Người dùng Facebook, Google là 'thượng đế' hay thực sự chỉ là hàng hóa?

27/09/2018 - 15:00

PNO - Tháng 3/2018 khi bê bối Facebook chia sẻ dữ liệu cho Cambridge Analytica vỡ lở, người dùng Facebook mới hiểu ra một sự thật đắng cay rằng, họ dù được mệnh danh là “thượng đế” nhưng cũng rất nhanh chóng bị biến thành món hàng để...

87 triệu tài khoản người dùng Facebook bị rò rỉ thông tin cho Cambridge Analytica sử dụng vào mục đích quảng cáo chính trị nhằm thu lợi. Điều đó khiến Facebook phải đối mặt với tiếng xấu và khả năng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.

Đến tháng 7/2018, Google bị báo chí Mỹ phanh phui việc theo dõi người dùng bằng cách vẫn lưu trữ địa điểm của những người sử dụng dịch vụ Google trên điện thoại Android và iPhone cho dù người dùng đã cài đặt chức năng ngăn chặn. Còn trước đó nhiều tháng trong năm 2017, tờ Wall Street Journal cũng đã lật tẩy việc Google thường xuyên quét nội dung Gmail của người dùng để phân tích nội dung phục vụ cho việc cung cấp quảng cáo thu lợi.

Nguoi dung Facebook, Google la 'thuong de' hay thuc su chi la hang hoa?
Facebook và Google vẫn luôn miệng cho rằng khách hàng là “thượng đế” và người dùng là trung tâm nhưng sự thật không như thế

Các ông lớn như Facebook và Google vẫn luôn miệng cho rằng khách hàng là  “thượng đế” và người dùng là trung tâm, nhưng thực tế đầy phũ phàng ngày càng bị lộ rõ. Người dùng cũng chính là trọng tâm/trung tâm bị khai thác để trục lợi một cách cố tình hay ngoài sự kiểm soát. Trục lợi một cách công khai được người dùng chấp nhận còn chưa đủ, các “ông lớn” này còn trục lợi người dùng một cách âm thầm, thậm chí lén lút và xâm phạm thông tin cá nhân như trường hợp Cambridge Analytica.

Mới đây nhất, lá thư được Susan Molihari - Phó Chủ tịch Chính sách công và các vấn đề chính phủ tại Mỹ - gửi các nhà lập pháp Mỹ bị tiết lộ nội dung cho thấy Google vẫn tiếp tục cấp quyền truy cập vào dữ liệu người dùng cho bên thứ ba với điều kiện “minh bạch với người dùng về mục đích sử dụng dữ liệu”.

Vấn đề đặt ra là: Dữ liệu cá nhân của người dùng, tại sao Google có quyền “gật đầu” cho bên thứ ba truy cập vào trong khi người dùng lại không được hỏi ý kiến? Hành vi này là tùy tiện, lạm quyền, qua mặt hay xem thường người dùng vốn được xem là “thượng đế”, là “trung tâm”?

Nếu Việt Nam có số người dùng Facebook nhiều thứ 7 toàn cầu (trên 60 triệu người dùng) thì số lượng người Việt sử dụng các dịch vụ của Google cũng rất nhiều. Hàng chục triệu người sử dụng Gmail cũng có nghĩa là bị mất quyền định đoạt cho phép ai có quyền được truy cập vào hộp thư Gmail của mình.

Còn nhớ trong vụ Cambridge Analytica, trong số hơn 87 triệu thông tin tài khoản người dùng bị rò rỉ thì có hơn nửa triệu tài khoản là của người dùng Việt Nam. Còn đối với Google, chỉ riêng tài khoản dùng Gmail trên toàn cầu đã hơn 1,4 tỉ người, cộng thêm khoảng 1,6 tỉ người dùng YouTube. Các dịch vụ này đều rất phố biến và được dùng nhiều tại Việt Nam.

Hơn 10 năm về trước, Google phải bật khỏi thị trường Trung Quốc vì không chấp nhận chia sẻ dữ liệu với chính quyền sở tại. Nhưng theo nhiều thông tin, Google gần đây đầu tư vào Trung Quốc và có động thái muốn trở lại thị trường này thông qua một đối tác nội địa, và tất nhiên phải chấp nhận nhượng bộ để được kinh doanh và thu lợi từ thị trường đông dân nhất thế giới.

Khi các “ông lớn” Internet như Google, Facebook càng muốn mở rộng làm ăn và thu lợi càng nhiều thì tình hình tỉ lệ thuận theo là người dùng càng bị khai thác nhiều hơn. Từ đó, dẫn đến nguy cơ thông tin cá nhân càng dễ bị biến thành món hàng kinh doanh hơn.

Dạ Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI