Mùa sầu riêng muộn

02/01/2022 - 06:49

PNO - Còn gì thú vị bằng khi sầu riêng vừa rụng xuống, nhặt vào chòi, khui ăn liền tại chỗ. Lúc đó, cơm sầu riêng còn hơi cứng và giòn. Ngon hơn nữa là khi trái sầu riêng rụng được khoảng 1-2 đêm.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư kéo dài tới mấy tháng khiến tôi chưa có dịp về thăm vườn. Đến khi các chốt chặn phòng dịch đã được gỡ ở hầu hết mọi địa phương, tôi mới tranh thủ. Trên đường về quê, ngang qua các khu chợ, những vựa trái cây, tôi vô cùng ngạc nhiên vì bắt gặp người ta bày bán rất nhiều sầu riêng bởi mùa sầu riêng thường diễn ra chỉ trong mùa hè.

Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng sầu riêng
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng sầu riêng

Lúc về tới vườn nhà, tôi thấy không ít cây sầu riêng đang lủng lẳng treo trái. Thì ra, do thời tiết thất thường nên sầu riêng cho trái muộn chứ không phải do can thiệp bằng hóa chất kích thích ra trái. Người dân miệt vườn thường gọi đây là mùa sầu riêng muộn, mấy chục năm mới có một lần. Đặc tính của sầu riêng là năm trúng mùa năm thất mùa, ít khi nào trúng hoặc thất mùa hai năm liên tục.

Vậy nhưng bây giờ, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, gần như loại cây nào cũng có thể ra hoa, kết trái theo ý con người. Trái cây trái mùa có giá gấp nhiều lần so với lúc thuận mùa. Có năm, nhà vườn "bắt" sầu riêng ra trái vào dịp tết Nguyên đán để bán được giá cao. Tuy nhiên, khi ép cây ra trái nghịch mùa, cây mau kiệt sức và ngay chính vụ không đủ sức ra trái, thậm chí còn chết tức tưởi. Nhà vườn chuyên nghiệp thỉnh thoảng mới dám “ép” ít cây theo ý mình để lấy trái chưng vào dịp tết.

Nếu có dịp đến miền Tây, bạn có thể ghé Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng để thưởng thức sầu riêng - đặc sản miệt vườn. Sầu riêng là loại trái cây đặc biệt với mùi đặc trưng nặng và nồng. Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Ở nước ta, sầu riêng chỉ được trồng ở các tỉnh, thành phía Nam do đây là loại cây ăn quả nhiệt đới, không thể chống chọi được cái lạnh của mùa đông miền Bắc.

Thông thường, sầu riêng trổ bông trước tết. Sau đó 4-5 tháng, trái mới bắt đầu chín. Sầu riêng có nhiều loại: cơm trắng, cơm vàng, vỏ xanh, vỏ vàng… Nhiều giống sầu riêng mới như Ri6, khổ qua… cho năng suất cao, cơm dày hạt lép… được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sầu riêng vỏ xanh và cơm trắng ngon hơn cơm vàng vì là “hàng hiếm”.

Ở vườn nhà tôi có cây sầu riêng hơn trăm tuổi, một người ôm không hết, một chùm khoảng chục trái, gọi là cây chùm hủng bởi dưới đít trái nào cũng bị lõm sâu. Có cây khi trái chín, cầm lắc nghe sột soạt bên trong nên được đặt tên là cây lục lạc. Mỗi cây trong vườn nhà tôi đều có tên riêng vì được đặt theo từng kỷ niệm của các thành viên trong gia đình. Nào là cây con chó, con gà, con mèo, con vịt… vì khi các con vật này chết, mọi người đều đem chôn dưới mỗi gốc cây. Có lẽ nhờ thế mà cây nào cũng tươi tốt và cho nhiều trái.

Sầu riêng rụng khoảng 2-3 ngày là ăn ngon nhất vì quá ba ngày, sầu riêng nứt ra, mùi thơm vẫn còn nhưng nhạt hơn, ăn vào có vị lạt lạt của hơi gió. Sầu riêng miền Tây có vị ngọt và thơm đậm hơn sầu riêng các vùng miền khác.

Sầu riêng chín rụng khó bảo quản lâu vì bị nứt, mất mùi thơm. Vì vậy, thương lái thường mua vào lúc trái mới già tới, có nơi còn nhúng sầu riêng vào hóa chất cho vỏ trái có màu vàng tươi như sầu riêng chín rụng tự nhiên. Những trái chín rụng tự nhiên dù bạn lấy dây chì buộc chặt vẫn bị nứt như thường. Thật ra, nhà vườn có một bí quyết: dùng lá môn ngứa trùm vào phần dưới của trái rồi lấy dây dừa buộc lại thì vẫn bảo quản được khá lâu, thuận lợi cho việc vận chuyển xa. Đương nhiên trái chín rụng tự nhiên sẽ bán được với giá cao hơn.

Có lần, tôi chứng kiến những thương lái bên kia cửa khẩu của Trung Quốc chọn mua sầu riêng Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào gai, họ biết ngay loại này được trồng ở miền Tây hay miền Đông. Họ định giá khác nhau: Sầu riêng miền Tây có giá cao hơn rồi đến các vùng miền khác, riêng sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác có giá sau cùng. Tôi cũng là dân nhà vườn "chính hiệu" nhưng nhìn gai hoặc trái chỉ phân biệt được loại nào chín cây, loại nào chín ép chứ chưa phân biệt rõ ràng vùng miền như vậy. Tôi từng nếm thử sầu riêng tại Thái Lan, Malaysia nhưng vẫn thấy trái cây quê mình ngon, ngọt, thơm đậm đà hơn.

***

Tùy từng giống mà sầu riêng có trọng lượng khác nhau, trung bình khoảng 1,8 - 2,5kg. Vườn nhà tôi chỉ có một cây có trái trung bình từ 5 - 7kg, cá biệt có trái trên 10kg, đem ra chợ bán không nhiều người dám mua vì một trái có khi cả triệu đồng.

Đi dưới vườn sầu riêng, nhiều người sợ bị sầu riêng rụng trúng đầu. Vậy nhưng bạn chớ lo vì khách tham quan thường được trang bị nón bảo hộ, còn với dân nhà vườn thì sầu riêng “kiêng” lắm. Cả trăm năm nay có ai bị sầu riêng rụng trúng đầu đâu. Dân nhà vườn biết cách "né" khi trái rụng. Trái sầu riêng rụng xuống sẽ va vào cành lá gây tiếng động từ trên cao. Khi đó, bạn chỉ cần bình tĩnh nép vào sát gốc là an toàn. Sầu riêng thường rụng vào ban đêm, hiếm khi rụng ban ngày, trừ những lúc trời giông bão. Ở vườn, tôi phải cất thêm cái chòi canh chừng, ban đêm vào đó ngủ để tiện lượm sầu riêng rụng. Khi sầu riêng rụng sẽ tỏa ra mùi thơm, chỉ cần theo hướng gió "đánh hơi" ngược lên, bạn sẽ xác định được ngay vị trí trái rụng, cứ thế đến lượm. Có đêm tôi lượm vài chục trái, mất ngủ nhưng thú vị vô cùng. Bây giờ, thương lái vào vườn mua khi trái còn sống nên chuyện cất chòi giữ sầu riêng chỉ còn trong ký ức.

***

Có một món ăn từ trái sầu riêng mà tôi không bao giờ quên được hương vị dù đã xa quê hơn 30 năm: sầu riêng hầm với gà vườn, tạm gọi là món đặc sản quê tôi. Trái sầu riêng vừa già tới, lúc gai nhọn mới chuyển qua màu xám, đem bổ ra lấy cơm. Gà vườn làm sạch, chặt khúc vừa ăn, ướp gia vị, để khoảng nửa tiếng rồi bắc lên cà ràng chụm bằng củi, để lửa liu riu.

Món này nấu bằng nước dừa xiêm ngon hơn; thêm đậu phộng, củ hành tây, chùm tiêu sống, củ sắn, củ cải đỏ, củ cải trắng… hầm chung chừng một tiếng đồng hồ. Thịt gà hầm tới thấm các loại gia vị cùng với cơm sầu riêng còn thoang thoảng hương thơm sẽ khiến bạn ăn hoài vẫn thèm. Món này ăn với bún hoặc bánh mì đều ngon. Ngoài ra, cơm sầu riêng chín còn được trộn chung với các nguyên liệu khác làm nên những món ngon rất nổi tiếng ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam như: kem sầu riêng, chè sầu riêng, cà phê sầu riêng, xôi sầu riêng, bánh mì kem sầu riêng, bánh pía sầu riêng…

Còn gì thú vị bằng khi sầu riêng vừa rụng xuống, nhặt vào chòi, khui ăn liền tại chỗ. Lúc đó, cơm sầu riêng còn hơi cứng và giòn. Ngon hơn nữa là khi trái sầu riêng rụng được khoảng 1-2 đêm. Khi đó, cơm sầu riêng béo ngậy. Ăn sầu riêng, bạn đừng vội vã nuốt ngay mà hãy nhấm nháp từng chút, hớp thêm ngụm trà nóng, chép chép miệng cho cơm sầu riêng tan chảy nơi đầu lưỡi, hít hà vài cái để cảm được trọn vẹn vị ngọt, vị béo, hương thơm của nó. Còn hột sầu riêng sau khi rửa sạch có thể đem luộc hoặc nướng trong bếp củi, ăn ngon hơn hột mít luộc. Ăn xong sầu riêng chín cây tự nhiên, người ta thường luyến tiếc mà không muốn rửa tay ngay vì hương vị của nó thơm mãi, tưởng chừng như ngay cả trong giấc ngủ vẫn còn thoang thoảng mùi thơm. 

Bài và ảnh: Hoàng Liên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI