Nghệ sĩ sân khấu 'khóc ròng' vì dịch COVID-19

20/02/2020 - 16:46

PNO - Đắt sô như NSƯT Kim Tử Long cũng đã bị hủy hơn 20 suất diễn, chưa kể những suất diễn phục vụ lễ hội, bán vé doanh thu, diễn hợp đồng…

 

Cải lương, hát bội mùa thất bát

Thông thường, sau đợt biểu diễn trong những ngày tết, NS cải lương, hát bội tất bật chuẩn bị vào mùa hát chầu. Đây là một trong những thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của cải lương, hát bội.

Với không ít nghệ sĩ, mùa hát chầu là lúc họ kiếm tiền, tích lũy để bù đắp cho những tháng ế show hoặc mưa gió không thể tổ chức biểu diễn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sau một vài suất diễn trong những ngày Tết Nguyên đán, tất cả các show biểu diễn đều bị hủy vô thời hạn.

NSƯT Hữu Quốc, Tô Thiên Kiều lấn sân kịch nói nên vẫn có nhiều suất diễn
NSƯT Hữu Quốc, Tô Thiên Kiều lấn sân kịch nói nên vẫn có nhiều suất diễn

NSƯT Kim Tử Long cho biết, từ tết đến nay anh chỉ diễn được 2-3 suất, tất cả lịch biểu diễn từ nay đến hết tháng 2 âm lịch đã được thông báo hủy. Chỉ tính riêng các show hát chầu, cúng đình, anh và nhóm NS của mình đã mất hơn 20 suất diễn, chưa kể những suất diễn phục vụ lễ hội, bán vé doanh thu, diễn hợp đồng…

Không chỉ NSƯT Kim Tử Long, các NS vốn rất đắt show trong các mùa hát chầu đầu năm như NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Tú Sương, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thy... cũng đều “án binh bất động”.

Tương tự, từ sau Tết Nguyên đán, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội cũng phải hủy tất cả các suất diễn. Ngoài các suất hát chầu, cúng đình, những suất diễn đã có hợp đồng với trường học trong Dự án Sân khấu học đường cũng phải hủy do học sinh vẫn đang nghỉ học. Lịch hợp đồng hơn 10 suất diễn với Tây Ninh, bắt đầu từ ngày 4/3 cũng có nguy cơ phải hủy do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Nghệ sĩ lao đao

Các suất diễn bị hủy, đời sống của các NS thuộc những đơn vị công lập ít nhiều tạm ổn định do vẫn được hưởng lương theo chế độ. Nhà hát Nghệ thuật Hát bội khá năng động khi chủ động thay thế lịch diễn bằng lịch tập luyện. Cùng với việc phục dựng hai vở cũ là Trần Hưng ĐạoTử hình không án trạng, nhà hát cũng lên kế hoạch tập vở mới Vương Thúy Kiều.

NSƯT Nguyễn Hoàn - Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội - chia sẻ: “Lên kế hoạch tập luyện khi đoàn không biểu diễn, để khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, chúng tôi sẽ dành toàn bộ thời gian tổ chức các suất diễn cho anh em mà không phải lo lắng sẽ bị động vì kế hoạch tập tuồng”.

Sanh vi tương , Tử vi thần của Nhà hát nghệ thuật hát bội phải hủy toàn bộ các xuất diễn ở trường học do học sinh, sinh viên vẫn đang nghỉ học.
Sanh vi tướng, Tử vi thần của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội phải hủy toàn bộ các suất diễn ở trường học do học sinh, sinh viên vẫn đang nghỉ học.

Thực tế đời sống văn hóa nghệ thuật ở TPHCM, số NS hoạt động tự do chiếm tỷ lệ khá cao, đây là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh COVID-19. Cơ hội chạy show trong mùa lễ hội, hát chầu đầu năm để tích lũy kinh tế, bù đắp cho những tháng ít show hoặc mùa mưa đã bị ngưng hoàn toàn do dịch bệnh. Hai tháng trong mùa cao điểm biểu diễn nhưng lại phải “nằm nhà” là tình huống ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.

Một số NS có tên tuổi vẫn còn cơ hội tham gia gameshow, hoặc tập trung cho công việc kinh doanh riêng để đảm bảo cuộc sống, nhưng số này không nhiều. Ở lĩnh vực cải lương, hát bội có rất nhiều NS tự do không thể tìm được bất kỳ khoản thu nhập nào từ sau vài suất diễn đầu năm Canh Tý. Không chỉ có vậy, viễn cảnh thất nghiệp còn kéo dài ít nhất đến hết tháng 2 âm lịch.

“Một năm chạy show, chúng tôi đã dồn hết cho việc sắm tết với suy nghĩ: mình sẽ có khoản tích lũy trong những ngày tết cho đến hết mùa hát chầu vào khoảng cuối tháng 3 âm lịch. Nhưng mọi việc không như suy nghĩ, tôi và một số NS phải vay mượn xoay sở tạm thời, chờ đến khi hết dịch, có show đi hát kiếm tiền trả nợ” – NS M.T. chia sẻ, giọng đầy âu lo.

Sân khấu kịch nỗ lực giữ lửa

Cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng sân khấu kịch có nhiều dấu hiệu khả quan hơn so với cải lương và hát bội.

Cuộc chiến sắc đẹp , một trong những vở diễn vẫn rất đông khán giả dù SK đang chịu nhiều ảnh hưởng do dịch covid-19
Cuộc chiến sắc đẹp, một trong những vở diễn vẫn rất đông khán giả dù sân khấu đang chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19

Idecaf là sân khấu duy nhất không nghỉ một suất diễn nào, kể cả khi hầu hết các sân khấu đều hủy lịch diễn do lo ngại dịch bệnh lây lan. Từ tết đến nay, Idecaf vẫn có từ 3 đến 5 suất diễn/tuần, vé vẫn được khán giả đặt mua từ trước suất diễn. Tương tự, Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng chỉ hủy vài suất diễn. Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi tuần sân khấu này có từ 3- 5 suất diễn.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ cũng có khởi động đáng mừng sau 2 suất diễn vào mùng 9 Tết bị hủy do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các suất diễn tiếp theo vào các ngày 14,15,16/2 có khá đông khán giả. Trong tuần tới, nhà hát vẫn sẽ sáng đèn vào 2 ngày cuối tuần với 2 kịch bản vừa được dàn dựng cho mùa kịch tết là Tía ơi con lấy chồng Giao kèo sống thật.

Khán phòng chật kín khán giả trong hai suất diễn kỷ niệm Hoàng Thái Thanh – Một thập kỷ yêu thương nhưng lịch diễn tiếp theo của Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn khá dè dặt. Trong tháng 2, Hoàng Thái Thanh chỉ còn 3 suất diễn vào các ngày 23 và 29/2.

Hai xuất diễn đặc biệt kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của SK Hoàng Thái Thanh chật kín khán giả
Hai suất diễn đặc biệt kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của Sân khấu Hoàng Thái Thanh chật kín khán giả

Sân khấu Hồng Vân ở cả 2 điểm Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận và Garden Mall (quận 5) cũng duy trì 2 suất diễn/ tuần. Nhưng ngoài Bạch xà truyện, cả 3 vở còn lại ở 2 sân khấu đều là kịch ma.

Sân khấu đang ở thời điểm khó khăn, dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ  lên đời sống vốn rất mong manh của sân khấu thành phố, dẫu không bi quan, nhưng con đường phía trước vẫn đầy những âu lo.

          Hoa Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI