Làm giàu trên lưng người khác

08/03/2013 - 15:44

PNO - PN - Vụ ồn ào của báo Năng lượng mới (Petrotimes) và trang tập hợp thông tin tự động baomoi đã làm bùng lên câu chuyện kéo dài nhiều năm qua - quyền của các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và sự va chạm lợi ích kinh tế,...

Theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, một doanh nghiệp khi thiết lập trang thông tin điện tử không được phép hoạt động báo chí - không được sản xuất tin, bài. Bất chấp các quy định này, nhiều doanh nghiệp, với giấy phép trang thông tin điện tử vẫn hoạt động báo chí với đầy đủ các chức danh thư ký tòa soạn, biên tập viên, phóng viên. Các “phóng viên” của các trang “báo mạng” khi tiếp xúc cơ sở cũng đều tự xưng là phóng viên, lấy tin, viết bài, đưa sang biên tập, xuất bản...

Bởi không phải là cơ quan báo chí, không có sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản, nhiều trang mạng đã “tự tung tự tác” trong hoạt động đến mức không chỉ người trong nghề mà cả độc giả cũng phản ứng. Cơ quan chức năng vào cuộc. Một số trang bị xử phạt. Những trang khác lập tức “rút kinh nghiệm” - núp bóng các báo chính thức để tiếp tục vận hành, tiếp tục ném vô tội vạ “thông tin” vào độc giả.

Trong cuộc cạnh tranh giành độc giả (giành lượng truy cập làm cơ sở thu phí quảng cáo), nhiều trang đã chọn cách sao chép, xào bài của các báo mà không cần có sự đồng ý của các cơ quan báo chí này như luật định.

Lý lẽ đầy vô lý vẫn thường xuyên được mang ra biện minh cho động tác vi phạm bản quyền này là: “bài hay mới sao chép” và rằng nạn nhân “phải cảm thấy tự hào vì đã được sao chép”, rằng nạn nhân thậm chí “phải cảm ơn” những đơn vị đã “chôm” tài sản của mình “vì được quảng cáo miễn phí”.

Lam giau tren lung nguoi khac

Ở cấp độ cao hơn, nghiêm trọng hơn của vụ việc, một số trang đã được lập trình để lấy tin, bài tự động, gần như lập tức từ các báo mà baomoi là một điển hình. Theo thừa nhận của đơn vị này, họ lấy tin từ 150 báo điện tử, trang thông tin điện tử, trong đó chỉ mới xin phép khoảng 1/10. Một bài báo sau khi được xuất bản ở trang gốc, chỉ từ 3 - 10 phút sau đã có trên baomoi. Giải thích cho sự ngang nhiên của mình, đại diện baomoi cho rằng họ chỉ lấy tiêu đề, chapeau (lời dẫn) chứ không lấy toàn bộ nội dung và khi độc giả bấm vào các liên kết trên baomoi đều được trả về cho trang tin gốc. Thoạt nghe, chuyện có vẻ nhỏ bởi khá giống với cách làm của những trang thông tin tổng hợp lớn của thế giới, kiểu như Google News. Nhưng, ngay cả Google News hiện cũng đang phải đối diện với sự phản đối, khiếu kiện của các nghiệp đoàn báo chí nhiều quốc gia, bởi lẽ, việc một độc giả truy cập vào trang trung gian (như Google News hay baomoi) trước khi vào trang tin gốc so với việc độc giả truy cập thẳng vào trang tin gốc không có sự khác biệt về lợi ích đối với trang tin gốc. Sự khác biệt chỉ nằm ở việc các trang tổng hợp tin có được lượng truy cập (nhờ lấy tin đa dạng, tốc độ từ nhiều nguồn), nhờ đó thu được tiền quảng cáo. Trên bảng xếp hạng các website được truy cập nhiều nhất Việt Nam, baomoi hiện đứng ở vị trí thứ 13 nhờ vào hơn 28,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, giúp họ báo giá quảng cáo trên web của mình với mức 25 triệu đồng mỗi tuần đối với một banner trên trang chủ - những con số trong mơ đối với nhiều tờ báo chính thức đang phải oằn vai gánh đủ loại chi phí nhân sự, nhuận bút, hệ thống mạng... “Điển hình lao động giỏi” của baomoi đã được nhân rộng. Hàng loạt trang khác như xaluan, tinmoi, xalo cũng sao chép, “tổng hợp thông tin” và mặc sức làm giàu. Thậm chí, các trang vừa nêu không chỉ dẫn tựa bài và tiêu đề mà lấy luôn toàn bộ nội dung - biến tài sản của người khác thành sản phẩm kinh doanh của mình, bất chấp thiệt hại đối với các nạn nhân.

Phản ứng của các nghiệp đoàn báo chí Bỉ, Brazil, Pháp... đã buộc đại gia Google nhượng bộ, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận. Mới đây nhất, Google phải đồng ý chi 72 triệu USD mỗi năm cho nghiệp đoàn báo chí Bỉ để được tiếp tục dẫn tiêu đề, lời dẫn của các báo Bỉ trên hệ thống Google News - điều baomoi vẫn chưa hề làm đối với rất nhiều trang bị họ sao chép bất hợp pháp. Mà, có thể mong đợi điều đó không khi mà ngay cả động tác tử tế đơn giản là xin phép trước họ cũng chưa làm?

Lam giau tren lung nguoi khac

Sòng phẳng mà nói, làng báo Việt Nam đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng sao chép lẫn nhau và trong hầu hết trường hợp các báo đều im lặng, cho qua vì “họ cóp của mình, mình cũng cóp của họ”. Tuy nhiên việc sao chép có chọn lọc giữa các báo không xảy ra quá thường xuyên, liên tục, càng không phải là “lấy sạch”, “lấy ngay lập tức” mà phải qua bước thẩm định dựa trên quan điểm của mỗi báo. Một số cơ quan báo chí còn chủ động đàm phán với nhau, thỏa thuận cho phép sao chép nội dung của nhau với những điều khoản ràng buộc cụ thể.

Sẽ không ai chấp nhận được lý lẽ “vì ông sao chép của người khác nên tôi cũng lấy của ông”. Việc lấy tài sản của người khác để sử dụng mà không xin phép đã là trái pháp luật về sở hữu trí tuệ. Mang tài sản ấy ra kinh doanh, làm giàu cho mình càng là chuyện không hề nhỏ. Petrotimes đang được chào đón để đàm phán với baomoi (cái baomoi lẽ ra phải làm từ lâu). Còn những nơi vẫn đang từng ngày, từng giờ bị baomoi xâm phạm quyền lợi thì sao?

PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI