Luật mới giúp chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình

16/11/2022 - 05:58

PNO - Trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo các đại biểu Quốc hội, bản sửa đổi có nhiều điểm mới so với luật cũ, trong đó bổ sung các công cụ để bảo vệ cả về sức khỏe vật chất lẫn tinh thần cho các thành viên trong gia đình.

Trong phòng có chống, trong chống có phòng

Trao đổi riêng với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) nhận xét, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó bổ sung, mở rộng các hành vi được xem là bạo lực gia đình. Bản sửa đổi đã thêm các quy định về các hành vi gây tổn hại tinh thần trong khi luật cũ chỉ chú trọng tới các hành vi bạo lực về thể chất. 

Cụ thể, điều 3 của luật sửa đổi nêu 16 loại hành vi bạo lực, gồm hành hung, ngược đãi, đánh đập, đe dọa, lăng mạ, chì chiết, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý, tiết lộ hoặc phát tán thông tin thuộc đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình, cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng… 

Báo cáo với Quốc hội trước khi luật này được thông qua, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội - đánh giá, các quy định mới giúp chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình được bổ sung để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luật sửa đổi cũng khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực để xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giúp các cơ sở này hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cần đặc biệt lưu tâm tới trẻ em

Bên lề kỳ họp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, thời gian qua, một số quy định của luật cũ không còn phù hợp, chưa đủ sức răn đe: “Luật sửa đổi đã bổ sung, cụ thể hóa các hành vi bạo lực gia đình, thêm công cụ để bảo vệ các thành viên trong gia đình, trong đó có phụ nữ và trẻ em” - bà nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân - Ảnh: PH
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân - Ảnh: PH

Theo bà, bên cạnh các biện pháp xử lý đã được nêu trong luật cũ, luật sửa đổi đã quy định thêm nhiều hình thức xử lý người có hành vi bạo lực gia đình để tăng cường tính răn đe và tăng cường sự tham gia của xã hội vào việc phòng, chống bạo lực gia đình. Chẳng hạn, điều 32 của luật (sửa đổi) quy định biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư và điều 33 quy định người vi phạm phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú. 

Luật sửa đổi cũng quy định về sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, cụ thể là luật hóa trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam để thực hiện vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, bà Nguyễn Trần Phượng Trân cho rằng, rất cần sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt được hiệu quả cao nhất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, để luật (sửa đổi) đi vào cuộc sống, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân: “Công tác tuyên truyền pháp luật phải đi trước một bước để người dân biết và hiểu luật. Rất nhiều người có hành vi bạo lực gia đình nhưng không biết mình vi phạm luật. Cần chú trọng tuyên truyền ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hay những nơi còn chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan niệm lỗi thời”.

Bà Việt Nga trăn trở: “Trẻ em không biết, không hiểu, thậm chí không thể phản kháng khi bị bạo lực về vật chất và tinh thần. Tôi rất tiếc khi luật chưa có 1 chương riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, trong luật cũng có các quy định rải rác. Tôi rất mong, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức đặc biệt lưu tâm đến trẻ em vì đây là đối tượng yếu thế nhất trong các nạn nhân của bạo lực gia đình”. 

Bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Chiều 15/11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã kết thúc sau 21 ngày làm việc khẩn trương. 
Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có việc tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù cho TPHCM. Cụ thể, Quốc hội đã xem xét và quyết định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất. 

Quốc hội cũng đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, kỳ họp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Riêng với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng và thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành y tế. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI