Masan rải tờ rơi tuyên truyền kết quả nước mắm nhiễm asen (?)

22/10/2016 - 15:57

PNO - Xuất hiện nhiều người mặc đồng phục đến tiếp thị nước mắm Chinsu phát tờ rơi kết quả nước mắm nhiễm arsen tại nhiều chợ của Tp. Hồ Chí Minh.

Chiến dịch nói xấu đối thủ

Tại chợ Bình Tây (quận 6), hầu hết các sạp hàng bán nước mắm và nước chấm các loại khi được hỏi đều cho biết, trong ngày 18-19/10 xuất hiện một số người mặc đồng phục, thường ngày đến tiếp thị nước mắm Chin-su, nhưng ngày hôm đó lại đi phát cho từng sạp tập giấy kết quả và danh sách các sản phẩm nước mắm có thạch tín.

“Tờ rơi của Chin-su hả, tôi còn giữ đây…”, dứt lời, chủ sạp tên Kh., lấy trong đống hóa đơn, giấy tờ của sạp hàng ra đưa cho chúng tôi những tờ rơi mà anh nhận được từ những nhân viên tiếp thị mà nhiều người tiểu thương ở chợ chỉ gọi bằng tên Chin-su, để phân biệt với nhóm nhân viên tiếp thị những sản phẩm nước mắm khác như Hưng Thịnh, Liên Thành… Anh Kh. cho biết, những người phát tờ rơi có một vài lần trước đó đến tiếp thị nước mắm Chin-su (của công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan) nên anh khá quen mặt, “hôm đi phát những tờ rơi này họ vẫn mặc áo như khi đi tiếp thị nên chúng tôi biết”, anh Kh nói.

Có ít nhất 13 sạp hàng có kinh doanh mặt hàng nước chấm tại chợ Bình Tây được chúng tôi hỏi thì có tới 12 sạp cho biết, có nhận được tờ rơi hai lần từ “tụi Chin-su” (trích nguyên văn cách gọi của các tiểu thương). Tiểu thương cho biết, một ngày sau khi xuất hiện thông tin nước mắm truyền thống nhiễm asen trên một số phương tiện thông tin đại chúng, các nhân viên Chinsu xuống từng sạp phát cho các tiểu thương tập giấy photo có 3 trang. Trang đầu là bản kết quả tỉ lệ các nhãn hiệu nước mắm có hàm lượng arsen lan truyền trên mạng internet, trang thứ hai là công văn của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) gửi cho một số cơ quan, tổ chức để thông báo về đợt lấy mẫu, xét nghiệm và kết quả xét nghiệm. Trang sau cùng là một trang báo điện tử có đăng tin “Danh sách nước mắm có hàm lượng thạch tín cho phép”… Một vài ngày sau đó những người này tiếp tục phát cho các tiểu thương một trang in xuất hiện trên mục quảng cáo cáo của nhiều báo, trong đó có nhiều sản phẩm là Chin-su, Nam ngư, Nam ngư đệ nhị với đầy rẫy những thông tin như: Cam kết chuẩn an toàn thạch tín”, “từ năm 2011 theo quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-su, Nam Ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (arsen)… Bên mép bản in này có in dòng chữ nhỏ hơn với nội dung “Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan, tầng 12, tòa nhà Kumho Asiana Plaza Saigon… kèm theo bản liệt kê các loại nước mắm Chin-su hương cá hồi, nước mắm Nam Ngư, Nước chấm Nam ngư đệ nhị, Nước chấm Nam ngư siêu tiết kiệm.

Masan rai to roi tuyen truyen ket qua nuoc mam nhiem asen (?)
Ảnh minh họa

Không chỉ các sạp trong chợ, một số cửa hàng tạp hóa tại khu vực quận 5 cũng nhận được những tờ rơi tương tự. Chị T, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trang Tử cho hay, mấy ngày trước cũng có nhân viên tiếp thị Chin-su ghé cửa hàng chị để những tờ rơi này vào cửa hàng, ban đầu chị tưởng đó chỉ là một tờ rơi quảng cáo sản phẩm mới, nhưng khi mở ra toàn là thấy thông tin các loại nước mắm truyền thống nhiễm thạch tín. “Buôn bán bao nhiêu năm mà lần đầu tiên tôi thấy một doanh nghiệp lớn lại có cách tuyên truyền không đẹp như thế này…”, chủ cửa hàng tạp hóa này cho hay.

Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống cũng chủ động liên hệ với chúng tôi là các đại lý của họ trên nhiều địa bàn của Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận được các tờ rơi in danh sách các doanh nghiệp không đạt chuẩn asen do Vinatas công bố.

Chúng tôi cố gắng tìm hiểu về những người phát tờ rơi tại các sạp từ các nhân viên bảo vệ chợ nhưng hầu hết cho biết, họ đều không để ý đến hành động này vì hàng ngày có rất nhiều nhân viên tiếp thị các ngành hàng khác nhau ra vào chợ. Hơn nữa, việc phát tờ rơi tiếp thị chợ cũng không cấm.

“Mèo không” có giấu đầu?

Bà K.C, chủ sạp K.C số 44… cho biết, nhưng người phát tờ rơi nói với bà là nước mắm càng nhiều độ đạm thạch tín càng nhiều, trong khi sạp hàng của bà bán rất nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống như Hưng Thịnh, Phú Quốc, Hạnh Phúc… có độ đạm lên đến 60. Nhưng điều bà ngạc nhiên nhất là từ chính những nhân viên này mà bà biết được khi họ tiếp thị là sản phẩm của họ có mua nguyên liệu của một nhà sản xuất nước mắm nổi tiếng lâu năm tại TP.HCM là nước mắm H.Th về pha loãng, vậy nhưng khi phát tờ rơi họ lại nói xấu chính nhà cung cấp này sản xuất nước mắm có thạch tín. “Vậy chẳng khác nào tự nhổ vào mặt mình”, bà chủ sạp này cho hay. Tuy nhiên, vốn là tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ, bà K.C cho biết, vụ việc nước mắm hiện nay khá giống với vụ việc dậy sóng “nước tương chứa 3-MCPD mấy năm trước. Hậu quả là một số nhà sản xuất nước tương truyền thống từng là đầu mối cung cấp cho sạp của bà như D.G, Thuận Hương… sau thông tin đó đã dẹp tiệm, có những loại tương từng tiêu thụ một thời như hiệu Con mèo… đến nay cả tháng cũng chẳng bán được một chai. Bà lo ngại có thể có thêm những doanh nghiệp nước mắm truyền thống biến mất sau những đợt thông tin nhiễu loạn như thế này.

Không ít chủ sạp chia sẻ với chúng tôi, do có sự lặp lại nhiều lần nên họ hiểu rõ bản chất của kịch bản “tạo thông tin chấn động nói xâu chất lượng của một sản phẩm cùng loại rồi ngay sau đó công bố mình sạch, mình an toàn. “Tôi đã xé nát những tờ rơi có danh sách các sản phẩm nước mắm bị kết luận có thạch tín, vì chẳng có ai tử tế đến mức bỗng dưng đi in những nội dung đó ra. Nêu sản phẩm mất an toàn thật, những thông tin kiểu như vậy chắc chắn sẽ đến từ Ban quản lý chợ hay các đơn vị giám sát về an toàn thực phẩm của Thành phố chứ không phải đến từ một nhà sản xuất”, chủ sạp U, số 24… chợ Bình Tây bày tỏ.

Những tờ rơi mà tiểu thương tại chợ Bình Tây giữ được cung cấp cho chúng tôi, trong đó có bản danh sách các sản phẩm nước mắm có tỉ lệ arsen cao, chính là bản kết quả lan truyền trên mạng intenet sau khi Vinatas công bố, nhưng đại diện Vinatas cũng đã lên tiếng phủ nhận không phát tán danh sách này. Đúng là trên danh sách lan truyền trên mạng cũng như trên các tờ rơi hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu pháp lý (con dấu, chữ ký xác nhận… ) của Vinatas, nhưng sự xuất hiện của nó đúng thời điểm cơ quan này đưa ra kết luận chắc chắn không phải là một sự ngẫu nhiên. Công bố nước mắm nhiễm arsen nhưng kết luận chẳng độc hại gì, thừa nhận có doanh nghiêp tài trợ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và công bố kết quả đó nhưng không công bố nhà tài trợ đó… có quá nhiều điều bất minh trong vụ việc này của một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Sự bất minh đó đang được doanh nghiệp giấu mặt tận dụng triệt để bằng một chiến dịch đầu độc người tiêu dùng bằng tờ phát đến từng chợ.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI