Mở rộng không gian Hồ Gươm phải hài hòa với di sản

18/03/2025 - 06:10

PNO - UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai dự án xây dựng quảng trường, công viên cùng nhiều không gian công cộng mới ở phía đông hồ Hoàn Kiếm, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Để có quỹ đất, ban quản lý dự án sẽ di dời khoảng 40 hộ dân và 11 trụ sở cơ quan, đơn vị.

Không gian mới sẽ là điểm đến hấp dẫn

Cùng với việc mở rộng không gian Hồ Gươm, UBND TP Hà Nội cũng giao các đơn vị nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian ngầm kết nối với tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2.

Cận cảnh tòa nhà “hàm cá mập” sắp bị phá dỡ để mở rộng không gian Hồ Gươm - ẢNH: ANH NGỌC
Cận cảnh tòa nhà “hàm cá mập” sắp bị phá dỡ để mở rộng không gian Hồ Gươm - Ảnh: Anh Ngọc

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội - cho biết, theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, khu vực Hồ Gươm được bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang và tổ chức theo hướng có nhiều không gian công cộng. Trên thực tế, Hồ Gươm là nơi diễn ra hàng trăm sự kiện lớn nhỏ mỗi năm nhưng không gian ở đây còn quá chật hẹp. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi tổ chức các sự kiện chính - chỉ có diện tích khoảng 5.000m2 nên mỗi khi có sự kiện, chính quyền địa phương phải cấm các phương tiện qua lại, giới hạn số người tham gia.

Ông Nguyễn Viết Chức - cán bộ Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhận định, việc phá bỏ tòa nhà “hàm cá mập” và di dời một số cơ quan ở khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm để xây dựng không gian công cộng thể hiện tư duy dám nghĩ, dám làm của Thành ủy, UBND TP Hà Nội.

Theo ông, với không gian mới, đứng từ xa, người dân có thể nhìn thấy hồ, ngắm toàn cảnh hồ cùng với tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Đồng thời, việc xây dựng thêm các không gian cộng đồng, không gian ngầm để làm trung tâm thương mại và hầm gửi xe sẽ tạo ra sự đồng bộ, đưa Hồ Gươm trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.

Chú ý giữ gìn không gian cổ kính

Ông Vương Tâm - 80 tuổi, nguyên Trưởng ban Hà Nội Mới cuối tuần, Báo Hà Nội Mới - là người Hà Nội, có nhiều năm theo đuổi, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa phố phường của thủ đô. Theo ông, không gian Hồ Gươm với đường phố, hàng cây là “vừa đủ” để gợi lên sự thanh thoát, thông thoáng. Ở đó vẫn còn lưu lại nhịp sống đô thị của đất Kẻ Chợ, tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa mang dấu ấn Tràng An, vừa thanh lịch, vừa mang dấu ấn của lịch sử.

Tòa trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội  có kiến trúc cổ kính - ẢNH: BẢO KHANG
Tòa trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội có kiến trúc cổ kính - Ảnh: Bảo Khang

Do đó, dù đánh giá việc mở rộng không gian Hồ Gươm là một ý tưởng hay, phù hợp với nhu cầu của thời đại, ông Vương Tâm vẫn lưu ý rằng, trong quá trình triển khai dự án, cần lưu giữ, bảo tồn được những nét văn hóa của Thăng Long - Kẻ Chợ. Ông nói: “Nếu thiết kế một công viên văn hóa mới, lạ chỉ để bắt mắt thì sẽ khiến Hồ Gươm trở nên xô bồ. Đa số nhà cổ, biệt thự cổ xung quanh không gian này vẫn được giữ, nên nếu không gian mới không tôn vinh được những cái cũ, không được mở rộng trên nền những giá trị văn hóa cũ thì sẽ tạo nên sự khiên cưỡng, thậm chí tạo cảm giác ức chế. Nghĩa là, khi mở rộng không gian Hồ Gươm, phải chú trọng tới vấn đề hòa hợp với những công trình xưa cũ, tránh làm mất đi cái dáng vẻ tao nhã, lịch lãm đang có”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Chức cũng đề nghị, trước khi phá dỡ tòa nhà “hàm cá mập”, mở rộng không gian Hồ Gươm, cần có ý tưởng cụ thể về các công trình mới để đảm bảo sự hài hòa với tổng thể kiến trúc phố cổ: “Công trình sẽ được xây dựng cùng với cảnh quan, di sản xung quanh Hồ Gươm phải đảm bảo tiêu chí nâng cao đời sống tinh thần người dân, phục vụ lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần phát triển thủ đô trong thời kỳ mới”.

“Việc phá bỏ công trình “hàm cá mập” và liên thông với các tuyến phố sẽ tạo ra không gian Hồ Gươm rộng từ 1 - 2ha để phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong những dịp kỷ niệm lớn của TP Hà Nội và đất nước, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trong tương lai gần”.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - góp ý, trong đợt chỉnh trang lớn này, về giải pháp và ý tưởng, cần lưu tâm tới một số vấn đề như khả năng kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn, đủ tầm phục vụ những sinh hoạt văn hóa lớn của thủ đô và cả nước; phần đất dành cho cảnh quan cây xanh, lối đi bộ hiện hữu ở Hồ Gươm quá nhỏ, nên có thể tăng diện tích đất thịt ven hồ bằng cách thu hẹp đường giao thông xung quanh; có thể mở rộng không gian hồ nhằm tăng hạ tầng công cộng, tiện ích xã hội.

Để mở rộng thêm không gian, theo ông, có thể mạnh dạn lấn thêm nhiều diện tích hơn, kết nối liên hoàn quảng trường, vườn hoa Lý Thái Tổ với khu điện lực, sở văn hóa thành công viên - quảng trường Thăng Long; nối liền đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn - Tháp Bút - cầu Thê Húc, nhà hát múa rối với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cũng đề xuất thiết lập bảo tàng Hồ Gươm bởi Hồ Gươm xứng đáng có một bảo tàng với nhiều ca khúc hay, kho tranh ảnh, tư liệu khổng lồ, với sự hiện diện độc đáo của nhiều sắc màu kiến trúc, văn hóa đông tây: “Chúng ta không cần xây mới bảo tàng mà chỉ cần chuyển đổi chức năng công trình hiện có. Từ năm 2008, khi lên kế hoạch làm bảo tàng, chúng tôi đã tính tới giải pháp tận dụng tòa nhà kiến trúc Pháp nằm kề tượng vua Lê, kết nối và cải tạo thành tổng thể bảo tàng Hồ Gươm, tạo sự liên kết chặt chẽ về lịch sử, văn hóa”.

Cân nhắc bảo tồn tòa nhà Sở Văn hóa và Thể thao

Việc mở rộng khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm là cần thiết bởi không gian chung dành cho cư dân TP Hà Nội đang quá chật hẹp. Có thể thấy rõ hiệu quả của việc mở rộng không gian xung quanh đền Bà Kiệu về 4 góc: giúp mọi người có cái nhìn toàn diện về ngôi đền này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần lưu ý và tính toán khi muốn mở rộng không gian Hồ Gươm. Việc mở rộng phải vừa tạo được không gian lớn hơn, vừa lưu giữ được những ký ức của người Hà Nội. Trong kỷ niệm tuổi thơ, tôi thích nhất là tòa nhà trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội. Tòa nhà này có mặt tiền rất đẹp và hài hòa với cảnh quan chung. Cổng vào tòa nhà được xây từ thời Pháp, mang đậm nét kiến trúc xưa. Tòa nhà này đã kết hợp với đền Ngọc Sơn, tượng đài Cảm Tử và không gian trước mặt, tạo ra quần thể rất phù hợp cho không gian đi bộ dịp cuối tuần. Do đó, trong số các công trình sẽ bị phá bỏ, di dời, tôi tiếc nhất là công trình này. Tôi nghĩ cần có giải pháp để bảo tồn nó, còn việc di dời các tòa nhà khác quanh Hồ Gươm không làm ảnh hưởng nhiều tới cảnh quan chung.

Nghệ sĩ Lê Bích - thành viên cố vấn của Ban Quản lý phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

Tòa nhà “hàm cá mập” đã hoàn thành sứ mệnh

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị thuê đất và quản lý tòa nhà “hàm cá mập”. Sau hơn 30 năm khai thác thương mại, tòa nhà này đã hoàn thành sứ mệnh. Ban đầu, tòa nhà này nhằm phục vụ cho việc vận tải công cộng bằng hệ thống tàu điện bánh sắt, bánh hơi nhưng sau đó tàu điện bị dừng hoạt động, khu đất được đơn vị chủ quản (Công ty Xe điện Hà Nội) chuyển đổi sang hình thức kinh doanh thương mại. Tòa nhà đã phát huy hiệu quả thương mại và là điểm tham quan của khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi khi đến TP Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố trong hơn 30 năm qua.

Chúng tôi chỉ mong khi thu hồi, phá dỡ tòa nhà, lãnh đạo thành phố ghi nhận những đóng góp tích cực của các thế hệ tập thể tổng công ty (từ đơn vị tiền thân đến tổng công ty hiện nay). Transerco sẵn sàng bàn giao nguyên trạng khu đất và hạ tầng trên đất vào bất kỳ lúc nào UBND thành phố có yêu cầu. Chúng tôi sẽ bố trí người lao động ở tòa nhà này sang làm ở vị trí khác để công ăn việc làm vẫn ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng giám đốc Transerco

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI