Mượn mác "hữu cơ" để trục lợi

13/07/2016 - 14:56

PNO - Sau bài sản phẩm hữu cơ, GAP: Khó nhận diện đăng trên số báo ra ngày 11/7, báo Phụ Nữ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về tình trạng mượn mác thực phẩm hữu cơ để trục lợi.

Rối tung sản phẩm hữu cơ

Hầu hết ý kiến đến từ những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận lẫn khách hàng từng sử dụng sản phẩm này, đều cho rằng, bên cạnh những đơn vị làm ăn bài bản, đã xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng bối cảnh chưa rõ ràng về hành lang pháp lý và nhận thức của người tiêu dùng để trục lợi. Nhiều người tố giác hàng loạt sản phẩm ghi nhãn hữu cơ tự phong không có đơn vị bảo chứng hoặc được chứng nhận bởi các tổ chức không rõ nguồn gốc hoặc năng lực đánh giá.

Bà H., chủ một cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Q.1, cho biết cách đây không lâu có hai nhà cung cấp đưa hàng đến cửa hàng của bà giới thiệu sản phẩm trà và hạt điều. Nhưng quan sát, bà nhận ra ngay là hàng hữu cơ giả, đơn vị này không đưa ra được các chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm của họ, dù trên bao bì vẫn ghi là sản phẩm hữu cơ hay 100% hữu cơ. “Ngay bên cạnh mác hữu cơ, họ còn thêm dòng chú thích đạt chuẩn VietGAP. Chỉ nhìn bao bì đã biết người sản xuất không hiểu gì về thực phẩm hữu cơ cả”, bà H. bày tỏ.

Muon mac
Hiện chỉ có một số ít các đơn vị hữu cơ tại Việt Nam được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ (Ảnh chụp tại vườn rau hữu cơ Organica)

Thực chất, VietGAP hay GlobalGAP và hữu cơ là hai hướng sản xuất nông nghiệp khác hẳn nhau. Trong khi VietGAP hay GlobalGAP cho phép sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ nhưng có kiểm soát thì trong tiêu chuẩn hữu cơ không được phép sử dụng. Như vậy, hai tiêu chuẩn GAP và hữu cơ không thể đi liền nhau được. Chưa kể muốn được gọi là hữu cơ thì phải được một tổ chức độc lập chứng nhận chứ không phải muốn gọi thế nào thì gọi.

Trở lại với mặt hàng thịt heo được một số người giới thiệu là thịt heo hữu cơ, lấy từ heo chăn nuôi bằng cám tự nhiên, không dùng kháng sinh hay hormon tăng trưởng nên ngon hơn thịt heo nuôi công nghiệp, bán với giá trên dưới 400.000đ/kg chúng tôi đề cập ở số báo trước. Tại một số cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở Q.1, Q.3 và Q.7, giá “thịt heo hữu cơ” này cao hơn từ 1,5-3 lần thịt heo thường. Bất chấp mức giá này, nhiều người tiêu dùng ủng hộ vì lo ngại thịt heo ngoài chợ dùng chất cấm. Tuy nhiên, các loại thịt heo đang được quảng cáo là “hữu cơ” đó có thực sự là hữu cơ không thì không ai biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai thương hiệu thịt heo hữu cơ đang được bán nhiều ngoài thị trường là B.C. và O.F., trên nhãn mác và website của các đơn vị này chỉ nói là heo được chứng nhận EM của Nhật Bản chứ không có chứng nhận hữu cơ (organic). Đây là chứng nhận dành cho các trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu (viết tắt là EM) của Nhật trong quá trình chăn nuôi, xử lý thức ăn và xử lý môi trường. Đây không phải là chứng nhận hữu cơ, nhưng các nhà sản xuất trên vẫn ghi là thịt heo hữu cơ trên chứng nhận EM.

Tại hội thảo Nhận diện các sản phẩm hữu cơ tổ chức mới đây ở TP.HCM, đại diện một tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ đến từ Hồng Kông khẳng định EM không phải là tiêu chuẩn hữu cơ, người bán đang lừa người tiêu dùng khi ghi chữ thịt heo hữu cơ trên sản phẩm.

Gần đây, hành vi gian dối ở sản phẩm gạo hữu cơ cũng được người dân vạch trần. Theo đó, Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm đưa ra thị trường một loại gạo hữu cơ do “Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” chứng nhận. Người bán tại một cửa hàng ở Q.11 tỏ ra rất tự tin về chứng nhận và chất lượng sản phẩm này, liên tục quảng bá đến người tiêu dùng về một loại gạo sạch chất lượng cao.

Theo nội dung của quyết định công nhận sản phẩm đã được sản xuất theo hướng hữu cơ mà PV báo Phụ Nữ có được, sản phẩm lúa gạo này được chứng nhận dựa trên đánh giá của một trung tâm thuộc Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam. Tuy nhiên, trung tâm nói trên và cả Hiệp hội Hữu cơ VN có đủ chức năng hay năng lực để đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ hay không là điều cần làm rõ. Bởi đến nay VN vẫn chưa có quy chuẩn hữu cơ quốc gia để đánh giá một mô hình hay sản phẩm được chứng nhận hữu cơ. Toàn bộ các chứng nhận hữu cơ mà các doanh nghiệp VN có, đều phải mời các tổ chức nước ngoài đến đánh giá và cấp chứng nhận.

Trong quyết định của mình, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ VN chỉ ghi sản phẩm “đạt yêu cầu theo hướng sản xuất lúa hữu cơ” là không rõ ràng. Cụm từ “theo hướng” không phải là một chứng nhận hay một chuẩn mực cụ thể. Tại điều 2 của quyết định trên, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ VN còn công nhận sản phẩm lúa gạo nói trên “đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Hiệp hội này không có phậ n sự để công nhận mà thẩm quyền đó thuộc về Cục An toàn thực phẩm. Chưa kể mỗi chứng nhận hữu cơ cấp cho trang trại hoặc cơ sở sản xuất chỉ trong thời hạn một năm, trong khi chứng nhận của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ VN chỉ ghi ngày có hiệu lực chứ không có ngày hết hạn.

Ai giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ?

Canh tác hữu cơ tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí nên hiện ở Việt Nam, số lượng các chứng nhận hữu cơ vẫn còn rất khiêm tốn. Đa số các chứng nhận hữu cơ đều dành cho các sản phẩm tập trung như dừa, tôm, hạt tiêu… xuất khẩu. Chỉ có vài đơn vị lấy chứng nhận hữu cơ để phân phối trong nước.

Giữa lúc người tiêu dùng hoang mang trong việc tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ với đầu vào không hóa chất là lựa chọn của nhiều người. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra khoản tiền cao hơn hai-ba lần để mua thực phẩm hữu cơ. Nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng nỗi lo của người tiêu dùng, bối cảnh không rõ ràng về thông tin, để đưa ra các sản phẩm hữu cơ tự phong để đánh lừa.

Đại diện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2006, Bộ đã có quyết định mang tên “Hữu cơ - tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Một số nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ được chứng nhận từ các tổ chức quốc tế như Control Union, IFOAM… Đây là những tổ chức độc lập, việc thẩm định và cấp chứng nhận cho các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ dựa trên uy tín của họ và từ chính đánh giá của người tiêu dùng chứ không phụ thuộc sự công nhận của chính quyền nơi những tổ chức này cấp chứng nhận.

Ở những quốc gia đã có luật định về khái niệm “hữu cơ”, sản phẩm hữu cơ được dán nhãn riêng, với các ký hiệu được quy định và kiểm soát bằng pháp luật. Ở các nước Âu Mỹ, nhãn sản phẩm hữu cơ được ghi rõ bằng một trong số các từ: organic, bio, nature, eco, hoặc từ khác có liên quan đến hữu cơ. Các từ này cũng được nhà nước kiểm soát chặt chẽ trong tên thương mại của sản phẩm. Trên thế giới, giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn 20-40% so với giá thành sản phẩm thông thường.

Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những lưu ý một số nước chỉ quy định ghi trên nhãn các dấu hiệu “Không sử dụng thuốc trừ sâu” hoặc “Không sử dụng chất bảo quản”. Điều này chưa có nghĩa là sản phẩm hữu cơ. Không những thế, trong nhiều trường hợp có ghi rõ ràng các từ “sản phẩm hữu cơ”, “sản phẩm sạch”, sản phẩm sinh thái”... thì việc kiểm soát các nhãn sản phẩm này chưa được quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý, kể cả khi đã ban hành tiêu chuẩn nhà nước về việc này. Có thể hiểu là hoàn toàn không chắc đó là sản phẩm hữu cơ.

Một số nhãn mác cho sản phẩm hữu cơ tại một số quốc gia

Với sản phẩm hữu cơ của các nước thuộc Cộng đồng châu Âu, bên dưới nhãn này còn có thể có mã của cơ quan kiểm soát sản phẩm và nơi nuôi trồng nguyên liệu để làm ra sản phẩm hoặc cơ quan cấp chứng chỉ cho sản phẩm.

Muon mac

Sản phẩm hữu cơ của Hoa Kỳ được USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) cấp phép và kiểm soát. Bộ này chịu trách nhiệm đối với cả các sản phẩm thô và sản phẩm chế biến tươi từ các nguyên liệu nông sản hữu cơ.

Muon mac

Nhãn sản phẩm hữu cơ của Nhật.

Muon mac

Đăng Thư - Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI