Dành điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai
Ngày 22/5, các đại biểu dự kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã nghe tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.
Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 22/5, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nói, việc phổ cập giáo dục mầm non đã từng được đặt ra khi ông còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, khi đó, do hạn chế về ngân sách, chưa thể phổ cập cho trẻ từ 3 tuổi nên Chính phủ chỉ đặt vấn đề phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN đặt ra mục tiêu này dù lương giáo viên còn thấp và cơ sở vật chất còn hạn chế.
Ông lưu ý, muốn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, cần tuyển dụng đủ giáo viên mầm non. Ông cũng bày tỏ niềm vui và đồng tình với chính sách miễn học phí: “Tôi không bao giờ quên lần đến thăm một trường ở tỉnh Bắc Giang. Giáo viên kể, có phụ huynh do gia cảnh quá khó khăn đã đóng học phí bằng 2 con chó”. Ông đề nghị áp dụng chính sách này ngay từ ngày 1/9 tới; nếu ngân sách trung ương chưa kịp phân bổ thì các địa phương có thể tạm ứng trước để thực hiện.
Ông cho rằng, nếu chính sách miễn học phí được thông qua, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN miễn học phí cho học sinh, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước: “Chúng ta không chờ đến khi giàu mới thực hiện, mà nên chắt chiu dành cho thế hệ tương lai. Chính sách này cũng góp phần giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, khuyến khích sinh đủ 2 con - yếu tố quan trọng trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt lao động vào năm 2040”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Chúng ta chờ 2 nghị quyết này đã rất lâu. Tình hình kinh tế đất nước đang ngày càng được cải thiện, thu nhập tăng. Đây là điều kiện để Việt Nam miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trên cả nước, không thể chậm hơn”. Theo ông, nếu cần, Nhà nước có thể “thắt lưng buộc bụng” để công dân của mình có điều kiện tốt hơn cho con em đi học. Phổ cập giáo dục là điều hết sức cần thiết để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
 |
Cô và trò tại Trường mầm non Chất lượng cao Việt Triều Hữu nghị (TP Hà Nội) - ẢNH: BẢO KHANG |
Miễn học phí cần đi kèm nhiều thứ khác
Ủng hộ các chính sách trên nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lưu ý, phải có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí, giáo viên khi 2 nghị quyết đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh cả nước đang sáp nhập đơn vị hành chính, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cần dùng các trụ sở dôi dư hỗ trợ thêm cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, trong đó có cấp mầm non. Về chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, ông đề nghị xem xét thời điểm áp dụng để chuẩn bị chu đáo.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về những điều kiện, chính sách đi kèm với việc miễn học phí: “Không phải đóng học phí nhưng sách giáo khoa, cơm ăn, áo mặc của trẻ, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa thì sao? Mùa mưa, mùa rét, trẻ đến trường như thế nào? Chính phủ và Quốc hội cần nghiên cứu để có chính sách đồng bộ”.
Ngoài ra, cần quan tâm vấn đề cơ sở vật chất, lương giáo viên. Khi miễn học phí, nghị quyết phải làm rõ các khoản này sẽ được bù đắp như thế nào để không ảnh hưởng tới các đối tượng khác, đặc biệt là giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đánh giá, phổ cập mầm non là quyết sách lớn để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Dự thảo nghị quyết quy định, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện nghị quyết này, bao gồm đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; đảm bảo đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; đảm bảo đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập...
Theo ông, mỗi năm học, các địa phương đối mặt với áp lực phải có hàng ngàn lớp học cho học sinh các cấp. Với các tỉnh còn nghèo, thậm chí chưa thu đủ theo mức khoán của trung ương thì việc hỗ trợ cho giáo dục sẽ ra sao?
Bởi vậy, phải xác định rõ các cột mốc thời gian, phương án với các địa phương chưa đủ ngân sách đáp ứng; phải dự báo số lượng trẻ mầm non từ 3-5 tuổi trong tương lai để đảm bảo nghị quyết có tính khả thi cao. Đồng thời, cần làm rõ số lượng, cơ cấu trường lớp để có lộ trình tuyển dụng giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội) cho rằng, việc miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công. Bà đề nghị bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên để đảm bảo chất lượng đào tạo thực sự đồng đều.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn (TP Hà Nội) cho biết, ngoài chính sách miễn học phí, Tổng bí thư Tô Lâm đã giao chính quyền TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu miễn phí, hỗ trợ bữa ăn cho học sinh và UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu để báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố về vấn đề này.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội), miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông là chủ trương lớn, có tính bao trùm, mở rộng đối tượng được hưởng lợi. Chính sách này không chỉ xóa bỏ rào cản tài chính cho người học mà còn đảm bảo sự công bằng giữa trường công và trường tư, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa học sinh chính quy và không chính quy. Về tác động dài hạn, chính sách này mở ra một “hành lang công bằng” để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai.
Khi học sinh phổ thông không phải đóng học phí, người học sẽ có điều kiện tiếp cận tri thức đồng đều hơn, giảm tình trạng bỏ học giữa chừng do gia cảnh, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi có sự phân tầng thu nhập sâu sắc.
Song hành với chính sách miễn học phí, Quốc hội và Chính phủ cần có cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục. Không chỉ miễn phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh. Đồng thời, cần rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng, gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh, cấp xã phường.
Cần hơn 116.300 tỉ đồng để phổ cập giáo dục mầm non Theo ban soạn thảo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, hằng năm, cả nước có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập nhưng cũng có gần 300.000 trẻ ở tuổi mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ phòng học kiên cố mới đạt 84,8%; vẫn còn 0,5% phòng học tạm và gần 3.000 phòng học nhờ, mượn. Để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỉ đồng. |
Hỗ trợ học phí cho học sinh trường dân lập, tư thục Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xác định, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là 30.600 tỉ đồng. Trong đó, khối công lập là 28.700 tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.900 tỉ đồng; số tiền từ ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi nghị quyết được ban hành là 8.200 tỉ đồng. Theo dự thảo nghị quyết, đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm trẻ em dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục và học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả học sinh tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. |
Minh Quang