'Mẹ chồng': Nước mắt từ định kiến

01/12/2017 - 12:55

PNO - 'Mẹ chồng' có tiết tấu gọn, lấy diễn xuất làm yếu tố chính thu hút người xem. Với vai trò là linh hồn của phim, DV-NM Thanh Hằng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ- có màn tái xuất ấn tượng kể từ phim 'Mỹ nhân kế' năm 2013.

Sau ồn ào dùng cảnh nóng để PR, bộ phim 'Mẹ chồng' đã chính thức ra mắt hôm 29/11 (khởi chiếu từ ngày 1/12). Không ngoài dự đoán, những hình ảnh nhạy cảm nhất trong teaser đã bị cắt bớt.

Tuy nhiên, “sức nóng” của phim không hề giảm, bởi cốt truyện đầy bi kịch được kể qua diễn xuất sinh động, đồng đều của dàn diễn viên nữ xinh đẹp cộng phần hình ảnh được chăm chút, khung cảnh đậm chất Việt như biệt thự cổ giữa làng quê, những cánh đồng xanh ngắt, ao nở đầy sen… 

'Me chong': Nuoc mat tu dinh kien

Nội lực diễn xuất của Thanh Hằng đã hoàn toàn thuyết phục khán giả

Riêng thời trang - khâu vốn được dự đoán sẽ gây cảm hứng cho khán giả - chỉ phục vụ tốt chủ đích làm toát lên vẻ giàu có, xa hoa của gia tộc Hội đồng Lịnh và phác họa tính cách các nhân vật chứ không mấy phù hợp khi đặt vào bối cảnh, thời điểm câu chuyện.

Mẹ chồng - nàng dâu là mâu thuẫn muôn thuở trong xã hội Việt Nam, được khắc họa qua bi kịch cuộc đời của cô Ba Trân - người phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo, phong kiến.

Phim bắt đầu khi Ba Trân vào làm dâu nhà Hội đồng Lịnh - gia đình giàu có nhất vùng Đại Điền. Những lề thói của dòng họ, sự hà khắc của mẹ chồng và nhất là định kiến giới của xã hội thời đó đã biến Ba Trân từ một cô gái thanh xuân, hồn nhiên trở thành người phụ nữ cam chịu, tâm hồn đầy tổn thương; để rồi khi những uất ức dồn nén bùng phát, Ba Trân đã lột xác thành con người thủ đoạn, cay nghiệt, không khác gì mẹ chồng mình.

Ba Trân cũng đẩy con dâu vào cảnh chồng chung như cô ngày trước, chèn ép vợ nhỏ của chồng, áp đặt dâu con vào những phép tắc khắt khe của dòng họ Huỳnh. Hậu quả được trả bằng chính cái chết của những người thân yêu của cô. Qua Ba Trân, những bi kịch của người phụ nữ Nam bộ xưa được tái hiện: không được tự chủ cuộc đời - mọi thứ đều bị thúc ép, trói buộc.

Trailer Mẹ chồng:

 

Những biến chuyển tâm lý phức tạp của Ba Trân - từ một nàng dâu thảo hiền, nhẫn nhịn đến thái độ vùng dậy phản kháng và sau đó ra tay mưu sát mẹ chồng, chiếm giữ vị trí người đàn bà quyền lực nhất trong nhà được Thanh Hằng lột tả thuyết phục.

Khó mà quên ánh mắt cam chịu của cô trong cảnh Ba Trân khóc vì bị mẹ chồng chì chiết chuyện không con. Nhưng trong cảnh khóc tiếp theo, ánh mắt đó lại dậy lên vẻ căm thù. Đặc biệt là ánh mắt vừa hả hê vừa hằn học trong những cảnh Ba Trân hành hạ mẹ chồng khi bà đã bị liệt, ngồi một chỗ.

Trước mẹ chồng, con dâu là vậy, nhưng trước cậu con trai Hai Phước thiểu năng, Ba Trân của Thanh Hằng lại là người mẹ từ ái hết mực. Hai cảnh Thanh Hằng diễn xúc động nhất là đoạn Ba Trân trải lòng trong nước mắt khi tắm cho con và cảnh Ba Trân ôm xác cậu con trai bị trúng mũi kéo oan nghiệt mà mình định dành cho cô con dâu Tuyết Mai.

Lối diễn không gào thét hay lên gân của Thanh Hằng khiến người xem thương cảm thay vì căm ghét nhân vật phản diện này, bởi suy cho cùng cái ác của Ba Trân cũng do dòng đời xô đẩy, như lời tâm sự chua xót của nhân vật trong phim: “Phụ nữ được nuôi dạy và yêu thương bởi một gia đình, nhưng khi lớn lên lại chịu áp lực, phụng sự cho một gia đình khác”.

Cách chia diễn tiến phim theo các cột mốc thời gian xuân, hạ, thu, đông và mỗi mùa tượng trưng bằng những họa tiết mang màu sắc khá Trung Hoa có lẽ là dụng ý của phim nhằm mô tả vòng tuần hoàn trong cuộc đời của những người phụ nữ.

'Me chong': Nuoc mat tu dinh kien
Nhân vật Tuyết Mai (Midu) chưa thuyết phục người xem

Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu. Bà Hai Lịnh, cô Ba Trân, Bảy Loan, Tư Thì, Tuyết Mai, dù thuộc thế hệ nào, cũng là những người “thấp cổ bé họng”, chôn đời trong cuộc sống vô vọng vì những định kiến giới của xã hội phong kiến. Nỗi đau, nước mắt của những người đàn bà trong phim, vì thế, cũng từ định kiến mà ra.

Ngoài những chi tiết đáng khen, Mẹ chồng vẫn còn vài điểm chưa thuyết phục như việc xử lý số phận nhân vật Hai Đìa chưa cho thấy lý do chính đáng khiến Ba Trân phải hạ độc người đầy tớ trung thành mà cô có cảm tình này.

Khán giả cũng thấy khó hiểu khi một cô gái tư tưởng tiến bộ, tân thời như nàng dâu Tuyết Mai lại cương quyết ở lại làm tròn nhiệm vụ sinh con nối dõi cho nhà Hội đồng Lịnh mà không bỏ chạy theo người tình Hai Phước, trong khi bản thân cô chẳng có cảm tình gì với chồng, còn luôn bất bình với cách đối xử khắc nghiệt của Ba Trân.

Quá trình vào vai trò “ác nhân giấu mặt” của nhân vật Tư Thì cũng không được làm rõ, chỉ đùng một cái lộ mặt là kẻ chủ mưu ở phút cuối. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI