Một lần 'ngủ lang' tại sân bay

03/11/2017 - 07:00

PNO - Hãy thử đi và bạn sẽ thấy chẳng có trải nghiệm nào như… “ngủ lang” tại sân bay, một cảm giác thú vị mà bất kỳ ai cũng nên trải qua một lần trong đời.

Thời sinh viên thiếu trước hụt sau, tôi chỉ tích cóp đủ tiền cho một chiếc vé máy bay giá rẻ. Vì vậy để đáp chuyến bay đến Surabaya - thành phố ở Đông Java - tôi không chỉ chịu cảnh bay đêm, mà còn phải “vật vờ” ở sân bay Changi (Singapore) mười mấy tiếng đồng hồ để đợi chuyến bay kế tiếp.

Mot lan 'ngu lang' tai san bay
 

Chỉ cần nhìn cách chính phủ Singapore đầu tư xây hẳn 6 khu riêng biệt để khách du lịch không cảm thấy mệt mỏi khi đặt chân xuống đây sau một chuyến bay dài, hay cách họ phân bố nhiều khu “ngủ lang” rải rác khắp các terminal để du khách tiết kiệm chi phí… cũng đủ thấy đất nước này hiếu khách thế nào.

Tôi đáp xuống terminal 3 lúc gần nửa đêm, hơi thấm mệt nhưng vẫn bị choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng của Changi. Từng xen-ti-mét vuông ở đây đều được trải thảm vàng mù tạt với họa tiết màu trầm, tạo cảm giác sang trọng nhưng vẫn ấm cúng, gần gũi.

Người ta có thể dễ dàng… mất ngủ ở Changi, vì ở đây có quá nhiều tiện ích thú vị để “giết thời gian”. Wifi ở sân bay hoàn toàn miễn phí và có thời gian sử dụng lên đến 4 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, có tận 6 khu tiểu cảnh tọa lạc xuyên suốt 3 terminal.

Rải rác ở mỗi terminal là một khu chiếu phim nho nhỏ, được đặt những chiếc ghế da êm ái để du khách tha hồ thưởng thức một bộ phim bom tấn nào đó. Hoặc nếu buồn chán, bạn có thể “tự sướng” bên The Social Tree - một bốt chụp ảnh được tạo hình như một cây cổ thụ khổng lồ với những màn hình LCD xung quanh. Nhưng có lẽ thú vị hơn cả là khu vực “ngủ lang” để bạn nạp lại năng lượng cho chuyến bay kế tiếp. 

Khu vực “ngủ lang” có rất nhiều băng ghế để du khách ngả lưng. Ngoài ra còn có cả một lounge sang trọng, trang bị phòng nhỏ riêng biệt với những chiếc giường êm ái. Tuy nhiên, để nằm trên đó, bạn sẽ phải trả phí, và vì nó khá đắt… so với túi tiền sinh viên của tôi lúc ấy, nên tôi quyết định ngủ trên những băng ghế miễn phí bên ngoài. Chúng khá sạch và êm. Tôi dự cảm là mình sẽ có một giấc ngủ thật ngon giữa tiếng nhạc giao hưởng du dương được bật khe khẽ. Nhưng hóa ra không phải. Chiếc ghế khiến cổ tôi mỏi nhừ, nhiệt độ trong sân bay quá thấp còn đèn thì quá sáng. Trong lúc đang ngọ nguậy một cách khó chịu, tôi chợt nghe một tiếng gọi từ phía bên kia chiếc cột lớn vọng sang: “Cũng không ngủ được à?”.

Mot lan 'ngu lang' tai san bay
 

Đó là giọng nam khá trầm với âm điệu Úc đặc sệt. Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng đánh bạo hỏi: “Bạn đang hỏi tôi đấy à?”. Bên kia chiếc cột phì cười: “Nhìn xem, ở khu này, ngoài bạn và tôi thì còn ai nữa đâu?”.

Tôi định nhỏm dậy để xem ai đang trò chuyện với mình thì tiếng nói bên kia chiếc cột đã ngăn lại: “Khoan đã. Chúng ta hãy thử nói chuyện mà không nhìn mặt nhau để không phải vô tình hình thành những định kiến không đáng có về nhau xem nào?”. Tôi mỉm cười, thả lỏng người trên ghế và bắt đầu những câu chuyện không đầu không cuối, về ngành học, vấn đề xã hội, quan điểm sống, đến chuyện… thú cưng trong nhà. Cứ thế, tôi miên man trò chuyện với chiếc quần màu ghi và đôi giày thể thao màu xanh đậm - những gì có thể nhìn thấy được từ người bạn giấu mặt ở bên kia chiếc cột.

Người trẻ thường hay làm những điều kỳ cục mà chính họ cũng không thể hiểu nổi…

Trời sáng dần, sân bay ồn hơn. Có tiếng loa giục hành khách của một chuyến bay nào đó vào cổng check-in. Quần ghi và giày xanh lúc này mới đứng dậy và tiến đến gần tôi, vừa giới thiệu tên mình, vừa chìa tay chào tạm biệt, rồi vội vã tiến vào cổng lên máy bay. Chúng tôi chẳng nói gì với nhau thêm nữa vì đã có một đêm trắng hàn huyên để giết thì giờ. Những gì còn đọng lại trong tôi, chỉ là hình ảnh chớp nhoáng của một chàng trai trạc tuổi mình, với gương mặt đậm nét Trung Đông cùng nụ cười rất sáng.

Và đó cũng là lúc tôi nhận ra, Changi không chỉ thân thiện, cởi mở, hiện đại, mà còn dạy tôi một bài học ý nghĩa trong giao tiếp. Rằng để hiểu một ai đó, đừng nhìn mặt, mà hãy lắng nghe câu chuyện của họ. 

Hạnh Di 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI