“Lách” qua điểm hở để về từ vùng dịch, lương tâm của các cá nhân ở đâu?

09/03/2020 - 07:26

PNO - Cảnh chen chân làm tờ khai y tế ở các cửa khẩu cùng dòng người qua nước thứ ba để “lách” vào Việt Nam cho thấy, việc kiểm soát COVID-19 tại các cửa khẩu hiện đang bị nhiều người ý thức kém lợi dụng.

 

Khách nhập cảnh khai báo y tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đầu tháng Hai - ảnh: Giang Huy
Khách nhập cảnh khai báo y tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đầu tháng Hai - ảnh: Giang Huy

“Lách” cách ly
Nhớ lại chuyện ngày 1/2 bị ách lại ở sân bay Cao Hùng (Đài Loan), chị T. Vân (Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Lúc cao điểm dịch COVID-19, tôi đang trên máy bay chờ cất cánh về nước thì nghe công ty du lịch thông báo Việt Nam không tiếp nhận các chuyến bay của Vietjet từ Đài Loan. Tôi sốt ruột lên Facebook than thở làm sao về nhà? Lập tức tôi được một số bạn bè bày mẹo đi đường vòng”.

Cách đi vòng chị Vân được bạn bè có kinh nghiệm chỉ dẫn là: mua vé bay qua nước thứ ba như Singapore hoặc Nhật, sau đó nối chuyến về Việt Nam, tốn tiền một chút nhưng “bảo đảm thành công”. 

Tuy nhiên, ba tiếng sau khi lên Facebook “xin mẹo”, chính sách tiếp nhận chuyến bay thay đổi, chị Vân từ Cao Hùng về thẳng Tân Sơn Nhất, không phải khai báo hay trải qua bất cứ biện pháp nghiệp vụ nào. Chị nói, hóa ra có những lỗ hổng chết người với người về từ vùng dịch: có thể dùng mưu mẹo để “lách” mà đi. Giả sử chị đã tiếp xúc với người Trung Quốc đâu đó, chị hoàn toàn có thể “tha” virus bệnh về nước. 

Tháng trước, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên phải họp rút kinh nghiệm về trường hợp “lách” về nước của một cô gái. Ngày 9/2, cô gái quê Quảng Nam di chuyển từ một sân bay Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trót lọt qua con đường quá cảnh Thái Lan. Không một biện pháp giám sát y tế tại sân bay Đà Nẵng ngoài chiếc máy đo thân nhiệt hồng ngoại cho thân nhiệt bình thường, và rồi cô ấy đường hoàng có mặt tại địa phương. 

Thật may, cô gái này âm tính với COVID-19, một ca hú hồn cho Quảng Nam, và cũng khiến nhiều tỉnh thành khác giật mình. Nhưng không lâu sau, một cô dâu Hàn ở Sóng Thần (Bình Dương) livestream khoe việc “dùng não” qua mặt được cả hải quan lẫn cơ quan kiểm dịch cửa khẩu, khi chỉ cần khai báo điểm xuất phát là một sân bay chưa có dịch ở Hàn Quốc.  

Các con số gần đây cũng dồn dập cho thấy, luồng nhập cảnh theo lối “nước thứ ba” này rất nhộn nhịp. Riêng ngày 3/3, có gần 500 hành khách quốc tịch Trung Quốc đổ xuống sân bay Tân Sơn Nhất từ nước thứ ba như Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Singapore… Dù rằng họ khai đã rời Trung Quốc trên 14 ngày, tức đã qua thời gian ủ bệnh nguy hiểm, nhưng Sở Y tế TPHCM vẫn cho rằng không loại trừ khả năng những người tiềm ẩn nguy cơ. Với thời gian 14 ngày trên tờ khai, khó mà đảm bảo thời gian đó khách không tiếp xúc với đối tượng nguy cơ cao. Ngoài ra, cũng không thể biết biện pháp giám sát, cách ly tại nước thứ ba có chặt chẽ và đáng tin hay không.

Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị khử trùng tiêu độc tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Ngày 5/3, Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị khử trùng, tiêu độc tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế

Cũng chưa ai quên bản tin đáng giật mình khi chiếc xe 16 chỗ biển kiểm soát Quảng Ninh đưa bốn khách Trung Quốc vào Đà Nẵng trốn dịch. Vượt qua rất nhiều tỉnh thành, tới tận khi xe dừng ăn tối trên địa bàn Thừa Thiên - Huế ngày 4/3, những người này mới bị phát hiện. Cả bốn người Trung Quốc đều qua biên giới bất hợp pháp, nên không hề có dấu nhập cảnh trên hộ chiếu. Đây là minh chứng cụ thể cho những lỗ hổng trong việc chốt chặn, kiểm tra biên giới.

Quá tải khai y tế tại các cửa khẩu

Nhìn cảnh chen chúc làm thủ tục tại cửa khẩu Mộc Bài, điểm đón du khách từ Campuchia lớn nhất hiện hay, có thể thấy nơi này đang quá tải. Đại diện Cơ quan kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho biết, hằng ngày cửa khẩu Mộc Bài tiếp nhận khoảng 2.000 du khách nhập cảnh có hộ chiếu. Ngoài ra là số lượng khổng lồ dân địa phương hai nước qua lại. 

Hiện Campuchia không còn là vùng an toàn về dịch, do đã có ca dương tính đầu tiên liên quan tới vị du khách Nhật dương tính COVID-19 từng quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất. Từ 0g ngày 7/3, Mộc Bài cũng như toàn bộ các cửa khẩu khác buộc khách nhập cảnh từ/từng đi qua EU và Campuchia thực hiện tờ khai y tế. Khách sẽ tự điền thông tin (hành trình, địa chỉ, số điện thoại, tình trạng sức khỏe...) vào tờ khai trên phần mềm điện tử, và được lưu vào cơ sở dữ liệu giúp cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất khi cần thiết. 

Trên mẫu khai báo y tế, khách phải cho biết 14 ngày qua đã ở đâu, để lại phương tiện liên lạc tại điểm đến. Trước khi áp dụng tờ khai y tế với khách nhập cảnh từ EU và Campuchia, Việt Nam đã áp dụng tờ khai y tế với khách nhập cảnh từ Iran, Hàn Quốc, Ý... 

Tới trưa 8/3, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM cho biết khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất đã thực hiện 20.000 bản khai báo. 

Tuy vậy, có thể thấy việc khai báo y tế chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của khách. Sẽ có nhiều khó khăn nếu khách đã di chuyển qua các vùng biên không cần mộc nhập cảnh và cố tình không khai báo trung thực. Sẽ ra sao nếu khách cố tình “lách” như cô gái Quảng Nam và cô gái Bình Dương, hay mới nhất là trường hợp khai báo không trung thực của bệnh nhân số 17? Việc các địa phương đang hụt hơi đuổi theo và phân loại F1, F2, F3 các đối tượng tiếp xúc với các nhóm du khách trên chuyến bay từ London có ca bệnh số 17 cho thấy: lần theo dấu vết ai đó sau khi xác định được họ có liên quan các ca nhiễm sẽ muộn màng và hoàn toàn bị động.

Hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài ngày 7/3 (Ảnh: TTX)
Hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài ngày 7/3 (Ảnh: TTX)

Khi chưa có các chính sách chặt chẽ và hiệu quả hơn, chỉ còn trông chờ vào sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm và lương tâm của mỗi cá nhân. 

Chiều tối 8/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định. Từ sáng 10/3, mọi người Việt Nam phải thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân trên toàn quốc.

Hoàng Hương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • tiếp bước cha anh 09-03-2020 09:14:25

    Cần khai báo y tế những người vn và nước ngoài về Việt Nam. Ai khai báo gian dối, né tránh, bỏ trốn cách ly cần khởi tố hình sự rồi quăng ra đảo tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI