Cháy ruột cháy gan khi con nơi xứ người

08/07/2020 - 05:05

PNO - Ngay Mỹ cũng đến 40 triệu người thất nghiệp, thì con mình dân “nhập cư mong manh” cạnh tranh sao nổi. Mà bỏ học về giữa chừng thì lỡ dở hết.


Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em thú thật với chị là đã trải qua những đấu tranh dữ dội suốt mùa đại dịch COVID-19 vừa qua. Thấy người Việt Nam được đón về mà cháy hết ruột gan khi nghĩ đến con đang ở nơi xứ người.

Tin tức nghe sợ quá, nhưng ở Việt Nam thì yên lành, quản lý tốt dịch bệnh, cả gần trăm triệu dân chỉ có vài trăm người mắc, cả mấy tháng nay không lây nhiễm trong cộng đồng. Vui mừng thật đấy, nhưng nghĩ đến con đang vật lộn xứ người giữa tin tức lây nhiễm cứ ngày càng cao; ngay Mỹ cũng đến 40 triệu người thất nghiệp, thì con mình dân “nhập cư mong manh” cạnh tranh sao nổi. Mà bỏ học về giữa chừng thì lỡ dở hết.

Em sốt ruột, nhiều đêm không ngủ nên ông xã hay la. Ảnh nói bộ cả nước có mình con mình đi học hả. Khó khăn, dịch bệnh toàn cầu phải chấp nhận, để nó tự lực cho quen sóng gió. Mà ở Mỹ xứ văn minh, mình ở nhà biết gì mà lo. Rồi anh bảo nếu có gọi cho con qua internet chỉ được hỏi thăm sinh hoạt, chứ cấm hỏi việc học hành, đừng gây áp lực cho nó.

Em thấy khổ sở không lối thoát chị ơi. Chị thấy em có “quá lẩm cẩm yếu đuối” như chồng mắng không? Mà bạn bè cũng không chia sẻ được, họ còn bảo em, con lớn ngồng cứ “úm” thì nó không thể trưởng thành, nó lớn khắc “tự bơi”. Em chẳng còn ai chia sẻ. 

Thu Trang (TP.HCM)

Không ít du học sinh đang bị kẹt ở nước sở tại. Ảnh minh họa
Không ít du học sinh đang bị kẹt ở nước sở tại. Ảnh minh họa


Thu Trang thân mến,
Cũng là một người mẹ, đầu tiên tôi chia sẻ nỗi lo lắng với em. Chắc chắn đại dịch COVID-19 này không phải chỉ mình em mà... cả thế giới lo. Ở trong nước cũng lo lắm, dù hoàn cảnh đỡ hơn do phòng, chống thắng lợi bước đầu.

Bây giờ nhiều nước đang lo “đợt sóng thứ hai” và báo chí nước ngoài đã có nơi dùng từ bi quan “sống chung với... chết chóc”. Do có một số nơi chủ quan coi thường, còn chống lại các biện pháp của chính phủ nước họ.

Không lo sao được. Nhưng chỉ có cách “lo tích cực” thôi, không thể hoảng loạn hay héo mòn. Không trở thành “lẩm cẩm yếu đuối”, hay chí ít đừng để chồng cảm thấy vậy. Thế giới đang chạy đua tìm thuốc chữa và vắc-xin phòng ngừa dịch. Các chính phủ vừa lo “làm phẳng đường cong của dịch bệnh”, vừa lo “làm phẳng đường cong của suy giảm kinh tế”. Đấy là lo tích cực.

Thôi chỉ nhắc qua nét lớn xã hội, còn dành thời gian để nói về nỗi lo của em. Em lo là đúng, phải khẳng định thế đã. Các bạn và ông xã đều nói đúng, nhưng họ chưa đúng ở chỗ không nhìn thấy em… cũng đúng. Con lớn mấy cũng là con của cha mẹ. Để con được thử thách, phát triển đâu có nghĩa mẹ vô tâm dễ dàng được. Xứ ta có câu: “Mẹ 100 tuổi lo cho con... 80”, còn sống còn lo cho con cháu, đó là truyền thống văn hóa rồi.

Em hãy cứ nghĩ, chồng và các bạn nói thế để trấn an nỗi lo của em, xuất phát từ ý tốt. Mình lo cũng chẳng được, mà hỏi con nhiều quá thì đúng là gây áp lực lớn, khi chính con bên đó vẫn chưa thể trả lời được. Du học chẳng sung sướng gì, ra trường đi tìm việc làm, cạnh tranh xứ người không nơi nương tựa là khổ nhất. Nhưng các bạn trẻ thích thử thách và luôn hy vọng tìm cơ hội. Mình nên ủng hộ con.

Em cứ theo dõi, giúp gì được con thì giúp, với một thái độ vui vẻ, bình tĩnh. Thái độ ấy có khi giúp được con, làm con yên lòng vì có gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc, từ đó con sẽ có thêm sức mạnh vượt qua nghịch cảnh. Nghĩ vậy đi, thay vì nghĩ đến những rủi ro tiêu cực. Sức khỏe của cha mẹ ở quê nhà cũng là niềm vui và sự yên tâm của các con đang “chiến đấu” xa nhà đấy.
Thân chúc em luôn vui mạnh và mọi sự bình an. 

HẠNH DUNG 


Tâm sự cùng Hạnh Dung, xin mời quý vị gửi thư về email: hanhdung@baophunu.org.vn.

Tư vấn tình yêu-hôn nhân-gia đình miễn phí tại tòa soạn, từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

Địa chỉ: 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • đồng lê 10-07-2020 22:48:43

    lúc khó khăn thì nghĩ đến quê hương đất mẹ , khi học thành tài thì đem chất xám của mình đi phục phụ nước sở tại có nhìu ng còn quay lại chê bai đất nước này , 80% du học đem tiền của vn ra nc ngoài học xong ko về phục phụ đất nc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI