Làm sao để giá hàng nữ trang bán lại không bị bắt chẹt?

25/05/2023 - 06:15

PNO - Lấy lý do “vàng không đủ tuổi”, các tiệm vàng luôn thu mua vàng nữ trang với giá thấp hơn giá bán ra từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/sản phẩm. Do đó, cách tốt nhất là mua ở đâu thì bán lại ở đó.

Lỗ nặng khi bán lại vàng nữ trang

Chị Thùy (quận 3, TPHCM) kể, cách đây 3 năm, chị mua đôi bông tai của một thương hiệu trang sức lớn với giá gần 6 triệu đồng. Mới đây, khi chị bán lại đôi bông tai này, nhân viên công ty nói, do chị làm mất hóa đơn nên căn cứ vào trọng lượng cân trên máy, công ty sẽ mua vào với giá 3,5 triệu đồng. 

Khi chị Thùy thắc mắc tại sao công ty không kiểm tra lại hóa đơn điện tử để biết trọng lượng và giá lúc bán ra, nhân viên công ty mới trích xuất hóa đơn điện tử trên hệ thống và điều chỉnh giá mua lại là 4,2 triệu đồng, bằng 70% giá bán ra. “Giá vàng liên tục tăng nhưng không ngờ khi bán lại vàng trang sức đã mua, lại lỗ nhiều như vậy” - chị Thùy nói. 

Khi mua vàng trang sức, người mua lưu ý xem kỹ hóa đơn ghi có đúng hàm lượng vàng được đóng dấu trên sản phẩm hay không và khi bán thì nên bán lại ở nơi đã mua (ảnh chụp ở một cửa hàng vàng tại quận Bình Tân)
Khi mua vàng trang sức, người mua lưu ý xem kỹ hóa đơn ghi có đúng hàm lượng vàng được đóng dấu trên sản phẩm hay không và khi bán thì nên bán lại ở nơi đã mua (ảnh chụp ở một cửa hàng vàng tại quận Bình Tân)

Cách đây 1 tuần, chị Linh (quận Bình Tân, TPHCM) đem chiếc nhẫn có ghi trên hóa đơn là “vàng 18K” đến một cửa hàng trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân để bán. Chủ cửa hàng cho biết, hóa đơn ghi vàng 18K nhưng thực tế, chiếc nhẫn này được làm bằng vàng 16K nên sẽ mua vào với giá 3 triệu đồng, thấp hơn 1 triệu đồng so với giá mà chị Linh đã mua. 

Mua ở đâu, nên bán lại ở đó

Về việc khách luôn bị lỗ khi bán lại vàng nữ trang đã mua, chuyên gia vàng Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) - lý giải, khi mua vào, hầu hết tiệm vàng đều khấu trừ tiền công, mức độ hao hụt nguyên vật liệu khi chế tác (phải phá bỏ đá khi lấy vàng). 

Theo ông, hiện nay, vàng được phân thành nhiều tuổi. Vàng 24K (4 số 9 hoặc 3 số 9) có hàm lượng vàng 99,99%, gọi là vàng 10 tuổi; vàng 22K có hàm lượng vàng 91,67%, gọi là vàng 9 tuổi 17; vàng 21K có hàm lượng vàng là 87,50%, gọi là vàng 8 tuổi 75; vàng 18K có hàm lượng vàng 75%, gọi là vàng 7 tuổi 5; vàng 16K có 68% vàng, gọi là vàng 6 tuổi 8; vàng 14K có 58,33% vàng, gọi là vàng 5 tuổi 83; vàng 10K có 41,67% vàng, gọi là vàng 4 tuổi 17; vàng 9K có 37,50% vàng, gọi là vàng 3 tuổi 75; vàng 8K có 33,33% vàng, gọi là vàng 3 tuổi 33. 

Ông Trần Thanh Hải nói, vàng càng nhỏ tuổi thì tạp chất càng nhiều, giá thu vào càng thấp; chỉ có vàng 24K được mua vào đúng giá nhưng cũng bị trừ một phần tiền công: “Với vàng trang sức 18K trở xuống, các công ty vàng thường quy định giá thu vào bằng 30 - 50% giá trị thực tế”. 

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM - cho hay, khi bán vàng trang sức, một số công ty tính giá bao gồm hàm lượng vàng, công chế tác, công thiết kế mẫu mã chứ không chỉ tính theo hàm lượng vàng trong sản phẩm; khi mua vào, họ cũng tính theo cách trên và khấu hao 30 - 40%. Do vậy, giá vàng trên thị trường có lên, giá do công ty mua vào vẫn không tăng. 

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Thông tư 16/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm khi công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Nhưng cho đến nay, không có quy định nào về giá bán; giá là do doanh nghiệp tự quyết định dựa trên độ bóng, độ sáng, tính kỹ thuật, mỹ thuật của mỗi sản phẩm. 

Cũng theo ông, nhìn chung, chất lượng vàng trên thị trường là chuẩn. Nhưng tại sao có tình trạng hóa đơn của cửa hàng A ghi là vàng 18K (75% vàng), khách đem bán ở cửa hàng B thì cửa hàng B kiểm tra ra sản phẩm chỉ có 61% vàng (gọi là vàng 610)? Ông Nguyễn Văn Dưng khẳng định, 99% sản phẩm vàng trang sức trên thị trường chỉ có 61% vàng, còn lại là các kim loại pha trộn. Nếu trên hóa đơn ghi hàm lượng vàng 75% thì khách nên đem sản phẩm đến cửa hàng đã ghi hóa đơn để được mua lại đúng giá. 

Ông khuyên: “Khi mua vàng trang sức, khách hàng cần xem hàm lượng vàng in trên sản phẩm là bao nhiêu, có khớp với hàm lượng vàng ghi trên hóa đơn hay không. Tốt nhất là mua ở đâu thì nên bán lại ở đó để không bị bắt chẹt về giá”. Ông cho hay, có tình trạng trên sản phẩm đóng dấu số 68 (vàng 16K) nhưng trên hóa đơn lại ghi vàng 18K và bán theo mức giá vàng 18K nhưng khi mua lại của khách, cửa hàng lại dựa vào dấu 68 trên sản phẩm chứ không dựa vào hóa đơn. 

Một thợ bạc lâu năm ở TPHCM còn cho biết thêm, ở một số tỉnh, thành, vẫn còn tình trạng hàm lượng vàng thực tế thấp hơn số tuổi đóng trên sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm vàng trang sức được đóng dấu 7,5 tuổi (vàng 18K) nhưng qua kiểm tra, chỉ đạt 3-5 tuổi (vàng 8K-10K). 

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI