Lội sông ra biển ở Thắng Hải

21/07/2023 - 18:25

PNO - Cũng bờ biển ấy, sáng sáng, những con thuyền ra vô cảng cá còn chiều đến, nước cạn dần, hiện ra triền cát rộng, du khách có thể thoải mái lội sông, lội cát để đùa giỡn cùng sóng biển.

 

Khu vực tập trung thuyền của ngư dân
Khu vực tập trung thuyền của ngư dân

Lội sông ra biển

Làng chài Thắng Hải thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Vị trí địa lý như vậy nhưng mỗi khi đang ở Thắng Hải, có người hỏi, tôi lại trả lời “đang gần suối nước nóng Bình Châu” vì biển hay làng chài Thắng Hải còn mới lạ trên bản đồ du lịch nhưng suối nước nóng và chợ hải sản cùng tên này thì không và vì làng chài Thắng Hải cách 2 địa danh kia chỉ vài trăm mét.

Tôi đặt chân đến làng chài Thắng Hải cách nay gần 20 năm, trong lần đầu về nhà bạn trai, sau đó là chồng tôi. Nhớ lần đầu đến, khi được bạn trai đưa đi tắm biển cách nhà khoảng 2km, tôi đã ngạc nhiên trước hình ảnh một triền cát rộng, trải dài phân cách 2 dòng nước: một dòng có màu phù sa là nhánh của một con sông nhỏ chảy ra, hòa với biển thành một dòng sông nước lợ; một là thảm nước biển xanh thẳm, ngút ngàn tận chân trời. 

Đặc trưng địa hình như thế nên ai muốn tắm hay muốn chạm vào những con sóng phải chịu khó lội qua khúc sông rộng gần 10m, có mực nước đôi khi ngập đến cằm người lớn hoặc mượn thuyền thúng rồi chèo hoặc vừa bơi vừa cầm dây thừng kéo thúng qua sông. 

Rời khỏi thuyền thúng, đi bộ trên triền cát vàng nhạt thì đến biển. Biển Thắng Hải lúc đó đẹp, thanh bình và hoang sơ nhưng khi ùa vào dòng nước, con sóng đầu tiên đã khiến tôi chạy ngay lên bờ vì... sợ. Sóng quá mạnh và độ cuốn trôi của nó cũng khá nhanh. 

Biển Thắng Hải mỗi năm có vài tháng (tầm tết Nguyên đán, dịp lễ 30/4 và tháng Sáu) sóng nhẹ, biển cạn, có tắm xa bờ 1,2km, biển vẫn cạn và an toàn. Những tháng khác thì ngược lại. Không chỉ thay đổi theo mùa, dòng chảy của biển Thắng Hải cũng thay đổi theo những cơn gió.

Mỗi năm, dòng chảy thay đổi một lần, không chỉ sóng xa bờ hơn mà nước biển cũng cạn hơn, nhánh sông nhỏ nơi ngư dân neo thuyền cũng dần kéo ra xa. Nhưng mỗi dịp tết Nguyên đán, dòng sông bị ngăn cách vẫn rộng, chồng tôi vẫn tìm cách mượn thuyền thúng đưa mẹ con tôi sang sông. Hay những tháng đầu hè, khi mực nước chỉ cao đến thắt lưng cậu con trai 8 tuổi, cả nhà tôi lại bì bõm lội sông ra biển.

Mua hải sản ngay tại cảng

Hải sản được phân loại, định giá ngay trên bờ
Hải sản được phân loại, định giá ngay trên bờ

Đến làng chài thì phải đi cảng cá, vừa để hòa mình vào không khí lao động nhộn nhịp của ngư dân, vừa “săn” các loại hải sản tươi, ngon giá rẻ. Lần đó, tôi lân la hỏi thăm các thành viên trong gia đình bạn trai về thời gian, địa điểm tập kết thuyền cùng tuyên bố chắc nịch: “Con sẽ mua hải sản về ăn” và nhận về nụ cười bí ẩn của mọi người. Nụ cười ấy được giải đáp vào sáng hôm sau: ngư dân chỉ bán hải sản cho đầu nậu, không bán cho khách mua lẻ, kể cả người dân địa phương. 

Gọi đầu nậu cho sang, thật ra đó là những chị, những thím trong làng chài canh giờ đến cảng cá, mua hải sản từ ngư dân, mang ra chợ bán, lấy công làm lời. Cảng cá Thắng Hải có khoảng 10 đầu nậu như thế. Khi không có ghe thuyền cập bến, họ quay lại kể chuyện chồng con, chia sẻ với nhau các clip hài hước thú vị tìm được.

Khi ghe hay thuyền tấp vô bến là người quen của đầu nậu nào, đầu nậu đó sẽ đứng dậy, xách chiếc cân nhỏ, vừa đi vừa hỏi thăm về chuyến ra khơi rồi phân loại hải sản. Họ phân tới đâu, cân tới đó, cho vào giỏ, tính tiền rồi vừa nhẩm tính số tiền thu được nếu bán hết, vừa chất túi hải sản lên xe máy, chạy vội cho kịp buổi chợ.

Vào buổi sáng, ghe thuyền vẫn vào được cảng cá nhưng đến chiều thì những cồn cát hiện lên, chia sông thành những dòng chảy hay hồ nước nhỏ
Vào buổi sáng, ghe thuyền vẫn vào được cảng cá nhưng đến chiều thì những cồn cát hiện lên, chia sông thành những dòng chảy hay hồ nước nhỏ

Tháng Sáu có lẽ không phải thời điểm đánh bắt tốt, có ghe 3-4 người đi biển, nhưng số tiền thu về chưa được 6 con số không. Giữa âm thanh mua bán tấp nập, tôi nghe được tiếng một bác ngư dân ca cẩm: “Đi từ trưa hôm qua đến giờ mà chỉ được nửa ký mực ống, mấy lạng mực lá, có 130.000 đồng, không đủ tiền xăng”.

Trong cái vòng khẩn trương ấy, tiếng hỏi mua hải sản của tôi chỉ như tiếng gợn nhẹ của sóng nước. Phải đến khi những chiếc thuyền cuối cùng cập cảng, hầu hết đầu nậu đã lên xe máy phóng đi cho kịp buổi chợ, một ngư dân mới chú ý đến lời hỏi mua ghẹ của tôi, chỉ sang một chị đầu nậu bảo: “Chị mua của người này đi, tôi không bán cho chị được”, tôi mới biết luật ngầm của cảng cá là ngư dân đánh bắt bao nhiêu hải sản thì đổ đống lên bờ, phân loại và bán hết cho đầu nậu. Đầu nậu sẽ bán cho người địa phương và du khách. Ngư dân không bán trực tiếp. 

Đầu nậu là dân bán lẻ ngoài chợ nên cách bán khá dễ chịu. Khách có thể tự ý lựa hay nhờ họ lựa giùm. Giá tiền tùy thuộc kích thước và mặt bằng chung của giá hải sản. Người bán rất có tâm. Chẳng hạn nếu ghẹ bị ốp, người bán sẽ làm việc với ngư dân, loại ngay từ đầu. 

Thưởng thức chem chép bắt được

Thưởng thức chem chép xào tỏi
Thưởng thức chem chép xào tỏi

Nếu buổi sáng, dòng sông song song với biển vẫn khá sâu để thuyền đánh cá vào bờ, đến cảng thì chiều, thủy triều rút dần, dòng chảy vẫn rộng nhưng chỗ sâu nhất của dòng sông chỉ đến ngang bụng cậu bé 10 tuổi. Khi đó, cả nhà tôi lội sông ra biển bắt chem chép.

Ba chồng tôi kể, ngày trước, vào mùa, người ta bắt chem chép và bán theo lon nhưng bây giờ chem chép ngày càng ít, hiếm khi thấy bán ở chợ. 

Chem chép nhỏ con, vùi mình trên những dải cát gần bờ, chỉ cần luồn bàn tay xuống cát, khi đưa lên khỏi mặt nước, thể nào cũng bắt được vài con. Ban đầu, cô con gái nhỏ của tôi hơi buồn vì không chụp kịp những con chem chép bị sóng cuốn trồi lên mặt cát. Dần dần, con cũng biết canh con sóng, biết tự luồn bàn tay bé xíu xuống cát, đưa lên khỏi mặt nước, vạch cát tìm chem chép. Ngoài chem chép, trên bãi cát cũng có khá nhiều sao biển. Hoàng hôn hiện ra rực rỡ với những áng mây đầy màu sắc.

Tối đó, trên bàn cơm, có 1 đĩa chem chép xào tỏi thơm phức. 2 con tôi soi món ăn bằng mắt, bằng tay, bằng miệng, gật gù khen “ngon”. 

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI