Nắm đôi tay trần, dìu nhau qua cơn khốn khó

11/10/2019 - 06:40

PNO - Trong dòng chảy của không - thời gian lịch sử, càng khốc liệt, thăng trầm thì phẩm cách của người phụ nữ, người mẹ Việt lại càng trung kiên, son sắt, nhân hậu.

1. 
Không hiểu sao, trước những tượng đài người mẹ Việt Nam anh hùng, trong mọi lời ngợi ca người phụ nữ Việt Nam bất khuất, trung hậu; sau cảm giác tự hào, trong tôi luôn là cảm thức ray rứt, quặn lòng. Thì đây, “Đất nước tôi, từ thuở còn nằm nôi, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa… ngăn bước quân thù phía nam phía bắc” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn) lại chính là những người mẹ, “lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại, mẹ chìm trong đêm tối, gió mưa tóc che lối con đi” (Huyền thoại mẹ - Trịnh Công Sơn). 

Chiến tranh hằn lên những gương mặt đàn bà, để người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”; để người vợ tiễn chồng qua sông đi kháng chiến, một mình ở lại đô thành, cho đến ngày giữa vòng vây của giặc, bà hy sinh ngay bến sông xưa, chỉ có ánh trăng là nhân chứng tiễn đưa (Đò trăng - Lê Duy Hạnh)...

Nam doi tay tran,  diu nhau qua con khon kho
Những đôi bàn tay tìm đến nhau để nối dài những cánh tay sẻ chia (trong ảnh là Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu thăm hỏi, trò chuyện cùng các nữ tu tham dự chương trình)

Tổ quốc, phản chiếu qua hình tượng người phụ nữ Việt Nam, đẹp như tám chữ vàng họ được trao tặng “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”. Để gần nửa thế kỷ của thời hậu chiến, cái dấu lặng sau những tượng đài Mẹ Thứ, Má Tám Rành hay hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã và đang lặng lẽ những năm tháng cuối đời vẫn cứ khiến bao sinh linh hậu thế cúi đầu mà nhắc nhớ ghi ơn, trả ơn, sống cho xứng với cái ơn của người đi trước. 

Phần 1 - Mẹ và Tổ quốc, (chương trình nghệ thuật Đôi bàn tay ấm do Hội LHPN TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM phối hợp thực hiện) đã chọn lối khắc họa hình tượng người phụ nữ, người mẹ Việt Nam trong biểu tượng Tổ quốc, nhưng không thiên về tụng ca. Trong dòng chảy của không - thời gian lịch sử, càng khốc liệt, thăng trầm thì phẩm cách của người phụ nữ, người mẹ Việt lại càng trung kiên, son sắt, nhân hậu. 

Là đức hy sinh cao cả của những người mẹ, sẵn sàng hiến dâng những núm ruột của mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Là hiển hiện cái tâm thế của một người dân không cam chịu cảnh mất nước, đã lặng lẽ, bền bỉ “canh từng bước chân thù”, “mẹ nhẹ nhàng đưa lối” rồi lại “xóa sạch vết con về”, dự phần vào cuộc chiến, góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Nam doi tay tran,  diu nhau qua con khon kho
NSND Tạ Minh Tâm trong chương trình Đôi bàn tay ấm

Là hậu phương, nhưng cũng là tiền tuyến. Cái phẩm cách đàn bà ấy, xuất phát từ nguyên lý Mẹ (chữ dùng của giáo sư Trần Quốc Vượng) trong cội nguồn văn hóa Việt được lý giải từ thời chiến đến thời bình - khi những đứa con - cũng là những người đàn ông đã trưởng thành, tự nguyện thốt lên rằng: “mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ” (Mẹ tôi - Trần Tiến). 

Bởi một lời, cả một đời con xin thưa “Mẹ ơi sóng biển dạt dào. Con sao gánh hết công lao một đời… Cho con gánh lại mẹ già. Để sau người gánh chính là con con”. (Gánh mẹ - Quách Beem). 

Một dàn ca sĩ nam, từ NSND Tạ Minh Tâm, nghệ sĩ tranh cát Trí Đức, NSƯT Lê Tứ đến ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Quốc Thiên cùng MC Vũ Mạnh Cường gọi đây là “quà tặng” gửi đến chị em phụ nữ nhân những ngày tháng Mười. Hơn thế, tôi nghĩ, còn là lời tri ân đến những người mẹ, người vợ và bao “phận nữ nhi” vẫn đang gánh vác chuyện đời, đâu chỉ cho riêng mình. Mà đã là sự biết ơn, thì đâu mặc định theo ngày tháng, lại càng không phân định… giới tính.

2. 

Có một đôi tay bền bỉ gánh vác chuyện nước non. Có một đôi bàn tay “vết chai cũ, đường gân xanh vất vả… Tập vá may, tết tóc một mình. Rồi úp mặt lên bàn tay mẹ khóc…” (Xuân Quỳnh). Có cả đôi bàn tay “dìu nhau qua cơn sóng gió. Tâm hồn luôn rộng mở rất chân thành” (Đôi bàn tay - Bức Tường). Phụ nữ, trong muôn vàn nghịch cảnh, lòng nhẫn nại, bao dung và kiên trì vượt dốc chính là đáp số giải mã bài toán cuộc đời họ, nơi gắn chặt họ với chồng con, với mái ấm mà họ ra sức chằng chống, neo giữ. 
Vì thế, ở phần 2 - Đôi bàn tay ấm, đã dành trọn cho những khuôn mặt phụ nữ - là đôi bàn tay của người trao tặng, chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Họ ân cần, miệt mài, tận tụy với những chuyến đi xây nhà tình thương, mở phòng khám, giúp người nghèo chữa bệnh, lo cưu mang, ăn học cho những đứa trẻ cơ nhỡ… Phụ nữ - cũng chính là “nhân vật chính” của câu chuyện dài đói nghèo, cơ cực, thất học, đơn chiếc.

Nam doi tay tran,  diu nhau qua con khon kho
Chị Phạm Thị Điệp một mình nuôi hai con nhỏ bằng gánh canh bún, cho tới ngày con trưởng thành, có công ăn việc làm, lập gia đình...

Họ chìa đôi tay để nhận lấy những quan tâm, chăm lo, san sẻ của lòng nhân ái cùng khắp. Lạ thay, dưới những mái nhà dột nát, xiêu vẹo ấy, họ luôn là trụ cột, họ gánh hết về mình những tai ương, khốn khó, thắt ngặt, không một lời thở than. Và phụ nữ - với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội, là chiếc cầu nối vững chãi, là nối dài những cánh tay sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ, là người-bảo-vệ cho chính giới, cho hàng triệu chị em trong chức phận cân bằng cho cả thế giới. 

Đến đây, tôi bỗng dưng giật mình tự hỏi, hỡi những đức ông cao quý, các anh đã chinh chiến ở đâu, đã thỏa sức tang bồng như thế nào trong những “đôi bàn tay” ấy, hay mải mê tỉ thí bách tùng, mà chẳng đoái hoài gì chuyện cơm - áo - gạo - tiền? 

Để khi nhìn lại, một người vợ góa chồng (chị Phạm Thị Điệp, Q.Bình Thạnh), một mình nuôi hai con nhỏ bằng gánh canh bún, cho tới ngày con trưởng thành, có công ăn việc làm, lập gia đình; chị Vưu Thị Mai (Q.6), một tay nuôi hai chị em gái mất sức, chăm cậu em trai nằm liệt giường từ hơn 10 năm nay; chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (Q.Bình Thạnh) chèo chống cả đại gia đình bằng cái quán tạp hóa… Họ chỉ là điểm xuyết trong muôn vàn số phận, gia cảnh, nơi cái khó bủa vây nhưng không hề bí lối bởi quanh họ luôn có những “đôi tay”, chở che, giúp đỡ, nương tựa.

Nam doi tay tran,  diu nhau qua con khon kho
Chị Vưu Thị Mai một tay nuôi hai chị em gái mất sức, chăm cậu em trai nằm liệt giường từ hơn 10 năm nay

Để rồi, trong một chương trình chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi lại thấy sân khấu tràn ngập những tà áo dài, lác đác đâu đó cũng có một vài bóng dáng nam nhân, nhưng là niềm vui, là hạnh phúc, là sự ân cần có thật, rất thật được trao gửi, giữ gìn, trân trọng. 

Để rồi trong một ngày tôn vinh những đóng góp của doanh nhân Việt Nam, tôi không thấy bất cứ một thương hiệu, nhãn hàng hay sự tụng ca “khởi nghiệp” thành công; chỉ có con đường từ người cho đi, kẻ nhận về là vô tận. Bấy nhiêu nền nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, hàng ngàn suất học bổng vẫn là chưa đủ, nhưng lại quá đầy đặn ân tình… 

(*): trích trong ca khúc Đôi bàn tay của ban nhạc Bức Tường. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI