Ngân hàng áp dụng loạt biện pháp ‘siết’ cho vay bất động sản

28/09/2018 - 06:00

PNO - Trong mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại xem việc cho vay bất động sản là “miếng bánh” ngon và cho vay rất mạnh tay khiến dòng tín dụng có dấu hiệu “ồ ạt” chảy vào thị trường địa ốc.

Đặc biệt, khoảng vài tháng trở lại đây, giá đất “nóng” bất thường tại các quận, huyện vùng ven như Q.9, Q.12, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè, H.Cần Giờ… Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải “siết” cho vay bất động sản, xây dựng.

Qua khảo sát, tại một số ngân hàng đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, mua đất, xây sửa nhà khá cao, có nơi lên đến 12 - 12,5%/năm nếu khách hàng vay trung hoặc dài hạn. So với vài tháng trước, lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2%/năm.

Ngan hang ap dung loat bien phap ‘siet’ cho vay bat dong san
Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải “siết” cho vay bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, tại ngân hàng BIDV, nhân viên cho biết, nếu vay cố định trong thời gian 12 tháng, lãi suất là 7,8%/năm; còn cố định 24 tháng lãi suất sẽ là 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,7%/năm).

Nhiều ngân hàng ra quy định, vay càng nhiều thì lãi suất càng cao để tránh người dân đem tiền đầu cơ nhà đất. Chẳng hạn tại ngân hàng TPBank, nếu vay dưới 2 tỷ đồng, lãi suất 1.0%/tháng nhưng nếu vay trên 2 tỷ đồng thì lãi suất từ 12% trở lên.

“Ngân hàng đang tập trung cho vay cá nhân mua căn hộ và hạn chế cho vay đầu tư bất động sản. Quy trình làm thủ tục cho vay để đầu tư bất động sản cũng được kiểm soát chặt chẽ. Có ngân hàng nhân viên tín dụng xuống gặp khách làm hồ sơ, rồi đưa về ngân hàng; cũng có ngân hàng quy định phải có thêm trưởng nhóm tín dụng – cũng là người có vai trò duyệt hồ sơ vòng đầu đến gặp khách hàng. Việc làm này tránh tình trạng nhân viên tín dụng vì doanh số sẽ cho vay đại trà” – một nhân viên tín dụng của ngân hàng này nói.

Bên cạnh đó, do giá đất tăng “nóng” bất thường, các ngân hàng cũng thẩm định lại giá và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị thay vì 80 – 90% so với trước đây.

Lĩnh vực bất động sản cần nguồn vốn trung, dài hạn rất lớn. Để kiểm soát, ngân hàng Nhà nước đã nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 250% và hạ tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 45%.

Ngan hang ap dung loat bien phap ‘siet’ cho vay bat dong san
Ngoài khảo sát kỹ giá đất trước khi cho vay, đưa ra các cảnh báo, nhiều ngân hàng còn giảm tỷ lệ cho vay xuống mức thấp

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, các ngân hàng đang “siết” việc cho vay bất động sản nhằm thực hiện văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt nam (văn bản số 563/NHNN-TTGSNH) được ban hành vào cuối tháng 1/2018.

Ngoài khảo sát kỹ giá đất trước khi cho vay, đưa ra các cảnh báo về việc rót vốn vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là những khu vực mà giá trị đất bị đẩy lên bất thường ở các vùng ven ngoại thành, nhiều ngân hàng còn giảm tỷ lệ cho vay xuống mức thấp, khoảng 50%, thậm chí 30% so với giá thị trường để giảm bớt việc người dân đầu tư.

“Tính đến tháng 6 năm nay, tín dụng toàn ngành đã tăng 6,16% so với đầu năm. Trong đó, cho vay bất động sản chỉ tăng 2,19%, tỷ trọng cho vay mảng này hiện chiếm 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế, thấp hơn rất nhiều so với mức 15,8% năm 2017 hay 17,1% vào năm 2016” - ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Mới đây, Chính phủ một lần nữa yêu cầu từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản. Đồng thời, sẽ thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng cho vay cao vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.

Hoàng Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI