Lâm Xuân Thi - Luôn ý tứ để tránh tổn thương

17/05/2020 - 06:15

PNO - Anh bảo anh không nhớ chính xác lần đầu tham gia các chương trình xã hội từ thiện của Báo Phụ Nữ TPHCM từ khi nào. Anh không nhớ cũng phải, với tư cách là chủ doanh nghiệp, mục tiêu hàng đầu cần nhớ của anh là sản xuất hàng và phải bán được hàng mình sản xuất. Những chuyện khác để cấp khác quan tâm.

Công ty Thời trang và Xe đạp Martin 107 (gọi tắt là Martin 107) ra đời năm 1982, nhưng chính thức nâng cấp thành công ty từ ngày 1/11/2003. 

Tháng 8/2004, Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức chương trình học bổng “Vì nữ sinh nghèo, hiếu học” lần thứ 14 (năm học 2004-2005) với 178 suất, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Chúng tôi gửi thư ngỏ đến anh Lâm Xuân Thi. Năm đó, ông chủ Martin 107… rụt rè ủng hộ chương trình 5 triệu đồng (10 suất).

Ông Lâm Xuân Thi, người có gần 20 năm  đồng hành cùng các chương trình từ thiện  xã hội của Báo Phụ Nữ TP.HCM
Anh Lâm Xuân Thi, người có gần 20 năm đồng hành cùng các chương trình từ thiện xã hội của Báo Phụ Nữ TP.HCM

Có thể, anh Lâm Xuân Thi không nhớ nhưng những người làm chương trình học bổng xem đó là một cột mốc ghi dấu cho ngày sinh của Martin 107 và là năm mà Martin 107 trở thành bạn đồng hành liên tục cùng các hoạt động an sinh xã hội do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức cho đến hôm nay, với số tiền chung tay ủng hộ năm sau luôn cao hơn năm trước. 

Ông chủ Martin 107 là người khá đặc biệt. Trên trang Facebook cá nhân, ít ai thấy bóng dáng của một chủ doanh nghiệp bận rộn với doanh số công ty, căng thẳng với với cơ chế thị trường. Trên “dòng thời gian”, dễ thấy anh là một người con hiếu đễ, người chồng mẫu mực, là người bạn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn. Quá nửa trên dòng trạng thái đó là thơ. Số ít còn lại là những đoạn ngắn nói về một tình huống xử lý hỗ trợ cộng đồng nào đó, vừa chân thành vừa tránh xúc phạm người đang cần hỗ trợ.

Hoặc thỉnh thoảng là một vài lời kiểm điểm định kỳ, mang tính… "phê và tự phê": "Hôm qua có một chuyện lxt (Lâm Xuân Thi) thấy vui. Một bạn trên Facebook xin hỗ trợ 5 triệu làm từ thiện xã hội. Bạn hỏi: 5 triệu có được không anh? Mình trả lời tặng luôn 10 triệu. Thấy bạn vui và cảm ơn. Thực tình mình nên cảm ơn bạn mới đúng. Cảm ơn bạn đã tạo cho mình những cơ hội để cùng giúp đỡ người khác.

Bởi đôi khi mình cũng không hoàn toàn có đủ thì giờ nghĩ đến và thực hiện. Hoặc có suy nghĩ thì cũng không biết làm như thế nào và ở đâu, cho chu đáo được như bạn. Xin cảm ơn những người bạn đang làm từ thiện xã hội. Ai đi cùng với họ rồi mới thấy. Vất vả lo toan, gói ghém từng chút quà, đường xa bờ bụi, tháng ngày mưa nắng gian truân. Mình cảm ơn bạn đúng hơn là bạn cảm ơn mình…".

Thời kinh tế thị trường, người ta hay nói thị trường là chiến trường, doanh nhân là những chiến sĩ. Thị trường xe đạp ngày càng khó khăn, khiến người ta dễ hình dung ông chủ Martin 107 chắc phải là người khó đăm đăm, dễ quạu quọ. Nhưng khi trò chuyện trực tiếp thì anh lại là một người nhỏ nhẹ rất “kim chỉ thêu thùa”, luôn hết sức tránh những từ có thể làm tổn thương người đối diện.

Riêng việc chung tay đồng hành với Báo Phụ Nữ TPHCM gần 20 năm qua, có thể thấy sự “ý tứ để tránh tổn thương” của anh là không thể phủ nhận. Trong những lần nhận được sự ủng hộ của Martin 107 cho các chương trình xã hội từ thiện, những người thực hiện mong muốn nhận được sự đóng góp cụ thể, giám sát chặt chẽ hiệu quả việc ủng hộ từ anh, anh luôn nhẹ nhàng: “Tôi biết, muốn thực hiện một chương trình, ban tổ chức phải lo nhiều thứ, chứ không phải khỏe như doanh nghiệp, chỉ việc đưa tiền rồi thôi”. 

“Học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ TPHCM là một chương trình hay, thiết thực. Bản thân các bé gái luôn kèm theo một sự thiệt thòi so với bạn nam đồng trang lứa. Báo Phụ Nữ TPHCM không làm chương trình này, thì không biết ai có thể làm”, anh Lâm Xuân Thi, thổ lộ.

Gần 20 năm đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TPHCM, hàng năm Martin 107 ủng hộ các chương trình an sinh cộng đồng của Báo Phụ Nữ TPHCM hai lần. Một lần cho chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó vào trước mùa tựu trường và một lần vào dịp tết cổ truyền, trước ngày đưa ông táo.

Hiện nay, mức ủng hộ bằng tiền mặt cho chương trình học bổng của Martin 107 đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm ban đầu, còn hiện vật - xe đạp thì gần như không giới hạn, hễ ở đâu có các nữ sinh cần xe đạp, chúng tôi đề xuất, chưa bao giờ Martin 107 chối từ. 

Từ năm 2015, khi triển khai chương trình Biên cương xanh, ngoài các suất học bổng trên địa bàn 24 quận huyện thuộc TPHCM như thông lệ, Báo Phụ Nữ TPHCM còn dành thêm 150 suất học bổng dành cho nữ sinh hiếu học khu vực 10 tỉnh biên giới giáp Vương quốc Campuchia. Năm 2016, Báo Phụ Nữ TPHCM trao tặng 30 suất học bổng nữ sinh hiếu học vượt khó khu vực 5 huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh. Ngoài tiền mặt (1,5 triệu đồng/suất), còn tặng thêm 6 chiếc xe đạp cho các trường hợp cần thiết. Khi khảo sát thực tế, mới biết cả 30 trường hợp nhận học bổng đều cần xe đạp, liên hệ với Martin 107 để mua giảm giá cho đủ yêu cầu. Bất ngờ, Martin đã tặng luôn 30 chiếc (2,7 triệu đồng/chiếc).

Ngày trao những chiếc xe đạp xinh xắn, nghĩa tình và chất lượng cao này, nhiều phụ huynh có mặt trong buổi trao học bổng đã phải thốt lên: “Đến già như tụi tui, còn mơ chưa được chiếc xe đạp tốt như vậy!”.

Có lần, tặng cho chương trình học bổng 50 triệu đồng như thông lệ, nhưng ngay sau đó, anh lại gọi điện ngỏ ý muốn gửi thêm một số tiền tương tự. Anh bảo: năm nào, Martin cũng ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện của báo hai lần. Thôi, năm nay ủng hộ một lần với số tiền gấp đôi, để ban tổ chức muốn chi cho chương trình nào cũng được, không cần “báo lại” chương trình này bao nhiêu, chương trình kia bao nhiêu”.

Nói là vậy nhưng đến những ngày cận Tết, Martin 107 vẫn tiếp tục chuyển đến quỹ xã hội từ thiện một số tiền đủ để gửi đến 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có được một cái tết cổ truyền đầm ấm. 

Tháng 8/1991, Báo Phụ Nữ TPHCM chính thức khởi động chương trình học bổng mang tên “Vì nữ sinh nghèo vượt khó” lần thứ nhất năm học 1991-1992 trao 61 suất học bổng đầu tiên dành cho các nữ sinh các cấp phổ thông với tổng trị giá 27.450.000 đồng (450.000 đồng/suất). Năm học 2004-2005, số nữ sinh phổ thông được nhận học bổng này đã tăng gấp 3 lần (168 suất, 500.000 đồng/suất). Số tiền cần để hỗ trợ cho các em cũng tăng cao, nên ngoài các cá nhân, đơn vị “truyền thống” của chương trình, những người làm chương trình cũng đã gửi thư ngỏ đến các đơn vị tiềm năng.

Năm đó, lần đầu tiên, Martin 107 cũng chính thức đồng hành cùng các chương trình xã hội từ thiện của Báo Phụ Nữ TPHCM.

Hễ ở đâu có các nữ sinh cần xe đạp, Báo Phụ Nữ TP.HCM đề xuất, chưa bao giờ Martin 107 chối từ
Hễ ở đâu có các nữ sinh cần xe đạp, Báo Phụ Nữ TPHCM đề xuất, chưa bao giờ Martin 107 chối từ

Sau gần 20 năm thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TPHCM, hơn 8.000 suất học bổng đã được trao, giờ hỏi Lâm Xuân Thi có nhớ duyên nợ đầu tiên khi chung tay với Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện các chương trình xã hội không, anh bảo anh không nhớ chính xác lần đầu tham gia là khi nào nhưng có một kỷ niệm anh mãi không quên:

“Trong lần tham dự chương trình được tổ chức tại hội trường UBND quận 3, khi được mời lên nói với các nữ sinh mấy lời, tôi đã nói rằng: mong các em ráng học giỏi để có việc làm và kiếm được tiền. Kiếm được tiền trước là giúp mình, sau là giúp gia đình. Giúp mình thì không phải nhờ người khác hỗ trợ mà còn có thể hỗ trợ ngược lại các hoàn cảnh khó khăn như mình đã từng trải qua. Còn giúp gia đình, hiểu cách nào đó cũng là một cách trả hiếu”. 

Thực tế, mấy lời nhắn nhủ ngắn ngủi đó đã được rất nhiều nữ sinh biến thành hành động.

“Lúc 15 tuổi, bố không còn bên cạnh gia đình. Khó khăn ngày một chồng chất với mẹ và hai chị em tôi. Tôi trăn trở, phải làm gì để mẹ và em không phải sống khổ? Lựa chọn cuối cùng là phải vượt qua nghịch cảnh để học tập. Đó là lựa chọn bền vững nhất. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, tôi tìm được việc làm với công việc chuyên viên tài chính cho một công ty nước ngoài, thu nhập ổn định”, Nguyễn Thị Thanh Tú, cô nữ sinh đã nhiều năm liền nhận học bổng Báo Phụ Nữ TPHCM đã nói như vậy. 

Tôi còn nhớ trong phát biểu của bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, tại buổi trao học bổng lần thứ 29, rằng: “Chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ TPHCM là một nhịp cầu kết nối ân tình - sự chung tay của xã hội với giấc mơ, khát vọng về tương lai của các em. Là trách nhiệm với xã hội trong sự nâng bước, giúp lan tỏa tinh thần cộng đồng;

29 năm xuyên suốt, với con số hơn 10 tỷ đồng được quy thành hơn 8.000 suất học bổng, đã tiếp lửa cho khát khao được đi học của hàng ngàn nữ sinh, chương trình học bổng của Báo Phụ Nữ TPHCM đang chuẩn bị chuyển tiếp một giai đoạn mới, phù hợp với thực tế mới của xã hội”.

Kết quả có được này, tất nhiên là nhờ sự tiếp sức liên tục của rất nhiều cá nhân, tổ chức, và không thể không nhắc đến cái tên Lâm Xuân Thi - ông chủ Martin 107. 

Nguyễn Thiện

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Diễm 17-05-2020 15:51:18

    Tôi được nhận xe đạp của bác Thi trao tặng khi học lớp 11 tại trường Lê Quý Đôn năm 1999. Giờ đây dắt con đi mua xe đạp tôi vẫn chọn mua Martin. Rất trân quý tấm lòng của bác Thi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI