Năm 2020: Bùng nổ đòi quyền lợi cho nghệ sĩ da màu và nguy cơ "tắt ngúm"

29/12/2020 - 11:42

PNO - Từ sau cái chết của George Floyd dưới chân cảnh sát Mỹ, nghệ sĩ da màu thổi bùng ngọn lửa chống phân biệt chủng tộc, đẩy mạnh đòi quyền lợi.

Hollywood không có chỗ cho nghệ sĩ da màu?

Tác giả Chante Joseph nói trong năm 2020, anh không biết đã đọc và viết bao nhiêu lần câu “Trước sự trỗi dậy của George Floyd” để bắt đầu hay kết thúc cho một bài viết nào đó. Cái chết của George Floyd – nạn nhân người da đen, dưới tay cảnh sát xảy ra vào tháng 5/2020 khiến cả nước Mỹ “dậy sóng”.

Sự phân biệt chủng tộc được đẩy lên đỉnh điểm, giới nghệ sĩ nhập cuộc, khơi lại mạch ngầm âm ỉ về sự xem thường màu da trong ngành công nghiệp giải trí tại Mỹ.

Thông điệp
Thông điệp "No justice, no peace" - "Không bình đẳng, không bình yên" xuất hiện sau cái chết của George Floyd.

Hậu George Floyd, nhiều tập đoàn giải trí giật mình, sợ hãi trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ của đám đông, trong đó có nhiều nghệ sĩ da màu. Họ bắt đầu tìm cách xoa dịu. Universal Music Group đã cam kết chi 25 triệu USD cho một quỹ tạm gọi là “quỹ thay đổi”.

Sony và Warner Music cũng cam kết chi 100 triệu USD cho các hoạt động đảm bảo công bằng xã hội và chống nạn phân biệt chủng tộc. Đây là hành động đáng khen ngợi nhưng cuối cùng, theo Guardian, số tiền chi ra vẫn còn quá nhỏ so với giá trị mà các nghệ sĩ và nhà sáng tạo da màu đã mang lại cho ngành công nghiệp giải trí.

Do đó, các giám đốc điều hành của Atlantic Records là Brianna Agyemang và Jamila Thomas tiếp tục khởi xướng #Theshowmustbepaused. Trong phong trào này, hoạt động “blackout Tusday” – “ngày thứ 3 mất điện” được xem là hoạt động chính, nhằm cho phép ngành công nghiệp âm nhạc phản ánh những bất công mà người da đen phải đối mặt và có những giải pháp hợp lý.

Người dùng mạng xã hội kêu gọi chống nạn phân biệt chủng tộc một cách im lặng.
Người dùng mạng xã hội kêu gọi chống nạn phân biệt chủng tộc một cách im lặng.

Atlantic Records không ngần ngại khẳng định ngành công nghiệp âm nhạc có giá trị hàng tỷ đô la và thu lợi chủ yếu từ người da đen. “Nhiệm vụ của chúng tôi là chịu trách nhiệm về toàn ngành công nghiệp, bao gồm các tập đoàn lớn và các đối tác của họ - những người được hưởng lợi từ sự nỗ lực, đấu tranh và thành công của người da đen”, Atlantic Records cho biết.

Tuyên bố của Atlantic Records khá quan trọng trong thời điểm sự phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại từ hữu hình đến vô hình trong ngành giải trí. Tuy nhiên, lời khẳng định của hãng gặp phải các phản ứng trái chiều khi có vài đơn vị đã có động thái kịp thời, an ủi, động viên người da đen.

Spotify đã thêm một “sản phẩm âm nhạc” dài 8 phút 46 giây – đúng với thời gian cảnh sát Derek Chauvin quỳ trên cổ George Floyd cho tới khi nạn nhân qua đời.

Gọi là "sản phẩm âm nhạc" nhưng đây thực chất là một file không có âm thanh, hoàn toàn im lặng như một sự sẻ chia đến với nạn nhân và những người da đen đang bị làn sóng phân biệt nuốt chửng.

Ngoài Spotify, người dùng mạng xã hội đã liên tục chia sẻ những hình vuông màu đen cùng với thông điệp đoàn kết, đồng cảm với người da màu. Họ đấu tranh bằng một cuộc phản đối im lặng đến đáng sợ.

Alexandre Burke đăng tải video cô xúc động bật khóc khi nói về khoảng thời gian bị đối xử tệ khi tham gia nghệ thuật.
Alexandre Burke - quán quân X-factor đăng tải video cô xúc động bật khóc khi nói về khoảng thời gian bị đối xử tệ khi tham gia nghệ thuật.

Trong thời điểm tin tức về cái chết của George Floyd đang "nóng hổi", những nghệ sĩ da màu cũng đã lột trần bí mật đằng sau ngành giải trí lấp lánh tại Mỹ.

Người chiến thắng cuộc thi X-Factor, Alexander Burke nói đã có thời điểm cô nghĩ mình cần tẩy trắng da mới có thể hoạt động nghệ thuật; Misha B cho biết từng muốn tự tử sau khi vô cớ bị buộc tội bắt nạt người khác trong một chương trình; Keisha Buchanan chia sẻ bản thân cần được trị liệu sau những tổn thương về mặt tinh thần khi hoạt động trong ngành giải trí...

Dù không phải mới nhưng năm 2020 là lần đầu tiên, nhiều màn “vạch trần” hậu trường đen tối tại Mỹ xuất hiện.

Đã có những sự thay đổi phải được kể đến như lâu nay, “urban” (nghĩa: thành thị) được sử dụng để mô tả bất cứ sản phẩm âm nhạc nào do người da đen thực hiện. Định nghĩa này đã bị phản ứng từ khi xuất hiện vào những năm 80 nhưng cho đến nay, chúng vẫn được sử dụng.

Đến tháng 5/2020 - cùng thời điểm cái chết của George Floyd, Republic Records tuyên bố sẽ không sử dụng thuật ngữ “urban” với lời khẳng định: “Điều quan trọng là phải định hình tương lai, không phải sử dụng những định nghĩa lỗi của quá khứ”. Ngay sau đó, giải Grammy cũng thông báo sẽ ngừng sử dụng từ “urban” trong các hạng mục giải thưởng.

Nguy cơ tắt ngúm

Tuy nhiên, những thay đổi trên vẫn chưa đáng kể so với đóng góp và áp lực mà nghệ sĩ da màu đối mặt.

Nhà văn Josh Kun viết: “Nếu ngành công nghiệp âm nhạc muốn hỗ trợ cuộc sống của nghệ sĩ da màu, các hãng có thể bắt đầu bằng việc sửa đổi hợp đồng, chia quyền lợi cao hơn về bản quyền, trả tiền cho nghệ sĩ da đen và gia đình của họ”.

Bài đăng của nhà văn Josh Kun được ủng hộ vì từ lâu, các nghệ sĩ da màu thường nhận những hợp đồng thu âm không công bằng so với nghệ sĩ da trắng.

“Bất kỳ ai cũng có thể bị nhận những thoả thuận thiếu công bằng. Nhưng do sự bất bình đẳng trong giáo dục và chênh lệch kinh tế từ lâu nên các nghệ sĩ da đen và da nâu dễ bị nhận được hơn”, luật sư Tonya Butler nói.

Phong trào
Phong trào đòi quyền lợi cho người da đen vẫn tiếp diễn nhưng nguy cơ "tắt ngúm" rất cao.

Guardian tiếp tục chỉ ra sự bất hợp lý đã tồn tại từ lâu trong các sản phẩm âm nhạc. Tác giả bài viết cho biết, đối với các sản phẩm âm nhạc, nếu người da trắng nói về tình dục, họ không bị dư luận phản ứng dữ dội thì khi nghệ sĩ da màu thể hiện chúng trong các sản phẩm âm nhạc, họ chửi bới.

Tác giả bài viết lấy dẫn chứng từ sản phẩm của rapper Cardi B và Megan Thee Stallion, sau khi ra mắt, cả hai bị chỉ trích vì khoe da thịt, câu từ phản cảm trong khi nhiều nghệ sĩ da trắng cũng táo bạo không kém.

Từng không chịu được sự bất công và không công nhận dù đã rất nỗ lực, DJ Marshall Jefferson đã từ bỏ nghề DJ. Chính Marshall Jefferson đã lên tiếng trong một loạt bài báo về những góc khuất mà nghệ sĩ da màu phải đối mặt. Anh cho rằng, sự thay đổi là cần thiết nhưng quan trọng, là khi nào?

Nhiều nhà biên kịch đã lên tiếng bằng tác phẩm để chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Nhiều nhà biên kịch đã lên tiếng bằng tác phẩm để chống lại sự phân biệt chủng tộc.

Báo cáo về sự đa dạng năm nay, UK Music nói đây là năm cho thấy sự gia tăng đa dạng sắc tộc trong ngành giải trí, dù tốc độ vẫn chậm chạp.

Guardian nói “khi sự trỗi dậy của George Floyd” dịu đi, nghệ sĩ da màu dễ dàng bị lãng quên một lần nữa. Các chính sách đã xuất hiện nhưng kinh phí nhỏ giọt như thể chỉ để tỏ sự xót thương, "bịt miệng" dư luận. Các cuộc nói chuyện, kêu gọi đoàn kết, đòi bình đẳng cho người da màu đã diễn ra và kết thúc chóng vánh. Chừng nào các nghệ sĩ da đen còn chịu cảnh nghèo đói, bị phân biệt, thiếu sự hỗ trợ về mặt pháp lý thì chừng đó “sự trỗi dậy của George Floyd” vẫn chưa có ý nghĩa, nguy cơ tắt ngúm rất cao.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI