Ngã chấn thương cột sống, nghệ sĩ Ái Như vẫn tiếp tục diễn: Còn đó "vàng ròng" của sân khấu

06/07/2020 - 19:50

PNO - Khi tấm màn nhung vừa khép lại, nghệ sĩ Ái Như được đưa gấp vào bệnh viện để cấp cứu. Trước đó, trong suất diễn, nữ nghệ sĩ không may bị ngã từ bục cao.

Trong bóng tối, như bao lần khác, nghệ sĩ Ái Như đi vội vào trong để chuẩn bị sang cảnh 3 của vở Hãy khóc đi em, nhưng lần này, trong suất diễn chiều 5/7, chẳng may chị ngã từ bục cao xuống đất. Vở diễn bị gián đoạn một thời gian nhưng sân khấu đã sáng đèn trở lại, nghệ sĩ Ái Như xuất hiện như chưa có điều gì xảy ra. Nhưng thay vì di chuyển, chị hạn chế đi lại, chỉ đứng hay ngồi trên ghế cao để hoàn thành vở diễn.

Cơn đau không có cơ hội xuất hiện trên khuôn mặt nữ nghệ sĩ. Chị vẫn hết lòng với vai diễn đến những phút cuối cùng. Khán giả ngồi bên dưới khóc, cười với diễn biến mới của vở Hãy khóc đi em và dành những tràng pháo tay cho toàn bộ ê-kíp... nhưng có lẽ không mấy khán giả biết nghệ sĩ Ái Như đang cắn răng nén đau để hoàn thành nốt vai diễn của mình. 

Vậy rồi khi tấm màn nhung vừa khép, nghệ sĩ Ái Như được đưa gấp vào bệnh viện để cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán với vết thương của chị, phải thực hiện tiểu phẫu để bơm xi-măng sinh học vào đốt sống bị chấn thương. Sau đó chị phải hạn chế đi lại, kết hợp với điều trị trong ít nhất một tháng. 

Nghe thông tin về tai nạn của nghệ sĩ Ái Như, nhiều người chẳng thể cầm lòng. Suất diễn đó, có nhiều lựa chọn được đưa ra: xin lỗi và trả tiền lại cho khán giả bởi chẳng ai có thể giận nghệ sĩ trong trường hợp như thế. Nhưng, nghệ sĩ Ái Như chọn cách nén cơn đau để diễn cho tròn suất. NSƯT Thành Hội viết: "Không phải vì những tiếng vỗ tay, không phải vì tiền. Vì một điều lớn lao hơn đó là tình yêu với sân khấu. Có những niềm đau của người nghệ sĩ mà khán giả thường không hiểu được".

Nghệ sĩ Ái Như trong vở diễn
Cô giáo Hoài (vở 29 anh về), một trong những vai diễn ấn tượng của nghệ sĩ Ái Như trên sân khấu Hoàng Thái Thanh

Thật vậy, có những điều đằng sau tấm màn nhung mà tôi và mọi khán giả đều mong một lần được nhìn thấu tận. Vì chính những gì xảy ra trong bóng tối ấy lại là một bí mật hiếm khi nào được tiết lộ với người xem. Vở chuyển cảnh, sân khấu tắt đèn. Trong bóng tối, tôi hình dung sự lao động hối hả của một "thế lực" phía sau màn nhung, và cũng nghe mà nặng lòng rằng cơ sở hạ tầng còn chưa tốt, chưa hiện đại nên đôi lúc khán giả phía dưới vẫn nghe tiếng bước chân chạy vội để chuyển cảnh trên sân khấu...

Dẫu "chủ nhân" của những bước chân đó đã cố gắng hết sức để khán giả không nghe thấy những tiếng động không nằm trong kịch bản, trong cái bóng tối ấy. Nhưng ở đây, chẳng phải hạ tầng là chuyện cốt yếu mà điều luôn níu giữ khán giả đến với sân khấu (dẫu so với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác thì sân khấu vẫn có một khoảng cách khá xa), đó là đam mê, là khát vọng được cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả của nghệ sĩ. 

Ở Việt Nam, những tai nạn sân khấu xảy ra cũng không hiếm hoi. NSƯT Thành Lộc rơi từ trên dây cách mặt đất 3m; NSƯT Tú Sương từng nhập viện ngay sau suất diễn để thực hiện cuộc phẫu thuật ở chân; cặp nghệ sĩ diễn tiết mục xiếc trượt patin Lê Hưng - Nhã Hiếu cũng từng té ngã khi đang tập luyện và cả anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp với tiết mục chồng đầu cũng không may gặp tai nạn... Vậy rồi, họ té ngã và may mắn vẫn còn đứng dậy được để tiếp tục với nghề. Những người nghe chuyện tỏ bày ái ngại, nghệ sĩ cũng chỉ biết lắc đầu vì đâu chỉ là tai nạn thông thường, có thể lần này họ gặp may nhưng lần khác, biết đâu còn biến cố nào sẽ ập đến.

Hỏi anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp vì sao khi được thế giới xác lập kỷ lục, khi người dân cả nước biết được tình yêu với bộ môn nghệ thuật xiếc của họ và số tiền kiếm được từ công việc cũng không hề nhỏ, cả hai vẫn tiếp tục mạo hiểm với các tiết mục khó hơn, những đỉnh cao mới? Câu trả lời chỉ đơn giản rằng, xiếc là đam mê và khi còn sức khoẻ, cả hai muốn mang xiếc Việt đi xa hơn nữa.

Khi nhìn thấy NSƯT Thành Lộc té từ độ cao 3m xuống sàn sân khấu, tất cả khán giả hốt hoảng đứng lên, nhưng anh vẫn đùa với bạn diễn: "Té đau thấy bà" rồi tiếp tục nén đau diễn tiếp cho đến hết vở diễn. Sau suất diễn, nằm trên xe cấp cứu vào bệnh viện, NSƯT Thành Lộc chỉ có một suy nghĩ duy nhất: "Lỡ mình bị liệt, làm sao tiếp tục làm diễn viên? Lỡ mình bị liệt, có thể chuyển sang viết kịch bản? Mình có thể chỉ diễn những vai ngồi trên xe lăn không?"...

Có thể, mỗi người sinh ra đều mang một sứ mệnh riêng của mình. Trong giới nghệ thuật, cũng có những cá nhân ngày đêm miệt mài với công việc, cũng có người ăn may nổi tiếng, có người tài năng nhưng chưa gặp được thời... Nói để thấy ngoài nghệ sĩ Ái Như, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Tú Sương, Lê Hưng - Nhã Hiếu, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp... vẫn còn đó nhiều nghệ sĩ khác hết mình với con đường đã chọn. Chính họ với sự lựa chọn của mình đã tạo niềm tin, hy vọng cho khán giả rằng vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ là "vàng ròng" của sân khấu, của loại hình nghệ thuật mà họ dấn thân cống hiến.

Họ hoạt động có thể chẳng cần ngợi ca, chẳng cần được khen thưởng, họ làm vì niềm đam mê đơn thuần, trong sáng muốn tận hiến. Nghệ sĩ Ái Như có nhiều lựa chọn khác nhưng chị vẫn chọn ở lại với khán giả cho đến hết vở. Trách nữ nghệ sĩ quá yêu công việc mà quên mất bản thân, nhưng lời trách ấy chẳng thể nói ra bởi lựa chọn của chị mang đến nhiều cảm xúc tích cực rằng vẫn còn đó những nghệ sĩ yêu nghề, hết lòng với nghệ thuật dẫu hành trình của họ đầy chông gai. 

Minh Tú 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI