Một lần đến Pleiku

26/12/2020 - 06:42

PNO - Gia Lai dễ đi đến mức chỉ cần hứng thú, bạn có thể sắp xếp cho một chuyến đi cuối tuần. Chợp mắt một chút trên máy bay là tới.

Chỉ khoảng một giờ bay, tôi đã đặt chân đến một điểm hội tụ nhiều thứ hay ho. Trên bản đồ dịch chuyển đầy hứa hẹn sẽ có: dã quỳ, cỏ hồng, đồi thông, đồi chè, biển hồ… Và cứ thế, phố núi Pleiku (Gia Lai) là một điểm đến mới toanh, đầy bất ngờ thú vị, mời gọi tôi khám phá.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Pleiku, tôi nhìn qua ô cửa, giữa lưng chừng, cảnh vật dần hiện rõ. Đầu tiên là những vạt xanh của rừng. Dần dà, tôi nhận ra những vạt vàng của đám hoa dã quỳ - thứ hoa được bạn tôi nhắc đến trong dòng tin nhắn, rủ rê: “Dã quỳ trên này đã nở, báo hiệu mùa nắng đã đến. Pleiku mùa này đẹp lắm, chẳng thua thành phố lãng mạn chúng ta từng du lịch cùng nhau. Cuối tuần này, cậu lên đây với mình nhé!”. Và tôi đã nhận lời.

Gia Lai dễ đi đến mức chỉ cần hứng thú, bạn có thể sắp xếp cho một chuyến đi cuối tuần. Chợp mắt một chút trên máy bay là đã tới vùng đất đỏ bazan để đổi gió.

Biển Hồ ví như đôi mắt Pleiku
Biển Hồ ví như đôi mắt Pleiku

Đôi mắt Pleiku

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ hai ở Việt Nam. Tôi may mắn có được người bạn thân làm “thổ địa” nhiệt tình rong ruổi cùng khám phá những địa điểm thú vị.
Phải đặt chân đến đây bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp trong câu hát “Đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy” khi tận mắt ngắm nhìn Biển Hồ Pleiku mênh mang.

Trong cảnh tượng thực tế, bầu trời trong xanh, mây trắng bồng bềnh phả bóng xuống mặt hồ gợn sóng êm ả, khoác lên màu xanh biếc hút hồn. Có lẽ trước kia nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng vì thế mà phải lòng đôi mắt Pleiku.

Biển Hồ vốn là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, có diện tích mặt nước tới 280ha, độ sâu 16 - 19m. Tản bước giữa nơi thoáng đãng, trong lành, có gió lùa qua tán thông reo và hơi nước tựa màn sương mỏng từ Biển Hồ ùa về, tôi tranh thủ hít hà đầy lồng ngực một cách sảng khoái; không dưng, thấy lòng hân hoan, những muốn tay đan tay với ai đó đang cạnh bên, xuôi theo chiều gió ấm.

Trên xe máy, chúng tôi cùng ngang qua những nẻo đường vương bụi đất đỏ bazan đặc trưng của vùng cao nguyên. Dọc đường mùa này, dễ thấy những vạt hoa dã quỳ vàng ươm, nở man dại, cứ rung rinh trong nắng, như ngàn mặt trời bé xinh. Cũng mùa này, khi ngang qua nương rẫy, sẽ thấy dáng hình người dân đang thu hoạch hoặc phơi phóng cà phê.

Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành

Từ Biển Hồ - Chè đến đồi cỏ hồng Đak Đoa

Bên cạnh Biển Hồ - nước, Pleiku còn có Biển Hồ - chè. Theo dòng lịch sử, từ những năm 20 của thế kỷ trước, người Pháp đã khai khẩn vùng đất phía Bắc cao nguyên Pleiku để lập nên những đồn điền chè. Cho đến nay, Biển Hồ - chè vẫn trù phú, tốt tươi, nhìn thật mát mắt.

Trên con đường dẫn đến khu chè, hai hàng thông lá kim san sát, phủ bóng xanh rì. Giới trẻ thường gọi đó là con đường thông reo tình yêu. Không ít cặp đôi, bạn trẻ từng chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc lãng mạn trên con đường thông reo, cộng thêm “view” đôi bên là Biển Hồ - chè xanh mướt mát.

Đặc biệt, ở Gia Lai còn có đồi cỏ hồng Đak Đoa, chỉ cách thành phố khoảng hơn 10km, đường rất dễ đi. Mùa khô, đồi cỏ hồng hanh hao, đẹp đến nao lòng, khiến tôi có cảm giác đang lạc lối sang vùng đất nào đó ở Kenya hoang sơ, nóng ẩm. Song, tại đồi cỏ hồng Đak Đoa còn có gió tự nhiên thổi mát hây hây. Bạn cứ thế mà thả hồn. Cũng tại nơi đây còn có cả đồi thông lãng đãng.

Ngóng bốn mùa về trong một ngày

Một ngày ở Gia Lai hội tụ đủ bốn mùa. Ban sáng, trời se lạnh, có hơi sương tựa mùa xuân. Ban trưa, nắng tỏa chan hòa tưởng đang mùa hè. Ban chiều, trời buông chút heo may của tiết thu. Ban đêm, trời trở cái rét ngọt của mùa đông, đủ lãng mạn để đôi bàn tay của bạn và “ai đó” đan vào ủ ấm cho nhau.

Trở về trung tâm thành phố Pleiku, tôi ghé thăm chùa Minh Thành. Ngôi chùa tách bạch hẳn với thế giới bên ngoài. Sau cánh cổng, tôi nhẹ nhàng bước mà cứ ngỡ lạc sang xứ sở chùa chiền tâm linh nào đó xa tít tận Bhutan, Nhật Bản.

Người bạn đồng hành còn gợi ý tôi xỏ giày vào và chạy hoặc tản bộ xung quanh quảng trường thành phố rộng rãi và xanh mát, hòa mình như bao người địa phương. Chúng tôi còn ghé thăm những gian hàng trong hội chợ nông sản cuối tuần. Tại đây, tôi vô cùng ngạc nhiên về mức giá rẻ không tưởng của những thứ nông sản cộp mác “organic” tươi xanh mơn mởn.

Gia đình bạn bày tỏ sự hiếu khách bằng món gà nướng thơm nức, xé ra chấm với thứ muối ớt dầm lá é cay nồng, ăn kèm cơm lam nướng trong ống nứa, chấm muối lạc và món canh rau nhà trồng. Bữa ăn không thể ấm bụng và ấm lòng hơn.

Một buổi sáng lang thang trong tiết trời se lạnh, bạn đưa tôi vào một quán bánh xèo ven đường, thấy người thợ đổ bánh bên bếp củi đỏ lửa tí tách, mùi bánh chín đánh thức vị giác. Hay một gợi ý khác cho bữa sáng: phở khô hai tô, độc đáo vì chính cách ăn "hai tô". Một đựng phở khô. Một đựng nước lèo.

Người ăn thưởng thức phở riêng, rồi húp ngụm nước lèo được ninh nấu đậm đà, ăn kèm rau sống, giá chần, hành phi, tái nạm hay bò viên chấm với chút tương đen gia truyền của quán.

Thật lạ, sợi phở khô vốn không mềm và dẹt như sợi phở thường thấy. Thoạt nhìn, phở khô khá giống sợi hủ tíu nhưng đó chính là loại phở đặc biệt, chỉ có thể tìm thấy ở Gia Lai. Phở khô được làm hoàn toàn từ gạo nên khi chần, trộn lên vẫn dai, thơm chứ không dính, cũng chẳng nhũn nát. Tôi may mắn là vị khách phương xa được thưởng thức ẩm thực mang phong vị đặc trưng của vùng đất Jarai (tên gốc của Gia Lai).

***

Chào tạm biệt người bạn nhiệt thành, tại sảnh đi sân bay Pleiku, trong hành lý tôi mang theo chẳng có gì đáng kể, ngoài mấy thứ rau xanh lành - thức quà giản dị từ mảnh vườn nhà bạn.

Trong lúc lúi húi buộc lại dây giày, tôi chợt mỉm cười khi tình cờ thấy những vệt đất đỏ bazan bám dính đế giày, thấy cả những hạt hoa cỏ dại vướng trên gấu quần… như chút luyến lưu từ phố núi. Một dịp nào đó, tôi sẽ trở về thăm Pleiku. Ừ thì chỉ chừng một giờ bay thôi mà.

Thời điểm đẹp để “hẹn hò với Pleiku” là mùa khô, kéo dài từ tháng 11 - tháng Tư.
Hiện chỉ có đường bay nối Pleiku tới hai thành phố: Hà Nội và TP.HCM. Giá vé tại các địa điểm đã niêm yết công khai, từ 10.000 đồng/người. Có điểm được vào cổng miễn phí.

Đặc sản Pleiku nên thử:
* Bún cua nấu với thịt ba chỉ và măng rừng: cua xay rồi ủ suốt hai ngày, phải dậy mùi, mới nấu.
* Bánh cuốn Gia Lai: bánh tráng cuốn với thịt nướng, ram giòn cùng dưa leo và rau, chấm với tương đậu beo béo thơm phức.
* Bò một nắng chấm với muối ớt kiến vàng: vị ngon lạ lùng.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI