Liên hoan phim Quốc tế Tromso 2017 ở góc nhìn nữ quyền

26/01/2017 - 20:18

PNO - Năm nay, ngoài những bộ phim “độc lạ” khó xem được ở đâu khác, điều vô cùng ấn tượng nữa của Liên hoan phim Quốc tế Tromso là những biểu hiện nữ quyền ở lễ hội này.

Liên hoan phim Quốc tế Tromso là sự kiện điện ảnh lớn nhất của Na Uy, diễn ra vào tháng 1 hàng năm. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991 với quy mô khiêm tốn, năm nay sự kiện này đã lớn mạnh hơn chục lần, thu hút 60.619 đơn vị và 10.025 cá nhân khắp thế giới đến tham dự. 

Đầu tiên và dễ thấy nhất là sân khấu “toàn nữ” trong lễ khai mạc LHP Tromso 2017. Sau màn biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Phương Bắc, bà Kristin Røymo – Thị trưởng Tromso – gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến hàng chục ngàn khách không quản đường xa đến tham dự LHP Tromso.

Tiếp theo, Bộ trưởng Văn hóa Na Uy, bà Linda Hofstad Helleland, tuyên bố LHP Quốc tế Tromso lần thứ 27 chính thức khai mạc. Bà Martha Otte, Chủ tịch LHP Tromso, giới thiệu khách mời danh dự: Solveig Melkeraaen – nữ đạo diễn phim Cắt lưỡi cá tuyết (Tongue cutters), phim chiếu khai mạc liên hoan.

Như vậy, cả bốn nhân vật chính trên sân khấu khai mạc đều là đại diện phái đẹp, từ bà Bộ trưởng Văn hóa, cho đến Thị trưởng Tromso, Chủ tịch LHP và đạo diễn phim khai mạc. Dẫu biết Na Uy luôn nằm trong top những nước dẫn đầu thế giới về bình đẳng giới, nhưng buổi lễ khai mạc rất “Tây Lương nữ quốc” thế này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Lien hoan phim Quoc te Tromso 2017 o goc nhin nu quyen
Bà Martha Otte, Chủ tịch LHP Tromso và nữ đạo diễn Solveig Melkeraaen (Ảnh: Đặc phái viên của Danet tại Na Uy)

Có được thành quả như vậy không phải là chuyện một sớm một chiều. Năm 1981, bà Gro Harlem Brundtland trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Na Uy. Năm 1986, bà bổ nhiệm một nội các với số lượng nữ bộ trưởng kỉ lục: 8/19. Từ đó về sau, Quốc hội Na Uy luôn hiện diện ít nhất 40% đại diện của phái đẹp. Hiện 3 trong số 7 đảng phái chính của Na Uy có nữ thủ lĩnh. Thủ tướng và 7/17 Bộ trưởng cũng là nữ.

Trong số các đạo diễn có phim trình chiếu ở LHP Tromso 2017, tỉ lệ nữ đạo diễn chiếm chưa tới 20% nhưng lại giành đến 3/7 giải thưởng của LHP, bao gồm cả giải Cực quang (Aurora) danh giá nhất, và giải Khán giả bình chọn – vốn luôn là niềm khao khát của các nhà làm phim.

Khó mà phân loại hay kể cho hết những chân dung phụ nữ được khắc họa trong các bộ phim tham dự liên hoan, vì nó muôn hình vạn trạng. Có thể kể một vài đại diện. Người giấu mặt (Hidden figures, Mỹ) dựa trên câu chuyện có thật về ba phụ nữ gốc Phi được NASA chọn cho nhiệm vụ đưa phi hành gia lên vũ trụ và trở về an toàn. Với trí thông minh tuyệt vời, sự dẻo dai đáng kinh ngạc, họ chính là bộ óc đằng sau thí nghiệm để đời ấy.

Ngoài những khó khăn trong nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ, họ còn phải đối mặt với những định kiến, kì thị nặng nề, nạn phân biệt chủng tộc và trọng nam khinh nữ. Bộ phim giành được 3 đề cử Oscar năm nay cho phim, kịch bản chuyển thể và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Octavia Spencer).

Giữa lằn ranh (In between, Israel) của nữ đạo diễn Maysaloun Hamoud kể chuyện ba cô gái trẻ thuê chung một căn hộ. Sinh hoạt đời thường của ba cô gái ở thành phố giao thoa giữa Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, khi hiện đại va đập kịch liệt với truyền thống, giúp khán giả nhận ra nhiều điều. Tự do, tình yêu và gia đình, chọn bên nào? Bạn sẽ làm gì nếu xã hội phủ nhận quyền được là chính mình của bạn?

Chân dung phụ nữ Hồi giáo còn được khắc họa qua cô bé Sabah trong Câu lạc bộ lướt sóng Gaza (Gaza Surf Club, Đức). Sabah được cha dạy bơi và lướt sóng, nhưng sau đó bé bị cấm chơi môn thể thao yêu thích này, vì nó “không chấp nhận được với một phụ nữ trẻ”. Bibi, nữ chính phim Barakah gặp Barakah (Barakah meets Barakah, Ả Rập Saudi), là một hình mẫu không thể nổi loạn hơn: ngôi sao Instagram, vlogger với đủ tư thế chụp ảnh gợi cảm nhưng che mặt, giữa một xã hội cấm tiệt chuyện nam nữ hẹn hò…

Nhiều bộ phim theo chân những cô bé lớn lên. Trong hoàn cảnh bình thường hay đặc biệt, dường như trở thành phụ nữ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Toni, 11 tuổi, trong Khổ luyện (The Fits, Mỹ, đọạt giải Cực quang) tập môn Quyền anh cùng anh trai, nhưng luôn ước ao gia nhập nhóm nhảy của những cô nàng tuổi teen xinh đẹp. Khi nhập bọn rồi, Toni nhận ra nhiều bạn thường xuyên bị chuột rút, ngất xỉu không rõ nguyên nhân. Khuôn mẫu của xã hội về cái đẹp đã khiến các bé gái phải chịu đựng như vậy. Những hoài nghi và đam mê dịch chuyển dần theo từng bước nhảy của Toni.

Bé Sara, 13 tuổi (Rara, Chile và Argentina), sống cùng em gái, mẹ và người tình đồng tính của bà. Từ gia đình âm thịnh dương triệt tiêu ấy, cô bé lần dò từng bước thận trọng vào thế giới rộng lớn, theo cách riêng của mình. Bé Storm trong phim Luật cho vạn vật (The rules for everything, Na Uy) luôn muốn khám phá mối quan hệ giữa mọi thứ xung quanh, từ nguyên tử cho đến đời sống con người. Thế giới của cô bé 10 tuổi hoàn toàn đảo lộn khi cha cô và người tình chết đột ngột trong một tai nạn giao thông. Storm thiết lập cho mình một hệ thống quy tắc cho phép cô lí giải cái chết của cha.

Hai đại diện của Nhật Bản đều miêu tả tuýp phụ nữ truyền thống, tận tụy với gia đình. Futaba trong Tình thương của mẹ nấu sôi nước tắm (Her love boils bathwater) phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Trong mấy tháng ngắn ngủi còn sống, Futaba cắt đặt mọi chuyện để đảm bảo các con sống tốt khi mình qua đời. Bà tìm người chồng thất lạc trở về, mở lại nhà tắm gia đình làm kế sinh nhai, chuẩn bị cho cô con gái sống tự lập…

Ở góc này của thế giới (In this corner of the world) là phim hoạt hình đầy chất thơ về cuộc đời của Suzu, cô gái sớm phải đối mặt với thế chiến thứ hai. Tuổi thơ của cô được miêu tả như một giấc mơ, chấm dứt khi cô buộc phải lấy chồng năm 18 tuổi. Suzu xa quê, gánh vác giang sơn nhà chồng, ứng phó với những quan hệ phức tạp trong gia đình mới, và nỗ lực đầy tuyệt vọng để duy trì cuộc sống bình thường trong thời chiến.

Tôi không phải bà Bovary (I am not madame Bovary, Trung Quốc) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương châm biếm hệ thống quan liêu quyền thông qua hành trình nhiêu khê của một phụ nữ muốn bỏ chồng. Mỗi khi bị gọi là Phan Kim Liên, cô đáp trả: “Tôi không phải là bà Bovary”. Thủ vai chính phim này là Phạm Băng Băng.

Lien hoan phim Quoc te Tromso 2017 o goc nhin nu quyen
Phạm Băng Băng trong phim Tôi không phải Phan Kim Liên

Những nhân vật nữ ở LHP này, dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, sướng hay khổ, sống ở xứ Hồi giáo hay tự do, đều chung một tính cách: không bao giờ cam chịu số phận. Bà lão Louise trong phim hoạt hình Louise bên bờ biển (Louise by the shore, Pháp và Canada) bị trễ tàu, kẹt lại trên đảo suốt mùa đông. Không nao núng, bà sống như Robinson Crusoe chính hiệu, tự dựng nhà, trồng rau nuôi thân.

Những cô thợ trong Cỗ máy Panamerica (Panamerica Machinery, Mexico) thì làm mọi cách để giữ lại việc làm khi ông chủ đột tử. Ngay cả phản ứng tiêu cực nhất là tự tử như biên tập viên Christine (Christine, Mỹ) cũng là một cách chủ động chấm dứt cuộc sống bế tắc.

LHP Tromso chỉ trao giải cho phim hay nhất, chứ không có giải nam/nữ diễn viên xuất sắc nhất. Vắng bóng thảm đỏ, nên dĩ nhiên không có những minh tinh lộng lẫy diện váy áo hàng hiệu “chặt chém” nhau. Các nữ giám khảo, đạo diễn tham dự lễ bế mạc đều ăn vận giản dị, thoải mái.

Dĩ nhiên, Tromso cũng không có cảnh gái điếm kéo đến tranh thủ tìm khách sộp như Cannes. Những khuôn mặt phụ nữ ở Tromso trong tuần lễ LHP là dân địa phương, du khách, ban tổ chức, đạo diễn, nhà sản xuất, phóng viên, tình nguyện viên… luôn đi như chạy, tất bật luôn tay. Hiếm khi thấy sự xuất hiện của giày cao gót, phấn son cũng thật nhẹ nhàng giản dị, nhưng ai ai cũng tươi tắn, rạng ngời.

Ngoài xem phim, họ còn đi trượt tuyết, leo núi, bất chấp mỗi bước đi là lún trong tuyết đến đầu gối. Ở trong hay ngoài màn ảnh, nguồn năng lượng tích cực của những phụ nữ năng động, luôn tìm thấy giải pháp như tia nắng sưởi ấm ngày đông u ám, gió tuyết mịt mùng.

KẾT QUẢ LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ TROMSO, NA-UY 2017

Giải Nhà phê bình điện ảnh thế giới (FIPRESCI): phim Thi tốt nghiệp (Graduation) của đạo diễn Cristian Mungiu, Rumani.

Giải Don Quijote: phim Hòn đá trái tim (Heartstone) của đạo diễn Guðmundur Arnar Guðmundsson, Iceland.

Giải Hòa bình Na-uy: phim Săn ruồi (Hunting flies) của đạo diễn Izer Aliu, người Na-uy gốc Macedonia.

Giải Cành cọ Tromso: phim Đêm hạ chí (Midsummer night) của đạo diễn Jonas Selberg Augustsén, Thụy Điển.

Giải Đức tin: phim Thuần chủng muôn đời (Forever Pure), hợp tác giữa Israel, Anh và Na-uy, của nữ đạo diễn người Israel gốc Nga Maya Zinshtein.

Giải Khán giả bình chọn: phim Chuyến săn hải cẩu cuối cùng (Sealers – One last hunt) của hai nữ đạo diễn nước chủ nhà Trude Berge Ottersen và Gry Elisabeth Mortensen.

Giải Cực quang (Aurora): phim Khổ luyện (The fits) của nữ đạo diễn Mỹ Anna Rose Holmer.

Thi Diên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI