Liều multivitamin cho tâm hồn mùa dịch

28/08/2021 - 19:04

PNO - "Chủ nghĩa khắc kỷ - Phong cách sống bản lĩnh và bình thản" của tác giả William B. Irvine không chỉ đưa tư tưởng triết học cổ đại trở lại mà còn có những ứng dụng phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Tuy không phải là trường phái lớn, có ảnh hưởng sâu rộng nhưng nhiều giá trị của chủ nghĩa khắc kỷ vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay. Như tác giả cuốn sách nhận định: “Tuy triết lý này đã lâu đời nhưng ngày nay nó vẫn xứng đáng nhận được sự chú ý của bất kỳ cá nhân nào mong muốn có được một cuộc sống vừa ý nghĩa vừa trọn vẹn”.

Xuất hiện từ khoảng 300 năm trước Công nguyên tại Athens (Hy Lạp) với nhà sáng lập Zeno, chủ nghĩa khắc kỷ lại phát triển mạnh mẽ ở La Mã với các đại diện Seneca, Musonius, Epictetus, Marcus… Trong khi những người cùng thời quan tâm nhiều đến vấn đề vật lý, logic...; các triết gia khắc kỷ lại quan tâm đến cuộc sống con người. Họ tập trung trả lời câu hỏi làm sao để con người có thể sống thanh thản. Đúng như lời triết gia Epicurus: “Lời nói của một triết gia không chữa lành được nỗi đau con người là lời nói rỗng tuếch”. Soi vào chủ nghĩa khắc kỷ, ta dễ dàng nhìn thấy những dấu vết sơ khai của chủ nghĩa nhân văn - hiện sinh hiện đại khi tôn vinh con người làm trung tâm.

Ngoài phần giới thiệu trường phái, tác giả William B. Irvine tập trung khá sâu vào các kỹ thuật, ứng dụng của những nhà khắc kỷ cổ đại. Nổi bật là kỹ thuật tâm lý tưởng tượng tiêu cực. Theo đó, các nhà khắc kỷ khuyên chúng ta nên nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra để từ đó trân trọng những giây phút hiện tại, những điều đang có, cảm thấy mọi thứ dễ chịu hơn. Chi tiết hơn, các triết gia khuyên ta nghĩ về cái chết, sự mất mát tự do, của cải… Ví như ta có thể suy ngẫm về việc ta mất đi người thân một cách bất chợt để từ đó trân trọng hơn người cạnh bên hay nghĩ về những cơn biến động, rằng ta có thể trở thành vô sản sau một đêm để biết đủ với công việc, dành thêm thời gian cho gia đình, cho tình yêu. Thế nhưng, chúng ta cần sáng suốt phân biệt kỹ thuật này với cảm giác lo lắng tiêu cực. 

Ngoài ra, các nhà khắc kỷ còn khuyên chúng ta phải phân biệt được những thứ có thể kiểm soát và những thứ không thể kiểm soát. Ví như ta không thể cứ cầu nguyện hay khăng khăng tin rằng vi-rút biến thể Delta sẽ… “chừa” mình ra vì quãng đời lương thiện trước đó. Thay vì thế, các nhà khắc kỷ khuyên mọi người nên chủ động biến mình thành một pháo đài chống dịch. Lời nguyện cầu thanh thản nổi tiếng của mục sư người Mỹ Reinhold Niebuhr hẳn đã được viết ra với quan điểm này của trường phái khắc kỷ: “Lạy chúa, ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, dũng cảm để thay đổi những điều con có thể và trí tuệ để biết sự khác biệt”. 

Một trong những điều quan trọng của các nhà khắc kỷ là tin vào thuyết định mệnh, nghĩa là chấp nhận những gì định mệnh đã an bài để không đau khổ vì hoàn cảnh không mong muốn. Khi đề cập luận điểm này, tác giả William B. Irvine đã khéo léo diễn giải để mang đến không khí tích cực hơn: chúng ta chỉ nên chấp nhận định mệnh với những gì đã và đang xảy ra vì không thể thay đổi được. Còn với tương lai thì ta nên tích cực thay đổi. Đây chính là một trong những ưu điểm của cuốn sách - không chỉ đơn thuần thuật lại một phong trào triết học cổ đại mà có những nhận định, điều chỉnh hiệu quả. Sách còn có thể giúp bạn rèn các kỹ năng như: tiết chế bản thân, suy ngẫm hằng ngày, cách vượt qua những lời nhạo báng…

Đọc Chủ nghĩa khắc kỷ của William B. Irvine trong những ngày thế giới hỗn loạn vì dịch bệnh, chiến tranh, ta sẽ tìm lại được những giây phút bình an và là dịp chiêm nghiệm, suy ngẫm để tìm đến một lối sống triết học cho riêng mình.

Phạm Đoàn Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI