Một ngày cùng “Bác sĩ 91” tại Đà Nẵng

16/08/2020 - 07:22

PNO - “Trận chiến” COVID-19 tại Đà Nẵng thật cam go, cần những nhân viên y tế lao vào “trận chiến” bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm và tình yêu thương.

Bữa sáng vội vã kết thúc cũng là lúc bác sĩ Trần Thanh Linh cùng đồng đội xông vào các bệnh viện tại TP. Đà Nẵng, nơi có những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang chờ cứu chữa. Với anh, người bệnh cũng là người thân nên dù hiểm nguy, vất vả, anh và đồng nghiệp vẫn không ngần ngại lên đường.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cử 6 đội phản ứng nhanh đến hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam. Đó đều là các bác sĩ, nhân viên y tế giỏi, có nhiều kinh nghiệm về hồi sức hô hấp, cấp cứu, lọc máu, thận nhân tạo và là những người từng trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy) - người có biệt danh “Bác sĩ 91” do trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91, được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại Đà Nẵng. 

Bác sĩ Trần Thanh Linh chẩn đoán X-quang lồng ngực tại phòng giám sát
Bác sĩ Trần Thanh Linh chẩn đoán X-quang lồng ngực tại phòng giám sát

Suốt nửa tháng qua, bác sĩ Trần Thanh Linh cùng các đồng nghiệp chi viện cho Đà Nẵng bắt đầu ngày mới bằng bước chân vội vã rời khách sạn. Mất khoảng 10-15 phút để di chuyển đến bệnh viện nhưng anh tranh thủ từng giây từng phút trao đổi công việc, chuyên môn trực tuyến.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là địa chỉ quen thuộc của anh những ngày gần đây, khi các ca bệnh mắc COVID-19 nặng được chuyển về. Không ai bảo ai, ê-kíp nhanh chóng di chuyển ra khu vực mặc đồ bảo hộ trước khi đặt chân vào khu điều trị. Đà Nẵng những ngày này nắng không quá gay gắt nhưng cũng đủ làm những giọt mồ hôi liên tục tuôn trên khuôn mặt các bác sĩ. Chẳng ai có thể nhận ra ai sau khi họ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín bưng từ đầu đến chân. Đồng nghiệp nhanh chóng dùng bút dạ xanh viết lên ngực, sau lưng dòng chữ “BS Linh CR”, giờ thì đồng đội đã có thể “nhận ra” anh.

Trước khi bước vào bên trong khu điều trị, bác sĩ Linh vội di chuyển đến phòng theo dõi các bệnh nhân qua hình ảnh trực tiếp xem có dấu hiệu nào bất thường không.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện đang điều trị cho 58 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có hơn 10 ca nặng, thậm chí tiên lượng xấu.

Vỗ nhẹ vào bàn tay nắm hờ của bệnh nhân, bác sĩ Linh nói lớn: “Cử động cái tay này lên nào, mở to mắt ra nhé”. Nữ bệnh nhân đang ngậm ống thở cố gắng hé đôi mắt nhìn bác sĩ và khẽ cử động cánh tay. Bác sĩ Linh tiếp tục động viên: “Từ từ khỏe lên tôi sẽ rút ống thở cho chị nghe”, bệnh nhân chớp mắt như đáp lại lời bác sĩ. 

Tiến sát một bệnh nhân nữ khác đang nằm điều trị trên giường bệnh, dù không phải chạy ECMO nhưng theo bác sĩ Linh, diễn biến bệnh có thể nặng lên bất cứ lúc nào, anh cùng đồng nghiệp đỡ bệnh nhân ngồi dậy trong tình trạng dây truyền, ống thở vẫn chằng chịt trên người. “Chị khỏe hơn chưa, cố gắng lên nào, có bác sĩ ở đây, đừng sợ nhé, ráng lên để sớm được về nhà với các con”, bác sĩ vừa động viên vừa vỗ vỗ nhẹ lên vai bệnh nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, tầng 1 của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị cho 6 ca bệnh nặng, có người đã hôn mê, trong đó có đến 4 ca bệnh tiên lượng xấu. Ê-kíp chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị từng phút, từng giờ, giành giật bằng được sự sống cho từng bệnh nhân.
Ra khỏi khách sạn từ 8g sáng nhưng bình thường tận 9g tối họ mới được quay trở về. Đó là “bình thường”, còn tình huống “bất thường” thì xảy ra như cơm bữa. Những lúc như thế, bác sĩ Linh cùng ê-kíp lại trở về nhà khi đồng hồ sắp điểm qua ngày mới. Cũng có hôm, trong giấc ngủ chập chờn, chuông điện thoại reo, bác sĩ Linh bật dậy lúc 2g sáng, tức tốc chạy đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời một trường hợp nguy kịch. 

Bác sĩ Trần Thanh Linh nói, bản thân đã trải qua nhiều “trận chiến”, ví như năm 2007 có vụ sập cầu Cần Thơ làm chết hơn 50 người; chống dịch bạch hầu ở Kon Tum… nhưng “trận chiến” COVID-19 tại Đà Nẵng cam go hơn nhiều, cần những nhân viên y tế lao vào bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm và tình yêu thương.

“Trong “cuộc chiến” này, chưa biết đến khi nào mới có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh tại Đà Nẵng. Bản thân tôi lên đường rất nhớ một câu bạn mình đã nói: nhất định phải làm tốt và trở về!”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Hiện bác sĩ Linh và các đồng nghiệp rất yên tâm chiến đấu vì đồng đội luôn sẵn sàng hỗ trợ, nương tựa nhau để vượt qua khó khăn. Dù ở xa nhưng nếu gia đình gặp chuyện, thì đồng nghiệp, bạn bè của họ ở TPHCM đều có mặt nhanh chóng. Mỗi ngày, các y, bác sĩ đều ấm lòng khi nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè, người thân động viên. 

Và họ đồng lòng xác định phải thắng trong “trận chiến” này mới trở về. 

“Ba tôi chỉ nói ngắn gọn, lúc này xã hội cần con nhất”

Ba mươi tám y, bác sĩ từ tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại Quảng Nam rồi từng nhóm chia nhau đi về các bệnh viện khác nhau. Đa số đều mới chỉ vừa bước qua tuổi 30. Họ trẻ và tràn đầy nhiệt huyết.

Ngay khi có văn bản đề nghị hỗ trợ của Quảng Nam, chỉ tính riêng Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ, số lượng đăng ký đã lên đến gần 100 người. Trước nhiệt huyết của các y, bác sĩ, lãnh đạo BVĐK tỉnh Phú Thọ đã phải cân nhắc rất kỹ từng trường hợp, đánh giá về điều kiện khoa phòng, cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người và chọn ra những y, bác sĩ ưu tú nhất để đưa vào Quảng Nam đợt này.

Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện  đa khoa tỉnh Phú Thọ thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm trước khi khởi hành vào tâm dịch Quảng Nam hỗ trợ phòng, chống dịch
Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm trước khi khởi hành vào tâm dịch Quảng Nam hỗ trợ phòng, chống dịch

Hồ Thu Huyền (31 tuổi, điều dưỡng của BVĐK tỉnh Phú Thọ) nhận được lời vận động vào Quảng Nam để chi viện cho vùng dịch đang diễn biến phức tạp. Ngay tức khắc, cô đăng ký rồi mới về nhà… xin ý kiến chồng. Hai đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa sau 5 tuổi, rồi bộn bề công việc gia đình là cả một mớ bòng bong cần giải quyết. “Chồng tôi không phản đối dù có khựng lại khi nghe thông báo, chỉ có ba mẹ tôi lo vào trong đó lỡ có làm sao, rồi hai đứa con ở nhà ai chăm… Nhưng lo thì lo vậy thôi, rồi ba mẹ cũng xuôi lòng, và giờ tôi đã có mặt tại đây cùng đồng đội” - Huyền cười, giọng giòn tan.

 “Ba tôi chỉ nói ngắn gọn, lúc này xã hội cần con nhất. Vậy là tôi có thêm động lực để lên đường” - Nguyễn Thị Dung (29 tuổi, bác sĩ của BVĐK tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, câu nói của ba là hành trang “nặng ký” nhất của Dung trong chuyến đi này.

“Chỉ biết ngày đi, không biết ngày về”. Câu nói đó của Hồ Thu Huyền làm tôi chột dạ nhưng đối với Huyền là thực tế. “Không phải nói xui rủi gì, mà nghĩa là chúng tôi đi, xác định khi nào Quảng Nam không còn dịch nữa, không cần chúng tôi nữa thì mới về” - Huyền khẳng định.

Nguyễn Dương

 

Bảo Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI