“Nấu trong nhà, bán cạnh nhà” lên ngôi mùa dịch

24/04/2020 - 11:53

PNO - “Nấu trong nhà, bán cạnh nhà” là cách mà các group (nhóm) chợ chung cư nhắc đến nghề và bạn hàng của mình. Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội phòng lây nhiễm COVID-19, chợ online chung cư ở TPHCM hoạt động hết công suất, trong đó đa phần là các món “cây nhà lá vườn”.

Chợ “triệu like”

Vừa giới thiệu món bánh bèo “nhà làm” trong nhóm cư dân, chị Mai Hân (bán các loại bánh ngọt) liền có đơn đặt hàng tới tấp. Đi kèm là hàng tá lượt like (thích), thả tim, comment (bình luận): “Trời ơi! Thèm quá!”; “Bánh vừa mềm vừa thơm mỡ hành, nước chấm “chuẩn không cần chỉnh”; “Mình đã thử, ngon lắm mọi người ơi!”; “Bánh ngon, bà chủ dễ thương”… 

Kinh doanh trong chung cư, giao thức ăn tận phòng
Kinh doanh trong chung cư, giao thức ăn tận phòng

Chợ online của cư dân các khu chung cư được lập ra để mọi người tiện bán “đồ nhà” hay đồ quê, nôm na là ai có mặt hàng gì bán mặt hàng đó. Lợi thế của chợ online chung cư chính là người bán dễ dàng tiếp cận số lượng thành viên đông đảo. Có khu chợ cư dân vừa được lập trong mùa dịch đã có số lượng thành viên trên 70.000 người. Hàng hóa được bán khá phong phú từ bình dân đến cao cấp như rau củ, trái cây, thức ăn, hàng tiêu dùng, các món ăn tự làm, quần áo, mỹ phẩm…

Chợ trên mạng được cư dân lập ra ở hàng loạt chung cư như Ehome 2, Flora Anh Đào, Flora Fuji, Phố Đông, The Art Gia Hòa, Melosa Garden-Mega Village Khang Điền... với số lượng thành viên trên 12.000 người... hoạt động rôm rả, buôn bán nhộn nhịp. Đặc biệt, trong thời COVID-19, cánh bán buôn ở chợ chung cư chạy hết công suất để phục vụ khách hàng “cách ly 
xã hội”.

“Hơn một tháng nay, cơ quan cho nhân viên nghỉ luân phiên, làm việc tại nhà nên tôi có thời gian vào bếp nhiều hơn, nấu món ăn bán online cho cư dân chung cư. Các loại đồ ăn vặt và thức ăn hàng ngày đắt khách hơn hẳn” - chị Lê Thị Liên (chung cư Flora Anh Đào, Q.9) chia sẻ. Đồ ăn vặt ngoài các loại dimsum, chè, bánh ngọt còn có thịt bò khô, xúc xích, gà ủ muối... Món nào cũng rất đắt khách. 

Theo tìm hiểu, giá các mặt hàng và các sản phẩm ở những chợ online này thực ra không rẻ hơn so với bên ngoài, thậm chí một số mặt hàng thực phẩm, rau củ, trái cây giá còn cao hơn. Tuy nhiên, đa phần cư dân lại lựa chọn mua tại chợ nội bộ bởi tin tưởng về chất lượng, uy tín, không tốn tiền ship. Trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, việc mua trong cộng đồng cư dân giúp người mua cảm thấy thuận tiện khi được giao hàng ngay tại sảnh.

Từ thức ăn, quần áo, mỹ phẩm… đều có ở chợ online chung cư
Từ thức ăn, quần áo, mỹ phẩm… đều có ở chợ online chung cư

Tại Q.2, người bán hàng trong nhóm chợ nội bộ của cư dân chung cư Lexington Residence còn rủ nhau trích từ tiền bán hàng tạo quỹ để mua quà cho những nhân viên, lao công, bảo vệ đang làm việc tại tòa nhà trong mùa dịch.

Làm chơi ăn thiệt
Chị Đào Thị Thu Trà (ngụ Q.8) vốn là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty du lịch. Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty đóng cửa, nhân viên thất nghiệp nằm nhà. Loay hoay tìm phương án kinh doanh lúc rảnh rỗi, chị Trà chuyển hướng làm bánh bán online để kiếm thêm đồng ra đồng vào giữa lúc khó khăn. 

Đã từng học lớp làm bánh nhưng thỉnh thoảng chỉ làm vài loại cho gia đình thưởng thức, nay tập tành kinh doanh, chị hơi lóng ngóng. Để chào hàng, chị làm vài mẻ bánh giới thiệu thử trên group cư dân chung cư mình đang sống, không ngờ nhiều người khen và đặt hàng ủng hộ.

“Hiện tôi bán bánh mì phô mai bơ tỏi đang gây sốt và bánh bông lan trứng muối. Ban đầu khi tôi đăng bán, đa phần hàng xóm quen ở cùng dãy nhà mua ủng hộ. Giờ còn có thêm nhiều khách hàng ở các block nhà khác đến đặt hàng. Đa số bánh làm ra đều bán hết trong ngày, thu nhập có khi cả triệu đồng/ngày” - chị Thu Trà khoe. 

Không chỉ bán món kim chi Hàn Quốc ngon lành, chị Mai Uyên (chung cư Q.Thủ Đức) còn chia sẻ hình ảnh quy trình chế biến, hóa đơn mua hàng có nguồn gốc, giúp khách hàng yên tâm khi mua hàng.

“Nguyên liệu tôi đều mua ở siêu thị, có nguồn gốc rõ ràng; quá trình chế biến không dùng hóa chất. Tôi cũng gia giảm thành phần, thỉnh thoảng thay đổi nguyên liệu cải thảo bằng bắp cải, su hào… Thực ra không chỉ là buôn bán, tôi còn chia sẻ công thức cho các chị em cùng làm nên có lẽ vì vậy tạo được thiện cảm với khách hàng” - chị Uyên bộc bạch.

Từ ngày có con nhỏ, chị Mỹ Hòa (chung cư Phú Thọ, Q.11) không đi làm nữa. Để vừa có thời gian trông con vừa có thu nhập, Mỹ Hòa tự chế trà sữa bán online trong khu dân cư. “Tuy bán online nhưng tôi có tham gia các lớp học pha chế ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, được cấp giấy xác nhận hẳn hoi. Tôi còn tham gia lớp an toàn thực phẩm của thành phố rồi mới đăng ký gian hàng bán buôn. Các loại topping như trân châu, nha đam… tôi đều tự làm. Nhờ bán hàng ngon, rẻ, uy tín nên khách khá đông. Trong thời gian mọi người ở nhà để phòng dịch COVID-19, trà sữa tôi bán rất đắt hàng. Giá bình dân từ 15.000-20.000 đồng/phần, có hôm tôi bán gần trăm ly, lời cả triệu đồng” - bà mẹ trẻ tiết lộ.

Từ thức ăn, quần áo, mỹ phẩm… đều có ở chợ online chung cư
Từ thức ăn, quần áo, mỹ phẩm… đều có ở chợ online chung cư

Chị Nguyệt Minh (nhân viên văn phòng, chung cư Thái An, Q.12) tâm sự, chị ít khi mua hàng ở những khu chợ online vì sợ không như ý. Thế nhưng, khi tham gia vào “chợ mạng” ở khu chung cư, chị nghiện lúc nào không hay.

“Trước đây tôi thường mua hàng ở siêu thị nhưng giờ đa số đặt hàng ở chợ online trong group cư dân. Không ngờ bạn bè mình biết lại là tiểu thương lâu năm ở mạng này. Việc đặt mua của những người sống cùng khu, biết chính xác địa chỉ người bán thì cũng yên tâm hơn. Bởi nếu hàng hóa có vấn đề gì có thể tới tận nơi phản ánh hay trả lại. Đặc biệt, đêm hôm thèm món gì chỉ cần alô hoặc click chuột, ngay lập tức được phục vụ tận nhà” - chị Minh cho biết.

Chỉ cư dân mới được rao bán hàng

Dù mua hàng online, người bán chưa bao giờ biết mặt, biết tên, thế nhưng với chợ online ở khu chung cư, “luật bất thành văn” để tồn tại lâu dài là phải uy tín. 

Theo ban quản trị “chợ online chung cư” ở Thủ Đức - nơi có hơn 15.000 thành viên (trong đó khoảng 7.000 người là cư dân chung cư và khu liền kề), chợ này hoạt động được vài năm nhưng bài đăng nhiều nhất là từ đầu năm nay. Nếu trước đây, đa phần là khách đăng tin giao dịch nhà đất thì nay, bài đăng chủ yếu bán đồ ăn. 

Mỗi ngày, ban quản trị nhận được hàng trăm lượt đăng bài từ đồ ăn tươi sống cho đến chế biến sẵn. Các sản phẩm trái cây, đồ ăn quê cũng được bán nhiều hơn. “Chợ này chỉ cư dân mới được rao bán hàng, còn khách ngoài chỉ vào đặt mua chứ ít khi được duyệt bài vì sợ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Các đặc sản quê khá được ưa chuộng, nhiều cư dân đăng lên chỉ trong ngày là bán hết” - đại diện ban quản trị cho hay.

Hầu hết khu căn hộ tại TP.HCM đều có group cư dân trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber... Ban đầu chỉ là nhu cầu kết nối chia sẻ thông tin, phản ánh các nội dung liên quan đến chung cư mình đang ở. Sau đó, họ mở rộng sang mua bán, tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn của cư dân, vừa để tăng thu nhập. Trên chợ, thay vì chỉ bán “đồ nhà làm” hay “đồ quê”, giờ còn bán đủ thứ: từ thực phẩm tươi sống, đồ ăn sẵn, quần áo, trái cây cho đến giầy dép, mỹ phẩm, thậm chí gói tăm, cái thớt... 

Theo admin (quản trị viên) các trang chợ online ở các chung cư, để được chấp nhận là member (thành viên), người tham gia phải tuân thủ các quy định như báo giá cụ thể, nếu ở trong chung cư phải miễn phí giao hàng. Trường hợp người đăng bán không để giá minh bạch, không công khai số điện thoại sẽ bị khóa tài khoản (block nick) ngay sau đó. ”Chợ online” tại các khu chung cư, các khu đô thị tuy nhỏ nhưng phần nào thể hiện được nhu cầu xã hội, thể hiện được sự thích ứng của xã hội trong việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống. 

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI