Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM: Còn đó nỗi niềm

19/04/2019 - 12:36

PNO - Sau 3 ngày tranh tài, Liên hoan Đờn ca tài tử giải Hoa sen Vàng TP.HCM năm 2019 sẽ khép lại vào tối 20/4. Điểm mới nhất của liên hoan năm nay là sự xuất hiện của các tài tử là những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Bên cạnh những tên tuổi đã khẳng định vị trí ở lĩnh vực cải lương như NSƯT Lê Tứ, Hà Như, Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thị Luận… Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) năm nay còn có những diễn viên trẻ. Một số ý kiến cho rằng, để những tài tử vốn đến với ĐCTT chỉ bằng đam mê thi tài với những nghệ sĩ chuyên nghiệp, thậm chí đã có danh hiệu NSƯT hoặc đoạt giải cao tại các cuộc thi cải lương là không công bằng.

Thực tế ở các buổi thi, về chất lượng chung, những đơn vị có nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia đa phần có sự dàn dựng chỉn chu, hấp dẫn hơn so với các nhóm ĐCTT chỉ sinh hoạt ở các câu lạc bộ. Nhưng xét về từng giọng ca, cách thể hiện bài bản… không phải nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp nào cũng trội hơn tài tử thực thụ.

Lien hoan Don ca tai tu TP.HCM: Con do noi niem

Ngày xưa, ĐCTT không phải là nghề mưu sinh. Các tài tử đờn, tài tử ca chơi ĐCTT để tìm kiếm khách tri âm, người tri kỷ. Nhưng hiện nay, không ít tài tử đang sống khỏe với tài đờn, ca và được xem như những tài tử chuyên nghiệp. Khi nhu cầu nghe nhìn của công chúng thay đổi, các tài tử và cả ĐCTT phải chuyển hóa để phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên cải lương chuyên nghiệp và những phần dự thi có đầu tư, mang tính chuyên nghiệp cao sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ ĐCTT là hoạt động cây nhà lá vườn, là văn nghệ nghiệp dư.

Một yếu tố tích cực khác: khi nhiều đạo diễn, tác giả cải lương đang ngao ngán với thực trạng nghệ sĩ sợ ca bài bản khó, tự sửa bài ca hoặc xin viết lại vì không thể ca được theo kịch bản gốc… thì việc mở cửa cho nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia liên hoan ĐCTT là một cách để nghệ sĩ chuyên nghiệp được học những bài bản Tổ và có căn cơ về âm nhạc cải lương để làm nghề tốt hơn.

Mải bận tâm chuyện nghiệp dư và chuyên nghiệp, không ít người theo dõi liên hoan ĐCTT đã bỏ qua một điều quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của ĐCTT: hiện tượng một số câu lạc bộ vay mượn tài tử, các tài tử tán loạn dự thi “thuê”. Những lời xì xầm tài tử A là người của Bình Dương, tài tử B của Đồng Nai; quận X, quận Y…  không có phong trào ĐCTT nhưng lại có đội mạnh đi thi, cứ râm ran qua từng buổi thi. Khi có thêm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, cuộc đua thành tích liệu có khiến các đơn vị quay sang “mượn” nghệ sĩ, diễn viên và “quên” việc duy trì sinh hoạt để tìm kiếm, phát hiện và vun bồi tài năng lẫn đam mê cho lớp tài tử kế thừa?

Lien hoan Don ca tai tu TP.HCM: Con do noi niem

“Nên chăng tổ chức hai liên hoan ĐCTT: một dành cho ĐCTT có những yếu tố sáng tạo mới, dành cho cả tài tử lẫn nghệ sĩ, diễn viên cải lương chuyên nghiệp; một giữ nguyên “bản gốc” của ĐCTT - chỉ dành riêng cho các tài tử, đồng thời khuyến khích các câu lạc bộ ĐCTT quận, huyện chăm chút cho phong trào, để không phải vay mượn người đi thi” - tiến sĩ Mai Mỹ Duyên trăn trở. 

Đừng nghĩ tài tử đờn, tài tử ca là những người không chuyên. Trái lại, những tài tử giỏi học hành rất bài bản. Không phải nghệ sĩ nào có danh hiệu hay giọng ca cải lương từng đoạt giải qua các cuộc thi đều có thể ca tài tử, khoan nói đến chuyện ca giỏi. Tài tử giỏi, không cần học vũ đạo nhưng mỗi động tác khi ca ra bộ luôn nhịp nhàng và đủ sức thuyết phục khán giả, vì nó đi từ “tâm”, từ cảm xúc rất thật về nhân vật, câu chuyện trong bài ca. Tôi không nghĩ mình là NSƯT khi đi thi ĐCTT, mà chỉ là một tài tử, xem liên hoan như cơ hội để ôn luyện lại bài bản. ĐCTT có thể thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại, để hấp dẫn công chúng, nhưng những giá trị cốt lõi thì không bao giờ đổi thay.

NSƯT Lê Tứ 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI