm. Những điều này được chứng minh qua hệ thống đào tạo và nền kinh tế thị trường tự do từ đầu thế kỷ XX. Vì là vùng đất thuộc địa, bị hai đế quốc, thực dân xâm chiếm, chiến tranh diễn ra liên tục nên có sự phân hóa lớn về tư tưởng nghệ thuật.

* Nếu anh không phải là người Sài Gòn - Gia Định, nếu cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của anh không gắn với mảnh đất Sài Gòn - Gia Định thì liệu có hay không một Uyên Huy như hôm nay?

- Nếu không phải là người Sài Gòn - Gia Định, nếu cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của tôi không gắn với Sài Gòn - Gia Định thì có lẽ sẽ không có một Uyên Huy “khùng khùng” nhưng say mê nghệ thuật và yêu nước nhiệt tình như Uyên Huy hôm nay.

* Anh có thể cho biết quan niệm của anh về tình yêu và hôn nhân?

- Một tình yêu đích thực và đúng nghĩa khi người ta biết yêu nhiệt tình, chân thành, có trách nhiệm, dám vượt qua trở ngại, tôn trọng sự khác biệt của đối tượng, luôn tích cực tìm sự đồng cảm… Hôn nhân phải đảm bảo một vợ một chồng. Nếu hôn nhân không hạnh phúc thì cũng cần thiết phải chia tay nhưng phải cân nhắc kỹ giữa tình và nghĩa, đồng thời phải nghĩ tới tương lai con cái.

* Với quan niệm đó, anh là một nguời chồng, người cha như thế nào trong gia đình?

Tôi cũng là một người chồng, người cha bình thường như bao nhiêu người chồng, người cha khác trên đời này. Trước sau tôi chỉ có một vợ, suốt 36 năm nay tay tôi vẫn đeo nhẫn cưới. Tôi là một người cha rất thương con và luôn tôn trọng sự tự do của con trong mọi lĩnh vực, nhất là trong việc chọn lựa nghề nghiệp.

* Type phụ nữ nào mới có thể cuốn hút được anh?

- Đó là type phụ nữ tóc dài, vóc dáng gầy gầy, gương mặt dễ nhìn, vui vẻ nhưng ít nói, hơi kiêu kiêu, thông minh, hiểu ý mình dù mình không nói ra…

* Nếu phải vẽ chân dung một Uyên Huy bằng ngôn từ chứ không phải bằng đường nét và màu sắc, anh sẽ vẽ ra sao?

- Một người đàn ông hay cười, thích hát, đam mê và sống hết mình với nghề, quý mến đồng nghiệp…

* Cám ơn anh đã dành cho báo Phụ Nữ cuộc trò chuyện này.

DIỄM CHI

Gạc Ma bản hùng ca bất tử

Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy sinh năm 1950:
- Từ năm 1974 bắt đầu giảng dạy Mỹ thuật tại trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định.
- Từ năm 1975 đến nay giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và một số trường khác: Đại học Kiến trúc, Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, Đại học Tôn Đức Thắng...
- Hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM.
- Đã tổ chức 10 cuộc triển lãm cá nhân và hơn 60 lần tham gia triển lãm nhóm trong và ngoài nước.
- Trước năm 1975, đoạt nhiều giải thưởng về thiết kế tem bưu chính, biểu tượng, thiết kế tiền đồng, giải thưởng hội họa do công ty xăng dầu Esso tổ chức, giải thưởng hội họa sinh viên mỹ thuật khu vực châu Á do Hội Mỹ thuật châu Á tổ chức tại Singapore.
- Sau năm 1975, đã 21 lần đoạt giải thưởng về thiết kế, hai giải thưởng về mỹ thuật tạo hình, hai giải thưởng về lý luận phê bình mỹ thuật (một giải thưởng quốc tế về thiết kế đồ họa, một giải thưởng quốc tế về hội họa).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI