Lời nhắn từ Thủ Thiêm

03/07/2020 - 22:20

PNO - Sau 24 năm, kể từ Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996 đến nay, cuối cùng, nhà thờ và tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) cũng được đề cập đến như một giá trị hiện hữu của khu đô thị này về mặt quy hoạch.

Trước đó, hai công trình này chính thức được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào cuối năm ngoái. Được xếp hạng, đương nhiên, được bảo vệ bởi Luật Di sản văn hóa Việt Nam. 

Trong thông tin mới nhất mà ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chia sẻ với báo chí, có một điểm sáng về bảo tồn di sản, được “hắt” lên từ bờ Đông của thành phố: nhà thờ và tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xem xét để gìn giữ nguyên vẹn, tạo điểm nhấn cho khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại. 

Nhà thờ và tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm sẽ được gìn giữ nguyên vẹn, tạo điểm nhấn cho khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại - Ảnh: Thành Lâm
Nhà thờ và tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm sẽ được gìn giữ nguyên vẹn, tạo điểm nhấn cho khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại - Ảnh: Thành Lâm

Ở đó, những đặc điểm kiến trúc gắn liền với lịch sử vùng đất Thủ Thiêm sẽ được bảo lưu ở từng khoảnh đất, từng viên gạch. Đồng thời, sau quy hoạch, nơi đây sẽ khang trang hơn, có vườn cây, bóng mát… theo chuẩn của quy hoạch khu đô thị mới. Ngoài chức năng là công trình tôn giáo, hai công trình này còn là một điểm đến văn hóa, du lịch mới. 

Đây rõ ràng là một tin vui cho bản đồ - văn hóa - xã hội của TP.HCM khi hai di sản không bị “tước đoạt” khỏi vận mệnh liền kề và cộng sinh của nó. Đó không phải là hai di sản “chết”; mà được bảo tồn, phát huy giá trị trong giấc mơ “Thủ Thiêm hoa trái” kéo dài hơn hai thập niên, và đang được hiện thực hóa mỗi ngày ở bờ Đông của thành phố.  

Để có một kết quả ban đầu như thế là quá trình đấu tranh của những nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà khoa học, những người yêu di sản, đặc biệt là cư dân Thủ Thiêm lâu đời, mục đích giữ lại cho được một vùng ký ức sống động cho Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM. 

Đó cũng là kết quả của quá trình lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng người dân từ phía chính quyền thành phố; từ đó, điều chỉnh quy hoạch, vừa phát triển mà vẫn giữ được thêm hai công trình di sản có giá trị. 

Trong những cuộc hội thảo, tọa đàm về di sản diễn ra suốt những năm qua, các nhà nghiên cứu thường đặt ra một vấn đề cấp bách: bao giờ TP.HCM sẽ lập bản đồ di sản; hay nói rõ hơn, bao giờ TP.HCM khoanh vùng khu trung tâm lịch sử? Vì khi ta khoanh vùng được khu trung tâm lịch sử, di sản sẽ tự động được bảo vệ mà không cần thuộc danh mục xếp hạng hay không.

Cần nhớ rằng, từ năm 1996, TP.HCM là một trong những địa phương sớm nhất cả nước xác định bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trong thể thống nhất với đô thị hiện đại. Một việc hết sức bình thường ở các nước, khi một đô thị hơn 100 tuổi, đó là khoanh vùng khu trung tâm lịch sử để bảo tồn. Thế nhưng, TP.HCM với lịch sử hơn 300 năm, dù qua các đời lãnh đạo thành phố, đến nay, vẫn là một dấu hỏi bỏ ngỏ.

Tất nhiên, từ chuyện nhà thờ và tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được đặt vào bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm hiện tại, với các khu chức năng khác nhau, nhìn về khu trung tâm hiện hữu với khối di sản ngổn ngang, ngấp nghé ở những rìa vực mất - còn trong quá trình phát triển và đánh đổi, sẽ có những khoảng chênh lớn. Phía Đông là một vùng đất mới, quy hoạch bao giờ cũng dễ hơn khu trung tâm hiện hữu - kết quả tồn đọng của nhiều thời kỳ lịch sử để lại với những mâu thuẫn khó giải quyết. Thế nhưng, vẫn mong, trước khi đặt bút phê duyệt một bản quy hoạch mới, một dự án cao tầng chọc trời, đừng quên, phía sau nó vẫn còn những chứng tích của một thời. Bởi lẽ, quy hoạch nào chăng nữa, cũng phải hướng tới tính tổng thể và sự bền vững. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI