Mời chuyên gia giáo dục kỹ năng về trường: Nhiều chuyện phải bàn

24/10/2022 - 18:33

PNO - Hiện nay, nhiều trường đổi mới phương pháp bằng cách mời chuyên gia về trường nói chuyện với học sinh. Điều này giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm, nhưng xung quanh câu chuyện này có nhiều vấn đề cần phải bàn.

"Nói nhăng, nói cuội"

Trong một chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khối 12 tại một trường THPT ở TPHCM vào cuối tháng 5/2022, có một câu chuyện thế này:

Vị diễn giả là chuyên gia tư vấn kỹ năng, sau khi thao thao bất tuyệt kể về tiểu sử cuộc đời mình thì "chốt" lại khuyên học sinh trước khi rời ghế nhà trường bậc THPT, các em nhất định phải làm 3 việc. Và 1 trong những việc đó là, "đến bệnh viện, nếu được hãy vào nhà xác, chứng kiến cảnh con người giành giật sự sống để biết trân trọng hơn cuộc sống này".

Các chương trình có sự tham gia của chuyên gia mang đến thêm nhiều trải nghiệm cho học sinh
Các chương trình có sự tham gia của chuyên gia giúp các em học sinh có thêm nhiều trải nghiệm

Ngay khi vị diễn giả đưa ra lời khuyên, phía dưới sân trường có tiếng học sinh xì xầm "ông chuyên gia này có vấn đề, ông nói xàm quá, đến bệnh viện chứng kiến rồi về gặp ác mộng à...". Còn phía ghế ngồi ban giám hiệu, cô hiệu trưởng thoáng chút bối rối.

Sau khi kết thúc chương trình, hiệu trưởng này gặp riêng phóng viên, chia sẻ: "Chuyên gia nói chuyện kỳ quá, nói nhăng nói cuội. Có nhiều cách để dạy học sinh biết trân trọng cuộc sống, phấn đấu trong học tập, trang bị cho các em kỹ năng sống chứ đâu nhất thiết phải là đến bệnh viện, vào nhà xác chứng kiến cảnh người bệnh giành giật sự sống thì học sinh mới biết trân trọng cuộc sống, yêu thương những người xung quanh. Như vậy là phản hiệu ứng giáo dục, thậm chí còn phản cảm...".

Bà khẳng định, đây là lần cuối mời diễn giả này về nói chuyện với học sinh. Đó cũng là bài học để nhà trường cân nhắc hơn khi mời chuyên gia về trường.

Nhiều chuyên gia tự xưng

Hiện nay, việc mời các chuyên gia về chia sẻ, tư vấn, trao đổi, trò chuyện với học sinh về kỹ năng sống, hướng nghiệp đang là một nội dung giáo dục không thể tách rời trong giáo dục học sinh tại các trường. Qua đó, giúp học sinh trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng. Dù vậy, trên thực tế, không ít câu chuyện chuyên gia chia sẻ khiến học sinh, nhà trường "dở khóc, dở cười". 

Giáo viên một trường THPT tại quận 10 chia sẻ, nhà trường thường mời các chuyên gia về chia sẻ cho học sinh, giáo viên trong các chuyên đề. Các chuyên đề về chuyên môn thì không có vấn đề gì vì các chuyên gia được mời đa phần đều có học hàm tiến sĩ ở lĩnh vực chuyên môn đó. Thế nhưng, đôi khi cách chuyên gia chia sẻ với học sinh lại chưa tiệm cận được với tâm lý lứa tuổi, góc nhìn của học sinh và bối cảnh giáo dục hiện nay.

"Từng có lần, khi chuyên gia kỹ năng sống trao đổi với học sinh về ứng xử, nhìn nhận đối với giới tính thứ 3, qua cách nói chuyện có thể thấy "chuyên gia" dường như có cái nhìn bảo thủ trước vấn đề. Điều đó khiến một số học sinh buồn...", giáo viên này kể.

Câu chuyện mời chuyên gia giáo dục về trường là câu chuyện cần phải bàn
Câu chuyện mời chuyên gia giáo dục về trường là câu chuyện cần phải bàn

Từng rất hào hứng đón đợi các chương trình có sự góp mặt của các chuyên gia, diễn giả giáo dục vì tin rằng bản thân sẽ học được nhiều điều bổ ích khi giáo dục học sinh, song thầy Đặng Ngọc Ngận, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phạm Phú Thứ (quận 6) nhiều lần phải thất vọng, thậm chí "hoảng loạn". "Cách xử lý tình huống của nhiều vị chưa ổn, nếu không muốn nói là có vấn đề. Một số chuyên gia luôn cho rằng cách giải quyết tình huống của họ mới là phù hợp mà dường như quên rằng trong giáo dục, cần chú ý đối tượng học sinh là ai...", thầy Ngận kể. 

Giáo viên này đánh giá, hiện nay danh xưng "chuyên gia giáo dục" dường như đang được công nhận quá dễ dàng. Thậm chí có những cá nhân còn bình thản "tự phong" cho mình danh xưng ấy. Trong khi đó rất nhiều chuyên gia giáo dục không có danh xưng nhưng năng lực và cách họ giải quyết các vấn đề chứng minh họ chính là một chuyên gia giáo dục. Họ luôn cố gắng học tập và làm mới bản thân vì nhận thức được rằng kinh nghiệm theo thời gian sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu.

"Việc sử dụng danh xưng chuyên gia giáo dục một cách tùy tiện trước hết sẽ khiến bản thân người mang danh xưng ấy tự mất giá trị. Đồng thời, ít nhiều sẽ khiến cho học sinh, giáo viên, phụ huynh dễ hiểu sai, thậm chí mất niềm tin vào các chương trình đào tạo cũng như các hội đồng khoa học xét chọn các chuyên gia giáo dục", thầy Đặng Ngọc Ngận nhận định.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về đối tượng và nội dung

Việc nhà trường mời chuyên gia về chia sẻ, tư vấn cho học sinh nằm trong chương trình hoạt động của nhà trường. Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó sẽ nêu ra sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chủ điểm... Ngoài ra, giả sử khi Sở GD-ĐT TPHCM có các văn bản yêu cầu tăng cường thêm các hoạt động trải nghiệm hoặc kỹ năng sống... thì từ cơ sở chỉ đạo này của sở, nhà trường sẽ dựa vàođó tổ chức các hoạt động.

Căn cứ theo từng nội dung giáo dục, nhà trường sẽ tự tổ chức trực tiếp hoặc mời chuyên gia, đơn vị, cá nhân phối hợp tổ chức. Trong đó, khi mời chuyên gia bên ngoài thì hiệu trưởng sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về đối tượng phối hợp thực hiện và nội dung chương trình. 

Như vậy, để tránh việc chia sẻ không phù hợp với đối tượng học sinh, mục tiêu giáo dục thì hiệu trưởng phải đặt hàng trước cho các chuyên gia này, đồng thời quản lý đề cương, báo cáo, nội dung chương trình chứ không thể "giao toàn quyền" cho chuyên gia làm mà không chịu trách nhiệm nữa.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM

Phải đặt hàng, kiểm soát trước nội dung 

Tiêu chí trước tiên khi nhà trường mời chuyên gia về giao lưu, chia sẻ với học sinh đó là chuyên gia phải có thế mạnh, nghiên cứu ở lĩnh vực mà nhà trường đang muốn chia sẻ với học sinh. Ví dụ, khi nói về tâm lý lứa tuổi, bạo lực học đường, áp lực học tập... thì phải là chuyên gia ở lĩnh vực tâm lý giáo dục. Khi chia sẻ về hướng nghiệp thì lại phải là chuyên gia có kinh nghiệm hướng nghiệp... 

Tiêu chí thứ 2 đó là chuyên gia phải là những người có uy tín, có đóng góp trong lĩnh vực đó, được học sinh, sinh viên, nhà trường và xã hội công nhận, như giảng viên đại học, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ ưu tú... 

Đặc biệt, khi mời chuyên gia về trường, nhà trường luôn phải đặt hàng, ràng buộc trước về nội dung, cách thức chuyên gia giao tiếp, giao lưu, tiếp xúc với học sinh, sao cho vừa gần gũi với học sinh, vừa thể hiện được nội dung cần chia sẻ nhưng mang tính giáo dục...

ThS. Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI