Mùa dịch COVID-19, đừng lơ là phòng cháy

10/06/2021 - 06:53

PNO - Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong tháng 5/2021, toàn quốc xảy ra 450 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 14 người, bị thương 26 người. Tại TPHCM, chỉ trong ba ngày giãn cách xã hội đã xảy ra hai vụ cháy nghiêm trọng làm ba người tử vong.

Nhiều vụ cháy trong đêm 

Khoảng 0g ngày 2/6, một ngôi nhà tại hẻm 102 đường Bình Long, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM đã bốc cháy dữ dội. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã nhanh chóng có mặt, tích cực dập lửa và tìm kiếm người bị nạn. Do ngọn lửa bao trùm cả căn nhà nên lực lượng chữa cháy phải phá tường để cứu ba nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, chị N.T.T. (23 tuổi) đã tử vong, anh H.V.M. (28 tuổi, chồng chị T.) và cháu H.N.A.D. (4 tuổi, con) được đưa đi điều trị.

Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản. Vào thời điểm cháy, anh M. bồng con nhỏ thoát lên hướng mái nhà. Riêng người vợ xấu số đã không kịp thoát thân.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy đang dập lửa tại căn nhà số 16A đường Nguyễn Thiện Thuật vào đêm 31/5
Lực lượng phòng cháy chữa cháy đang dập lửa tại căn nhà số 16A đường Nguyễn Thiện Thuật vào đêm 31/5

Trước đó, lúc 3g15 ngày 31/5, căn nhà số 16A đường Nguyễn Thiện Thuật, P.2, Q.3 cũng bốc cháy. Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an Q.3 cùng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu vực 1 nhanh chóng có mặt tiếp cận hiện trường. Ngôi nhà bị khóa bằng cửa cuốn nên cảnh sát PCCC&CNCH đã phải sử dụng thiết bị phá dỡ và máy cắt để phá cửa đồng thời triển khai thang chuyên dụng tiếp cận ngôi nhà ở phía trên để cứu bốn nạn nhân. Tuy nhiên, hai người đã tử vong.

Một cán bộ cảnh sát PCCC khuyến cáo: “Do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân sinh hoạt ở nhà nhiều hơn. Việc sử dụng các thiết bị điện, nấu nướng sẽ tăng. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy hiểm”.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong tháng 5/2021, toàn quốc xảy ra 450 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 14 người, bị thương 26 người, thiệt hại tài sản ước tính 28,9 tỷ đồng…

Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, trong thời gian đi ngủ, người dân thường chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt như thắp nhang, sử dụng thiết bị điện trong gia đình… Khi phát sinh sự cố cháy không kịp xử lý dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại tài sản và tính mạng. 

Cháy do sự cố về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%). Phổ biến vẫn là do chủ cơ sở và chủ hộ gia đình vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện, không kiểm soát được mức độ an toàn của các thiết bị điện cũng như dây dẫn điện một cách thường xuyên, có những hệ thống dây dẫn được lắp đặt hàng chục năm làm phát sinh sự cố gây cháy.

“Nhà hai trong một” - mối họa cháy nổ 

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM, trên địa bàn thành phố có khoảng hai triệu hộ gia đình, trong đó có trên 300.000 hộ kết hợp ở với kinh doanh, dịch vụ. Loại hình này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Đặc biệt là những nhà trong các khu dân cư, khu phố chợ.

Trong tháng Năm vừa qua, có 313 vụ cháy và sự cố cháy xảy ra tại khu vực thành thị, chiếm 69,54% tổng số vụ. Thống kê cho thấy số vụ cháy, nổ nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ (khoảng 50%), thiệt hại về người (khoảng 83%).

Trung tá Đào Quốc Trung, Tổ trưởng CNCH, PC07, chia sẻ: “Cháy nhà ở kết hợp kinh doanh trong các khu dân cư thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH. Như vụ cháy xảy ra trong hẻm 47 Lạc Long Quân, P.1, Q.11, thời gian cháy lâu, nhà chật hẹp nên khói và khí độc quyện chặt, nung nóng kết cấu công trình, dẫn đến khả năng sập đổ rất cao. Nhà chỉ có một cửa chính, xe máy và vật dụng để ngổn ngang, khi sự cố cháy xảy ra thì không còn đường thoát”.

 

Bất cẩn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm
Bất cẩn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm

Kiến trúc sư Võ Kim Cương đánh giá, nhiều vụ cháy nhà gây thiệt hại lớn còn do phần lớn trong thiết kế không có lối thoát hiểm. Nhiều căn nhà hiện hữu đều là nhà phố, nhà ống, diện tích chật hẹp, chỉ có một lối ra duy nhất. Nhưng đến nay việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ vẫn chưa có quy định cụ thể về an toàn PCCC. Vì vậy, người dân chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh mà bỏ qua nguyên tắc an toàn cháy nổ khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà.

“Xây nhà ở riêng lẻ, nhà ống người ta thường bỏ qua quy chuẩn về lối thoát hiểm vì ngại kinh phí, ngại mất diện tích. Mình chưa đặt quy chuẩn cho vấn đề này rõ ràng lắm”, kiến trúc sư Võ Kim Cương nói.

Một cán bộ Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực 1 chia sẻ: “Nếu quy định về lối thoát nạn được thực hiện thì những vụ hỏa hoạn gây tử vong thương tâm do không có lối thoát sẽ được giảm thiểu”. 

TPHCM ban hành quy định mới để giảm cháy, nổ

Mới đây UBND thành phố đã ký Quyết định 16/2021/QĐ-UBND quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Quyết định sẽ có hiệu lực từ 10/6/2021. 

Quyết định quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Theo đó, các đối tượng này có trách nhiệm chủ động tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về PCCC; thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục nguy cơ gây cháy, nổ và duy trì các biện pháp an toàn PCCC nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh cháy, nổ trong quá trình sinh hoạt…

Đặc biệt, quyết định còn quy định rất rõ về lối thoát nạn; an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện; quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; sắp xếp hàng hóa…

Cụ thể, lối thoát nạn phải rộng tối thiểu 0,8m, cao tối thiểu 1,9m. Đối với nhà chỉ có một lối thoát nạn thì phải bố trí lối thoát nạn thứ hai bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như lối thoát qua ban công, lô-gia, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn. 

Nhà có tầng sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định. Tại vị trí cửa lên tầng mái nếu có bố trí khóa cửa thì phải thiết kế để có thể dễ dàng mở cửa từ bên trong. Không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng hoặc đã lắp kính, cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói tự nhiên trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khói trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng. 

Cửa chính của căn nhà thoát nạn ra ngoài phải sử dụng cửa có bản lề. Nhà có thiết kế ban công, lô-gia phải đảm bảo thông thoáng, không được che chắn ban công, lô-gia tạo thành phòng, không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi xảy ra cháy, nổ.
Trường hợp chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh vẫn muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt… để bảo vệ tài sản phải cam kết chịu trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy, đồng thời cửa cuốn cần sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, cửa mở bằng mô tơ điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.

Các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối ra thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Trường hợp tầng trệt được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn từ các tầng phía trên xuống thông qua cầu thang bộ tại tầng một phải có lối đi an toàn ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, chiều rộng lối đi không nhỏ hơn 0,8m.
UBND TP.HCM cũng quy định UBND các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy định an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC theo thẩm quyền. 

Sơn Vinh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI