Nghĩ bên ngoài phòng thi của con

23/06/2017 - 13:00

PNO - Chúng ta không đặt trẻ vào sự chọn lựa chính xác, tưởng là mình chỉ hy sinh thời gian của mình, nhưng thực ra chúng ta đã hy sinh luôn thời gian của trẻ. Cứ vậy mà thành cái nếp “giờ dây thun” về sau này, có phải?

22/6, ngày đầu tiên của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học, trên cả nước, các phòng thi mở cửa đón hàng triệu sĩ tử. Cũng bằng ấy gia đình, phụ huynh căng thẳng theo dõi con em mình đi thi, có người chờ ngoài cổng trường, có người vất vả theo công ăn việc làm không theo đưa đón được con, nhưng lòng không lúc nào thôi lo lắng.

Nghi ben ngoai phong thi cua con
Ngày 22/6, hơn 800.000 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2017.

Có ai hòa mình trong đám đông cha mẹ đứng chống xe, mắt lo âu dõi vào cổng trường thi, mới nhận ra một thay đổi: trong câu chuyện của phụ huynh năm nay, không có nỗi lo lắng đậu hay rớt. Thì cũng dễ hiểu thôi, tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao như thế, có muốn rớt cũng khó! Thay vào đó là một câu chuyện khác: câu chuyện đề thi.

Môn văn là môn thi mới diễn ra buổi sáng, đề thi dài lắm, nhưng không chỉ là chuyện khen chê đề hay dở, khó dễ, lạ quen… Dư luận xã hội đã bước tới một bước: so sánh đề thi của mình với đề thi của người ta, để xem, cũng là những đứa trẻ 18 tuổi, ở đây hay ở kia, người ta đã đánh giá chúng theo những cách thức như thế nào?

Đề thi văn năm nay khá mới. Đề trích dẫn một đoạn văn của một tác giả chưa mấy quen thuộc viết về lòng trắc ẩn của con người, phải nói rằng đoạn văn gợi nhiều suy nghĩ: “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện…”.

Nghi ben ngoai phong thi cua con

Văn liệu là như thế, nhưng câu hỏi của đề, là câu để tính điểm, thì vẫn lại là theo mẫu cũ: “Theo tác giả, thấu cảm là gì?”, “Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm? Vì sao?”… Đã cho một chất liệu đọc khá mới mẻ và nhiều sức gợi, nhưng rồi những câu hỏi vẫn vương mang nỗi lo lắng của người ra đề, vẫn định khuôn để câu trả lời phải đi vào ý chính, phải tập trung vào cái mà người ra đề muốn đánh dấu, chứ không phải là tập trung vào phát hiện của người đọc - học sinh, không phải là tập trung vào việc học sinh có thể tự do bàn luận về những điều mà văn bản đọc đã gợi ra, đã thức dậy trong họ.

Một giáo viên giải thích: cần tập trung ý như vậy, là để tính điểm cho dễ, chứ thang điểm của đáp án cho rất chi tiết, đến từng ý nhỏ, để cho học trò viết tự do thì khó chấm, khó công bằng. Thầy giải thích vậy thì nghe vậy, nhưng nghĩ mà buồn: trò đi thi để thể hiện năng lực của mình, hay trò đi thi để cho thầy chấm bài theo thang điểm? Chẳng lẽ không cho trò thi kiểu khác, là vì thầy chưa đủ năng lực chấm điểm theo kiểu khác?

Thử trích một đoạn trong đề thi tú tài năm nay của Pháp, đề thi môn triết yêu cầu giải thích đoạn văn của Foucault viết năm 1978: “Nói cho cùng, cuộc sống là cái gì có khả năng sai lầm. Và có lẽ phải trở lại dữ kiện đó hay đúng hơn, cái khả năng cơ bản đó, nếu ta muốn tìm lời giải cho thực tế là vấn đề dị dạng xuyên suốt toàn bộ ngành sinh học. Cũng vậy, nếu ta muốn tìm lời giải cho những đột biến và những quá trình tiến hóa mà nó (cái khả năng cơ bản đó - ND) dẫn tới.

Nghi ben ngoai phong thi cua con
Các thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi.

Phải hỏi nó lời giải thích cho sự đột biến cá biệt ấy, cái “sai lầm di truyền” khiến cho cuộc sống đã đúc kết con người thành một sinh vật chẳng bao giờ hoàn toàn tìm được chỗ đứng của mình, một sinh vật sinh ra để “nhầm lẫn” và số phận cuối cùng là “sai lầm”…”.

Đọc qua hai cái đề thì mới thấy người ta rõ ràng đòi hỏi một khả năng tư duy phản biện, một khả năng phân tích, lập luận ở tầm mức cao đối với một thanh niên 18 tuổi. Có phải thanh niên người ta thì già dặn hơn nhiều so với con nhà mình? Có cảm giác là như vậy.

Trước ngưỡng cửa thành niên, yêu cầu một vị thành niên giải thích, bình luận về việc “cuộc sống đã đúc kết con người thành một sinh vật chẳng bao giờ hoàn toàn tìm được chỗ đứng của mình, một sinh vật sinh ra để “nhầm lẫn” và số phận cuối cùng là “sai lầm…”, quả là dũng cảm! Những giáo viên của họ sẽ chấm điểm thế nào? Quả là khó hình dung! Mà đây là đề thi dành cho học sinh ban Khoa học, chứ không phải ban Xã hội.

Có phải, mình vẫn đang cưng chiều một cách không mấy đúng đắn đối với những thanh niên sắp sửa là tú tài? Những cưng chiều, bảo bọc không phải ai cũng nhận ra. Ví như chuyện đi thi, sao 7h35 mới làm bài, mà cứ bắt học trò phải vô phòng thi ngồi đâu vào đó từ 7h? Cha mẹ đã cộng thêm vào đó một mớ thời gian nữa, thành ra con phải có mặt ở cổng trường lúc 6h30, đi ra khỏi nhà từ 6h…

Chúng ta sợ con trẻ trễ giờ làm bài, chúng ta đã tạo ra một hành lang thời gian bao bọc quanh con mình. Rồi con trẻ sẽ chấp nhận, 9h35 chúng đã nộp bài, chúng ngoan ngoãn ngồi yên đến 10h, xuống sân lúc 10h15 và chờ một lúc nữa cho cổng trường mở cửa… Chúng ta không đặt trẻ vào sự chọn lựa chính xác, tưởng là mình chỉ hy sinh thời gian của mình, nhưng thực ra chúng ta đã hy sinh luôn thời gian của trẻ. Cứ vậy mà thành cái nếp “giờ dây thun” về sau này, có phải?

Lại nghĩ thêm về một câu khác trong đề thi tú tài năm nay của Pháp: “Người ta có thể thoát khỏi văn hóa của mình không?” Thoát khỏi ư? Khó thật. Để chuẩn bị cho sự trưởng thành thực sự, cho tự do thực sự của một con người, chúng ta phải thoát khỏi bao nhiêu là thứ… 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI