Lát cắt thời gian mang hình khuôn mặt

26/01/2018 - 12:00

PNO - Với triển lãm 'Im lặng cho hoa nở' tại Hanoi Studio (diễn ra từ ngày 18-28/1), Vũ Đình Tuấn mang đến 21 bức tranh: vẫn là những khuôn mặt, lúc trực diện, lúc nằm nghiêng, với mây trời, sông nước, côn trùng… trong khu vườn tâm tưởng.

Hoa của miền tâm tưởng

Trong bài (Những vũ công và những gương mặt huyền diệu) trên Asian Art News, tác giả Ian Frindlay viết: “Vũ Đình Tuấn không thích dán nhãn cho nghệ thuật của anh. Anh đơn giản gọi đó là sự tưởng tượng với trung tâm là phần mặt người xoay theo nhiều góc độ. Tuấn tin rằng, mọi thứ trong cuộc sống có thể được tìm thấy qua khuôn mặt của một người. Và đó là nơi tốt nhất để bắt đầu câu chuyện của một cá nhân”.

Lat cat thoi gian mang hinh khuon mat

Hoa nở trong mây 2, tranh lụa Vũ Đình Tuấn

Chẳng thế mà trong vài dòng giới thiệu về Im lặng cho hoa nở, Tuấn viết: “Mây trời, sông nước, nắng, gió, vườn cây, ngày và đêm… tất cả mang hình khuôn mặt. Chỉ là một khuôn mặt với các trạng thái rung cảm của tự nhiên, giao hòa, biến ảo và hỗn mang không đoán định. Nhưng đó là nơi để trú ngụ bình yên”. Đây có lẽ cũng chính là định vị riêng biệt của Vũ Đình Tuấn và ít nhiều ám ảnh anh khi mô-típ khuôn mặt xuất hiện rất nhiều lần trong tranh anh.

Ngoài một số bức vẽ hoa theo mùa, đa phần tranh trong triển lãm được gọi theo tên của chủ đề và đánh số thứ tự. Tuấn diễn tả vẻ đẹp của hoa sen, hoa súng, hoa quỳnh… trong đêm tĩnh mịch. Mỗi hoa mỗi vẻ, sắc màu nhẹ nhàng, yên bình với những dải màu dày, ấm nhưng biến ảo cùng khuôn mặt siêu thực của đêm - “Những khuôn mặt với ánh nhìn vô định. Nhìn hay không nhìn? Những ánh mắt trong veo và minh triết hiện ra sau những chuyển động đầy biến ảo của sắc màu. Những khuôn mặt trong không gian siêu thực của êm dịu buổi sớm bình minh trên sông, trong ánh chạng vạng chiều tà, hay bóng đêm ma mị với hương quỳnh. Những đóa hoa bất ngờ nở bung ở đuôi tóc bồng bềnh... và đám chuồn chuồn, châu chấu, ong, kiến và vũ điệu chim công lạc trong miền hoa bất tận đó”.

Thời khắc thích hợp cho độ lắng tâm tưởng ấy là đêm tĩnh mịch - sự tĩnh lặng không gào thét nhưng đầy suy tư, bộc lộ tâm trạng phức tạp, nhiều khoảng tối. Một số “biểu tượng” cũng xuất hiện trong tranh của Tuấn như những sợi dây thừng, khi thì quấn chặt, khi thắt nút, khi thì buông thõng trên những lọn tóc; chiếc đèn dầu mờ tỏ; những tấm lưới mắt cáo như mạng che mặt, vừa bí ẩn, vừa quyến rũ.

Lat cat thoi gian mang hinh khuon mat
Mùa thu vàng

Hài hòa Đông - Tây

Vũ Đình Tuấn, sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, sau đó học lên thạc sĩ, rồi trở thành thực tập sinh ngành đồ họa tranh in tại Trường cộng đồng Maine - Portland, Hoa Kỳ vào năm 2000.

“Khi tôi sắp thành một giáo viên như tương lai đã định sẵn thì gặp một người thầy chuyên về đồ họa tranh in. Thầy là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi sau này. Thầy khuyến khích tôi theo học đồ họa tranh in, giới thiệu tôi với các họa sĩ quốc tế”.

Phong cách sáng tác của Vũ Đình Tuấn chịu nhiều ảnh hưởng của Lê Mai Khanh, Lê Huy Tiếp, nhưng chính khóa học tại Maine đã khơi mở cho anh về tư duy sáng tạo.

Với kỹ thuật riêng, kết hợp lối vẽ nhuộm màu nhiều lớp như tranh truyền thống để tạo nên những lớp không gian huyền ảo, Vũ Đình Tuấn thấy rằng thông qua các bản tranh in khắc gỗ và tranh lụa, anh có thể tạo ra cái nhìn tươi mới và hấp dẫn hơn về xã hội anh đang sống, đồng thời đặt ra những câu hỏi mà tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ rung động trước đời sống không phải lúc nào cũng bình yên, về các mối quan hệ, thế giới của những giấc mơ và ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại lai.

Nói như nhà phê bình Bùi Như Hương: “Ở anh có sự tiếp thu một cách cởi mở và hữu hiệu những ảnh hưởng nghệ thuật từ Đông sang Tây, từ thẩm mỹ hiện đại cho đến mỹ cảm đương đại, để từ đó tìm ra cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng mang bản sắc cá nhân”. 

Lat cat thoi gian mang hinh khuon mat
Im lặng cho hoa nở 1

 

Vũ Đình Tuấn trả lời Ian Frindlay (tạp chí Asian Art News)

Tại Hoa Kỳ, chúng tôi không học về kỹ thuật mà học cách làm việc với những ý tưởng mới, những thử nghiệm. Tác phẩm của tôi được mang ra phân tích, góp ý. Hai câu hỏi lớn nhất tôi phải đối mặt là: “Tại sao bạn lại muốn làm điều đó?” và “Điều bạn đang làm có nét tương đồng như thế nào với nghệ thuật của Trung Hoa?”. Chúng buộc tôi phải tìm tòi, nghiên cứu sâu về văn hóa bản địa để tìm ra những nét độc đáo và đặc trưng riêng.

Lê Phan 

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của Hanoi Studio, bài phê bình triển lãm Cuộc sống tươi đẹp của Bùi Như Hương, bài viết của Ian Frindlay trên tạp chí Asian Art News tháng 9-10/2013.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI