Mộc mạc bánh lá răng bừa

11/05/2022 - 06:31

PNO - Chiếc bánh lá răng bừa đặc sản đất Thanh Hóa có thể khiến những ai từng một lần thưởng thức phải nhớ nhung.

Ngày o đi lấy chồng, cả nhà tôi ai cũng khấp khởi mừng vì đứa con gái út trong nhà lận đận tình duyên sau bao mối tình cuối cùng đã tìm được bến đỗ. Trước khi rời nhà mẹ đẻ lên xe hoa về làm dâu nhà người ta, như hầu hết các cô dâu khác, o tôi cũng khóc, cảm giác hụt hẫng vì sắp phải rời xa những gì thân thuộc mà bao nhiêu năm gắn bó. Giọt nước mắt ấy, ngoài nỗi buồn thoáng qua, còn có cả niềm vui vì được vẹn toàn trái ngọt của cuộc tình với người mình yêu.

Nhưng đứa bé bảy tuổi như tôi khi đó nào có hiểu được, cứ hễ thấy ai khóc thì mặc nhiên cho rằng họ buồn. Tôi khóc theo o, khóc rưng rức suốt cả ngày, mẹ tôi dỗ thế nào cũng không nín.

Bánh lá răng bừa có nguồn gốc từ làng Trung Lập,  xã Xuân Lập,  huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Bánh lá răng bừa có nguồn gốc từ làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Từ ngày o lấy chồng, căn nhà nhỏ như rộng hơn, cảm giác trống vắng đến lạ. Khi đó, tôi cứ ước giá như o tôi đừng đi lấy chồng, o cứ ở nhà với tôi thì vui biết mấy. Thế nhưng, điều ước ấy đã nhanh chóng thay đổi thành… giá như o lấy chồng sớm hơn. Tất cả chỉ bởi vì món quà đặc sản nơi quê chồng o: những chiếc bánh lá răng bừa được o mang về cho cả nhà trong ngày lại mặt của o chú.

Chồng o quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, là vùng đất địa linh nhân kiệt. O bảo quê chú nhiều đặc sản lắm, nổi tiếng có thể kể đến như bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ, chè lam, kẹo lạc và tất nhiên không thể không nhắc đến bánh lá răng bừa. Bánh này ở làng chồng o nhà nào cũng làm để bán. Tôi nghe o kể thì thích mê, nằng nặc đòi bố mẹ cho về nhà o chơi để xem o làm bánh lá. Nhờ có o chú thuyết phục và để thỏa sự tò mò của con mình, ba mẹ tôi đành chấp nhận.

O tôi mới về nhà chồng gần một tháng nhưng đã thành thạo công việc như người được sinh ra và lớn lên ở đất ấy. Những nguyên liệu làm bánh răng bừa rất dễ kiếm. Đó là gạo tẻ, thịt heo, mộc nhĩ, lá chuối và các loại gia vị.

Tuy dễ kiếm nhưng để làm nên chiếc bánh ngon, phải chọn nguyên liệu rất kỹ. Gạo nhất định phải là loại gạo 13/2 - một giống lúa dài ngày được trồng trên những bờ xôi ruộng mật vùng Xuân Lập, Thọ Xuân. O bảo gạo này làm bánh sẽ có vị đậm đà, tạo nên sự khác biệt cho chiếc bánh làng o.

Thịt heo được dùng là thứ thịt heo ba chỉ sờ vào còn ấm tay của con heo mới làm thịt. Lá chuối để gói bánh là lá chuối hột được trồng xanh um ở những bãi bồi ven sông Chu.

Gạo trước khi làm bánh phải được ngâm từ năm đến bảy tiếng trong nước, sau đó vớt ra để ráo rồi đem đi xay. Nhiều nhà chọn dùng máy xay điện cho tiện nhưng nhà o tôi vẫn dùng cối đá truyền thống.

O ngồi bên cối xay đều đều những vòng quay, tôi ở cạnh cho từng chút gạo và nước vào. Bột gạo trắng ngần như dòng sữa từ từ chảy trên cối xuống cái chậu hứng phía dưới. Sau khi xay, cho vào bột một chút muối rồi bắc lên bếp để lửa nhỏ quấy đều đến khi bột sền sệt.

Về phần nhân bánh, thịt heo và mộc nhĩ được sơ chế sạch sẽ rồi băm nhỏ cùng hành khô, thêm gia vị trộn đều rồi xào. Mùi hành thơm đưa hương vương vấn, tôi ở bên cạnh cứ chép miệng liên tục. O dặn, chỉ xào nhân đến khi thơm lên là được, đừng để chín quá sẽ bị khô, bánh mất đi vị ngọt, béo. 

Sau khi xong phần bột bánh và nhân bánh sẽ đến bước gói bánh. Lá chuối được lau sạch, hơ qua lửa cho dai. O dùng một chiếc đũa nhúng vào nồi bột lấy lên một ít rồi dàn đều ra lá. Tiếp đến, o xúc một muỗng nhân cho lên rồi gói lại. Chiếc bánh lá thuôn dài, dẹp hai đầu và phình ra ở giữa có hình dạng giống chiếc răng bừa nên người ta lấy luôn tên đó đặt cho bánh.

Nhìn o làm thuần thục và đơn giản, tôi lăng xăng bắt chước nhưng cái thì rách lá, cái thì phình bột ra ngoài. Sau chục lần thất bại, tôi cũng gói được chiếc bánh lá hình chữ nhật.

Bánh được gói xong đem hấp cách thủy hoặc luộc với nước sôi khoảng 30 phút. Chiếc bánh nóng hổi, nghi ngút khói được vớt ra. O bóc cho tôi một chiếc, bánh thơm phức mùi lá chuối, bên ngoài có màu xanh nhạt. Tôi dùng muỗng xắn một miếng bánh chấm với nước mắm ớt, cho vào miệng. Chiếc bánh mềm như tan dần trong miệng. Vị bột ngòn ngọt, nhân bánh béo nhưng không ngấy cùng vị ớt cay cay kết hợp với nhau hoàn hảo khiến tôi xuýt xoa liên tục.

Lần đó, o làm cho tôi cả trăm cái bánh mang về. Tôi xách túi bánh lên xe buýt mà nghiêng cả người nhưng nụ cười sung sướng cứ ngoác đến mang tai.

Sau này o chuyển vào Nam, mỗi lần thèm vị bánh quê, o lại nhờ tôi đặt rồi gửi xe vào. O bảo trong này cũng có và o cũng thử làm nhưng sao cái vị cứ nhàn nhạt, thiêu thiếu. Phải chăng chiếc bánh ấy ngon vì mộc mạc tình quê? 

Lê Đình Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI