Một quyển sách về tính cách người Việt

02/09/2016 - 16:56

PNO - “Đề tài có cách nhìn hệ thống chặt chẽ, nhất quán trong tư duy nghiên cứu, thể hiện bản lĩnh của người nghiên cứu về giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”.

Mot quyen sach ve tinh cach nguoi Viet
Bìa sách Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai

Cho đến thời điểm này, phân tích về tính cách người Việt tốt lẫn xấu, đáng chú ý nhất là công trình khoa học cấp nhà nước: Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai (NXB Văn hóa Văn nghệ) của GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. GS-TS Đinh Xuân Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá: “Đề tài có cách nhìn hệ thống chặt chẽ, nhất quán trong tư duy nghiên cứu, thể hiện bản lĩnh của người nghiên cứu về giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”.

Theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, “Trong thời gian gần đây niềm tin của người dân ở Việt Nam vào nhiều lãnh vực trong cuộc sống đang bị giảm sút nghiêm trọng” (tr.305); “Theo báo cáo điều tra về “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chánh cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2012” có 25,38% người dân chủ trương không bao giờ tố cáo dù bị vòi vĩnh ở bất kể lãnh vực nào; chỉ có 1,63% chủ trương sẽ tố cáo nếu bị vòi vĩnh từ 100 triệu đồng trở lên (PAPI 2012:31). Điều này phản ánh sự thờ ơ của người dân: họ thà chấp nhận mất tiền theo yêu cầu và cố gắng làm việc để bù vào còn hơn là đi đòi chính nghĩa, vừa mất thời gian vừa rối rắm nhiêu khê, không những không hiệu quả mà thường là còn bị trù úm nữa” (tr.307-308). Đọc đến đây tự nhiên, chúng ta sực nhớ đến câu thành ngữ cũ rích: “Cái kiến mà kiện củ khoai”. Vậy hóa ra, bộ máy công quyền trong xã hội ngày nay chẳng có thay đổi gì?

Tệ nạn trầm trọng nhất là gì?

Ông Thêm có đưa ra biểu đồ bảy tệ nạn trầm trọng nhất từ 15 lựa chọn, theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: nạn tham nhũng; nạn quan liêu, cửa quyền; nạn hối lộ; nạn bạo hành, cướp giật; nạn cờ bạc, số đề; nạn mại dâm... Từ các số liệu, chỉ số ông đã thống kê ở năm lãnh vực: Phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm ở cơ quan nhà nước; phải chi thêm để được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh; phải chi thêm tiền để được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phụ huynh phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn; phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng - để dẫn đến kết luận: “Thứ nhất, tình trạng tham nhũng - hối lộ ở cả năm lãnh vực đều không giảm đi mà có chiều hướng tăng lên. Thứ hai, việc xin việc ở cơ quan nhà nước phải “lót tay” nhiều nhất, mặc dù lương cán bộ là thấp nhất, làm việc thì nhàn nhã nhất, chứng tỏ mức độ tham nhũng ở khu vực này là cao nhất” (tr.310-311).

Tất nhiên, để có những số liệu này, là còn những mẫu biểu thăm dò, khảo sát từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có chứng cứ khoa học chứ không cảm tính.

Đứng ở góc độ của nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình nghiên cứu được giảng dạy trong các trường đại học như Cơ sở văn hóa Việt Nam, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ… ông Thêm còn liệt kê 11 thói hư tật xấu đã nẩy sinh: (1) Thói dựa dẫm, ỷ lại; (2) Thói cào bằng, đố k; (3) Bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái; (4) Bệnh sĩ diện, háo danh; (5) Bệnh thành tích; (6) Bệnh phong trào; (7) Bệnh hình thức; (8) Bệnh nói xấu sau lưng; (9) Bệnh vô cảm, chém chặt; (10) Tật ham vui, thích “tám”; (11) Bệnh triệt tiêu cá nhân (tr.311).

Tác động nào đã khiến tính cách người Việt ngày càng xấu đi?

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã trình bày thấu đáo qua hơn 600 trang sách, thiết nghĩ đây là một trong những tài liệu cần thiết để tìm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Và qua đó, điểm nhấn của công trình này như tác giả cho biết: “Vẫn là xây dựng một hệ giá trị mới phù hợp hơn, giúp cho quốc gia và dân tộc có khả năng miễn dịch để đảm bảo sự phát triển kinh tế phải đi đôi với văn hóa - con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết”.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI