Làng gốm Bàu Trúc hôm nay

05/09/2013 - 16:09

PNO - PNO - Khi mùa du lịch vào giai đoạn cao điểm, cũng là lúc làng gốm Bàu Trúc rộn ràng hơn lúc nào hết. Các đơn hàng từ khắp nơi đổ về khiến dân làng mừng vui, hớn hở. Người dân Bàu Trúc đang thật sự ăn nên làm ra và có cuộc sống...

edf40wrjww2tblPage:Content

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 15km, là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo.

Khác với những làng nghề truyền thống, cổ xưa khác, làng gốm Bàu Trúc rất khang trang và hiện đại. Những con đường làng được trải nhựa bê tông, những căn nhà mái ngói đỏ tươi, những cửa hàng và cơ sở sản xuất luôn rộn ràng khách thập phương ra vào.

Lang gom Bau Truc hom nay

Đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu truyền thống, văn hóa và lịch sử của làng gốm Bàu Trúc là nghệ nhân Đàng Thị Lực. Bà là một trong 3 nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc sau nghệ nhân Đàng Thị Gia và Đàng Xem. Bà Lực cho biết, những năm trước, gia đình bà chỉ làm những sản phẩm truyền thống là đồ gốm gia dụng. Lúc ấy, cả làng chỉ có vài gia đình theo nghề. Sau đó, nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của tỉnh, huyện, gia đình bà Lực là một trong những hộ chuyển hướng sang làm gốm mỹ nghệ. Chính sự phối hợp giữa phương pháp làm gốm truyền thống độc đáo của người Chăm với các sản phẩm gốm mỹ nghệ hiện đại đã mang đến thành công cho gia đình bà cũng như nhiều hộ khác trong làng. Làng nghề Bàu Trúc từ chỗ đối mặt với nguy cơ "xóa sổ" đã trở thành một làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước. Gốm Bàu Trúc được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. 

Lang gom Bau Truc hom nay

Gốm Bàu Trúc được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới

Theo nghệ nhân Lực, làng gốm Bàu Trúc có hơn 400 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc Chăm, trong đó hơn 80% hộ làm nghề gốm truyền thống. Nghề làm gốm ở đây đã có từ rất lâu đời. “Bàu Trúc có tên gốc Chăm là Paley HamuTrok, nghĩa là “làng trũng”, nhô ra cuối triền sông. Nghề làm gốm do ông Pôklông Chanh khởi tạo từ ngàn xưa, ông là một trong những vị tổ sư của nghề gốm từ thời xa xưa và được dân làng giữ gìn nghề đến ngày nay” - bà Lực nói.

Người Chăm ở làng gốm Bàu Trúc có cách làm gốm rất đặc biệt. Nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ nhất định. Nét duyên nữa của gốm Bàu Trúc nằm trong kỹ thuật chế tác. Để định dạng gốm, thay vì dùng bàn xoay, thợ gốm Bàu Trúc dùng hòn kê. Người thợ đi vòng quanh hòn kê để tạo dáng gốm, đồng thời sử dụng bàn dập vỗ cho thành gốm thêm chắc... Lao động thủ công vất vả, năng suất thấp nhưng lại tạo hình đẹp cho ra sản phẩm gốm độc đáo: Không sản phẩm nào giống hệt sản phẩm nào. Bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm "ấm bàn tay con người" nhất, với đặc trưng riêng, đậm nét văn hóa Chăm, không lẫn với gốm nơi khác.

Lang gom Bau Truc hom nay

Công đoạn nhồi đất để làm gốm thủ công 

Cả làng no ấm từ một chính sách đúng đắn

Ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề thông qua việc dạy lớp trẻ làm gốm có từ rất sớm ở Bàu Trúc. Người dân làng nghề không ngừng tìm tòi và nâng cao chất lượng và kỹ thuật nung, để tạo ra những sản phẩm gốm đẹp và dễ tiếp cận thị trường hơn. Tuy nhiên, sự chuyển mình mạnh mẽ của làng nghề theo cụ Lực đến từ chính sách phát triển thương hiệu, khai thác du lịch hết sức bài bản của Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận.

Ông Trương Văn Tận-Bí thư chi bộ làng gốm Bàu Trúc, cho biết: "Năm 2011, với mục đích giữ gìn và nâng cao gía trị thương hiệu làng nghề, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Đề án "Chiến lược marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc, giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020", với tổng kinh phí 26,3 tỷ đồng. Mục đích của dự án nhằm tiếp thị gốm mỹ nghệ; thành lập trung tâm trưng bày và kinh doanh sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ du lịch; hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình; đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu...Cùng với sự sáng tạo đổi mới mẫu mã sản phẩm, chuyển hướng từ sản xuất hàng gia dụng sang hàng mỹ nghệ, tác động của dự án đã giúp làng gốm Bàu Trúc thoát nghèo, vươn lên làm giàu".

Từ cách làm căn cơ, bài bản mang tính bền vững và đầy táo bạo trên mà hiện nay, sản phẩm Bàu Trúc sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, mang lại thu nhập đáng kể cho dân làng. Bình quân thu nhập mỗi ngày công lao động ở Bàu Trúc từ 60.000đ - 70.000đ, mỗi hộ thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay, chỉ riêng xuất khẩu ra nước ngoài, mỗi năm làng gốm Bàu Trúc xuất khoảng 50.000 sản phẩm. Sản phẩm bán trong nước, cho du khách cao gấp nhiều lần. Tỉ lệ gia đình có ti vi, xe máy đạt trên 80%; số lượng nam, nữ thanh niên theo nghề gốm truyền thống ngày càng đông (trên 40%). Đường xá trong làng đã được bê tông hóa, nhiều con em của làng thi đỗ đại học và đạt thành tích cao trong các kỳ thi. 

Lang gom Bau Truc hom nay

Du khách có thể học làm gốm ở Bàu Trúc 

Một vòng tham quan làng gốm, đến bất cứ cơ sở gốm nào, chúng tôi đều cảm nhận được điểm chung, đó là niềm đam mê với nghề gốm truyền thống của cha ông. Ông Đàng Xem, người được dân làng xem là “báu vật” của làng, chia sẻ: "Xưa nay, chỉ có phụ nữ Chăm mới làm gốm, tôi “lấn sân” và là ngoại lệ khi trở thành một trong 3 nghệ nhân, nắm vững các kỹ thuật làm gốm truyền thống từ ngàn xưa của làng".

Đưa đôi bàn tay nhẹ nhàng uốn nắn những đường cong trên phù điêu vũ nữ Apsara, ông Đàng Xem kể: “Dù cũng biết làm nghề gốm từ nhỏ, nhưng tôi không nghĩ sẽ theo nghề này. Một phần cũng vì mưu sinh, dần dà tôi bị cuốn hút vào đất. Tôi hạnh phúc khi làm ra một tác phẩm gốm, hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình được khách hàng yêu thích. Chính nhờ nghề gốm gia truyền này mà gia đình tôi trở nên khá giả có của ăn của để".

Cũng như nghệ nhân Đàng Xem, gia đình anh Thạch Văn Lương- một người trẻ đang theo nghề gốm cũng có cuộc sống khá giả, ấm no hơn từ chính khói rơm, đất mẹ làng nghề. Anh tâm sự: Ngày trước gốm làm ra chủ yếu để dùng và trao đổi thức ăn với các thương lái trong vùng, dần dà do sự phát triển của du lịch, du khách đến làng nghề nhiều hơn nên gia đình tôi chuyển hướng sang làm gốm mỹ nghệ. Tuy công phu, nỗ lực cao hơn, nhưng sản phẩm bán ra có giá trị hơn. Vì vậy, cả làng ai cũng vui và không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mã mới. Cuộc sống gia đình tôi với 2 con nhỏ 2 năm qua đỡ cực hơn khi thu nhập mỗi tháng trên dưới 8 triệu đồng".

Nhìn sự phồn thịnh của làng nghề hôm nay, tận mắt chứng kiến đời sống no ấm của người dân trong không khí hăng say lao động và sáng tạo, chúng tôi tin rằng ánh lửa lò nung với tình yêu và khát vọng vẫn luôn bừng cháy ở nơi này.
 

ANH NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI